Huỳnh Đế - Cua "Vua" ở Phú Quý

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Phú Quý được nhiều người biết đến không chỉ vì cảnh trí thiên nhiên, tính hiếu khách của người dân mà còn nổi tiếng về một loại đặc sản - cua “vua” huỳnh đế…

Cua huỳnh đế  màu đỏ hồng, mai hình vuông, càng và que ngắn, có lông nhiều ở phần cổ và đuôi. Đầu cua dài và có nhiều râu, thịt cua có vị thơm, ăn rất ngon, là đặc sản của huyện Phú Quý. 
 
Một ngư dân Phú Quý với cua huỳnh đế. Ảnh: C.T
 
Theo một số ngư dân, thường thì ở những vùng biển có nguồn nước không ô nhiễm,  đáy có cát vàng và mịn mới  có loại cua này. 
 
Cua huỳnh đế có thể khai thác quanh năm nhưng rộ nhất là mùa xuân. Thời điểm này biển rất êm, cua “vua” sinh sản và đi tìm thức ăn nhiều nhất.
 
Để khai thác huỳnh đế, ngư dân Phú Quý thường dong thuyền trong phạm vi cách đảo 50 hải lý.  Có thể đánh bắt cua bằng lưới ngâm ban đêm, nhưng tốt nhất là dùng bẫy.
 
Bẫy cua dạng như chiếc sàn, đường kính khoảng 30cm, phần đáy bao lưới. Mồi  bẫy của huỳnh đế là thịt các loài cá được cắt nhỏ bằng cỡ ngón tay cái, được móc  vào giữa sàn... Mỗi thuyền ra khơi thường mang theo từ 200 - 300 cái bẫy.
 
Bẫy được thả cách nhau từ 3 - 5m, nối kết nhau bằng một trục dây để khi cần kéo lên như kéo lưới. Cua huỳnh đế sống  ở vùng biển nước sâu có con nặng hơn 1 kg.
 
Để cua tươi nguyên, ngư dân phải biết cách giữ cua  sống, nếu cua chết sẽ không bán được giá cao. Thường thì cua huỳnh đế loại 1 (từ 0,3 – 1 kg) có giá 245.000 đồng/con, còn loại 2 (dưới 3 lạng) có giá 145.000 đồng/con. 
 
Nghề khai thác cua “vua” này tại huyện đảo đang rất thịnh thành. Nhiều ngư dân Phú Quý sau một mùa khai thác có thể kiếm được từ 60 – 80 triệu đồng.
 
Theo CHÂU THỌ (Báo Bình Thuận)
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn