Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011
Trên cái nền của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nếu không ngoa nói rằng còn có một không gian văn hóa rượu cần thì cũng không có gì qúa đáng. 

Hầu như cộng đồng các dân tộc ở đây đều biết làm và uống rượu cần theo cách thức rất độc đáo của dân tộc mình. Và cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, rượu cần là thức uống quý và phổ biến của các dân tộc thiểu số ở miền tây Quảng Ngãi - nhất là trong cộng đồng dân tộc Hrê.

Rượu cần (người Hrê gọi là cà-rỏ) được làm công phu từ lương thực nuôi sống con người nên bà con rất qúi. Nguyên liệu chính làm rượu cần có thể bằng gạo, bắp (ngô) hoặc khoai mì (sắn)…. Mỗi loại cho một hương vị riêng, nhưng ngon nhất là loại rượu cần được làm từ lúa rẫy.
.
Gắn với làm rượu cần là cách thức làm men truyền thống (người Hrê gọi là bờ-lo). Ngày xưa làm men ủ rượu cần là bí quyết của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Cách thức sử dụng nguyên liệu và pha chế làm men ủ rượu cần truyền thống của từng dân tộc có khác nhau đôi chút, nhưng nhìn chung là đều dùng chất liệu từ những thứ lá, rễ cây tự nhiên trên rừng. Và chỉ loại rượu cần được làm từ men tự chế theo kiểu truyền thống như vậy mới cho được hương vị thơm ngon riêng biệt.      

Đối với người Hrê trước đây, làm rượu cần thường là công việc của người phụ nữ. Để có được chóe rượu cần thơm ngon thì ngoài sử dụng loại nguyên liệu, cách làm men, còn phải có kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người phụ nữ trong gia đình. Và làm rượu cần ngon cũng là một nét đẹp nữ tính của người phụ nữ Hrê. Điều đặc biệt là chóe rượu cần của người Hrê dùng để mời khách bao giờ cũng là choé rượu ngon nhất của gia đình. Điều đó vừa thể hiện sự trân trọng của gia đình tiếp đón khách, nhưng đồng thời người phụ nữ chủ nhà cũng tế nhị muốn giới thiệu với khách về sự khéo léo của mình!

Về nguyên lý cơ bản, làm rượu cần của người Hrê phải qua các công đoạn: Nấu chín nguyên liệu, trải ra cho nguội, trộn đều với men đã được giã nhỏ, ủ qua một đêm rồi cho vào chóe bằng gốm. Khi cho hỗn hợp trên vào choé, bà con thường trộn thêm vỏ trấu (để tạo độ thoáng cho rượu dễ lên men). Chóe rượu được bịt kín miệng bằng lá chuối, để vào nơi râm mát và sau một tháng là có thể uống được, nhưng nếu để càng lâu thì hương vị càng thơm ngon hơn.

Ngày xưa, trong các dịp lễ tế thần linh, ngày hội làng và đón khách của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số miền tây Quảng Ngãi nói chung và của người Hrê nói riêng thường không thể thiếu rượu cần. Vào dịp này, mọi người trong làng quay quần uống rượu cần với nhau thật vui vẻ, cùng nhau chia sẻ việc làng, việc nước. Tính cấu kết cộng đồng thông qua chóe rượu cần vì vậy có ý nghĩa rất cao.

Cách thức uống rượu cần cũng có những nghi lễ riêng. Thường thì chủ nhà mở chóe rượu, dùng những chiếc triêng (cần) làm công phu bằng thân cây dương sỉ cắm sâu xuống đáy chóe rượu (tác dụng như những chiếc ống hút).

Chủ nhà nếm trước rồi nâng cần trao cho khách. Rượu vơi đi châm thêm nước suối vào là có thể dùng tiếp được mà hương vị vẫn đậm đà không hề thay đổi. Khi uống, chủ nhà sẽ cầm ca tiếp nước vào chóe. Nước trong ca rót hết mà không tràn ra ngoài là khách đã uống hết phần rượu của mình, cứ như thế đến lượt người khác, giáp vòng. Trong cái không khí thâm tình vui vẻ khi uống rượu cần, nếu bạn lỡ qúa đà vui say thì cũng không qúa lo ngại, vì như vậy bà con cho là chân thành và càng yêu qúi bạn hơn.

Tháng 3, tháng 4 âm lịch hàng năm, khi hoa gạo nở đỏ rực núi rừng, đồng bào Hrê miền tây Quảng Ngãi bắt đầu ăn Tết truyền thống của dân tộc mình. Vào mùa này, có dịp về với buôn làng, nếu may mắn cùng với con trai con gái và dân làng quay quần uống rượu cần, cùng vui múa hát trong âm vang tiếng ching rộn ràng, sẽ dâng lên trong mỗi chúng ta một cảm nhận rất lạ, rất đặc biệt!

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com Theo YuMe, ảnh internet
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn