Tránh bão ở Trường Sa

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012
Đối với ngư dân đi biển, những cơn bão luôn là nỗi hiểm nguy rình rập cuộc sống của họ. Từ khi âu tàu tránh bão trên đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) được xây dựng vào năm 2008, nỗi lo của họ đã vơi bớt. Những con thuyền ra khơi đã có nơi neo đậu bình yên mỗi khi gặp bão.

Bám biển mọi lúc, mọi nơi
Ngày chúng tôi có mặt ở đảo Song Tử Tây, cũng là lúc những ngư dân Bình Định, Khánh Hòa và Quảng Ngãi đang ở đây tránh bão.

Ra khơi từ đầu tháng 12-2011, con tàu BĐ 96446 của thuyền trưởng Huỳnh Kim Hùng (51 tuổi, ở thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) mới đánh được 3 con cá ngừ đại dương với khoảng 1,2 tạ thì gặp bão số 7.

< Tàu ngư dân vào âu tàu Song Tử Tây.

Nhận được tin báo bão từ radio, anh cùng 9 thuyền viên đã xếp lưới, nổ máy hướng về đảo Song Tử Tây tránh bão. Đi biển từ năm 17 tuổi, anh Hùng có nhiều năm kinh nghiệm đối phó bão. “Trước đây, chúng tôi phải sang tận Malaysia xin trú bão khi đánh bắt ở ngư trường Trường Sa. Bây giờ, âu tàu Song Tử Đông giúp ngư dân tránh bão, không mất một khoản phí nào cả” - anh Hùng tâm sự.

Mùa giáp tết và ra giêng chính là mùa đánh bắt được nhiều cá ngừ nhất của ngư dân Nam Trung bộ. Từ Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi tới Trường Sa mất cả trăm hải lý. Sóng to, gió lớn luôn bám riết, nhưng họ vẫn phải ra khơi, vì đi biển không chỉ để kiếm sống mà còn thỏa sức vẫy vùng của những chàng trai xứ biển.

< Lần lượt, những tàu câu cá ngừ đại dương, tàu câu mực rời âu tàu, ra khơi.

Thuyền trưởng tàu BĐ 96452 Ngô Trọng Hiếu (42 tuổi, ở thôn Công Thành, xã Tam Quan Bắc) chia sẻ: “Đóng mới một con tàu đi biển mất khoảng 600 triệu đồng, trong khi mỗi chuyến đi biển cả tháng ròng chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng. Đó là lúc gặp thuận lợi, chứ gặp bão thì còn lỗ nặng.

Nghề đánh bắt cá ngừ đại dương được ông tôi, cha tôi chỉ bảo cho từ những ngày tôi còn bé, nhiều khi biết lỗ những vẫn đi vì không đi nhớ biển lắm”.

< Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Đảo Đá Tây.

Thuyền trưởng Huỳnh Kim Hùng cho biết: “Mùa đánh bắt cá ngừ bội thu chỉ có vào dịp đầu và cuối năm, nhưng chúng tôi vẫn ra khơi cả năm vì nếu không đi biển, chúng tôi chẳng biết làm gì. Ra biển nhớ vợ, về nhà lại nhớ biển”. Vì thế, chuyện họ phải ăn tết trên biển khơi là chuyện thường tình.

Cần thêm những âu tàu

Đảo Song Tử Tây nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa và thường xuyên hứng chịu những cơn bão của biển Đông. Năm 2008, âu tàu Song Tử Tây (thuộc Công ty TNHH MTV 128 Hải quân) được đưa vào sử dụng, dùng làm nơi neo đậu của tàu thuyền khi gặp bão; cung cấp xăng dầu, nhu yếu phẩm cho ngư dân; cấp cứu, khám chữa bệnh cho ngư dân khi gặp nạn trên biển...

< Vào ngày giông bão lớn, âu tàu Song Tử Tây vẫn giữ an toàn cho tàu thuyền của ngư dân.

Âu tàu Song Tử Tây được xây dựng kiên cố, với hàng kè chắn sóng chạy bao quanh, có thể cho phép những tàu dưới 400 tấn đi vào. Tại đây, Đội Dịch vụ Hậu cần nghề cá nhân dân (cũng của Công ty 128) có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và cung cấp dịch vụ khai thác âu tàu Song Tử Tây.

Đội trưởng Nguyễn Đức Quân cho biết: “Âu tàu có độ sâu khoảng 4,5m, diện tích 3,57ha và chứa được 300 tàu cá. Năm 2011 đã có 233 lượt tàu cá vào đây. Đội dịch vụ đã tiếp nhận, sửa chữa thành công 9 tàu cá, không lấy tiền công, chỉ tính chi phí vật tư, thiết bị thay thế”. Trong năm 2011, đội đã cung cấp 55.000 lít diezen, 1.024 lít dầu nhờn cho các tàu hải quân; bán cho ngư dân 107.335 lít dầu diezen và 100 lít nhớt với giá như ở đất liền.

< Âu tàu ở đảo Đá Tây.

Quần đảo Trường Sa có tới 21 đảo và 33 điểm đảo, nhưng mới chỉ có hai âu tàu Song Tử Tây và Đá Tây cho ngư dân tránh bão. Vì thế, mỗi khi gặp bão ở những nơi xa 2 đảo này, nhiều tàu không kịp về tránh bão. Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân, cho biết: “Ngoài vai trò hỗ trợ ngư dân bám biển dài ngày, các đội dịch vụ đảo Song Tử Tây và Đá Tây còn góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên biển, phối hợp các đơn vị hải quân bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Trường Sa. Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập thêm những đội dịch vụ và xây thêm những âu tàu mới để đáp ứng nhu cầu của ngư dân”.

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo SGGP, ảnh sưu tầm.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn