"Tẩy gan" bằng muối Epsom - một khái niệm đáng ngờ

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012
Chủ Nhật, 25/03/2012, 17:00 (GMT+7)

TTO - Tôi năm nay 45 tuổi, mắc bệnh sỏi đường mật trong gan phải đã 10 năm nay và không mổ được. Nay tôi có vừa đọc một bài báo trên mạng là tẩy sỏi gan mật bằng bưởi, dầu ô liu và thuốc muối epsom. Vậy loại thuốc này có hiệu quả không và mua ở đâu? (Bạn đọc)
- Trả lời
Muối EPSOM là tên gọi khác của muối vô cơ là magie sulfat (magnesium sulphate, công thức MgSO4.7H2O). Đây là thuốc lâu đời dùng uống trị táo bón do có tác dụng gây nhuận tẩy theo cơ chế thẩm thấu (tức giữ nước lại tại lòng ruột giúp nước thấm vào phân làm dễ đi tiêu), nhưng nay gần như rất ít dùng vì có nhiều thuốc trị táo bón tốt hơn.
Phương pháp uống ba thứ nước bưởi + muối epsom + dầu ô liu đã và đang đồn đại sử dụng ở nước ngoài (đặc biệt lan truyền trên mạng) bạn đề cập trong thư thực chất có thể giúp trị táo bón. Còn cho rằng giúp “tẩy gan”, cũng theo lời đồn đại, thì không rõ cơ chế như thế nào (chữ “tẩy gan” không có trong tây y).
Nếu hiểu “tẩy gan” là hỗ trợ chức năng gan mật, giúp nhuận trường thì ở nước ta có nhiều dược thảo, thuốc giúp rất tốt cho tác dụng này, không cần phải dùng đến phương pháp kết hợp như trên.

 
Nếu chế phẩm kết hợp vừa kể không rõ có tác dụng “tẩy gan” hay không thì không thể cho rằng thứ đó có tác dụng trị sỏi mật. Vì tới nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng thực trị liệu này.
Nhân đây, xin có ý kiến về các bài thuốc, vị thuốc hoặc phương thức trị liệu phát tán trên mạng như sau.
Trong thời gian qua thường lưu hành phát tán tài liệu, tờ rơi theo kiểu “tài liệu đáng ngờ” đề cập một số phương thuốc (xem kỹ thấy cách dùng nhiều khi rất bất hợp lý) làm người đọc tưởng lầm có tác dụng điều trị bệnh nhưng thực tế không phải như vậy. Nguy hiểm của những tài liệu, tờ rơi kiểu này là làm người bệnh thay vì được khám chữa bệnh theo y học chính thống lại mất thời giờ áp dụng những phương thuốc mà tác dụng không chắc chắn, đưa đến bệnh không chữa khỏi mà ngày càng nặng thêm.
Đối với y học chính thống hiện nay, khi người bệnh được cho dùng một chất nào đó không phải là thuốc nhưng nếu có sự tin tưởng tuyệt đối đó là thuốc thật, dùng chất đó và khỏi bệnh gọi là “hiệu ứng placebo”.
“Placebo” có nghĩa là “tôi làm vui lòng”, ý nói bác sĩ khám chữa bệnh sẽ tác động đến yếu tố tâm lý của người bệnh, tạo cho họ sự phấn khởi, tin tưởng để mau hết bệnh. Trong quá trình điều trị bệnh, bác sĩ điều trị có thể cho một thứ thuốc để thai thác hiệu năng placebo. Thí dụ, bệnh nhân bị rối loạn không cần dùng đến thuốc nhưng lại có tâm lý không thể cưỡng là phải được dùng thuốc, bác sĩ có thể cho dùng vitamin để khai thác tác dụng tích cực của yếu tố tâm lý. Và thuốc trong trường hợp này là chất không có tác dụng chữa bệnh thật sự, được gọi là placebo (ở ta, thường được dịch là “giả dược” hoặc “thuốc vờ”).
Người bệnh dùng placebo do tin tưởng đó là thuốc chữa bệnh thật và có thể khỏi bệnh. Trong chừng mực nào đó, có thể ghi nhận hiệu ứng placebo để giải thích những vụ việc liên quan việc chữa bệnh “kỳ lạ” mà nhiều người cho rằng khoa học khó có thể giải thích được. Đó là việc dùng nước lạnh, bùa chú hay bất cứ thứ nào không phải là thuốc, nói chung là dùng những phương tiện, phương cách không theo y học chính thống nhưng có sự tin tưởng vào tác dụng vẫn có thể chữa được bệnh.
Đối với các phương thuốc của các “tài liệu đáng ngờ” nếu dùng mà có thể trị hết bệnh là hoàn toàn do yếu tố tâm lý, quá tin nên có thế khỏi và số người được khỏi thường rất ít.
Cũng xin nói thêm, một tác dụng của vị thuốc, bài thuốc hay phương thức trị liệu nào đó gọi là chữa trị theo kinh nghiệm dân gian hay dùng theo lối truyền miệng nếu không trải qua một nghiên cứu khoa học đúng quy cách chứng thực thì tác dụng ấy không thể gọi là chắc chắn, thậm chí có khi không có tác dụng.
Nền y học được thế giới công nhận hiện nay được gọi là y học thực chứng (evidence-based medicine) tức là tác dụng hiệu quả của một thuốc hay một phương thức trị liệu nào đó phải dựa vào chứng cứ là kết quả thử nghiệm lâm sàng khoa học đúng quy cách chứ không dựa vào sự đồn đại, truyền miệng.
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC
(Đại học Y dược TP.HCM)
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn