Phát hiện sớm ung thư đại tràng

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012


Đây là loại ung thư hay gặp nhất ở nam giới, sau ung thư phổi. Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là bệnh của sự no đủ, do ăn quá nhiều thịt và chất béo. Các thống kê cho thấy tỷ lệ ung thư đại tràng ở châu Á đang tăng nhanh cùng với sự tăng cao mức sống.

Tiên lượng của ung thư đại tràng phụ thuộc vào việc phát hiện được bệnh sớm hay muộn. Nếu phẫu thuật sớm khi bệnh chưa di căn sang cơ quan khác trong cơ thể, kết quả sẽ khả quan.



Thông thường khối u xuất phát từ thành của lòng ruột; từ từ phát triển, sau khoảng vài năm sẽ thành ung thư. Lúc đó, khối u thường lớn hơn 2 cm. Thông thường, ung thư phát triển qua tình trạng bướu ruột (polyp). Bệnh cũng có yếu tố di truyền. Nếu bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư đại tràng thì con cái, anh chị em ruột cũng có khả năng mắc.

Có những người bỗng nhiên thấy trên niêm mạc đại tràng của mình xuất hiện nhiều bướu kiểu polyp. Polyp có thể có cuống hoặc không, phát triển nhanh, chiếm phần lớn niêm mạc đại tràng. Điển hình là căn bệnh có tên bệnh polyp có tính chất gia đình, được gọi là polyp gia đình; phần lớn bệnh nhân sẽ chết vì ung thư đại tràng ở tuổi 35-40 nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời khi polyp chưa thành ung thư.

Ngoài ra, người bị viêm đường ruột như bệnh “Crohn’s”, viêm đại tràng có loét... cũng dễ bị ung thư đại tràng. Những người bị ung thư vú, tử cung cũng dễ bị ung thư đại tràng hơn và ngược lại.

Ở giai đoạn sớm, triệu chứng bệnh thường không rõ, người bệnh bị đau bụng nhẹ, cũng có khi bị trướng hoặc đầy, đau tức bụng trước hoặc sau khi ăn. Triệu chứng thường gặp và có giá trị chẩn đoán là đi ngoài ra máu, nhất là những người ở tuổi 40-50. Tuổi này thường bị rối loạn đại tiện, có ngày bị táo bón, có ngày lại bị đi lỏng kiểu tiêu chảy. Nên nhớ là chảy máu của ung thư đại tràng rất ít và “kín đáo”; nhưng nếu kéo dài, người bệnh sẽ bị thiếu máu, cảm thấy mệt mỏi, khó thở.

Làm thế nào để phát hiện bệnh sớm? Theo khuyến cáo mới của Hội ung thư Mỹ, cả nam lẫn nữ nên đi khám bệnh tổng hợp hằng năm từ tuổi 50. Muốn phát hiện sớm ung thư, cần thử phân xem có chảy máu kín đáo không. Đây là triệu chứng sớm giúp chẩn đoán bệnh.

Nếu trong gia đình có người thân như cha mẹ, anh chị em ruột bị ung thư đại tràng hoặc bản thân mình cũng bị ung thư vú, ung thư tử cung, nên xin được khám xét về ung thư đại tràng. Đơn giản thì làm nội soi trực tràng, đại tràng chậu hông, khi cần mới làm nội soi cả đại tràng.

Về điều trị, phẫu thuật là phương pháp cơ bản. Trên thực tế, chưa có loại thuốc nào kể cả Tây y và Đông y được công nhận là có tác dụng với bệnh này. Tỷ lệ sống được 5 năm sau mổ là 90% nếu ung thư còn trong lòng ruột, 50% nếu ung thư đă ăn qua thành ruột, chưa ăn vào hạch, còn 30% khi u đã ăn vào hạch và 10% nếu đã di căn vào tạng.

Những trường hợp sau không nên mổ: tuổi đời quá cao, hơn 80-90 tuổi; sức khỏe suy sụp, quá yếu; có những bệnh lý tim, phổi hoặc gan; ung thư đã di căn tới một số cơ quan khác, có di căn hoặc cổ trướng.

Sau mổ, bệnh nhân phải dùng thuốc từ 6 tháng đến 1 năm.
Cập nhật lần cuối:  23/03/2012 11:48:35 AM
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn