Chuyện kể trên đỉnh non thiêng

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012
Đất Ba Vì đón chào chúng tôi với những "đặc sản" vốn rất riêng của mình, là sương mù, nắng nhẹ, những con sông mềm như dải lụa, uốn mình chắt ngọt bồi lên bãi bờ sậm đỏ phù sa, những đỉnh núi cao ngút trời, bạt ngàn cây cối. Ở miền sơn cước này, mỗi tên đất, tên làng, tên rừng, con suối… mới chỉ nghe qua đã rất đỗi thân quen, ngọt ngào và lung linh huyền thoại.

< Những tầng mây giăng trên đỉnh Ba Vì.

Huyền thoại ấy không chỉ gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh mà còn gắn với sự tích về một loài cây mà vua Hùng thứ 16 đã yêu mến lấy tên con gái mình - Mị Ê đặt tên và coi thứ cây đó như là một lễ vật của đất trời, dâng tổ tiên mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Cùng với thời gian, loài cây ngọt ngào ấy được người dân đọc chệch ra mi-ế, rồi thành cây mía như ngày nay.

Huyền thoại và hiện thực

Chuyện còn kể rằng, xưa kia, vua nhà Đường coi núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tới phương Nam (dãy Trường Sơn ngày nay). Để nước Nam không thể phát Vương, vua Đường đã cử một vị tướng kiêm thầy phù thủy nổi tiếng tên là Cao Biền dùng pháp thuật cho đào 100 cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì chấn yểm, hòng triệt long mạch của xứ bản địa. Nhưng cứ đào gần xong cái giếng nào thì giếng ấy sập, nên họ đành phải bỏ cuộc… Và còn nữa, cùng với xứ Đoài xưa, nơi đây vốn là vùng đất địa linh nhân kiệt, dày đặc di tích lịch sử danh thắng, hơn ngàn năm về trước đã gắn với tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc: Đường Lâm - Kẻ Mía, nơi một ấp hai vua: Bố cái Đại vương Phùng Hưng và Tiền Ngô vương Ngô Quyền…

Thật khó để dứt khỏi thứ men say huyền thoại mà vùng đất cổ Ba Vì đem đến. Có phải thế chăng mà thứ men say ấy đã níu bước chân tất cả những ai từng tới đất Ba Vì? Hay vì lẽ cuộc sống thanh bình, mộng mơ, êm đềm với những cung đường uốn lượn mềm như dải lụa xanh thắm níu kéo bước chân người đi?

Và chúng tôi cũng biết để giữ chất men bất tận đó, hơn 90 cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Ba Vì (VQG) thường ngày vẫn thầm lặng với công việc của mình.

Mở bung các cánh cửa phòng khách như để cây lá ùa vào, khoe màu xanh ngút ngàn với khách, khoát một vòng tay rộng như thể diễn tả hết cái vòng cung rộng lớn, yên bình dưới chân núi Tản mà chúng tôi vừa đi qua, anh Đỗ Thanh Hùng, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính VQG Ba Vì khẳng định: "Chính họ, những hộ dân thuộc 16 xã vùng đệm đã giữ cho màu xanh phủ kín hơn 10.814,6ha của VQG".

< Lực lượng kiểm lâm đi tuần rừng.

Được ví như "lá phổi xanh của Thủ đô", VQG Ba Vì có hệ thực vật phong phú, đa dạng. Rất khó có thể tổng hợp được hết số liệu, song những nghiên cứu tại VQG đã ghi nhận ở đây có 812 loài bậc cao, thuộc 99 họ, 472 chi. Trong số đó, một số loài lần đầu tiên được mô tả như cây mỡ Ba Vì, cây cau Ba Vì, cây lưỡi vàng nàng cò Ba Vì và 2 loài đặc hữu là bời lời Ba Vì, cà lồ Ba Vì cùng nhiều loài cây quý hiếm như: bách xanh, thông tre, vù hương, dẻ tùng sọc trắng, lan kim tuyến. Bên cạnh đó, ở VQG Ba Vì đã thống kê được 503 loài cây thuốc và 45 loài động vật quý.

Thời điểm năm 1991, khi Chính phủ có quyết định thành lập rừng cấm quốc gia Ba Vì (nay là VQG Ba Vì), ý thức bảo vệ rừng của bà con các dân tộc Mường, Dao, Kinh ở quanh chân núi chưa hẳn được như bây giờ.

Đây đó vẫn còn xảy ra tình trạng đốt nương, tra hạt, cháy lan vào rừng, lấn đất rừng mở rộng vườn trại, chặt cây rừng mang bán. Thời điểm ấy, cán bộ VQG, đội kiểm lâm tỏa đi khắp các thôn, bản tuyên truyền ngày, đêm cũng không xuể. Nay đã khác rồi, VQG hơn 10 năm qua là điểm sáng của cả nước trong công tác bảo vệ, trồng rừng. Hơn 4.000ha rừng được giao khoán cho các hộ dân trực tiếp bảo vệ, cách tuyên truyền của cán bộ cũng không còn dập khuôn, máy móc như: đọc quy định, quyết định hay công bố các mức phạt như trước. Thay vào đó, cán bộ VQG, lực lượng kiểm lâm của Vườn đã cùng sinh hoạt với dân, cấp kinh phí để từng thôn, bản tự đứng ra tuyên truyền lồng ghép việc bảo vệ rừng trong các buổi sinh hoạt cộng đồng.

Những câu chuyện về rừng, về cách cán bộ VQG trồng cây gây rừng, nghiên cứu, nhân giống, bảo tồn các loại cây đặc hữu quý hiếm, các loài côn trùng, cây thuốc quý… cứ lần lượt nở bung, hồn hậu, sảng khoái theo cách dẫn chuyện của người quen sống gần rừng như anh Hùng cũng là thứ men say khiến chúng tôi khó dứt.

Những công việc thầm lặng

Vượt hơn 10km đường núi quanh co, với những khúc cua tay áo, dốc dựng đứng, vùng không khí loãng ù tai, có những đoạn mây mù giăng kín che khuất tầm nhìn, chúng tôi đến cốt 1.100, đại bản doanh của 5 chàng lính "ngự lâm". Từ đây, vượt thêm gần 1.000 bậc đá, gần một giờ đồng hồ mới lên đến đỉnh Vua. Cảnh núi sông hùng vĩ hiện ra trước mắt. Cả một vùng đồng bằng thấp thoáng trong sương như thiếu nữ e ấp trong chiếc khăn voan giữa buổi chiều gió lạnh. Đỉnh Ba Vì quanh năm mây bao phủ, kể cả mùa hè, khiến nhiệt độ ở đây bao giờ cũng thấp hơn dưới chân núi từ 6-8 độ.

< Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Ba Vì.

Có thời điểm, nhiệt độ xuống đến 0 độ C, băng giá đọng trên những cành cây; còn khi màn đêm buông xuống, nhiệt độ ở mức 2-3 độ C là chuyện bình thường. Độ ẩm ở đây cũng rất cao, làm cho đồ điện tử liên tục bị hỏng, quần áo phơi không khô… Sinh hoạt đời thường ở đây cũng rất khó khăn, vất vả. Hằng ngày phải xuống núi, mua thức ăn, nước uống cách trạm tới 14-15km. Nấu nướng cũng phải kỹ hơn dưới chân núi mới bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trạm kiểm lâm cốt 1.100m của Vườn Quốc gia Ba Vì được thành lập từ năm 1996. Nhiệm vụ chính của trạm là quản lý, bảo vệ gần 1.000ha rừng thuộc phân khu nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Ba Vì, nằm ở độ cao từ 800m trở lên, gồm có 3 ngọn núi cao nhất: đỉnh Vua (cao 1.296m), đỉnh Mẫu (1.227m) và đỉnh Ngọc Hoa (1.131m).

Trước đây, đời sống của người dân còn nghèo, nạn chặt phá rừng, săn bắt trái phép diễn ra nghiêm trọng. Lực lượng kiểm lâm gặp không ít khó khăn trong việc bảo vệ rừng. Nhiều lần trong mưa lạnh, các anh phải đi xuyên rừng, phục cả đêm để rình bắt đối tượng. Đèn pin không dám bật, vì sợ đối tượng phát hiện và bỏ chạy, mà phải dựa nhiều vào kinh nghiệm đi rừng của mình.

Những lần truy đuổi và va chạm với đối tượng phá rừng, nguy hiểm luôn luôn cận kề. Các đối tượng ở đây phần nhiều là bà con nghèo, nhận thức còn kém, nên phải có những biện pháp đấu tranh phù hợp, chủ yếu là giáo dục thuyết phục để bà con hiểu, chấm dứt tình trạng phá rừng. Hiện tại, tình trạng khai thác rừng trái phép ở Vườn Quốc gia Ba Vì gần như không còn. Tuy nhiên, không vì thế mà việc tuần tra canh gác lơi lỏng, Trạm vẫn tiến hành thường xuyên và hầu như tuần nào cũng có 1-2 buổi các kiểm lâm viên của trạm đi tuần tra.

Mỗi lần tuần tra, tổ tuần tra phải đi khoảng 8-10km theo đường rừng. Nhiều chỗ là vực sâu, dốc đứng và rắn, rết trong VQG Ba Vì cũng rất nhiều, đặc biệt là có nhiều loài rắn độc, nếu không cẩn thận, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài công việc bảo vệ rừng, Trạm kiểm lâm cốt 1.100 còn có thêm một nhiệm vụ là trông nom, giữ gìn và hương khói Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Ba Vì, ở độ cao 1.296m. Đây là nét rất riêng của Trạm mà không nơi nào có được. Ngôi Đền thờ Bác Hồ được xây dựng năm 1999, đúng dịp kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Người. Anh Trần Ngọc Chính, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cho biết: "Thực sự công việc này chẳng có anh em nào được đào tạo cả, nhưng tất cả đều làm bằng tình yêu và sự kính trọng của mình đối với Bác".

Trạm thường xuyên cắt cử 2 người cắm chốt ở điểm cao nhất để thay phiên túc trực việc hương khói, giữ gìn cảnh quan môi trường xung quanh khu vực đền thờ và kiêm luôn cả nhiệm vụ "hướng dẫn viên" cho khách thập phương lên dâng hương viếng Bác. Vào những ngày rằm, mồng một, ngày lễ, tết; đặc biệt dịp Tết cổ truyền của dân tộc mọi người thường có mặt để sắm lễ, dâng Bác.

Chia tay những chàng "ngự lâm" trên đỉnh non thiêng, chúng tôi thầm cảm ơn các anh đã nhận phần vất vả, gian khổ về mình. Tin rằng, ở nơi non cao, "nóc nhà" của Thủ đô, các anh đều cảm thấy hạnh phúc, vì được đóng góp sức lực và tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp gìn giữ màu xanh và sự linh thiêng trên đỉnh Ba Vì...

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo Hà Nội Mới, ảnh internet
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn