Thất Sơn là tên gọi chung bảy ngọn núi huyền thoại ở tỉnh An Giang: núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Dài Nhỏ hay núi Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn). Trên chiếc du thuyền Khám Phá Mekong khởi hành từ bến Đá (TP Long Xuyên, An Giang), chúng tôi hướng tới huyện Tịnh Biên sau khi rẽ sang kênh Vĩnh Tế - thủy lộ dài gần 100km, do quan trấn thủ Thoại Ngọc Hầu huy động sức người đào - nối Châu Đốc - Hà Tiên đi qua Tịnh Biên theo đường biên giới tây nam, nhờ đó vùng đất dữ Hậu Giang hoang vu trở nên trù phú, yên bình, đến ngày nay con kênh đào vẫn còn nguyên giá trị.
Những ngọn núi mang tên loài chimĐúng 14g chúng tôi bắt đầu lên núi Két thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên. Sau vài trăm bậc đá toát mồ hôi mới đến được khối đá tạo hình đầu chim két ngoạn mục. Từ đây phải vượt hàng loạt dốc đá và những vòm hang lộ thiên để lên đỉnh núi. Thiết bị định vị toàn cầu GPS hiển thị con số 252m so với mặt biển trong khi theo nhiều tài liệu, cả những trang web du lịch, đỉnh núi Két chỉ cao 225m.
Qua đêm tại thị trấn Tri Tôn, rạng sáng chúng tôi phóng xe vòng quanh núi Cô Tô thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn để tìm đường lên đỉnh núi. Nhờ thế mà được dịp ngắm núi ở mọi góc cạnh, nhìn được dáng con chim phụng đang xoải cánh bay giữa đồng bằng mênh mông, có điều ở vạt núi chếch về phía tây được ví là đuôi chim phụng đang bị lở lói từng ngày bởi những tiếng nổ mìn rung chuyển núi rừng từ những công trường khai thác đá ngày đêm. Chẳng biết đến lúc nào thì ngọn núi hình chim phụng rồi sẽ chỉ còn trong sách vở!
Chỉ mất vài chục phút xe ôm đã tới Sân Tiên ở độ cao 298m, sau đó cuốc bộ theo lối mòn đến đỉnh Cô Tô. Với giá 80.000 đồng “khứ hồi”, đi xe ôm cũng là cách trải nghiệm nhớ đời bởi những khúc cua tay áo, những đoạn leo dốc ngược, những lúc xe đột ngột thắng gấp để nhường đường cho xe ngược chiều ào ào thả dốc. Lên đến Cấp Nhất chóp đỉnh Cô Tô, chúng tôi chạm tay vào cột mốc bêtông ở độ cao 614m.
Xuống núi, tới vồ Hội - một phiến đá rộng rãi, chênh vênh trong khuôn viên chùa Bồng Lai - là nơi hành hương của khách thập phương, cũng là điểm lý tưởng để ngắm toàn cảnh vùng biên viễn tây nam Tổ quốc: núi Dài, núi Cấm phía bắc, núi Tà Lơn phía tây và huyện lỵ Tri Tôn phía nam.
Những ngọn núi của truyền thuyếtNúi Tượng ở thị trấn Ba Chúc chỉ cao 145m. Tháng 4-1978, khi Khmer Đỏ tràn qua biên giới thảm sát dân làng Ba Chúc, nhiều người đã chạy lên núi Tượng trốn lánh trong hang nhưng vẫn bị lính Pol Pot truy tìm và tàn sát. Từ núi Tượng, chúng tôi đến với núi Nước thật ra chỉ là một quả đồi cao 17m, được hình thành bởi những tảng đá chồng chất lên nhau chẳng khác một hòn non bộ khổng lồ. Dưới chân núi có chùa cổ Linh Bửu - được tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa xây dựng năm 1884 - không gian thanh tịnh, cảnh trí tươi đẹp.
Núi Dài hay Ngọa Long Sơn (thuộc huyện Tri Tôn) với đỉnh gần như bằng phẳng trải dài hơn 8km, khó xác định đâu là điểm cao nhất. Dù trên núi có hai di tích lịch sử quốc gia là điện Trời Gầm và đồi Ma Thiên Lãnh nhưng Ngọa Long Sơn vẫn là con rồng đang yên ngủ bởi chưa khai thác du lịch được. Xưa kia núi Dài từng đầy rẫy ác thú.
Tương truyền vào năm 1819, khi Thoại Ngọc Hầu huy động dân binh xuống đóng trại tại Ba Chúc, chuẩn bị đào kênh nối Châu Đốc - Hà Tiên, đêm xuống tuy người đông song lúc nào cũng phải nổi lửa hoặc đánh động để xua đuổi cọp thường lảng vảng xung quanh. Huyền thoại Thất Sơn còn nói tới con nưa chín mũi (giống như trăn nhưng mũi có tới chín lỗ nhỏ) hết sức hung dữ, có con thân mình to bằng cây cột nhà!
Đường lên núi Dài có thể nói là gian truân nhất trong số các ngọn núi vùng Thất Sơn. Càng lên cao cây cối càng dày đặc, che khuất hẳn lối đi. Đôi ba lần chúng tôi bị lạc, khi đó người dẫn đường phải leo lên ngọn cây định hướng hoặc hỏi thăm những người lên rừng hái lá thuốc. Giữa trưa, sau nhiều nỗ lực chúng tôi mới lên tới đỉnh. GPS báo độ cao là 578m.
Chưa kịp lấy lại sức sau buổi sáng khám phá núi Dài, quá trưa chúng tôi lên tiếp núi Dài Nhỏ - Năm Giếng ở thị trấn Nhà Bàng (thuộc huyện Tịnh Biên) với năm hốc đá đầy ắp nước nằm kề nhau trên cùng một khối đá thoai thoải. Quanh năm những “giếng tiên” này đều có nước, có lúc còn tràn qua miệng giếng. Đường lên đỉnh Ngũ Hồ Sơn không một bóng người, bị chắn ngang bởi vồ đá chông chênh, phải bám dây leo để bò lên. Lại chặt cây mở đường như khi lên đỉnh núi Dài. Đến đỉnh núi, thiết bị GPS báo độ cao 268m.
Nóc nhà đồng bằng sông Cửu LongNúi Cấm, người địa phương thường gọi núi Ông Cấm, từ xưa được tôn vinh là ngọn núi hùng vĩ, linh thiêng nhất vùng Bảy Núi. Tên núi được cho là có từ thời chúa Nguyễn Phúc Ánh, khi ông bị quân Tây Sơn truy đuổi phải lên núi lánh nạn. Để giấu tung tích nên chúa sai quan quân cấm dân lai vãng. Một giả thuyết khác là ngài Phật thầy Tây An từng cấm các đệ tử không được xâm phạm núi thiêng vì sợ ô uế.
Cấm Sơn còn mang bao truyền thuyết kỳ bí về các ông đạo tu hành đắc đạo thành tiên, những người khai sơn đả hổ, chém mãng xà, thu phục ác thú, những người ngậm ngải tìm trầm nhưng bị kho báu biến thành “xà niêng” điên dại...
Chúng tôi lên đỉnh núi Cấm bằng một lối nhỏ dọc theo rừng với nhiều ngã rẽ vào chùa chiền, miếu mạo, thắng cảnh xung quanh. Sau hai giờ rong ruổi trên những bậc đá gập ghềnh giữa không gian yên tĩnh và khí hậu mát mẻ, chúng tôi đặt chân lên độ cao 535m. Ở đó sừng sững tượng Phật Di Lặc cao đến 33,6m. Thật khó tin ở nơi địa hình phức tạp như vậy mà người ta có thể xây dựng một tượng đài hoành tráng đến thế.
Để hoàn thành bức tượng Phật sinh động này, các nghệ nhân đã phải thi công suốt ba năm. Từ chùa Vạn Linh chúng tôi lên đến vồ Bò Hông, mỏm đá lớn trên chóp đỉnh Thiên Cấm Sơn ở độ cao 710m - điểm cao nhất của miền Tây Nam bộ, từ đây ngắm nhìn một vùng không gian bao la gắn liền với những truyền thuyết, nhân vật, sự kiện của thời Nam tiến khai hoang mở đất hào hùng...
Đó cũng là ngọn núi cuối cùng của Thất Sơn mà tôi từng ao ước sẽ có ngày được đặt chân lên tất cả.
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn