Sán lá gan đục lỗ chui ra từ ngực và khớp gối - Tin Nóng

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011
Tin Nóng - bacsi.com:
  • Thứ bảy, 02 Tháng 8 2008 00:42
Những con sán sau khi "tạm trú" trong cơ thể người đã đục lỗ chui ra ngực hay khớp gối không phải là chuyện hiếm nữa. Thói quen ăn các loại rau sống là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiễm loại sán nguy hiểm này.

Đục lỗ ung thư... chui ra con sán

PGS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên phó trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW, chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng trường ĐH Y Hà Nội cho tôi xem toàn bộ hình ảnh con sán và hồ sơ ghi lại hành trình hoạt động hơn 7 tháng của con sán trên cơ thể của bệnh nhân Nguyễn Thị Hậu, (sinh năm 1957) ở Đội 3, xã Tiến Hóa, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Bình.

Giữa tháng 2/2005, chị Hậu thấy xuất hiện đau vùng thượng vị (cảm giác đau âm ỉ), 1 tháng sau xuất hiện sốt có nóng và rét, thường tăng lên về chiều tối. Bệnh nhân đến Bệnh viện huyện Quảng Trạch khám, siêu âm và được chuẩn đoán là sán lá gan. Sau đó chị được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế điều trị 2 tháng, các triệu chứng có giảm nhưng không hết.

Bệnh về gan chưa hết, đến giữa tháng 4/2005, chị phát hiện một khối u dưới da ngực trái, đôi khi còn thấy có vật gì di động trong khối u. 1 tháng sau, khối u dần dần xẹp xuống nhưng lại xuất hiện khối u dưới da ngực phải, lúc đầu có đường nối giữa 2 u, sau đó đường này biến mất... Bệnh viện tuyến tỉnh không chẩn đoán được, chị chuyển ra Bệnh viện Việt Đức Hà Nội điều trị một thời gian và về nhà tự dùng thuốc.

Giữa tháng 10/2005, bên vú phải của chị Hậu triệu trứng sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ và có triệu chứng toàn thân sốt có rét có. Chị Hậu đến Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Quảng Bình khám và được chẩn đoán áp xe vú phải. Trong thời gian này Bệnh viện đã chọc dò 2 lần cách nhau 1 tuần để hút dịch nhưng đều không có dịch, chỉ có ít máu.

Sau chọc dò lần hai 1 tuần (1/12/2005) xuất hiện 1 sán chui ra từ lỗ chọc dò có kích thước 1x2cm, cử động khỏe. Sau khi sán chui ra 1 ngày, bệnh nhân hết triệu chứng và nằm theo dõi tiếp 4 ngày, ra viện ngày 5/12/2005.

Sau hơn 1 tháng ra viện (12/01/2006) kiểm tra lại bệnh nhân hoàn toàn bình thường, ăn ngủ tốt, chỉ còn lại vết tím tại vùng ổ áp xe vú, còn dấu vết u dưới da ngực trái (A) và dấu vết lỗ chui ra của sán bên vú phải (B).

TS Đề kể, trường hợp thứ hai do một đồng nghiệp, tại TPHCM phát hiện, Chị T. (40 tuổi ở Gia Lai) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sợ mỡ, đau thượng vị và hạ sườn phải, không sốt. Sau đó xuất hiện khối u thượng vị - ngực phải điều trị kháng sinh đỡ phù nề, nhưng về sau lại xuất hiện mụn to mọng nước như nốt bỏng ở ngực phải bằng hạt lạc thành đường ngoằn nghèo gẫy khúc mỗi ngày dài thêm 3 - 4 cm và thấy đau.

Kết quả siêu âm gan thì thấy phân thùy gan trái có nhiều tổn thương nang nhỏ 73x51mm. Nghi ngờ đây là tổn thương của ký sinh trùng, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật theo đường tổn thương (rộng 4,5mm có nhiều chấm đỏ). Đào theo "đoạn đường hầm" dài 23,6cm trên ngực bệnh nhân thì chỉ thấy có một nốt đậm màu. Khi lôi ra, đó là một sán lá gan dài 21mm rộng 5mm, đang có trứng.

Hai chị em cùng mang một bệnh

Anh Lê Văn Hải, bố cháu Lê Thanh Hoài (11 tuổi ở Thanh Oai, Hà Tây) nhớ lại, từ trước Tết nguyên đán năm 2002, tự dưng gia đình thấy Hoài thường kêu mỏi mệt và chán ăn, thỉnh thoảng em lại sốt, trướng bụng, vàng da... gia đình lo sợ đưa em đi khám và điều trị bệnh viện huyện và tỉnh nhưng không khỏi. Tháng 5/2002, em đau hạ sườn phải kèm theo sốt 390C, nên gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám và được chuẩn đoán là áp xe gan. Sau đó, em được chuyển Bệnh Viện Nhi Trung ương.

Trong hồ sơ tại bệnh viện ghi: Từ tháng 6 - 7/2002 bệnh nhân sốt liên tục từ 38 - 39,50C. Bệnh nhân sụt 12kg trong 2 tháng. Chụp CT gan có 2 ổ áp xe, mỗi ổ có kích thước 2,5x4cm... Dù đã được điều trị tích cực các loại thuốc đặc hiệu, liều cao song bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Cuối cùng, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật 2 lần cắt toàn bộ hai khối áp xe và một phân thuỳ gan. Sau tháng điều trị tích cực, Hoài được ra viện về nhà sử dụng thuốc Đông y.

Chưa được bao lâu, nợ vẫn chưa trả hết, tháng 8/2002, Hoài phải tiếp tục nhập viện Nhi với triệu chứng sưng, nóng, đỏ đau vùng khớp gối. Tại đây các bác sĩ chuẩn đoán em bị viêm khớp và chuyển Bệnh viện E điều trị. Đang trong thời gian nằm điều trị tại Bệnh Viện E, khoảng 1 tháng, một hôm Hoài cảm thấy chỗ sưng đau bứt rứt không yên, thỉnh thoảng đau nhói và sau đó xuất hiện một sán lá gan chui ra từ khớp gối. Sán có kích thước 1,5 x 2,5 cm màu đỏ hồng. Các bác sĩ đã xác định, đây là loài Fasciola gigantica.

PGS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên phó trưởng khoa ký sinh trùng, Viện ký sinh trùng - sốt rét trung ương cho biết: Sau cuộc hội chuẩn giữa các bệnh viện, hội đồng quyết định để Hoài dùng một liều duy nhất thuốc điều trị sán lá gan. Sau đó cả khớp gối và gan của Hoài đều không thấy đau nữa. Tuy nhiên, điều làm các bác sĩ vẫn băn khoăn là không rõ trong các lần mổ trước, khi cắt khối u và một phần thuỳ gan không rõ con sán có nằm trong khối u hay di chuyển đi chỗ khác nên Hoài vẫn không khỏi. Cũng có khả năng trong người của Hoài có tới 2 -3 con, nên khi lấy u, sán vẫn chưa hết mới chui ra từ khớp gối.

4 năm sau, chị gái Hoài lại xuất hiện các triệu chứng tương tự người em trước đó đau hạ sườn phải, đau tức vùng gan và sốt... Gia đình đã nhanh chóng đưa con tới Viện ký sinh trùng khám. Kết quả chụp phim cho thấy, khối u to 4x5cm, nhưng các xét nghiệm cho thấy có biểu hiện của sán lá gan và ra viện 1 tuần sau đó. 1 tháng sau, kiểm tra lại khối u của em hoàn toàn biến mất.

18 tháng tuổi đã có thể bị bệnh

Theo TS Đề, sán là gan không phải là bệnh mới, bệnh có ở hầu hết các tỉnh thành. Từ năm 2004 đến nay, các bệnh nhân được phát hiện liên tục với trên 4.585 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân trẻ nhất là 18 tháng tuổi. Bệnh rất khó chẩn đoán bởi khi ấu trùng xuyên qua thành ruột gây xuất huyết và viêm, các tổn thương có thể gây triệu chứng không rõ rệt.

Loài sán này chủ yếu là ký sinh ở động vật ăn cỏ như trâu, bò cừu, lạc đà... và có thể ký sinh gây bệnh ở người. Sán ký sinh trong hệ thống gan, mật, chúng đẻ trứng theo dịch mật xuống ruột và theo phân ra ngoài môi trường. Ở ngoài môi trường, trứng sán rơi xuống nước, nở ấu trùng lông chui vào ống thích hợp (ốc Lymnae - loài ốc không có nắp) phát triển thành ấu trùng đuôi bơi tự do trong nước và bám vào rau có thuỷ sinh.

Hiện nay, những người hay ăn sống thực vật thuỷ sinh như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống nước, rau cần hay uống nước lã có ấu trùng... sẽ bị nhiễm bệnh. Khi ăn phải ấu trùng sán lá gan lớn vào đường tiêu hoá, sau 1 giờ, ấu trùng thoát kén và xuyên vào gan và đến gan vào ngày thứ 6 và nằm trong nhu mô gan gây những ổ hoại tử lớn.

Nếu vật chủ thích hợp, chúng có thể tồn tại ở người từ 9 - 13,5 năm. Nhưng nếu người chưa là vật chủ thích hợp, sán non còn di chuyển xuống đại tràng hoặc ra thành ngực hoặc đến tuyến vú hoặc chui ra khớp gối (đã gặp ở Việt Nam). Thế giới cũng đã ghi nhận những trường hợp sán chui cả xuống buồng trứng, tinh hoàn, màng phổi...

Dễ nhầm ung thư gan

Theo PGS.TS Đề, hầu hết bệnh nhân bị sán là gan đều được chẩn đoán nhầm là ung thư gan hoặc áp xe gan do amíp, do Toxocara, do Gnathostoma... Tổn thương gan do sán lá gan lớn dưới hình ảnh siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính gan hầu hết chuẩn đoán nhầm là u gan hay áp xe gan... "Rất nhiều bệnh nhân tìm tới Viện sốt rét và ký sinh trùng TƯ với tâm trạng "coi như đã hết", thậm chí đã có bệnh nhân trả về, gia đình chuẩn bị lo hậu sự, cuối cùng lại khỏi bệnh khi điều trị sán...", TS Đề khẳng định.

Các chuyên gia cho biết, sán lá gan lớn là bệnh khó phát hiện, chỉ có 5% người mắc bệnh có trứng trong phân. Vì vậy phương pháp xét nghiệm chủ yếu là phản ứng miễn dịch, xét nghiệm công thức máu (tăng bạch cầu ái toan). Ngoài ra, có thể sử dụng một số chẩn đoán hỗ trợ như X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hướng từ... chỉ sau 24 giờ là xác định được. Nếu được phát hiện, việc điều trị khá dễ dàng, bởi có thuốc điều trị khỏi bệnh (đạt 100%).

PGS.TS Đề nhấn mạnh, bệnh sán lá gan lớn gây nên những triệu chứng cấp tính rầm rộ như sốt. Đề phòng bệnh, theo các chuyên gia, tuyệt đối không nên ăn rau sống thuỷ sinh bởi ấu trùng sán thường nằm trong cọng lá, không thể rửa sạch. Không uống nước lã và diệt mầm bệnh trên súc vật bằng cách tẩy sán lá gan lớn định kỳ cho trâu, bò.

BACSI.com (Theo PL)



vietbao.vn
Thứ sáu, 19 Tháng mười 2007, 16:26 GMT+7

Chết vì ăn thịt sống

Chet vi an thit song
Đôi mắt mở to nhưng bệnh nhân Nguyễn Xuân Tình không còn nhìn được nữa.

Mỗi ngày ông Bái lên cơn co giật 5-8 lần, mắt mũi trợn ngược, mồm méo xệch không nói được. Ông bị xơ cứng vành mạch tim, được chẩn đoán có nhiều nang sán dưới da, có ổ bị vôi hóa nằm ở đỉnh đầu trái dài 4cm, rộng 3cm.

Người bệnh đến khám, điều trị các bệnh sán tại Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương không hề thuyên giảm mặc cho các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo rầm rộ tình trạng ăn rau sống (rau thuỷ sinh) và ăn thịt lợn, thịt bò sống bị nhiễm sán lá gan lớn, ấu trùng sán lợn và sán dây bò.

Trường hợp đáng tiếc đã xảy ra với ông Ngô Tấn Xuân, 57 tuổi, ở Bắc Giang. Bác sĩ Đoàn Hạnh Nguyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương nuối tiếc vì bệnh nhân này chết do bị suy nhược chứ không phải chết do nhiễm bệnh ấu trùng sán lợn.

Nguồn cơn đưa ông Xuân đến với cái chết cũng hết sức thương tâm. Ông có thói quen ăn nem thính (thịt lợn sống trộn thính) và không may ăn phải con lợn bị bệnh lợn gạo. Bị nhiễm ấu trùng sán lợn nhưng không có biểu hiện bệnh.

Vài năm trước ông thấy đầu đau dữ dội, mắt mờ đi mới đến bệnh viện nhưng tìm mãi không ra nguyên nhân. Khi ông được giới thiệu đến Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương thì bệnh đã quá trầm trọng. Điều trị hết đợt thuốc lần 2 nhưng cũng không cứu khỏi đôi mắt cho ông. Ông đã bị mù vĩnh viễn.

Những thông tin đó cộng với nhiều năm đi viện đã khiến ông bị sốc, dẫn đến suy kiệt do không thiết ăn uống. Thấy thể trạng của ông xuống dốc quá nhanh, các Bác sĩ đã chuyển ông đến Viện Lão khoa để điều trị. Sau đó ông về nhà và đã chết vì suy kiệt.

Cùng bị sốc do biết mình nhiễm bệnh và để lại di chứng nặng nề là anh Nguyễn Xuân Tình, ở xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh (Phú Thọ). Gia đình anh đang hết sức khó khăn, vợ anh phải vào viện chăm chồng mấy tháng nay, con phải gửi nhờ hai bên nội ngoại nuôi.

Người đàn ông mới 40 tuổi mà trông già xọm, nước da đen tái. Nâng chồng ngồi dậy, vợ anh kể, anh bị sốc nặng khi hay tin thị lực của mình giảm rõ rệt. Mắt anh giờ đây rất kém, chỉ thấy bóng người loáng thoáng, không nhận rõ mặt vợ. Trông đôi mắt anh Tình mở to, nhưng để vật gì sát bên cạnh, anh cũng khó phân biệt.

Đây là cú sốc nặng nề với một người là trụ cột gia đình như anh. Anh lo cho tương lai của mình và của các con, bởi gia tài giàu có nhất của con người chính là hai con mắt.

Anh Tình kể: "Tôi là thợ xây, những hôm lao động nặng nhọc, anh em thợ hay rủ nhau làm bữa tiết canh. Trong bữa rượu ấy bao giờ chẳng có món nem thính làm bằng thịt lợn sống thái nhỏ, vắt chanh và trộn thính vào rồi ăn. Thế mà chẳng ai ngờ nó lại mang tai họa khủng khiếp đến thế này". Vẻ rầu rĩ hiện rõ trên khuôn mặt tiều tụy của anh Tình.

Biểu hiện bệnh của anh đã có từ năm 2004, khi anh bị lên cơn động kinh đầu tiên. Nhưng cho đó là chứng cảm gió, phong hàn, anh đã chủ quan không đi khám. Thế rồi, tháng 7/2007, anh luôn bị đau đầu dữ dội, mắt cứ mờ dần đi thì anh mới chịu đến Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ.

Tại Bệnh viện này anh đã được chẩn đoán là nhiễm ấu trùng sán lợn (nhiều nang sán nằm ở nhu mô não) và được chuyển xuống Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương.

Ngày 24/9, anh nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, hiện nay anh đang điều trị thuốc đợt hai bằng Anmeragion, đầu bớt đau hơn nhưng thị lực có lẽ khó cứu vãn.

Bác sĩ Đoàn Hạnh Nguyên cho biết, thông thường khi bị nhiễm ấu trùng sán lợn người bệnh không có triệu chứng nên không biết. Chỉ khi bị đau đầu nhiều, có nang dưới da thì mới đến khám. Nhưng nhiều người lại điều trị bệnh nhầm cả chục năm, khi đến đúng địa chỉ đã ở thể vôi hóa (quá muộn) gây bệnh úng tủy, liệt, mù…

Hơn 1 năm nay, các phương tiện thông tin cảnh báo rất nhiều về tình trạng nhiễm sán do ăn sống, uống nước chưa sôi, thế nhưng nhiều người dân vẫn điếc không sợ súng. Có nơi cả làng cùng mê món nem thính làm bằng thịt lợn nạc sống.

Ngay tại Hà Nội, có người là giám đốc, quản lý của khách sạn, nhà hàng cũng nhiễm sán. Tính đến hết tháng 9, đã có 227 bệnh nhân điều trị nội trú vì bệnh sán lá gan lớn và 324 lượt điều trị bệnh ấu trùng sán lợn. Con số này cũng đủ thấy tất cả những cảnh báo, lời khuyên của Bác sĩ đều công cốc.

Tin ông Nguyễn Xuân Bái suýt chết vì bị nhiễm ấu trùng sán lợn đã làm cả làng Đình Tổ, Thuận Thành (Bắc Ninh) tá hỏa. Ba năm trước, đang ngồi chơi bỗng ông Bái ngã lăn xuống đất, thái dương giật đùng đùng khiến gia đình phải khiêng đi bệnh viện. Nhưng hết huyện lên tỉnh, đến TW đều chẩn đoán ông bị tai biến mạch máu não.

Mỗi ngày ông lên cơn co giật 5-8 lần, mắt mũi trợn ngược, mồm méo xệch không nói được. Bệnh nặng đến mức ông bị xơ cứng vành mạch tim. Sau khi chụp cộng hưởng từ, ông được chẩn đoán có nhiều nang sán dưới da, có ổ bị vôi hóa nằm ở đỉnh đầu trái dài 4cm, rộng 3cm.

Sau 6 lần uống thuốc ở Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương mới chỉ hết những nang nhỏ, còn lại vẫn y nguyên. Bác sĩ phải chuyển phác đồ điều trị, đến nay ông đã khoẻ mạnh, tinh thần khoan khoái. "Trải qua cơn thập tử nhất sinh, giờ nhìn thấy món ăn đó tôi hãi lắm. Thật cảm ơn các bác sĩ ở Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương đã cho tôi hồi sinh", ông Bái xúc động khi ngày trở về đoàn tụ với gia đình đang đến gần.

Theo ông Bái, cả làng Đình Tổ cùng thích ăn món nem thính, bản thân ông trước đây cũng rất khoái món này, bữa nào cũng ăn. Chính việc ăn sống này đã khiến ông suýt thiệt mạng, thế nhưng ở làng ông vẫn sử dụng món này như một thứ ẩm thực đặc sản.

Ấu trùng sán lợn là bệnh thường gặp nếu ai hay có thói quen ăn các món làm từ thịt lợn sống. Đây là bệnh khó chữa nhất, tốn kém nhất, điều trị dài nhất và có thể để lại di chứng nặng nề nhất. Đau đầu lên cơn co giật dữ dội là biểu hiện bệnh đã nặng, lúc này ấu trùng đã qua niêm mạc ruột vào máu và đi lên não làm tổ. Nơi ấu trùng sán làm tổ nhiều nhất là mu não, có những nang sán phát triển bằng chiếc chén con.

Bệnh nhân Phạm Văn Yên ở Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Tây) đang làm vườn bị ngất, chụp cộng hưởng từ nhìn rõ một ấu trùng sán to gần bằng ngón tay út nằm trong nhu não. Theo bác sĩ Nguyên, khi ăn phải lợn hoặc bò nhiễm sán, nhưng đã nấu chín (ở độ sôi 100 độ C) thì không bị nhiễm sán. Hãy ăn chín và uống sôi (rau sống phải rửa thật sạch dưới vòi nước chảy, nếu ngâm muối ở nồng độ rau chưa héo thì không có tác dụng), một lần nữa lời khuyên này của thày thuốc cũng không thừa với những ai biết quý tính mạng.

(Theo Công An Nhân Dân)

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn