“Vén mây” Ý Tý…

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011
6 giờ sáng, xuất phát từ TP Lào Cai. Men theo tả ngạn sông Hồng, chúng tôi ngược lên điểm mốc đánh dấu điểm khởi đầu "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt".

< Nơi dòng sông Hồng (màu hồng) và dòng suối Lũng Pô (màu xanh) gặp nhau, đều chảy từ địa phận huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sang địa phận bản Lũng Pô, xã Á Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai (Việt Nam).

Băng qua những con đường với địa danh quen thuộc, chúng tôi chọn hướng Bát Xát đi A Mú Sung để lên Ý Tý "vén mây" như lời của Thu Hường, cô bạn làm ở tổ chức IPADE... mà không đi theo cung đường qua Mường Hum - rừng già Dền Sáng như mọi lần.
Qua "cây không" (Km 0 - Bản Vược), rồi qua khu mỏ tuyển Đồng Sin Quyền sôi động, chúng tôi đến vùng đất "Thác Tây" Trịnh Tường...

Tiếp tục ngược sông, chúng tôi đến A Múc (cách gọi quen thuộc về địa danh A Mú Sung). Cứ thế, men theo cung đường vành đai biên giới, chúng tôi ngỡ ngàng trước mùa vàng ở A Lù với những mênh mông sóng lúa trải rộng.

Dừng xe và chụp lấy chụp để như thể nếu không ghi lại những khoảnh khắc này thì khó có lần nào mà chiêm ngưỡng được nữa... Hết ảnh sáng tác, rồi đến ảnh lưu niệm, những tràn ruộng bậc thang vàng mê mải trong bảng lảng mây sương tạo nên một tuyệt tác đến nao lòng, không dễ gì lột tả bằng lời, làm nên một nét rất riêng ở miền sơn cước...

Đoạn đường mỗi lúc lên cao, ngoằn ngoèo hơn, gập ghềnh hơn... xe bắt đầu lắc và xóc. Có lúc cả đoàn lao chúi về phía trước do lái xe chưa quen đường, nên phanh gấp. Lại có lúc, chúng tôi phải xuống đi bộ một đoạn qua chỗ mấy cánh thợ làm đường...
Đất vừa gạt lại gặp mưa mù, nên xe không thể qua nổi, đành phải cầu cứu bằng chiếc máy xúc bên đường. Đã hơn 10 giờ, chúng tôi vẫn chưa đến được Ngải Thầu...

Sau khi dùng máy xúc, buộc dây thừng và kéo xe qua được đoạn lầy, chúng tôi tiếp tục hành trình. Vẫn đi trong mây mù và mưa. Đoạn đường vòng vèo, khúc khuỷu, một bên là thung lũng ngập mây mù trắng đục, một bên là vách đá cheo leo dựng đứng như bức trường thành. Cảm giác chinh phục được độ cao, chinh phục được những vất vả như "vỡ oà" khi trụ sở UBND xã Ý Tý thấp thoáng ẩn hiện trong mây mù... Kia rồi!

Chúng tôi xuống xe. Trời mưa! Nhưng anh bạn cùng đoàn bảo đó là mây mù. "Quá mù ra mưa" chứ không phải mưa. Đất trời Ý Tý là vậy... một "đặc sản" rất riêng. Thế nên, những bức hình ghi ở Ý Tý mà "trong veo" không có mây mù là không đặc tả được hết nét riêng về Ý Tý. Bởi ở đây, thời gian có nắng chỉ được tính bằng ngày, bằng giờ. Thế nên, nhiều người chinh phục những cung đường đầy khổ ải đó chỉ mong có một lần được "vén mây" Ý Tý.

Cô bạn Thu Hường, cũng là một dân "phượt" thứ thiệt, nên đã không bỏ lỡ cơ hội khi nhắn tin, thông báo cho "đồng đội" về chiến tích mình đã chạm chân lên mảnh đất mù sương ấy. Hường còn khoe: "Trăng Ô Qúy Hồ em đã ngắm nhiều lần rồi, nhưng đây là lần đầu em đến Ý Tý"... Dù không phải là chuyến "phượt" cùng bè bạn, nhưng cũng đã cho Hường một chuyến đi đầy ý nghĩa.

Trụ sở UBND xã chỉ là điểm dừng chân để chúng tôi đón anh bạn "thổ dân" người Hà Nhì có tên rất lạ: Trang Hờ Gió. Hành trình của chúng tôi muốn khám phá là cánh rừng nguyên sinh thôn Ngải Chồ. Xe dừng lại, chúng tôi bắt đầu chuyến leo bộ vào rừng - nơi nuôi cá Hồi Vân ở Ý Tý. Những hồ cá trên núi cao được xây theo bậc tam cấp, nước chảy liên tục từ hồ cao xuống hồ thấp, những chú cá từ trời Âu đang tung tăng bơi lội.

Cuối thu, thời tiết ở Ý Tý đã bắt đầu lạnh buốt. Mặc dù trước chuyến đi, anh bạn bao năm từng gắn bó với vùng đất này đã gọi điện dặn đi dặn lại, nhớ mặc ấm vào nhé. Nhưng lúc xuống xe, tôi vẫn cảm nhận rõ cái rét buốt luồn vào da thịt, tê tái. Đã vậy, kèm theo mưa sương - "đặc sản" của xứ này cứ lất phất, lất phất rơi đều đặn cũng làm ướt mặt. Trên hàng mi cong, những hạt mưa sương cũng đã kịp đọng lại đến kiêu kỳ. Dẫu vậy, chẳng ai buồn đưa tay lên gạt mà cứ để mặc cho nó tô điểm thêm vẻ hoang sơ, như muốn ngấm vào mình cái lạnh giá của xứ mưa Ý Tý vậy.

Mặc thêm áo, quàng thêm khăn và đội mũ len vào, tôi cùng đoàn bắt đầu ngược rừng trong mây mù. Đã hơn 11 giờ! Theo lối mòn, qua những bậc đá, rễ cây chúng tôi cứ thế rẽ cây rừng mà đi. Qua những khe suối nước lạnh buốt, tôi bắt gặp một dòng thác nhỏ, nước chảy qua những phiến đá màu vàng, giống hệt như dòng suối tôi đã gặp khi leo "Phan" (Vườn Quốc gia Hoàng Liên gọi đó là dòng suối Vàng). Vì chảy qua những phiến đá màu vàng, nên màu nước dù trong suốt, nhưng cũng ánh lên một màu vàng rất đẹp.

Người bạn dẫn đường Trang Hờ Gió bảo: rừng này không có vắt đâu, chỉ có rắn lục thôi. Nếu mà gặp phải thì coi như đi đời, làm cho ai nấy trong đoàn vừa trút được gánh lo sợ vắt cắn thì lại nơm nớp với mối hiểm nguy từ rừng xanh. Thế nhưng, chúng tôi vẫn điềm tĩnh xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh với những cây gỗ rất to lúc ẩn, lúc hiện trong mây mù.

Chúng tôi không khỏi tự hào khi đang khám phá những bí ẩn trong lá phổi xanh của trái đất với những bông hoa rừng, những cây gỗ to cao vút. Dưới tán rừng ấy, những vạt nương thảo quả đang vào mùa chín, chờ đến ngày thu hái đã mang lại no ấm cho biết bao đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Thú vị nhất là khi đi qua cánh rừng với thảm mục dày đến vài gang tay. Chúng tôi cứ có cảm giác đang đi trên một tấm thảm lớn, êm êm, thỉnh thoảng bàn chân lún sâu xuống tấm thảm mục đó... Những cây nấm rừng mọc chen chúc dưới những vạt nương ấy mà không dám hái, vì chẳng biết là nấm đó có ăn được hay không. Chỉ có đồng bào nơi đây quen sống với rừng may ra mới phân biệt được đâu là nấm ăn được.

Khi lên đến nương trồng thảo quả, chúng tôi mới cảm nhận được mình bé nhỏ đến nhường nào trước bao la hùng vĩ của cánh rừng nguyên sinh. Giữa cánh rừng bắt gặp một ngôi nhà nhỏ. Đó là nhà của anh Giàng A Hoà, người Mông thôn Ngải Chồ, anh làm nhà để trông coi nương thảo quả, cũng là nơi để làm lò sấy thảo quả ngay giữa đại ngàn. Khi có thảo quả khô mới cõng về bản...

Câu chuyện về những nương thảo quả cứ cuốn tôi. Trang Hờ Gió bảo: Năm nay, thu thảo quả đúng vụ, nên mọi người mới nhìn thấy thảo quả chín đỏ dưới những gốc cây xanh mướt, bao bọc bởi mưa sương mịt mù. Chứ những năm trước, tháng 6 âm lịch, bà con đã thu rồi vì sợ mất  trộm.

Vì thảo quả được giá, lại trồng trên rừng, nên đến mùa không thu sớm "xanh nhà còn hơn già đồng" thì công chăm bón cả vụ coi như mất trắng. Nhưng giờ bà con đã hiểu ra rồi, từ ngày có quy ước thôn, bản quản lý thảo quả để thu đúng vụ, để thảo quả chín già, khi có đủ vị cay, thì mới thu hái để sấy bán. Và sản lượng nhiều hơn, thảo quả đẹp hơn, giá bán cũng cao hơn.

Người vùng cao đã biết "bảo" nhau, cùng cam kết thu đúng mùa để có tiền nhiều hơn rồi. Giàng A Hoà cười nói: Năm nay, đến thời điểm này, trong thôn Ngải Chồ vẫn chưa xảy ra vụ trộm cắp thảo quả nào, mặc dù điều này trước đây rất hay xảy ra, nhất là trước vụ thu hoạch thảo quả, gây mất an ninh trật tự, mất đoàn kết. Cái hay của "cam kết" này là việc canh tác thảo quả đúng kỹ thuật theo hướng gắn với bảo vệ rừng.

Bà con thôn, bản đã biết giữ những cây rừng tái sinh, cải thiện lò sấy để giảm đến mức thấp nhất việc lấy củi sấy mỗi mùa thảo quả chín. Vừa canh tác thảo quả, nhưng cũng vừa chăm sóc để phát triển rừng, vì bà con hiểu rằng, giữ rừng thì mới canh tác thảo quả lâu dài được. Bởi thảo quả chỉ phát triển và cho nhiều quả khi trồng dưới những tán rừng già, rừng nguyên sinh, tầng mùn dày, ẩm độ cao.

Mải mê với rừng, với nương thảo quả chín đỏ, với những câu chuyện về xung quanh hương ước thôn, bản trong việc giữ gìn bảo vệ rừng, canh tác thảo quả bền vững đã làm chúng tôi quên mất bữa trưa. Gần một giờ chiều, chúng tôi mới lục tục kéo nhau rời núi trong sự nuối tiếc. Hơn một tiếng đồng hồ mò lối ra, chúng tôi mới về được đến trụ sở UBND xã, khi đã đói nhừ...

Trời đã quang hơn, mây cũng bớt mù hơn. Có mấy anh lính biên phòng xách lồng chim ra khe nước nhỏ ven đường. Có lẽ, đây cũng là thú tiêu dao rất nho nhã của những chiến sỹ mang quân hàm xanh nơi miền biên ải sương giăng giăng. Lũ trẻ con ngơ ngác khi nhìn thấy đoàn khách lạ, mặc dù chúng đã cũng quá quen với những người đến khám phá nét hoang sơ của vùng đất này. Nhớ lại hồi đầu năm, cũng vào đận rét đậm, Ý Tý có tuyết, nhưng tôi đến được nơi này thì tuyết đã tan...

Cũng vẫn mù mịt trong mây mù và mưa sương, cả núi rừng, những ngôi nhà tường trình vuông vức của người Hà Nhì cũng chìm nghỉm trong màn sương dày đặc. Không thể ghi lại những khoảnh khắc về Ý Tý khi mây mù phủ kín được. Chính vì thế mà ước mơ được một lần "vén mây" ở Ý Tý cũng bao hàm cả ý nghĩa như thế, bởi lên Ý Tý mà đúng vào ngày có nắng là một dịp may, vì như thế cảnh sắc ở Ý Tý sẽ trải rộng ra thật tuyệt vời. Tha hồ mà chiêm ngưỡng, mà trải nghiệm cũng như ghi lại cho riêng mình những khoảnh khắc tuyệt diệu đó.

Khó mà diễn tả được hết niềm vui sướng cũng như nỗi khát khao được khám phá về vùng đất hoang sơ đầy mưa sương và gió tuyết này. Dù rằng, có năm cũng vài ba bận được lên đây theo đúng nghĩa "phượt", nhưng mỗi lần đều mang một cảm xúc riêng, khám phá được thêm nhiều điều mới mẻ về mảnh đất và con người vùng cao Ý Tý này.

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo báo Laocai, internet -----------


Thế giới cổ tích trên vùng biên ải Ý Tý

Ý Tý – vùng biên ải cao nguyên với những căn nhà trình tường trông giống cây nấm khổng lồ mọc bên sườn núi ở độ cao trên 2.000m. Nơi đây như thế giới cổ tích của người Hà Nhì đen - một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam.

Lao Chải là thôn có số người dân tộc Hà Nhì đen sinh sống đông nhất Ý Tý với 76 hộ dân và cũng là điểm đến hấp dẫn nhất ở chốn quanh năm mây phủ này.
Tự thân cái tên “Lao Chải” đã mang nghĩa Hán là “thôn gốc”, “thôn cũ”, bởi đây là thôn đầu tiên với 100% là người Hà Nhì đen.

Từ kiến trúc độc đáo

Lao Chải cũng là thôn mang đặc trưng riêng với tính thống nhất về mặt kiến trúc bởi các ngôi nhà trong thôn đều giống nhau từ hình thức, kết cấu, kiến trúc, không gian sử dụng và cả cách bài trí ngôi nhà.
Tất cả đều được làm theo kiểu trình tường, bằng đất với hai vòng trong và ngoài. Nhà thường đắp tường dày từ 40 - 45cm, trong lõi có xếp đá bằng nắm tay, cao khoảng 4,5 - 5m.

Diện tích trung bình mỗi ngôi nhà dao động từ 65-80m2, có mái dốc ngắn (4 mái) lợp bằng cỏ gianh, không có hiên. Ngôi nhà có duy nhất một cửa ra vào ở chính giữa và thêm một hai cửa thông gió ở bên trái, hoặc bên phải lối ra vào, nhìn xa như lỗ con tò vò.

Bên trong có lần cửa thứ hai cũng dày như tường ngoài, có tác dụng phòng thủ. Sau lần cửa này là bếp và giường ngủ của người làm chủ gia đình. Đây được coi là mẫu nhà chung cho các gia đình sống trong một khu vực cư trú, không có sự phân biệt sang hèn trong kiến trúc nhà ở.

Đến thế giới Hà Nhì đen

Theo câu chuyện bên bếp lửa, những cao niên người Hà Nhì được truyền miệng lại rằng, tổ tiên họ vốn là tộc người Khương, di cư từ vùng cao nguyên Thanh Tạng xuống phía nam từ trước thế kỷ thứ 3.
Dân tộc Hà Nhì có mặt ở Việt Nam cách đây hơn 300 năm trước. Khi đã tụ cư ở vùng biên giới Việt Nam, người Hà Nhì đã cùng các dân tộc khác khai phá và bảo vệ vùng đất đai nơi địa đầu tổ quốc.

Ngoài kiến trúc nhà trình tường độc đáo, cuộc sống của cộng đồng người Hà Nhì đen thôn Lao Chải cũng cuốn hút bước chân những người thích khám phá.

Người Hà Nhì bao giờ cũng cư trú gần nguồn nước để đảm bảo nước cho sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu. Ngay giữa thôn Lao Chải là một con suối nhỏ, nước được dẫn nguồn từ trên núi xuống vừa cung cấp cho người dân trong bản vừa tận dụng sức nước để đặt các cối giã gạo.

Trang phục truyền thống cũng là căn cứ để các nhà nghiên cứu dân tộc học phân biệt người Hà Nhì đen với người Hà Nhì hoa. Người Hà Nhì đen thôn Lao Chải mặc trang phục màu chàm đen. Quần áo của đàn ông thường chỉ có một màu, cúc cài trước ngực.

Y phục của phụ nữ áo cổ tròn, phần cuối vạt trước và sau cắt lượn hình tam giác cân. Bộ trang phục đẹp hơn cả là chiếc mũ vải được trang trí bằng các đồng xu nhôm, có làm quả bông các loại chỉ mầu, làm tua rua đầu quả bông.

Vừa có tính chất để làm đẹp lại vừa có tính chất trừ tà ma. Người phụ nữ Hà Nhì rất chăm chỉ, thường đeo gùi với một sợi dây tết bằng lông đuôi ngựa quàng trên trán để gùi củi, rau rừng thuận tiện, đi được mọi địa hình.

Trong sinh hoạt, mâm “Hà Chì” là loại mâm truyền thống được đan từ cây trúc, vầu và cây mây. Trong mâm cơm, phụ nữ Hà Nhì bao giờ cũng là người ăn sau khi những người đàn ông đã xong bữa.

Nếu là người ưa khám phá, Ý Tý là điểm du lịch mới có thể ghé thăm từ Sa Pa qua những địa danh Tả Giàng Phìn, Pa Cheo, Bản Xèo, Mường Hum, Sáng Ma Sáo, Dền Sáng, Ngải Chồ... Cung đường với hơn 120 km nép mình trong mây ngàn, thoắt ẩn, thoắt hiện giữa lưng trời, chơi vơi quanh những dãy núi hùng vĩ đệ nhất địa đầu Tây Bắc.

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo Vietnam Plus, Internet
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , , , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn