"Chinh phượt” FansiPan

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011
ĐGD: Cái "khoái" và hả hê khi chinh phục được đỉnh FansiPan - nơi cao nhất Đông Dương thì khỏi phải bàn nhưng bạn có hình dung ra những cái "khổ" trong cuộc hành trình gian nan vất vả này không? Mời các bạn xem qua tường thuật của bác Nguyên Thủy về cái sự "hổng sướng" trên bước đường lên Fan.

Nguyên Thủy: Tôi vẫn từng ấp ủ về một lần chinh phục nóc nhà Đông Dương – FanxiPan. Tối ngày 25/3/2008 chúng tôi lên tàu. Sapa – Lào Cai thẳng tiến. FansiPan mời chào. Đoàn gồm 9 người. Theo kế hoạch chúng tôi sẽ chinh phục nóc nhà Đông Dương trong vòng 4 ngày với 3 đêm ngủ rừng. FansiPan hoành tráng và hùng vĩ như tôi mong đợi. Nhưng vẫn còn nhiều góc tối mà mỗi lần tôi chứng kiến là một lần xót xa.

“Thiên đường”: Sống cùng vắt. Ngủ rừng. Uống nước suối. Không tắm rửa. Leo những vách đá dựng đứng … Đó là những thử thách mà bất cứ ai muốn chinh phục PhanxiPan cũng phải vượt qua.

Vắt rừng

Xuất phát từ Hà Nội tối ngày 25, sáng 26 cả đoàn tới nơi. Mọi người nghỉ ngơi, đi leo núi Hàm Rồng làm quen với không khí và độ cao. Một số thành viên trong đoàn đi mua thực phẩm chuẩn bị đủ ăn cho 4 ngày trong rừng.

Đoàn gồm 9 người cộng thêm 1 người hướng dẫn (gai), 7 người gùi đồ(porter). Tổng cộng là 17 người. Lên danh sách cho 17 người ăn trong 4 ngày là không hề dễ.

Gạo. Thịt gà, bò, lợn. Rau. Rượu… Tất cả đều được mua theo sự tư vấn chặt chẽ của Má A Dũng – hướng dẫn viên người H’mông. Dũng lên gân cốt cho cả đoàn rằng đây là một tour khó. Rất ít người đi tour này. Từ ngày mở tour chưa tới 10 đoàn đi đường này. Đa số người leo FansiPan sẽ đi theo đường thương mại.

8h sáng ngày 27 cả đoàn bắt đầu khởi hành từ Sapa. Trời mưa tầm tã. Gai dặn dò: “Bắt đầu từ điểm khởi hành cho đến điểm nghỉ trưa sẽ có rất nhiều vắt. Cẩn thận kẻo vắt chui vào người hoặc tai. Không được ngồi bệt khi nghỉ.” Chỉ nghe thấy vắt, nhiều thành viên trong đoàn đã lo ngay ngáy. Giầy leo núi chống vắt. Gệt chống vắt. Thuốc DEP chống vắt. Ai cũng trang bị đủ cả. Có người sợ vắt cắn còn bôi thuốc chống vắt kín người.

Bản thân tôi nghe nói về vắt rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy. Khi nghe nói có vắt, cảm giác đầu tiên trong là muốn được nhìn thấy xem nó “dư lào” - Vì sao mọi người sợ đến vậy?

Nhìn thấy rồi thì mới thấy quả thực là “hơi thất vọng”. Tưởng gì ghê gớm. Hóa ra vắt cũng chỉ có vậy. Nhìn còn không ghê bằng con đỉa. Chẳng qua con này sống trên cạn và có thể búng mình nhảy lên cao để bám vào vật chủ để hút máu. Gai và Porter còn quen với vắt đến mức họ chẳng cần một biện pháp phòng chống nào. Nếu vắt đốt thì họ bắt vất đi. Nhiều anh em đã bị vắt cắn chảy máu.

Gai phím cho rằng “người đi đầu rất hiếm khi bị vắt bám và đốt. Bình thường vắt ngủ. Khi có người đi qua nó mới tỉnh và nhảy lên bám vào người đi sau.” Trưa đó đoàn nghỉ ở một lán sấy thảo quả.

Mưa như trút nước.Vắt nhiều vô kể. Phải đốt lửa để đuổi vắt. Một vài người vừa ăn vừa dùng dao giết vắt. Trong đoàn có hai người là phụ nữa. Họ “nhạy cảm” nhất với vắt nhưng cũng bị vắt chui vào giầy nhiều nhất. Nhìn thấy con vắt bò lổm ngổm chui qua các lỗ xỏ dây giầy vào trong mà các chị này cứ nhảy dựng lên kêu các anh trong đoàn đến cứu.

“Bích hổ du tường” gặp “nghiêng trái phun châu”

Lần đầu ăn ngủ sinh hoạt trong rừng chắc chắn không khỏi bỡ ngỡ. Buổi chiều đầu tiên khi đến đích, tôi cầm khăn mặt ra suối. Vừa chạm tay vào nước đã phại rụt tay lại. Nước suối lạnh thấu xương. Hơn cả nước đá. Gai dặn không được rửa, vệ sinh cá nhân ở đầu nguồn để còn lấy nước phục vụ ăn uống.

Dừng chân được khoảng 30 phút thì cái lạnh của rừng bắt đầu thấm vào da thịt. Gió to như bão. Càng ngồi càng lạnh. Hai thành viên nam trong đoàn còn nói đùa với nhau: “Lạnh thế này khi tối nay anh em mình phải “vượt qua dư luận” để đến với nhau. Không ôm nhau thì chống lại làm sao được cái lạnh.” Tôi phải khoác lên mình hai chiếc áo khoác dầy mà vẫn thấy lạnh buốt.

Chuyện vệ sinh cũng là một câu chuyện khá thú vị khi đi rừng. Đi tiểu thì dễ nhưng đại tiện thì là câu chuyện khác. Nhất là đối với những người bị táo bón hoặc phải ngồi lâu mới ị được. Ngồi lâu rất dễ gặp rắn hoặc các loài côn trùng khác bò đến do bị hấp dẫn bởi “mùi vị”.

Sáng ngày đầu tiên ngủ dậy trong rừng, hai thành viên nam trong đoàn dẫn nhau đi... ị. Điều này cũng khá cần thiết bởi phải “trông coi” cho nhau. Nguyên tắc khi đi vệ sinh không được đi vào nguồn nước, không được đi tại bãi nghỉ và không được đi về hướng đi tiếp theo.

Hai chú này dẫn nhau quay ngược lại đoạn đường đã đi qua ngày hôm trước. Địa điểm được chọn khá chệt hẹp với một bên là núi và một bên là vực. Mỗi chú ngồi bám vào một gốc cây chĩa mông xuống vực. Chú Cẩm Văn của báo Lao động tự gọi tư thế của mình là “bích hổ du tường”. Chú Cường16 tiếp viên của Vietnam Airlines - biệt danh là Nấm thì gọi tư thế của chú ấy là “nghiêng trái phun châu”. Chú này tự gọi thế bởi đám châu ngọc của chú ấy đã được tích cóp từ 4 hôm. Táo mãi. Đến sáng hôm đó quang cảnh đẹp, thiên nhiên mát mẻ đám châu ngọc kia mới chịu phun ra. Mừng lắm - vì nhẹ bụng mà.

Người ra đi mãi mãi

Ngay sáng xuất phát trời đã mưa tầm tã. Ít nhất có hai thành viên trong đoàn bàn lùi không muốn đi. Leo núi trời mưa đồng nghĩa với nguy hiểm tăng gấp nhiều lần. Nhưng đã quyết thì vẫn cứ đi.

Đi được khoảng 4 km thì đường bắt đầu dựng đứng. Nhiều đoạn leo ngược theo những con suối nhỏ chảy từ trên đỉnh núi xuống. Mưa. Đá trơn tuột. Một thành viên trong đoàn xẩy chân bị ngã nhưng rất may chỉ bị sứt sát ngoài da. Nếu là đường rừng thì đường đi gần như chỉ là những dấu vết rất mờ nhạt.

Chỉ khoảng 3h chiều thì đoàn đến điểm tập kết nghỉ đêm đầu tiên. Gai cho biết điểm nghỉ chân yêu cầu bắt buộc là phải dựng được lều và phải cạnh suối. Cần phảỉ có nước để nấu ăn. Không thể gùi nước sinh hoạt đi để đủ cho 4 ngày vì nước rất nặng. Chính vì vậy mà Gai phải là người rất hiểu và thông thuộc đường. Nếu chỉ đi thêm một nhịp thì có thể sẽ phải đi rất lâu sau mới tới điểm có nước và có bãi trống để cắm trại.

4h30 Gai gọi cả đoàn ăn tối. Mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cơm vào buổi tối. Sáng và trưa thường ăn mì tôm hoặc bánh mỳ. Bữa cơm tối giữa rừng được những anh em người H’Mông chuẩn bị khá chu đáo. Thịt gà rang. Thịt lợn xào hành cùng cà rốt tỉa hoa. Rau cải xoong xào. Đáng lẽ là hoàn hảo nếu nồi cơm không bị sống do phải nấu trong hoàn cảnh gió quá to mà lại nấu cho nhiều người ăn. Thế nhưng sau ngày đầu tiên thử sức thì bữa cơm vẫn là phần thưởng quá lớn cho sức khỏe. Ai không ăn được cũng cố để ăn nhằm còn giữ sức chiến đấu cho những ngày sau.

Ngày thứ 2 và ngày thứ 3 thời tiết ủng hộ. Trời nắng đẹp. Nhiều chỗ, hoa đỗ quyên nở đỏ hoặc trắng, tím cả vạt rừng. Ngày thứ 2 đoàn đi ra qua một rừng tùng được xác định phải hơn 1000 năm tuổi. Điểm nghỉ đêm ngày thứ 2 là rừng nguyên sinh. Tất cả những cảnh đẹp thiên nhiên hoang dã này nếu leo theo đường thương mại đều không được có. Điều đáng nhớ nhất của ngày thứ hai là một thành viên nữ trong đoàn tưởng mình bị lạc.

Trưa ngày thứ 2 đoàn leo đến đỉnh 2900. Từ độ cao này đoàn phải leo xuống độ cao 2600. Đường đi bám theo một con suối đổ từ trên đỉnh núi xuống. Chính ở đoạn này thành viên nữ trên đã bị lạc mất khoảng 20 phút. Thân gái giữa rừng hoang. Không sóng điện thoại. Đang hoang mang tột độ, khóc rưng rức một mình thì gai tìm thấy. Hú hồn. Mừng như được sống lại.

Điểm nghỉ đêm và ngày hôm sau leo lên đỉnh PhanxiPan. Điểm nghỉ đêm ngày thứ hai tọa trên một bãi đất cắm lều nhỏ xíu. Ngay dưới cửa lều là vực. Nguy hiểm nhưng mọi người vẫn đùa rằng: xảy chân ngã là “người ra đi mãi mãi”

Trực thăng “xuống núi” – 5000USD

9h24’ ngày thứ ba tôi là người đầu tiên trong đoàn bước lên tới đỉnh PhanxiPan. Cảm giác sướng ngập người. Tôi có cảm giác nhưng mình được “lên thiên đường”. Vất bỏ lại đằng sau là những toan tính của công việc hằng ngày.

Đỉnh cao mà hàng triệu người mơ ước được một lần chinh phục đã khuất phục dưới chân tôi. Đó là một đỉnh núi đá với diện tích rộng khoảng 20m2. Không có gì đặc biệt ngoài một vật hình tháp làm bằng inox trên đó có đề dòng chữ PhansiPan 3143m. 5 phút sau cả đoàn lên đến nơi rồi chụp ảnh lưu niệm.

Trò chuyện với Má A Dũng về những người từng chinh phục đỉnh PhansiPan, tôi có nói rằng anh thấy thực sự không quá khó khăn để chinh phục. Sức anh có thể leo những đỉnh cao hơn. Dũng nói với tôi rằng: “Anh không nên nói vậy. Có thể với anh là dễ nhưng với nhiều người thì nó là rất khó khăn.”

Rồi Dũng kể đã từng dẫn một đoàn sinh viên Singapore lên đây. Một cô sinh viên trong đoàn sau khi leo lên đến nơi thì cứ ngồi khóc rồi gọi điện đi khắp nơi nói rằng không thể xuống được. Cô này yêu cầu Dũng thuê trực thăng cho cô xuống. Thế nhưng cái giá để thuê trực thăng cũng sẽ rơi vào khoảng 5000USD. Cuối cùng Dũng phải thương thảo với 4 anh em Porter cho cô sinh viên này vào trong túi ngủ rồi thay nhau khênh xuống. Giá chỉ có 2 triệu đồng. “Không phải ai cũng khỏe như anh để có thể leo được đâu.” Dũng khẳng định.

Sau khi tọa trên đỉnh khoảng hơn 1h đồng hồ thì chúng tôi bắt đầu xuống núi. Hai thành viên trong đoàn gồm một nam một nữ đã kiệt sức sau ba ngày leo xin được đi đường thương mại xuống trước. Còn một lý do tế nhị khác là anh chị này sau ba ngày đi rừng không tắm đã cảm thấy bẩn không thể chịu được. Nói vậy, hóa ra những thành viên còn lại trong đoàn đều là “người bẩn thỉu” cả.

Tối đó, đoàn chúng tôi nghỉ tại đỉnh 2200m. Ngày thứ tư chúng tôi đi xuống bản Xín chải bằng một con đường mà ngay cả gai cũng khẳng định “đường này chỉ dành cho người đi rừng”. Cung đường này như Porter nói thì cảm giác giống như đi trên vạn lý trường thành. Đường đi xuống đổ dốc thẳng đứng. 12h tôi vẫn là người đầu tiên trong đoàn bước những bước mệt mỏi tại thị trấn Sapa. Chuyến đi kết thúc đẹp. Chân tôi mỏi và mệt nhưng tôi bước trong tâm thế ngẩng cao đầu bởi tôi vừa từ một nơi rất khó khăn trở về.
4 ngày đoàn chúng tôi đã đi khoảng 40km đường rừng. 3 đêm ngủ rừng. Bốn ngày chưa tắm rửa. Tắm thôi. Hôi quá.

Nguyên Thủy (Blog 360)
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn