giữa lòng phố cổ Cairo

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Tôi đã mong được đặt chân đến Ai Cập từ lâu nhưng phải đợi đến khi kiếm được chiếc vé rẻ đi Cairo, tôi mới quyết định. Du lịch bụi ở một quốc gia phức tạp như Ai Cập không phải là điều đơn giản bởi bất đồng về ngôn ngữ cũng như hình ảnh không được tích cực cho lắm về an ninh của quốc gia này. Các cuộc đánh bom khủng bố hay bắt cóc con tin không phải là hiếm nên gây tâm lý sợ sệt cho nhiều du khách. Tuy nhiên, do là một người hâm mộ lịch sử Ai Cập cổ nên tôi đã vượt qua những rào cản tâm lý đó và vác ba lô lên đường tìm hiểu linh hồn Cairo. Linh hồn đó không phải lúc nào cũng nằm ở những khu du lịch sầm uất mà lại ở những nơi rất bình thường, nơi mà người dân vẫn bày những gian hàng thơm phức với đủ các loại gia vị màu mè sặc sỡ, hương vị nồng nàn của chicha, vị đắng của café, tiếng chạy của những chú lừa mệt mỏi vì phải chở hàng quá nặng…đó chính là đặc thù của khu phố cổ Cairo. Ở một khía cạnh nào đó, nó làm tôi liên tưởng đến khu phố cổ Hà Nội.


Khi đọc sách tôi được biết rằng cái tên Cairo có nguồn gốc ảrập và do dòng Hồi giáo Fatimide đặt ra. Thật vậy Cairo phát âm theo tiếng ả rập là Al Qahirah và trong tiếng ảrập có nghĩa là « sao hỏa ». Lạc vào khu phố cổ Cairo như thể lạc vào khu chợ Ba Tư trong truyện Ali Baba và 40 tên cướp. Đằng sau cuộc sống nhộn nhịp của muôn vàn con đường nhỏ là những công trình kiến trúc Hồi giáo tuyệt đẹp. Phố cổ Cairo là khu vực có mức độ tập trung các công trình Hồi giáo lớn nhất thế giới với đủ các dòng kiến trúc và thời kỳ từ X đến XVII. Toàn bộ khu vực này được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Nhà thời Hồi giáo Al Azhar
Được đặt móng vào năm 970, Al Azhar là một trong những công trình Hồi giáo đầu tiên xuất hiện khi thủ đô Cairo sinh ra vào cùng thời kỳ. Chính thức mở cửa vào năm 972, Al Azhar trở thành trung tâm tín ngưỡng và trường đại học lớn nhất thế giới hồi giáo lúc bấy giờ. 


Có nhiều lý luận trái chiều về guồn gốc tên Al Azhar. Có người cho rằng nó có nghĩa là « phồn vinh » bởi có nhiều cung điện tráng lệ được xây dựng xung quanh nhà thờ vào thời kỳ đó. Có người thì lại nghĩ rằng tên như vậy vì người dân thời bấy giờ hy vọng rằng Al Azhar sẽ phồn vinh nhờ trở thành trung tâm nghiên cứu kinh thánh đạo Hồi. Và có một ý kiến khác cho rằng tên này ám chỉ As Sayyidah Fatimah Az-Zahra, con gái ruột của Mohamed, truyền nhân của thánh Ala. Có vẻ như ý kiến cuối cùng là có lý hơn cả vì Fatimah chính là dòng đạo Hồi thịnh hành nhất ở Cairo vào thời điểm xây dựng nhà thờ này. 

Với mục đích mở rộng hệ thống giáo dục của Al Azhar cho tất cả mọi đối tượng, có đến hơn 700 nhà thông thái và nhà giảng đạo Hồi được triệu hồi đến. 

 Theo dòng thời gian, các môn học được phong phú hơn xoay quanh 4 khía cạnh : văn học, ngôn ngữ ảrập, luật và đạo lý. Vai trò của Al Azhar càng trở nên quan trọng hơn trong thế giới Hồi giáo khi mà các vương quốc ảrập ở Châu Âu và Trung Á liên tiếp bị nuốt chửng bởi các thế lực khác và phải trốn chạy nương nhờ sự che trở của Ai Cập vào thế kỷ XIV-XV.  

  Al Azhar đón tiếp nồng nhiệt tầng lớp trí thức tứ xứ và các môn học mới được bổ sung, bao gồm : y học, toán học, thiên văn học, địa lý và lịch sử. Ngày nay, Al Azhar đối với người Ai Cập cũng giống như trường đại học Oxford hay Cambridge của Anh về bề dày lịch sử cũng như uy tín giảng dạy.

Cung điện Al-Ghori
Al Ghori là tên của vị sultan tại vị ở Ai Cập trước khi bị đế chế Ottoman nuốt chửng. Người ta đặt tên cho cung điện này để tưởng nhớ đến vị lãnh đạo xấu số, bị xe ngựa chèn chết trong một cuộc chiến ở Syria chống lại giặc ngoại xâm Ottoman. 


 Ngôi nhà Zeinab Khatun
Tên của ngôi nhà cũng là tên của chủ nhân cuối cùng sống trong đó vào cuối thế  kỷ XIX. Được xây dựng theo dòng kiến trúc trung cổ, ngôi nhà này là ví dụ tiêu biểu cho kiểu nhà dành cho các gia đình quý phái của Cairo hồi xưa. Quần thể kiến trúc được xây dựng với bốn bức tường cao hẳn lên và vây quanh một sảnh nhỏ ở giữa. Nó cũng rưa rứa giống giếng trời, cho phép lưu thông không khí mát để tránh cái nóng khủng khiếp của mùa hè. 


Những phòng nào hướng bề mặt vào giếng trời thì đều có cửa sổ bằng gỗ và chỉ hé mở một ít. Kiến trúc này được xây dựa trên phong tục tập quán của đạo Hồi. Thật vậy, phụ nữ đạo Hồi không được phép để cho người ngoài nhìn thấy khuôn mặt của mình. Điều đó lý giải tại sao họ hay phải che mặt kín và các cửa sổ phòng của họ chỉ được hé mở một chút để nhìn thấy bên ngoài mà cũng không bị người ngoài nhìn thấy mình.

 Có một điều mà tôi khá ngạc nhiên về cách bài trí bên trong của các phòng. Người ta nói rằng đạo Hồi rất khắt khe và trọng nam khinh nữ. Tuy nhiên, khi đặt chân vào tòa nhà này, tôi lại thấy các phòng dành cho phụ nữ thì xịn hơn các phòng dành cho đàn ông. Tại sao vậy ? Tôi cũng không rõ lắm nhưng nghe cậu hướng dẫn viên của tôi bảo rằng phòng xịn như thế một phần là để đảm bảo cuộc sống « tù túng » của phụ nữ Hồi giáo. Cả đời họ chỉ gói gọn trong gia đình và chỉ được ra ngoài với 3 trường hợp đặc biệt : chuyển về nhà chồng ở sau lễ cưới, gặp bác sĩ nếu như ông ta không thể sắp xếp đến tận nhà và qua đời…chương trình sống thú vị đấy !!!

Pháo đài Salah El Din
Biểu tượng của nghệ thuật quân sự vùng Trung Đông thời trung cổ. Không đồ sộ như kim tự tháp Ai Cập nhưng pháo đài này cũng là một trong những địa danh thu hút khách du lịch nhiều nhất của thủ đô. Và đây cũng là biểu tượng chiến thắng của người ảrập trước người thiên chúa giáo. 

 Chắc hẳn ai cũng biết mấy đồng chí vùng Trung Đông này là hay khục khặc với dân phương Tây mà nguồn gốc lịch sử chắc phải quay lại hơn 1000 năm trước khi mà hai đạo thiên chúa và đạo hồi đối đầu với nhau. 

 Có rất nhiều chiến tranh giữa hai bên và pháo đài Salah El Din được coi như là một tấm bình phong vững chắc bảo vệ thủ đô. Trong vòng hơn 700 năm, pháo đài Salah El Din là nơi ở của phần lớn những vua chúa ngự trị trên Ai Cập. 

 Ngày nay, do không còn giữ vai trò phòng thủ, toàn bộ quần thế kiến trúc được trùng tu và trở thành địa danh du lịch với nhiều nhà thờ Hồi giáo và bảo tàng bên trong. 

 Nổi bật nhất phải kể đến nhà thờ Mohamed Ali, được xây dựng theo lệnh của  vị vua Hồi giáo cùng tên vào thế kỷ XIX. Cách bài trí bên trong thì khá nghèo nàn nhưng tôi rất ấn tượng với kích đồ sộ của kiến trúc bên ngoài với những mái vòm cao và tháp chuông được trạm khắc rất công phu. 

Khan El Khalili 
Đây chính là trái tim của thủ đô và là phần đô thị có thâm nhiên nhất. Cái tên Khan El Khalili được tạo nên bởi hai từ « khan » và « El Khalili ». El Khalili là tên của vị vua ảrập tại vị tại Ai Cập vào thời trung cổ và ông chính là người cho xây khu chợ này vào năm 1382. Trong tiếng Ba Tư cổ, « khan » ám chỉ các tòa nhà có hình vuông được xây dựng xung quanh một giếng trời rộng lớn. Ban đầu, khan chỉ đóng vai trò là một nhà trọ dành cho các đoàn caravan sau một chuyến đi dài. Họ đến Cairo để trao đổi hàng hóa rồi đi luôn. Nhưng dần dần, khi mà các hoạt động thương mại phát triển dần lên, khan còn có thêm vai trò là nơi chứa hàng kiêm cửa hàng luôn. Vì thế, các hành lang bao bọc xung quanh giếng trời chuyển thành các gian hàng. Dưới đế chế Ottoman (XVI-XVIII), các tòa nhà xây theo mô hình này mọc lên nhiều hơn do Cairo trở thành kinh đô thương mại của vùng Trung Đông. 


Để có một trải nghiệm thú vị ở khu phố cổ này, tốt nhất là phải bỏ ý định dùng bản đồ để đi lại vì điều đó thực ra cũng chẳng có ích gì. Thứ nhất, tất cả các đường phố đều được ghi bằng tiếng ảrập và nếu không quen thì tên đường nào cũng giống nhau. Tiếp đến, lúc nào cũng khăm khăm cầm tấm bản đồ thì chỉ tổ gây chú ý cho bọn móc túi. Và thứ ba, việc mặc kệ hòa mình vào dòng người sẽ giúp ta có nhiều cơ hội khám phá những ngóc ngách nhiều khi không có trên các quyển hướng dẫn du lịch. 


Mặc cả mua hàng ở Khan El Khalili cũng là một trải nghiệm thú vị. Phải nói rằng sự phát triển của ngành du lịch đã khiến cho một số gian hàng trở thành bẫy khách du lịch. Nhiều du khách cảm thấy bị người bán hàng chào hàng một cách thái quá và tìm mọi cách để moi tiền. Và tất nhiên, nêu may mắn hơn thì vẫn có thể gặp những người Ai Cập chính cống mà vẫn giữ được tố chất niềm nở và lịch sự của họ. Mặc cả ở đây về cơ bản khá giống ở Việt Nam, người Ai Cập bao giờ cũng hét giá cao hơn giá trị thật khoảng 5-6 lần và điều đó khiến cho nhiều người khá ngạc nhiên.  Điều khác Việt Nam ở đây là văn hóa giao dịch của họ. 


Trước bất cứ một cuộc mua bán nào, người Ai Cập có thói quen mời bạn uống một cốc trà bạc hà hoặc café. Sau đó, hiển nhiên là cuộc đấu khẩu về giá. « Bao nhiêu cái này ? ». « 100 bảng ». « Đắt quá !! ». « thế giá cậu đề xuất là bao nhiêu ? ».  « Cái này chỉ 30 bảng thôi ». « thấp quá, tôi không bán đâu ». Mặc cả hiển nhiên đòi hỏi sự quyết đoán của bạn, hãy thử giả vờ quay đi và hướng đến các gian hàng khác, bạn chắc chắn sẽ nghe câu trả lời của người bán hàng đó : « chờ một chút. Tôi cho cậu giá chót, 40 bảng, mua nhé ? » Khi mà người Ai Cập đã đồng ý với giá bạn đưa ra, họ cho rằng bạn sẽ chắc chắn mua hàng của họ. Việc từ chối lúc đó đồng nghĩa với một điều sỉ nhục và xúc phạm đến danh dự của họ. Vì thế, nếu thực sự không có ý định mua đồ gì thì đừng có vạ miệng mà đưa ra giá linh tinh, nhỡ mà họ đồng ý thì rách việc lắm. Và khi mua rồi mà thấy du khách khác mua đúng món hàng đó mà rẻ hơn thì cũng đừng có hối tiếc và cò kè với người bán hàng. Đã là du khách thì ai cũng sẽ phải mua giá cao hơn giá trị thật. Quan trọng là mình mua cao hơn bao nhiêu và quan trọng hơn cả là hãy coi việc mặc cả như một cách khám phá phong tục tập quán của người Ai Cập. 
 Dưới cái nóng khủng khiếp của mùa hè, hóng mát và giải khát tại một quán café địa phương là một phương án không tệ. Người Ai Cập thích loại café đặc và đắng và khá là mạnh so với mức độ ở Việt Nam. Tôi nghe theo quyển Lonely Planet, ghé qua Al Fishawi Coffee Shop, quán lừng danh với món café Thổ. Từ năm 1849, quán này lúc nào cũng mở cửa 24/24 
 
Trường học Hồi giáo Hassan.
Được xây dựng vào thế kỷ XIV, đây là trường học đạo Hồi lớn nhất Trung Đông dưới thời Mameluk. Tại đây, người ta nghiên cứu kinh coran và các phương pháp giảng đạo. Theo đúng như luật lệ đạo này, hầu như chẳng có họa tiết gì bên trong các phòng học, tất cả đều trống trơn nhằm tạo điều kiện cho học viên tập trung cao độ. Xưa kia, người ta dùng đèn dầu để thắp sáng và các bóng đèn được treo bằng dây xích sắt mắc từ trên cao. 



Ibn Tulun 
Là một nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới và cũng là công trình hồi giáo cổ nhất Ai Cập còn giữ được dáng vẻ nguyên gốc của nó. Ibn Tulun vốn là con trai của một tên nô lệ gốc Thổ Nhĩ Kỳ và được nuôi nấng ở Irak. Tuy có nguồn gốc khiêm tốn, ông đã được giáo chủ Hồi Giáo ở thủ đô Baddad nâng đỡ và trở thành vua của Ai Cập vào thế kỷ IX. Sau khi lên nắm quyền, ông quyết định xây lên một đô thị mới có tên là Al Qatai trên một đỉnh đồi mà trước kia đã có cộng đồng Thiên chúa giáo và Do Thái sinh sống. Ngọn đồi này có rất nhiều liên quan đến những truyền thuyết trong kinh thánh của Thiên Chúa giáo. Vì thế, nhà thờ Hồi giáo Ibn Tulun được xây lên như biểu tượng thống trị của đạo này lên các đạo khác. 


Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn