Độc đáo cách xếp đá ở Trường Lũy

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012
Với những lớp đá xếp chồng rồi gia cố đất bên trong, Trường Lũy là công trình dài và quy mô nhất Đông Nam Á với sự đa dạng của cấu trúc và kỹ thuật xây dựng quân sự, giao thương.

Để khám phá một số đoạn trong Trường Lũy thuộc tỉnh Quảng Ngãi đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 9/3/2011, chúng tôi từ Chu Lai cưỡi chiếc xe máy thuê của nhân viên khách sạn xuôi về TP. Quảng Ngãi rồi ngược lên huyện Ba Tơ theo quốc lộ 24.

Qua địa phận đèo Đá Chát huyện Ba Tơ cách Quảng Ngãi hơn 40 km thì nắng đã lên cao, từ đây muốn vào khu vực Trường Lũy thuộc thôn Tân Long Hạ phải đi bộ 500 mét trên lối mòn xuyên qua khu vực trồng keo lá Tràm của người dân tộc H’re bản địa. Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây thực sự thanh vắng, mơ màng.
Bất ngờ đường đi bỗng bị chắn ngang bởi  bức tường xếp bằng đá cao 1,5 mét, dày hơn 2 mét và trên mặt còn đắp thêm đất.

Chúng tôi quyết định đi dọc theo Trường Lũy hướng tới mạch núi Đá Chát, phát hiện nhiều đoạn bị che lấp giữa đám cây dại hoặc sạt lở vì những cây cổ thụ mọc um tùm.

Phóng tầm mắt về phía bắc cách lũy không xa là dòng sông Liên thượng nguồn sông Vệ đang êm đềm trôi xuôi giữa đôi bờ là những gềnh đá nửa chìm, nửa nổi như bồng bềnh trên mặt nước. Nỗi vương vấn về một nơi lịch sử xa xưa đã thôi thúc chúng tôi tiếp tục đến Trường Lũy, thôn Nam Lân, xã Ba Động, cách Tân Long Hạ 5 km.

Đó là bức thành đá dài hơn 300 mét, hiện trạng còn nguyên vẹn được xếp khéo léo vững chãi, nhưng không hề có chất kết dính nằm giữa vùng bán sơn địa đầy sắc hoa mua, hoa sim nở tím biếc. Ở đây còn là nơi tộc người Hre sống thưa thớt bên những cánh đồng lúa đã lên xanh.

Điều khá lý thú là khi chúng tôi hỏi tới những phế tích còn sót lại đâu đó trong khu vực thì từ trẻ chăn bò đến già làng đều chỉ dẫn khá tường tận. Thậm chí, họ quả quyết đã từng ngẫu nhiên đặt chân đến tận “bức tường đá” thuộc huyện An Lão, tỉnh Bình Định - cách Ba Động 45km cùng nhiều phế tích, đồn lũy, hào sâu... trên đỉnh núi nhân một chuyến đi điền dã hái lá thuốc.

Trường Lũy, hay Trường Lũy Tĩnh Man, tức lũy dài yên định các bộ tộc, tên gọi chung của một hệ thống bao gồm đồn lũy, sơn đạo, các tụ điểm buôn bán, những xóm làng người Việt... khởi thủy được xây dựng từ thời vua Lê Trang Tông, qua triều Nguyễn  tiếp tục trùng tu đồng thời đào hào trồng tre cho kiên cố nhằm chống lại các bộ tộc hiếu chiến ở phía tây Trường Sơn thường tràn xuống đánh phá, cướp bóc.

Song, công trình này không phải đề khép kín, chia cắt mọi sự quan hệ giữa người miền xuôi với các người miền ngược. Bằng chứng dọc theo lũy một số nơi vẫn còn khoảng trống cắt ngang như lối cũ đường xưa kế bên phế tích đồn canh (còn gọi bảo) nơi lính sơn phòng chặn kiểm soát người qua lại và điều hành các mối giao thương hàng hóa.

Hơn thế nữa, theo các nhà khảo cổ thì Lũy kết cấu từ kỹ thuật xếp đá độc đáo của người Hre, cho nên có thế khẳng định quá trình tạo dựng đã được hai dân tộc Kinh và Hre chung lưng gánh vác.
Theo Đại Nam thực lực triều Nguyễn, lũy dài 117 dặm, tức hơn 50 km, nhưng sách Viêm Giao trưng cổ ký lại ghi 177 dặm thì chưa tới 80 km.

Gần đây, qua một số tài liệu của các đoàn khảo sát thì Trường Lũy nếu tính từ khu vực Trà Bồng (Quảng Ngãi) trườn qua hàng loạt ngọn núi rồi băng xuống những thung sâu, lũng thấp huyện Ba Tơ trước khi đến khu vùng cao An Lão - Bình Định dài 133 km.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng độ dài của nó xấp xỉ 200 km hoặc 300 km. Vì thế chiều dài đích thực của nó hiện nay vẫn chưa được giải đáp chính xác, đầy đủ.

Chưa hết, Trường Lũy vượt qua nhiều địa hình phức tạp nên việc thi công cũng khá đa dạng. Ở khu vực đồng bằng, lũy được xếp đá rồi gia cố đất bên trong, nơi sống lưng những ngọn núi, dốc cao hoặc gần sông suối người ta bắt buộc phải xây dựng hoàn toàn bằng đá để đạt độ bền cao chế ngự thiên tai, sạt đổ.
Hiện tại phần đông các nhà nghiên cứu nhận xét Trường Lũy là công trình dài và quy mô nhất Đông Nam Á với sự đa dạng của cấu trúc và kỹ thuật xây dựng quân sự, giao thương.

Chốn dừng chân cuối ngày của chúng tôi là bức tường đá được xây khúc khuỷu bao quanh đỉnh núi Nứa thuộc thôn Thiên Xuân, xã Hành Tính Đông, huyện Nghĩa Hành. Với chiều dài hơn 400 mét, chiều cao tới 3 mét, chân đế rộng 4-5 mét và bề mặt rộng 2 mét có thể đi tuần tra dễ dàng thì kích thước, hình dáng lẫn chất liệu xây dựng công trình này xem ra to đẹp gấp 2-3 lần so với Trường Lũy thôn Tân Long Hạ và Nam Lân.

Ngoài ra, trong khuôn viên thành lẫn khuất dưới đám cỏ dại là giếng cổ, những nền gạch nham nhở, rêu phong, các mảnh gốm vỡ ra từ chum ché...
Đó là tất cả là những gì còn sót lại của một trại lính sơn phòng nằm tách biệt trên cử điểm xung yếu để kiểm soát cả vùng đồng bằng rộng lớn phía tây xưa kia.

Cho đến lúc này, các nhà nghiên cứu đều khẳng định về giá trị kiến trúc và vai trò lịch sử của Trường Lũy trong quá trình mở mang bờ cõi. Tuy nhiên, để bảo tồn toàn bộ di sản Trường Lũy thì khó trăm bề bởi nó dàn trải qua nhiều địa hình hiểm trờ, chưa kể nhiều đoạn đã bị xóa trắng vì thiên tai và do con người khai thác, phá bỏ để lấn chiếm đất đai mở rộng diện tích trồng trọt hay canh tác nông nghiệp.

Vì thế, ngoài kế hoạch dài lâu hướng tới việc bảo tồn toàn bộ, nên chăng trước mắt các nhà quản lý cũng cần chọn ra một số di tích đặc sắc, tiêu biểu nhằm tôn tạo và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Như vậy, quá khứ sẽ được 'sống' trong hiện tại và cả trong tương lai.

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo Vietnamnet
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn