Du ngoạn hồ Thác Bà (Yên Bái)

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011
Cách Hà Nội 180 km về phía Tây, hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất và được biết đến là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Hồ có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình. Vùng hồ Thác Bà là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em như Dao quần trắng, Tày, Nùng, Cao Lan, Phù Lá...

Hội tụ sắc mầu văn hoá dân tộc với những lễ hội truyền thống độc đáo. Tham quan hồ Thác Bà, du khách được hòa mình với thiên nhiên trong những cánh rừng già xen kẽ với hàng ngàn đồi đảo, những dãy núi đá vôi trong bồng bềnh sông nước. Hồ Thác Bà từ lâu đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào của người dân Yên Bái.

Ngày cuối năm, những chuyến tàu khách đang hối hả rời bến Cảm Nhân xuôi dòng về Hương Lý. Tiếng máy đều đều thả nhịp trên mặt hồ gợn sóng. ánh nắng cuối đông chẳng đủ gắt để làm cháy lên những bọt nước cuộn lên sau con tàu, nhưng cũng giúp để khách trên tàu phóng tầm mắt xa hơn. Trong khoang tàu, cô bạn đồng hành làm giáo viên như đang nghe, đang đếm những tiếng vỗ của sóng nhè nhẹ bên mạn tàu.
Thường xuyên ngược xuôi trên tuyến đường thủy này, nhưng hôm nay cô mới nhận ra những gì quen thuộc gắn bó với mình trong nửa năm qua. Một gốc cây nổi lướt qua, tiếng mõ trâu hòa với tiếng trẻ trong trẻo vọng bên bãi làng ven, cả tiếng mái chèo khua nhẹ từ mấy bè nuôi cá… tất cả trở nên thân thuộc, gần gũi sau mấy tháng cô lên đây dạy học.

Những ngôi nhà ẩn hiện trong những tán rừng trồng lùi dần, phía bên trái là dãy núi đá thuộc xã Mỹ Gia. Theo luồng không gian hồ rộng mở trước mũi tàu. Nhìn lên phía bắc là núi Chàng Rể mờ mờ đổ bóng dưới nắng chiều, xa xa là xóm cá Phúc Ninh, còn đi ngược lên nữa là đến đất Xuân Long thượng huyện Yên Bình. ở đó có động Xuân Long rất rộng với nhiều nhũ đá muôn hình. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, nhất là vào dịp hè, động Xuân Long là nơi thăm thú, khám phá của giới trẻ.

Tiếp tục hành trình, thuận gió đông bắc, chiếc tàu như di chuyển nhanh hơn hướng về phía động Thủy Tiên. Làn nước hồ trong xanh thăm thẳm, mặt hồ thoáng rộng, phía bên phải xa xăm kia là dải núi đá trắng Mông Sơn quý hiếm, bên trái là các xã Mỹ Gia, Xuân Lai, Yên Thành, Phúc An với những cánh rừng trồng đang kỳ thay lá. Cô bạn đường chưa dành thời gian để đến những địa danh trong hành trình đến với hồ Thác, nhưng cô đã đọc được qua sách báo và nghe kể về những tích chuyện huyền bí gắn với những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Dao, đồng bào Tày nơi đây. Một đôi lần cô cùng các đồng nghiệp đến thăm động Thủy Tiên.

Những gì tìm hiểu được đã giúp cô bổ sung cho công tác giảng dạy, song cái mà cô cảm nhận được lại chính là phong cảnh sơn thủy hữu tình của hồ Thác. Người ta ví hồ Thác Bà như một "Hạ Long trên núi" cũng phải. Đỉnh núi đủ cao vừa sức người lên, người ta có thể thỏa tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh quan. Động Thủy Tiên mang theo một chuyện tình lãng mạn. Một bãi rộng dưới chân núi dành cho những người thích vùng vẫy, khám phá làn nước trong xanh...

Tiềm năng du lịch vùng hồ Thác Bà đã được Yên Bái nhìn nhận, các nhà đầu tư cũng đã đánh giá cao và có những động thái hướng tới. Các hoạt động phục vụ tham quan, khám phá đang diễn ra ở các địa phương ven hồ. Đó là một Ngòi Tu ở Vũ Linh mỗi năm thu hút hàng trăm khách nước ngoài, là sự cố gắng của các hộ dân trong việc đưa đón, phục vụ du khách, các nhóm văn nghệ không chuyên ở Yên Thành, Xuân Lai sẵn sàng biểu diễn những tiết mục đậm bản sắc khi khách đến thăm quan. Ở quy mô lớn hơn là các hoạt động "khám phá Thác Bà" nằm trong Chương trình Du lịch về cội nguồn phối hợp ba tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai, rồi thành công của việc nghiên cứu, trồng cây phủ vùng bán ngập.

Đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái hồ Thác Bà ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình đang tiếp tục được tỉnh Yên Bái kêu gọi các nhà đầu tư.

Cách cảng Hương Lý chừng một giờ đi tàu thủy, khu vực động Thủy Tiên xứng đáng trở thành nơi được đầu tư để phát triển du lịch. Việc khôi phục các lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng hồ, tôn tạo các công trình mang tính lịch sử văn hóa tâm linh là hết sức cần thiết. Yên Bái có thể thực hiện quy hoạch và từng xây dựng các cụm nghỉ dưỡng quy mô phù hợp, những điểm du lịch mạo hiểm và có thể là những nơi ngắm mặt trời lúc hoàng hôn đổ dài trên mặt nước, hay ngắm đàn cò tung cánh trong khung cảnh thanh bình.

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Nguồn Internet
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn