Cưỡi rùa biển tại quần đảo Hoàng Sa

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012
Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức về những lần ra công tác, nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa với những người lính, nhân viên khí tượng thủy văn, quân y những năm 50 – 70 của thế kỷ XX vẫn còn sáng rõ.

Hoàng Sa hai tiếng thiêng liêng, gần gũi và trường tồn với chủ quyền, trái tim của, phần máu thịt không thể chia lìa của Tổ quốc. Nhân sự kiện UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng) vừa ra mắt, phát hành “Kỷ yếu Hoàng Sa”, Bee.net tìm về với những “nhân chứng sống” của Hoàng Sa một thời...

Hoàng Sa đầy sản vật tôm cá, rùa biển, chim trời… khiến những người công tác tại Hoàng Sa tất bật với đủ thứ “tiêu khiển”. Có lẽ điều được các nhân chứng nhắc nhớ nhiều lần nhất như những kỷ lục của mình chính: săn cá nặng vài chục ký, hai người ngồi lên con rùa biển để được “chở” ra mép nước…

Cưỡi rùa biển, câu cá nặng 15 kg

< Ốc Hoàng Sa, một trong những sản vật ngoài đảo vật được các nhân chứng lưu giữ như kỷ vật.

Ông Nguyễn Văn Đức (trú quận 5, TP. Hồ chí Minh), ra nhận nhiệm vụ đo đạc khí tượng thủy văn ngoài Đảo tháng 10/1969. Ông bảo, cả đời chẳng bao giờ quên những kỷ niệm đẹp ở Hoàng Sa.

"Vui nhất phải kể đến những lần câu cá và đánh bắt giờ rảnh rỗi. Vì là đảo san hô nên nguồn hải sản tại nơi đây rất phong phú. Những đoàn cá vào đây để ăn sinh vật nhỏ tại san hô. Trên đảo mỗi dọc san hô cá mú biển sống rất nhiều. Mỗi ngày một người câu được ít nhất 50 con cá mú biển. Chúng tôi thường ăn không hết, nên phơi khô để làm quà mang vào đất liền…"

Ông Lê Lan (60 tuổi, phường Sơn Phong, TP. Hội An, Quảng Nam) lần ra công tác Hoàng Sa năm 1971 từng câu được con cá khế nặng 15 kg. Ông hào hứng, quần đảo đầy tôm cá, mực mỗi bữa ăn của anh em luôn được đổi món. "Duy chỉ có rau là thuộc hàng “khan hiếm” do thiếu đất và nước ngọt để cấy hái, chăm sóc. Bù lại, những người hậu cần tại đảo có thể thay bằng món rong biển ngon tuyệt…".

Ông Trần Văn Sơn (65 tuổi, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) hồi tưởng lại một đêm trăng sáng đầu năm 1973 ngoài Hoàng Sa.

"Tôi cùng một vài anh em đi rình bắt trứng rùa biển. Có một con rùa rất to hai người đứng trên lưng nó vẫn bò đi được. Khi bò đến mép nước thì hai người mới nhảy xuống. Cho tới bây giờ, tôi chưa từng thấy một con rùa biển lớn như thế - câu chuyện của ông Sơn cứ như "cổ tích".

Thiên đường chốn trần gian

“Hải đảo Hoàng Sa như một dải cát vàng trải dài trong nắng sớm. Nước quanh đảo xanh như mạ non. Từng đợt sóng lăn tăn đuổi nhau vào bờ, tạo nên một không gian thanh bình, yên ả, thơ mộng như chốn thiên đường giữa biển khơi”.

Đó là ký ức chung của những người đã từng đặt chân tới mảnh đất thiêng liêng  này của Tổ quốc. Gần 40 năm trôi qua, nhưng cái ngày được đặt bước chân đầu tiên lên quần đảo Hoàng Sa vẫn hiển hiện trong trí nhớ của ông Trần Hòa (58 tuổi, trú thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam).

Ông Hòa thuộc lứa những người ra đảo những lần cuối cùng. Tháng 10/1973, chàng trai Hòa chưa đầy 20 tuổi, được Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam trao Sự vụ lệnh ra đảo Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho sĩ quan, binh lính thuộc trung đội Hoàng Sa và các nhân viên khí tượng.

Ông Hòa kể, cùng đi lúc đó với ông còn có Y tá trưởng Hồ Ngọc Trai (người ở tỉnh Thừa Thiên – Huế) và một trung đội Hoàng Sa. Tôi lúc đó chưa vướng bận chuyện gia đình riêng, lại sẵn chút máu lãng tử, vốn được nghe về những đội Hoàng Sa từng theo thuyền buồm đạp sóng ra biển nhiều thế kỷ trước nên càng hăm hở.

Chiều, con tàu Hương Giang 404 xuất bến từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) trực chỉ Hoàng Sa. Giống như những lần xuất quân trước, cả tàu chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm cho tháng dài giữ đảo. Tiễn biệt người thân, chiếc tàu Hương Giang 404 lừng lững rẽ sóng. Hôm đó, đúng vào ngày biển động, trời nổi gió to nên tàu vừa ra khơi đã bị từng lớp sóng đánh mạnh vào mạn thuyền.

“Cả đêm mọi người như mất ngủ vì tàu chao đảo dữ. Lần đầu ra đảo cái cảm giác háo hức dần dần bị xâm lấn bởi sự lo lắng. Nhưng rồi, vừa nhìn thấy bóng dáng đảo sau ánh bình minh, ai cũng ôm nhau cười mãn nguyện. Tôi thật sự choáng ngợp và reo lên ôi quê hương ta đẹp biết bao. Toàn cảnh Hoàng Sa như một dải cát vàng lộ thiên giữa biển nước” – ông Hòa nhớ lại.

Ấn tượng đầu tiên về Hoàng Sa của nhân chứng Nguyễn Văn Dữ (59 tuổi, trú phường Thọ Quang, Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) là quần đảo có một bãi cát trải dài như chiếc thảm khổng lồ và sạch đến vô cùng. Từ Hoàng Sa hướng mắt ra bốn phía ngoài thấy một vùng biển xanh mênh mông như ngọc…

Tháng 1/1973, Trung đội của ông Dữ dưới sự chỉ huy của trung úy Đỗ Công Chương nhận Sự vụ lệnh của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam xuống chiến hạm Trần Khánh Dư (Hải quân miền Nam) rời cảng Đà Nẵng ra Hoàng Sa. Bao năm trôi qua, nhưng cái cảm nhận về đảo ngọc yên bình tựa chốn thiên đường vẫn là kỷ niệm riêng có của ông và những người đặt chân đến đảo.

“Hoàng Sa trong tôi những buổi sáng mai hay sau những chiều nhạt nắng, tôi nghe những con sóng thì thầm cùng những làn gió từ biển thổi đến man mát như tiếng của người yêu, em đợi anh về” – ông Dự thổn thức. Ông cười bảo: tôi vốn không giỏi văn chương nhưng ra với Hoàng Sa, tận mắt chứng kiến vẻ đẹp, phong cảnh thơ mộng khiến mình thêm cảm xúc.

"Thời khóa biểu" Hoàng Sa

< Ông Lữ Điều với những tờ nhật ký ghi lại tháng ngày ở Hoàng Sa.

“Ngày đi: 14/10/1969, ngày về: không… Lý do thay quân Hoàng Sa đợt 38” – một phần trong nội dung tờ Sự vụ lệnh số 1445 của Bộ chỉ huy Tiểu khu V (quân lực VNCH), điều động chuẩn úy Nguyễn Văn Đức (quận 5, TP. HCM) ra nhận nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa được UBND huyện đảo Hoàng Sa lưu giữ trong Kỷ yếu Hoàng Sa.

“Không ngày về”, nhưng với những người được nhận nhiệm vụ ngoài đảo thiêng, chẳng ai không hăng hái, hổ hởi với niềm vinh dự, tự hào góp phần vào việc bảo vệ, thực thi chủ quyền của đất nước.

Vị chuẩn úy ngày đó vẫn có nhớ như in, hai giờ chiều ngày 14/10, con tàu HQ 42 khởi hành tại cảng Tiên Sa Đà Nẵng để bắt đầu hải trình đạp sóng đến với Hoàng Sa. Đoàn đi mang theo gạo mắm và thức ăn dự trữ trong vòng 4 tháng và một cặp heo để cúng đảo khi vào và tạ ơn đảo lúc bình yên trở về đất liền. Hải trình kéo dài trên dưới 20 tiếng đồng hồ vượt sóng biển để cập đảo thiêng nhưng không phải lúc nào cũng trời yên, biển lặng.

Ông Đức kể, khi chúng tôi bắt đầu đi, gió lặng sóng êm, nhưng đến tối biển động mạnh. Tàu xa đất liền đến 100km, chao đảo bởi những đợt sóng đánh cao lên 7 – 8m.

Cũng nhận lệnh ra Hoàng Sa năm đó, nhân chứng Nguyễn Văn Thành (68 tuổi, Hương Trà, Thừa Thiên – Huế), kể rành rọt cái ngày lên tàu chuyến đầu tiên năm 1969 để thu thập thông tin, báo cáo về sở chỉ huy trong đất liền những tin tức hàng ngày trên đảo.

“Đoàn ra đảo lúc đó khá đông, khoảng hơn 20 người kể cả 4 nhân viên khí tượng. Chúng tôi tập trung tại Hội An, đi mua sắm vật dụng cá nhân cho mình, mua lương thực, thực phẩm, phục vụ cho đoàn cũng như một số vật nuôi, con giống để ra đảo tăng gia sản xuất như heo, gà, vịt, hạt rau muống, hạt đậu xanh…”. Đến nay, ông Thành nhớ từng khuôn mặt, dáng hình những người trên chuyến tàu đó.

< "Có ra mới biết, cuộc sống ở Hoàng Sa như thiên đường. Bây giờ, tui vẫn ước gì được quay lại, sống nốt quãng đời ở đó." - Ông Mai Tiễn.

Là một trong những nhân chứng cao niên trên địa bàn TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Nhự (84 tuổi, Hòa Tiến, Hòa Vang) hồ hởi có mặt trong ngày ra mắt “Kỷ yếu Hoàng Sa”. Ông sốt sắng chỉ từng tấm hình, vui kể về lần đạp sóng nhận nhiệm vụ ngoài đảo thiêng.
"Thường mỗi năm có 2 phiên đi làm công tác tại đảo. Mỗi đợt kéo dài 3 – 3,5 tháng tùy thời tiết. Chuyến đầu của tôi năm 1969 khi đang là nhân viên Khí tượng thủy văn Đà Nẵng. Lúc đó cơ quan lo đủ lương thực, gạo, đường sữa, cà phê, trà, rượu và thuốc để phòng ngừa bệnh tật" - giọng kể của ông không giấu sự tự hào.

Hơn 40 năm, ông Nhự vẫn nhớ “thời khóa biểu” mỗi ngày trên đảo. Mỗi ngày làm việc thường bắt đầu từ 6 giờ. Sau bữa sáng với bánh mì rim đường, 7 giờ, ông Nhự làm hơi bong bóng để thả lên không xem tình hình nhiệt độ, thời tiết. Kết thúc công việc của một nhân viên khí tượng, ông Nhự dành thời gian đi dạo, ngắm cảnh Hoàng Sa.

< Khai thác phốt phát trên đảo Hoàng Sa năm 1940.

Nhân chứng Ngô Tấn Phát (79 tuổi, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) nhận nhiệm vụ tại ty khí tượng Hoàng Sa từ năm 1959. Công việc hàng ngày trên đảo vẫn như các trạm khí tượng trong đất liền là làm quan trắc thời tiết 3 giờ một lần đo và đọc các yếu tố khí tượng: khí áp, nhiệt độ, độ ẩm, lượng nước mưa, gió và mây, lập bản báo cáo thời tiết theo mẫu quốc tế gởi về đất liền bằng tín hiệu chuyên dụng lúc bấy giờ.

Nhân chứng Nguyễn Văn Cúc (60 tuổi, Phước Mỹ, Sơn Trà) nhận nhiệm vụ khảo sát, sửa chữa, xây dựng trên đảo Hoàng Sa năm 1973. Ông ra đảo là bắt tay vào sửa chữa, xây dựng các bể ngầm chứa nước ngọt. Các bể này xây từ Pháp thuộc. Khoảng 20 bể, mỗi bể chứa khoảng một ngàn m3 nước. Nó được xây ngầm chung quanh ngôi nhà để chứa nước mưa từ trần nhà đổ xuống.

“Ở trên đảo, mỗi ngày trôi qua thật bình dị. Sáng dậy tập thể dục sau đó ăn cơm rồi bắt tay vào làm việc. Công việc được phân chia cụ thể, rõ rang cho từng người nên ai lấy là việc của mình”, ông Cúc kể.

Đủ công việc từ lính Hoàng Sa, đến nhân viên khí tượng, quân y, hậu cần, xây dựng… nhưng với các nhân chứng được ra đảo thiêng là điều tự hào hiếm có. Nhân chứng Trần Văn Sơn (66 tuổi, Sơn Trà, Đà Nẵng), nhận Sự vụ lệnh của Bộ chỉ huy tiểu khu Quảng Nam ra Hoàng Sa năm 1973 làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ chủ quyền trên đảo tự hào khi nhắc lời giây phút đặt chân lên đảo:

"Tôi thấy nhiều dấu tích chứng minh sự hiện diện lâu đời của ông cha ta như những miếu thờ cột mốc, những ngôi mộ của những người làm nhiệm vụ bảo vệ đảo đã ngã xuống. Không thể hình dung được chỉ với phương tiện thô sợ mà cha ông ta đã khám phá và khai thác vùng đất này. Lúc ấy trong tôi dậy lên niềm tự hào về sự phi thường của cha ông cùng lòng quyết tâm phải bảo vệ đảo, phải giữa gìn đảo để không hổ thẹn với những người đi trước".

Quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam đã từng cưu mang tàu TQ

Vẻ đẹp của một Hoàng Sa - dải cát vàng, “thiên đường” giữa biển khơi đầy bình yên đã sớm chiếm lĩnh nỗi nhớ, ký ức của các nhân chứng; hay những ngày tháng khó khăn, gian nan trên đảo vẫn được mọi người nhắc nhớ như kỷ niệm hào hùng.

< Nhân chứng Hoàng Sa xúc động đọc từng dòng hồi ký.

Nhân chứng Phạm Khôi (60 tuổi, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), từng nhận sự vụ lệnh của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam biên chế vào Trung đội Hoàng Sa lên đường nhận nhiệm vụ cuối tháng 12/1964, vẫn nhớ như in lần đầu đặt chân đến đảo: Hoàng Sa phong cảnh hữu tình, thoáng mát và khí hậu ôn hòa…

Hàng chục năm đi qua, ông Khôi vẫn nhớ từng vị trí bến thuyền, căn nhà, sở chỉ huy, giếng nước để phác họa tấm bản đồ tặng UBND huyện Hoàng Sa trong ngày ra mắt Kỷ yếu Hoàng Sa. Ông nhắc lại lúc khó khăn nhưng vẫn ăm ắp tình cảm: uống nước giếng liên tục 3 ngày sẽ bị đau bụng, nhưng thuốc men lại không có, chỉ biết dùng đường và sữa để chữa bệnh khi đau mà thôi. Anh em lúc đó chia sẻ với nhau từng thìa đường, miếng sữa. Những lúc đó mới thấy tình cảm anh em xa nhà như thế nào.

Và cả tấm lòng sẻ chia, nhân đạo quốc tế, nhân chứng Trần Hòa (58 tuổi, Duy Xuyên, Quảng Nam), công tác tại Hoàng Sa năm 1973 nhớ lần cứu sống, cưu mang cả tàu Trung Quốc.

“Có một lần bão đến bất ngờ, một con tàu Trung Quốc không kịp vào bờ tránh bão nên đã tấp vào đảo trong đêm. Mặc dù lương thực sử dụng là tính toán chi li, nhưng tình người trong cơn hoạn nạn, ai nỡ ăn no để nhìn kẻ bên mình đang đói. Vậy là toàn đảo sẻ chia, cưu mang gia đình Trung Quốc kia cho đến ngày họ xin được tàu trở lại quê hương".

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Tổng hợp từ BEE, ảnh internet

Search từ "Hoàng Sa" trong By EmVân Pcworld-com.blogspot.com để có nhiều thông tin khác.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn