5 từ nên tránh trong quảng cáo

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009
Nếu vào trang web Google và tìm những từ quảng cáo có sức lôi cuốn, bạn thấy ngay hơn 8 triệu kết quả. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là bạn có thể “vô tư” sử dụng tất cả những từ này trong các thông điệp quảng cáo cho doanh nghiệp của mình.
Bên cạnh những từ có tác dụng rất tốt trong việc thu hút sự chú ý của người tiêu dùng như “bạn”, “Bảo đảm”, “Dễ dàng”, “Thời gian có hạn”, “Miễn phí”… bạn cần phải lưu ý đến một số từ mà nếu lạm dụng chúng, những lời quảng cáo của doanh nghiệp sẽ trở thành sáo rỗng trong nhận thức của người tiêu dùng. Dưới đây là năm từ mà doanh nghiệp nên tránh lạm dụng.
Chất lượng
Đây có lẽ là từ được dùng nhiều nhất trong quảng cáo. Và đó cũng là lý do vì sao doanh nghiệp nên tránh sử dụng từ này. Ý nghĩa chính xác của từ “chất lượng“ là gì? Đối với xe hơi nhãn hiệu Lexus, chất lượng có thể được hiểu là sự êm ái, nhẹ nhàng. Nhưng đối với xe hơi hiệu Hyundai, chất lượng có nghĩa là dịch vụ bảo hành tốt mà không một nhà sản xuất xe hơi nào có thể cạnh tranh được. Doanh nghiệp nào cũng có thể nói rằng mình đem đến cho khách hàng một sản phẩm hay dịch vụ có chất lượng, cho dù sản phẩm hay dịch vụ đó được bán với giá cao hay thấp. Khi có quá nhiều công ty sử dụng từ “chất lượng“ trong quảng cáo, người tiêu dùng sẽ trở nên vô cảm với từ này vì họ không biết nên hiểu ý nghĩa của nó như thế nào cho đúng.
Giá trị
Tương tự như “chất lượng“, từ “giá trị“ cũng bị các công ty lạm dụng trong quảng cáo. Trong ví dụ ở trên thì loại xe nào sẽ có giá trị hơn, Lexus hay Hyundai? Điều này tuỳ thuộc vào người mua, hoàn cảnh mua xe và việc người mua dựa trên những đặc điểm hay lợi ích nào của xe để đánh giá giá trị của chúng. Trong ngành bán lẻ, nếu Wal-Mart nói rằng họ luôn đem đến cho khách hàng những mặt hàng có giá trị thì Tiffany – công ty kinh doanh hàng thời trang cao cấp – cũng có thể nói điều tương tự. Mọi sản phẩm hay dịch vụ đều có giá trị riêng của nó. Vì vậy, nếu trong các thông điệp quảng cáo, doanh nghiệp nói rằng “Chúng tôi đem đến cho bạn những giá trị tốt nhất“ thì điều đó hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì.
Dịch vụ
Có bao giờ bạn thấy một mẫu quảng cáo hứa hẹn đem đến cho khách hàng một dịch vụ kém chưa? Hiển nhiên là chưa. Vì vậy, nếu quảng cáo nêu rằng doanh nghiệp sẽ đem đến cho khách hàng một dịch vụ tốt thì giới tiêu dùng cũng chẳng quan tâm đến điều đó. Điều đáng nói hơn là những công ty quảng cáo tốt về dịch vụ của mình thường làm điều ngược lại.
Sự quan tâm
Bạn có thực sự tin rằng doanh nghiệp của mình quan tâm đến khách hàng hơn bất cứ đối thủ cạnh tranh nào khác không? Dù bạn có tự tin nói vậy, nhưng đối với số đông khách hàng, đó là một điều bình thường, bởi lẽ nếu doanh nghiệp không quan tâm thích đáng đến khách hàng của mình thì họ đã không thể tồn tại trên thị trường.
Các công ty dịch vụ lại càng dễ bị thất bại nếu tự lừa dối mình bằng cách quảng cáo rằng họ luôn quan tâm đến khách hàng, bởi họ đâu có bán sản phẩm hữu hình. Khi công ty nào đó nói rằng “Chúng tôi quan tâm đến khách hàng nhiều hơn“ với ngụ ý rằng các đối thủ cạnh tranh quan tâm đến khách hàng ít hơn họ thì chính họ cũng khó chứng minh được điều này. Khách hàng không dễ tin ngay vào những lời quảng cáo như vậy mà còn có thể nghĩ xấu đi, theo chiều ngược lại.
Chân thật
Nếu 4 từ đã nêu trên không có tác dụng trong quảng cáo bởi vì chúng đều khá trừu tượng và dựa trên những yếu tố thay đổi tuỳ theo đối tượng khách hàng, thì “chân thật“ lại là một phạm trù có tính lưỡng cực và dễ tạo ra sự hoài nghi. Một công ty chỉ có thể chân thật trong quảng cáo thì điều đó lại làm cho khách hàng nghĩ đến một trong hai khả năng: công ty đó đang làm ăn chính trực hoặc ngược lại. Để tồn tại lâu dài trên thị trường, tất cả các doanh nghiệp cần phải làm ăn chân thật và đó là điều tất nhiên, cần gì phải quảng cáo?
Theo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn