Học thuyết thủy hỏa của Hải Thượng Lãn Ông

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010
Với Hải Thượng Lãn Ông, y lý của Đông phương với các học thuyết triết học duy vật cổ như âm dương, ngũ hành... được vận dụng vào lĩnh vực y học đã được khai thác một cách sâu sắc và sáng tạo.


Tại sao lại gọi là “Học thuyết Thủy hỏa”?

Học thuyết thủy hỏa hay còn gọi là học thuyết tâm thận, được Hải Thượng Lãn Ông xây dựng dựa trên cơ sở của các học thuyết âm dương, ngũ hành, tạng tượng của YHCT Đông phương. Với thuyết âm, dương, thủy thuộc nước thuộc âm, hỏa thuộc lửa thuộc dương, với thuyết ngũ hành, thủy hỏa lại là hai hành tương khắc với nhau, với thuyết tạng tượng, hai tạng tâm, thận lại nằm trong phạm vi “ngũ tạng”. Tuy nhiên chúng lại thường xuyên có sự giao nhau trong cuộc sống, hai thứ đó luôn có mối quan hệ hữu cơ, ví như ánh sáng của mặt trời là nguồn gốc tạo ra sức sống của muôn vật, nước thì nuôi sống muôn loài. Cuộc sống không thể thiếu một trong hai thứ đó. Trên cơ sở như vậy, Hải Thượng Lãn Ông lấy sự cân bằng của hai tạng tâm thận trong cơ thể làm gốc với nguyên tắc “Giáng tâm hỏa và ích thận thủy”. Ông cho rằng “Con người cũng như vũ trụ, muốn tồn tại, phải có hỏa”, cái hỏa trong con người trước hết thuộc tạng tâm (quân hỏa), tiếp theo là cái hỏa của thận (tướng hỏa). Hai thứ hỏa này luôn được cân bằng với phần “thủy” của tâm huyết: Phần âm của tâm và thận thủy: thận âm. Hải Thượng cho rằng, bệnh tật phát sinh trong con người là do sự thiên lệch của thủy và hỏa, tức có sự mất cân bằng của hai tạng tâm và thận. Ông cho rằng “chữa bệnh nặng không biết đến thủy, hỏa; chữa bệnh nhẹ không biết đến khí huyết thì chẳng khác chi trèo cây tìm cá”.



Hải Thượng Lãn Ông.


Vận dụng của thuyết Thủy hỏa!

Hải Thượng Lãn Ông cho rằng, đối với người mà chân dương thịnh thì phải bổ âm, người chân âm thịnh thì phải bổ dương; tuy vậy khi bổ âm phải kèm theo vị bổ dương để không ảnh hưởng đến tỳ vị. Thông thường để bổ âm, Hải Thượng khuyên dùng phương lục vị; còn khi bổ nguyên khí củng cố chân hoả của thận thì dùng phương bát vị. Còn người âm dương đều hư thì ông khuyên dùng phương thập toàn đại bổ.

Ngoài ra, Hải Thượng đã vận dụng phép biến phương vào hai phương lục vị và bát vị để tạo ra tới hơn 50 phương thuốc khác nhau để trị rất nhiều loại bệnh tật trong cơ thể. Chẳng hạn từ phương “lục vị”, một cổ phương do Trương Trọng Cảnh danh y đời nhà Hán xây dựng, gồm thục địa 8 lạng, phục linh, đan bì, trạch tả, mỗi vị 3 lạng, sơn thù du, hoài sơn, mỗi vị 4 lạng. Các vị luyện mật ong làm hoàn ngày uống 12 -16g, dùng để chữa thận âm hư, tinh khô, huyết kiệt, đau lưng, mỏi gối, hoa mắt ù tai, tiêu khát. Hải Thượng đã gia thêm cúc hoa, kỷ tử mỗi thứ 3 lạng vào phương “lục vị” tạo ra phương Kỷ cúc địa hoàng hoàn, trị thận âm hư gây hoa mắt, thị lực giảm. Cũng với cách làm tương tự, ông gia đương quy, bạch thược, kỷ tử, cúc hoa, thạch quyết minh, bạch tật lê vào Lục vị để có phương Minh mục địa hoàng hoàn, trị mắt khô, quáng gà, giảm thị lực.

Đối với cổ phương bát vị hoàn: thục địa 8 lạng, sơn thù du, hoài sơn, mỗi vị 4 lạng, đan bì, trạch tả, phục linh, mỗi vị 3 lạng, phụ tử, nhục quế, mỗi vị 1 lạng. Các vị luyện mật ong làm hoàn ngày uống 12-16g, dùng để bổ thận dương, trị chứng mệnh môn suy, người gầy, lưng gối đau lạnh tiểu không lợi hoặc không kiềm chế được. Tiểu đêm nhiều lần, Hải Thượng đã dùng quế chi thay quế nhục để có phương Kim quỹ thận khí hoàn, trị phù do thận, khí huyết bị ứ trệ. Bát vị hoàn gia ngưu tất, xa tiền thành Tế sinh thận khí hoàn, trị thuỷ thũng, phù nề, bụng đầy trướng.

Học thuyết Thủy hỏa của Hải Thượng Lãn Ông không những vừa mang tính sáng tạo, tính thực tiễn mà còn mang tính khoa học của thời đại.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn