Tôi đi Châu Âu

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012
Khoai tây nướng, cà rốt mật ong và cải broccoli ăn kèm trong mónSunday Roast
Chúng tôi đến châu Âu vào những ngày hè nóng bức, thời điểm mà khách du lịchrất đông và hiển nhiên là vật giá cũng đắt đỏ hơn bình thường. Vốn sẵn tính kén ăn và tiết kiệm, lại nghe nói thức ăn châu Âu rất nhiều bơ sữa không hợp khẩu vị người Việt Nam nên chị bạn đi cùng tôi đã mang theo rất nhiều mì gói, đồ hộp để dự phòng.
Còn tôi, lại quyết tâm phải nếm cho bằng được các món ăn địa phương, dù có phải vét hầu bao. Quả thật, chuyến đi đã giúp tôi khám phá nhiều điều thú vị về ẩm thực châu Âu, chẳng thấy ngán ngẩm mà trái lại, tôi nhớ hoài hương vị của các món ăn những nơi chốn mình đã đi qua.


Sunday Roast  xứ sương mù
So với các quốc gia châu Âu có cùng bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời thì có lẽ nền ẩm thực của nước Anh là chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Du khách đến Anh thường hay ca cẩm về những bữa sáng đơn điệu chỉ có sandwich, thịt jambon ăn kèm cà chua  trứng chẳng có gì hấp dẫn.
Nói vậy không có nghĩa là món nào ở Anh cũng dở, một số món ăn mang “quốc hồn quốc túy” của họ cũng ngon, điển hình là món Sunday Roast truyền thống có mặt trong thực đơn của hầu hết các nhà hàng từ Nam chí Bắc, phổ biến đến cả xứ Wales và vùng Bắc Ireland.
Món Sunday roast vốn không dùng nhiều gia vị, mà được chế biến khá đơn giản, bao gồm thịt nướng trong lò oven vừa chín tới, rưới đều chút nước xốt Horseradish có vị giấm chua hoặc mù tạt Anh cay nồng, để ăn kèm các loại rau củ như khoai tây nướng, cải xanhbroccoli luộc chín hay cà rốt bỏ lò pha mật ong, đặc biệt không thể thiếu những chiếc bánh Yorkshire pudding, làm từ bột mì có hình chén tròn rất xinh xắn. Cái tên Yorkshire cũng là tên địa danh bắt nguồn của món Sunday roast truyền thống này.
Nghe nói vào thời kỳ cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ XVIII, món ăn này được các điền chủ chuẩn bị để tưởng thưởng cho các nông phu của mình sau một tuần làm việc mệt nhọc. Theo thời gian, nhờ cách chế biến đơn giản với nguyên liệu dễ tìm mà Sunday Roast đã trở thành bữa ăn chính của các gia đình người Anh vào các ngày Chủ nhật, khi mọi người trở về dùng cơm trưa sau buổi lễ nhà thờ.
Sunday Roast với bánh Yorkshire pudding
Riêng tôi có dịp được thưởng thức món ăn này trong một lần ghé xuống miền Nam nướcAnh thăm người bạn, được mời dùng bữa trưa trong một nhà hàng nhỏ khá ấm cúng. Những lát thịt bò mềm đã chuyển sang nâu, thoạt nhìn chẳng có gì cuốn hút, nhưng khi ăn kèm nước xốt và bánh Yorkshire pudding thì thật là đúng điệu.
Vị béo thơm của bánh mới nướng quyện với vị nồng nồng của thịt đang tan trong miệng tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ, chẳng những xua tan định kiến về một nước Anh nghèo nàn vềẩm thực, mà còn như muốn níu chân tôi ở lại thêm vài ngày nữa.
Hofbrauhaus, Bia Dunkel… với những “món nhậu” béo thơm
Trước khi chúng tôi bắt đầu chuyến đi, một chị đồng nghiệp đã nói vui rằng: “Đến Đức nhớ ghé Bavaria, đến Bavaria phải vào Munich và ở Munich thì tha hồ mà… xỉn!”. Tôi nghe vậy chứ chẳng tin, dù biết rằng Munich là trung tâm của lễ hội bia Oktoberfest lớn nhất thế giới. Cho đến khi đặt chân đến thành phố công nghiệp nổi tiếng này, được tận mắt chứng kiến người dân Munich uống bia như uống nước, tôi mới gật gù công nhận lời chị ấy nói quả không sai.
Ly bia Dunkel loại nhỏ nhất với
dung tích 1 lít tại vườn 
bia Hofbrauhaus
Nếu các quốc gia Pháp, Ý, Tây Ban Nha… được biết đến khắp năm châu với các nhãn hiệu rượu danh tiếng thì nước Đức cũng chẳng kém cạnh gì với truyền thống sản xuất và tiêu thụ bia hàng đầu thế giới. Uống bia không chỉ là thú tiêu khiển, mà còn là một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong cuộc sống của người dân đất nước giàu có nhất nhìchâu Âu này. Đến Munich, vào bất kỳ nhà hàng hay quán ăn nào cũng thấy những ly biakhổng lồ với dung tích gần cả lít đặt trên các bàn ăn.
Cũng chẳng cần phải đợi đến mùa lễ hội lớn như Oktoberfest, quanh năm những vườn biatrong thành phố vẫn luôn tấp nập và náo nhiệt. Nổi tiếng nhất phải kể đến Hofbrauhaus, một thương hiệu sản xuất bia tươi trứ danh đã trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều đoàn du khách.
Thực đơn bia ở đây rất phong phú, tùy theo xuất xứ của từng vùng, nồng độ và loại mạch nha được dùng để ủ bia mà có những cái tên đặc trưng như Altbier, Hefe Weizen, Maibock… Công nghệ sản xuất bia tuân thủ quy luật khá nghiêm ngặt, chỉ cho phép bia có ba thành phần là mạch nha, hoa bia và nước để đảm bảo chất lượng và độ tinh khiết cho mỗi vại bia.
Thông thường, bia Đức được chia làm ba loại chính: light beer (loại có nồng độ nhẹ, thường có thêm hương chanh lemonade), weak beer (loại có nồng độ từ 4 đến 7%), và strong beer (loại có nồng độ mạnh từ 7,5% trở lên). Đặc biệt loại bia đen có tên Dunkel (hay dark lager) có vị đắng hơn và nồng độ cao hơn bia thường, là một đặc sản rất nổi tiếng của thành phố Munich.
Dù không sành bia nhưng chúng tôi đã cho phép mình uống cạn hai ly Dunkel mát lạnh. Đương nhiên, bên cạnh những ly bia không thể thiếu các món ăn địa phương rất được ưa chuộng như món giò heo chiên tươm mỡ béo ngậy với kích cỡ một người ăn không hết, dọn chung với xốt chua ngọt và cải bắp muối Sauerkraut.
Giò heo chiên vàng - đặc sản vùng Bavaria
Vùng Bavaria khí hậu ôn hòa có món thịt bò cuộn Leberkas đỏ hồng, khoai tây viên Knodelnấu với hành tây ăn rất vừa miệng. Ngoài ra, xúc xích trắng Weißwurste chấm mù tạt, ăn kèm bánh pretzel hình nút thừng vàng rộm cũng rất ngon.
Ngày hôm đó, trong tiếng nhạc oompah rộn ràng của xứ Bavaria, lần đầu tiên trong đời tôi đã biết thế nào là cảm giác chếnh choáng vì hơi men.
Ăn spaghetti trên đất Ý vẫn là số 1
Có xuất xứ từ một nền ẩm thực phong phú và đa dạng, món mì spaghetti đã đi chu du khắp nơi trên thế giới và chắc hẳn không còn xa lạ gì trong thực đơn của các nhà hàng lớn ở châu Á. Nhưng chỉ ở tại đất Ý, món ăn này mới thật sự thăng hoa với hương vị đậm đà, thơm ngon nhất.
Món mì đen Squid Ink với xốt hải sản đặc trưng của phố cổ Venice
Tại Ý, spaghetti chỉ là một trong số hơn 300 loại pasta có hình dạng và màu sắc khác nhau làm từ lúa mạch mà chỉ riêng những cái tên như linguini, maccheroni, fusilli, lasagne… cũng đủ làm du khách choáng ngợp, chưa kể đến cách chế biến muôn hình vạn trạng theo đặc trưng riêng của từng vùng miền.
Tôi có anh bạn đồng nghiệp người Thụy Sĩ, mỗi lần về châu Âu anh đều tranh thủ ghé qua Venice để thưởng thức món mì đen Squid Ink tẩm trực tiếp từ mực của con mực mà theo lời anh thì khi ăn sợi mì vừa dai vừa mềm, vừa có vị hải sản rất đặc biệt. Cũng vì lời giới thiệu đó mà khi đến Venice, tôi quyết tâm tìm cho bằng được nhà hàng có bán món mìđộc đáo này.
Đúng như lời anh đồng nghiệp, những cọng mì trơn tuột màu đen thoạt nhìn trông chẳng hấp dẫn gì nhưng khi được ướp với nước xốt tỏi băm và ớt xay nhuyễn, trộn chung với các loại hải sản tươi đặc trưng miền Địa Trung Hải lại có hương vị đậm đà khó quên, vừa cay cay mằn mặn trên đầu lưỡi, bỗng chốc lại trở nên thanh thanh ngòn ngọt khi nuốt vào cuống họng. Có lẽ đó là món mì Ý độc nhất vô nhị mà tôi từng được ăn trong đời.
Những ngày sau đó, khi rong ruổi ở hai thành phố du lịch nổi tiếng là Florence  Roma, tôi còn được thưởng thức thêm vài món spaghetti  hương vị cũng khá thơm ngon và lạ miệng, trong đó phải kể đến bữa ăn tối toàn mì trong một nhà hàng nhỏ ở ngoại ô thủ đôRoma. Dưới ánh nến lung linh, dĩa mì xốt trứng được dọn ra ánh màu vàng ươm như tơ, thoang thoảng mùi bơ và rau húng quế xắt sợi, lấp ló vài con tôm đỏ au chưa bóc vỏ đã kích thích vị giác của mọi thực khách.
Cũng cần phải nói thêm, để có món mì Ý ngon, ngoài sự biến hóa tinh tế của các loại nước xốt và gia vị thì việc chọn loại rượu uống kèm cũng góp phần khá quan trọng. Những món mì xốt dầu olive, parmesan hay cream sauce thường được dùng kèm với rượu vang trắng, còn các loại mì xốt cà chua và có vị cay phải đi kèm với một ly rượu đỏ như Chianti hay Cabernet Sauvignon mới đúng điệu.
Tối đó, trước lời dụ dỗ rất dễ thương của anh phục vụ bàn, tôi gọi một ly Chianti đỏ. Vừa tận hưởng vị béo cay của mì, vừa nhấm nháp ly rượu đỏ chan chát, nhìn ra ngoài trời mưa bay lất phất, tôi chợt nhận ra mình đang có bữa tối lãng mạn nhất trong suốt chuyến hành trình.
Paris và những món ăn đường phố
Thủ đô Paris không chỉ nổi tiếng là kinh đô ánh sáng với nhiều công trình nghệ thuật tuyệt tác, mà còn được du khách ca tụng là thiên đường ẩm thực nhiều màu sắc. Món ngonParis có mặt khắp nơi, từ những nhà hàng sang trọng trên đại lộ Champs-Élysées đông đúc đến các quán ăn nhỏ nằm khiêm tốn trong khu chợ trời phía Nam thành phố. Trong số đó phải kể đến các món ăn nhanh bán dọc lề đường, những món ăn đã làm bạn thân thiết với tôi trong những ngày lang thang khắp các nẻo đường Paris hoa lệ.
Một quầy Tartiflette trên đường phố Paris
Dễ thấy nhất là món bánh mì baguette rất giống bánh mì Sài Gòn của Việt Nam, thường được bán trong các cửa hiệu nhỏ phía ngoài trạm xe điện ngầm. Cũng những ổ bánh mì giòn rụm nhét đầy thịt, rau và cà chua, phết đều những lát bơ thơm và pâté, nhưng bánh mì kiểu Pháp dùng xốt mayonnaise và phô mai thay vì nước tương nên có vị béo và ngậy hơn.
Pâté kiểu Pháp cũng làm từ gan và thịt heo, nhưng lại có vị đắng và dậy mùi hơn pâté Việt nhờ trộn thêm các loại hương liệu, rau húng tây thơm và thỉnh thoảng lại pha thêm chút rượu vang. Những ngày ở Paris, tôi ăn bánh mì hầu như mỗi buổi sáng mà không thấy ngán, dù đôi lúc vẫn ước ao giá như có thêm chút ngò hay cà rốt xắt sợi ngâm chua thì món ăn sẽ đậm đà hơn.
Nhắc đến văn hóa ẩm thực Pháp, tôi để ý thấy người Pháp dường như không có khái niệm ăn nhanh. Dù có vội vã đến mấy, họ cũng ngồi vào bàn dùng bữa chỉnh tề chứ ít khi mua vội món nào đó ăn dọc đường đi. Trong khi đó, dân du lịch lại rất chuộng kiểu ăn tốc hành, vừa ăn vừa tranh thủ thời gian để thăm thú chỗ này chỗ kia. Chắc có lẽ vì thế mà các kiosque bán thức ăn nhanh thường tập trung nhiều ở các địa điểm du lịch nổi tiếng.
Có lần đi tham quan nhà thờ Đức Bà, tôi tình cờ phát hiện một khu chợ khá sầm uất nằm trên đường Montorgueil. Tại đây, một người bán hàng thân thiện đã mời tôi nếm thử mónkhoai tây Tartiflette được vớt ra từ một cái chảo to khổng lồ đường kính gần một mét. Món ăn này có xuất xứ từ vùng núi Savoie phía Đông Nam nước Pháp với nguyên liệu chính là khoai tây, phó mát và thịt heo xông khói.
Ngoài ra, tùy cách chế biến mà có thể thêm vào nấm tươi, hành tây hay các gia vị khác. Tartiflette ngon nhờ khoai tây có vị ngọt mềm vừa phải cùng một lớp thịt mằn mặn, dai dai thơm lừng mùi phó mát Pháp. Món này tuy béo nhưng ăn rất dễ ghiền, bằng chứng là tôi đã phải quay lại khu chợ này vài lần chỉ để mua những hộp Tartiflette tỏa khói thơm nghi ngút.
Và sẽ là một thiếu sót lớn nếu đến Paris mà không ăn bánh crêpe. Mặc dù chị bạn cứ luôn miệng chê thứ bánh làm từ bột mì tráng mỏng ăn nhàn nhạt thua xa bánh xèo Việt Nam, riêng tôi lại thích món bánh này ở cách chế biến độc đáo, vừa có thể dùng làm món mặn (bánh crêpe kẹp trứng, cá ngừ, hải sản..), vừa có thể dùng làm món tráng miệng với nhân sôcôla, bơ đậu phộng, mứt dâu… Bánh crêpe bình dân giá chỉ từ 2 đến 5 euro, có bán khắp các vỉa hè trên đường phố Paris.
Tôi còn nhớ con phố nhỏ gần trạm xe điện Châtelet-Les Halles có ông già bán bánh crêpe vui tính lúc nào cũng niềm nở chào mời khách, tay vừa thoăn thoắt đổ bột vào khuôn, miệng vừa nghêu ngao hát mấy bài dân ca Pháp thật dễ thương. Khi tôi đã trả tiền xong và cầm miếng bánh nóng hổi đi thong dong đến cuối đường mà vẫn còn nghe tiếng hát ông văng vẳng sau lưng lời bài hát dân ca Dame Tartine rất được trẻ con Pháp yêu thích: “Il était une Dame Tartine. Dans un beau palais de beurre frais…”.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn