Những cung đường phía tây Yên Bái

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011
Yên Bái là một tỉnh thuộc vùng  núi trung du Bắc bộ, địa hình thấp dần từ tây sang đông, với hai hệ thống sông lớn trải dọc trên địa giới tỉnh là sông Hồng và sông Chảy. Nếu có máu lãng du, bạn sẽ thấy những cung đường ở phía tây Yên Bái cũng có sức quyến rũ mê hồn...

Từ Hà Nội, bạn có thể bắt đầu con đường thám hiểm theo quốc lộ 32 qua đèo Khế “trứ danh” dài hàng chục cây số. Do nằm trên một nền địa chất chưa ổn định nên đoạn đường 32 qua đèo Khế quanh năm sạt lở, nếu đi vào ngày mưa thì khá vất vả và mất nhiều thời gian do phải đợi máy ủi san đất thông đường. Tuy nhiên những khó khăn đó không làm dân du lịch “bụi” nao núng, vì sự mời gọi bí ẩn ở phía tây Yên Bái dường như không bao giờ cạn…

Tất cả những điểm đến thú vị được nói tới ở bài viết này đều nằm trên quốc lộ 32 và được nhắc đến theo thứ tự từ gần đến xa.

Suối khoáng bản Hốc

Trung tâm huyện Văn Chấn cách Hà Nội 190km về phía tây tây bắc và thường là nơi dừng chân nghỉ đêm đầu tiên của chặng đường này. Bản Hốc cách Văn Chấn chừng 5km và gần như là nơi nghỉ dưỡng tự nhiên của cả thị trấn.

Thiên nhiên tặng cho bản Hốc một mạch khoáng nóng tuôn trào quanh năm suốt tháng. Tại đây dân địa phương đã cho xây một khu tắm khoáng với chi phí rất rẻ 5.000đồng/lần. Cách đó không xa là một vài căn nhà sàn của người Thái vừa dùng để ở vừa phục vụ khách nghỉ qua đêm với giá 20.000đồng/người.

Nếu muốn tìm những cảm giác bay bổng giữa thiên nhiên thì bạn có thể ra giữa cánh đồng và ngâm mình xuống mạch nước nóng sôi lục bục, xung quanh hơi nước bốc lên mờ ảo như một làn sương mỏng.

Buổi sáng, bạn sẽ bị đánh thức bởi tiếng lục lạc của trâu bò, tiếng trẻ con í ới, tiếng những người phụ nữ Thái tay giỏ tay quai đi làm đồng. Bản Hốc nằm quanh một dòng suối lớn, bên lở là bên có mạch khoáng nóng, bên bồi là những nương ngô, nương lúa, nương rau xanh mướt.

Lòng suối khá rộng, vào mùa lũ nước lên cao có thể làm thay đổi cả dòng chảy. Mùa khô, bà con ở bên lở đều phải lội qua suối men theo một cây cầu đá cuội được xếp ngang dòng để sang bờ bên kia.
Vị ngọt chè tuyết Suối Giàng

Từ thị trấn Văn Chấn rẽ phải đi lên 15km là tới Suối Giàng. Con đường dốc rất dài và độ cao thay đổi đến chóng mặt do Suối Giàng nằm trên một dãy núi có mức cao trung bình trên 1.000 mét.

Con đường làm say mê du khách bởi những khúc quanh như thể cổng trời, những đáy vực sâu hút đầy bí ẩn, xa xa là màu xanh kỳ vỹ của núi rừng. Gió thổi ù ù bên tai, cảm giác đi giữa hoàng hôn, giữa đám cúc dại nở trắng ven đường thực sự ấn tượng và phiêu bồng.

Đến Suối Giàng là đến thăm quê hương xứ sở của loại chè tuyết san nổi tiếng khắp nước. Những gốc chè cổ thụ có dễ đến hàng trăm năm tuổi trải rộng trên sườn núi, chắt chiu những gì tinh túy nhất của đất trời, uống nước khe sâu, hít thở gió trời để dồn cả vị ngọt vào búp chè xanh nõn. Sang xuân độ hơn một tháng, đến Suối Giàng và vào sâu trong núi theo những con đường mòn sẽ gặp cảnh đồng bào Mông, Thái, Dao bắc thang đi hái chè rất đặc biệt.

Ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, du khách đến Suối Giàng còn có cơ hội được khám phá những làng văn hóa của đồng bào dân tộc, tìm về những tiếng khèn, điệu múa, đàn môi đơn sơ mộc mạc hoặc thực hiện những chuyến trekking nhỏ tới các bản làng cách quan lộ nửa ngày đi bộ.

Mắc khén ở Trạm Tấu

Từ Nghĩa Lộ vào Trạm Tấu mất khoảng 1giờ dù quãng đường không quá dài, chừng hơn 30km. Con đường uốn lượn ngoằn ngoèo men theo dòng Ngòi Thia, một bên là vách núi  dựng đứng, bên kia suối là những nương lúa đẹp như tranh vẽ. Đằng sau chiếc cầu vòm Hát Lìu là phố núi Trạm Tấu với những lối mòn cheo leo lưng chừng trời dẫn vào những bản người Thái hoang sơ.

Từ trung tâm huyện đi vào sâu hơn nữa trên con đường độc đạo bám vào vách đá là Bản Mù, Làng Nhì, Phình Hồ, Tà Sì Láng… những địa danh còn rất xa lạ với khách viễn du và là những cung đường hiểm trở đầy thách thức.

Đến Trạm Tấu, bạn đừng quên thưởng thức món măng ớt và thứ gia vị đầu bảng nổi tiếng nhưng không dễ kiếm của người Tây Bắc: mắc khén. Mắc khén là một loại quả giống như quả hồ tiêu ở phía nam, nhưng có vị ngai ngái và cay nồng, thường giã nhỏ và trộn vào muối làm gia vị chấm, hoặc pha tẩm ướp tạo vị khác biệt và độc đáo cho các món nướng, chiên, xào của miền sơn cước.

Nếp Tú Lệ - tẻ Mường Lò

Nằm cách thị trấn Nghĩa Lộ khoảng 40km, Tú Lệ là một thị trấn nhỏ thanh bình với những mái nhà lợp bằng gỗ pơmu nâu sậm màu thời gian. Thung lũng Tú Lệ được 3 dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán dang tay ôm trọn. Một dòng suối uốn lượn chảy giữa lòng thung lũng, hai bên là những cánh đồng trĩu hạt.

Phải đếnTú Lệ vào mùa lúa chín mới thấy hết được vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang. Những cánh đồng đẹp nhất của Tú Lệ, nơi dân chụp ảnh dù chuyên hay không chuyên đi qua đều dừng chân và thỏa sức sáng tạo là cánh đồng cách thị trấn 7km, thung lũng trung tâm Tú Lệ và bản Cao Phạ dưới chân đèo Khau Phạ, cách về phía trên khoảng 30km.

Đến Tú Lệ mà không thưởng thức xôi nếp thì có thể coi như chưa đến Tú Lệ. Chọn một quán nhỏ nằm ngay chợ, bên lề quốc lộ, khách du lịch thường nhâm nhi ly rượu táo mèo - một loại rượu hoa quả nổi tiếng của Yên Bái, hay thưởng thức món cốm nếp thơm mát gói trong lá chuối rừng được người dân tộc Mông bán ngay trước cửa quán.

Câu ca dao nổi tiếng “nếp Tú Lệ” sẽ nhanh chóng khiến du khách phải tấm tắc bởi cái dẻo, thơm và vị ngọt của món xôi nếp, nhất là xôi nếp mới, ăn kèm với thịt lợn bản rang cháy cạnh, hay thịt gà rang gừng. Rời Tú Lệ, ai cũng mang dăm cân gạo nếp hay ghé chợ táo mèo dưới lòng thung lũng mua quà mang về cho người dưới xuôi.

Mù Căng Chải: lúa chín tận trời xanh

Mù Căng Chải cách Tú Lệ chừng 60km bằng một con đường “lúa”. Con đường uốn lượn mềm như một dải lụa vắt ngang qua lưng chừng các ngọn núi. Bên trái là dòng Nậm Kim róc rách chảy, lúc gầm lên hung dữ, lúc êm dịu lững lờ trôi nhưng luôn bám chặt vào chân núi.

Lúa Mù Căng Chải bát ngát, mênh mông đến choáng ngợp. Hai bên lưng núi, dưới lòng thung lũng, từ chân núi lên tận đỉnh trời, đâu đâu cũng thấy những biển lúa rào rạt gợn sóng trong gió chiều. Thấp thoáng những mái nhà diêm cũ kỹ nằm giữa màu xanh của lúa, những tấm áo vá nhiều màu áp mình vào lưng núi.

100km của quốc lộ 32 căng ngang địa phận huyện Mù Căng Chải lên đến tận Than Uyên là con đường đẹp nhất Tây Bắc vào tháng 9 âm lịch hàng năm, khi lúa bắt đầu ửng vàng, thứ màu vàng óng ả và mềm mại.

Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã từng chờ đợi ở La Pán Tẩn hàng tuần để chụp được những bức hình đẹp nhất, ưng ý nhất về mảnh đất sắc màu này.

Nhiều người đã đi Mù Căng Chải một lần, lại muốn quay lại nhiều lần nữa, bởi sau mỗi chuyến đi, những bí ẩn dường như mỗi ngày mỗi khác, không ngừng biến đổi khiến du khách ngỡ ngàng.

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo Dulich Tuoitre, ảnh sưu tầm
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn