442 Chinh phục núi Chúa - Phần 2

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010
Ba lô trên vai, chúng tôi lại lên đường, mang theo bao đam mê và kỳ vọng. Trong mỗi 1 con người đều ẩn chứa những niềm tin và mơ ước lớn lao. Nhưng chúng tôi đi chỉ để ngắm nhìn và đắm chìm trong thế giới tươi xanh của thiên nhiên đất trời. Bỏ lại sau lưng ánh đèn lấp lánh, căn phòng ấm áp và những phù phiếm xa hoa… chúng tôi đi để thỏa mãn niềm khao khát lạ thường ấy.

Cuộc sống luôn vội vã… đôi khi tôi ngồi đếm thời gian qua trên đầu ngón tay… mới đầu tuần, ngoảnh qua ngoảnh lại đã thành cuối tuần… mới tuổi 20 rồi giờ gần 30… cuốn theo những nhu cầu danh vọng, cho cuộc sống hiện đại đòi hỏi việc kiếm tiền thật gấp rút, cầm dép trên tay chạy theo thời gian trôi cũng đủ mỏi mệt. Biết đâu là bến bờ? Tiếng gọi của núi rừng vẫn kéo chúng tôi đi, bỏ tất cả sau lưng để tìm 1 khoảng lặng, cân đối lại tinh thần và tình yêu cuộc sống mà nếu không ra đi chúng tôi sẽ chết trong sự mỏi mòn, nhàm chán đầy vô vị.

< Qua con dốc ngay hồ nước sự mệt mỏi vì thời tiết nóng khô ở nơi khô hạn nhất Việt Nam đã bắt đầu biểu hiện trên vài thành viên của đoàn.

Cho dù cuộc sống đủ đầy luôn tràn ngập pháo hoa, mọi nhu cầu ăn chơi sa đọa đều được đáp ứng không một chút khó khăn… Tôi đã bị điều đó gặm nhấm đến tận tâm hồn, làm lòng tôi trở nên chai đá, vô cảm và hờ hững… Sự chán ngán giết chết mọi cảm xúc, nhấn chìm tôi trong biển sóng cuộc đời… và tôi biết tôi cần phải đi đến 1 nơi nào đó, để tìm lại hương vị tinh khôi, tìm lại cảm giác yên bình, thanh thản, để có 1 điểm tựa giúp tôi vượt qua bao chông gai thử thách.

Miền Trung nắng cháy, đất đai khô cằn, cây cối vươn cao với những cành khẳng khiu đầy kiêu hãnh. Bước chân thoăn thoắt rảo qua những con đường nhỏ xíu uốn lượn, hết lên rồi lại xuống, men theo triền núi cheo leo đầy sỏi đá, những cây lớn nhỏ đầy gai nhọn, cào xước tay tôi ngay khi vô tình chạm phải…
< Nắng cháy, nhưng chỉ mới là khúc dạo đầu...

Từ cửa rừng đến độ cao 500 là kiểu rừng khô hạn, rừng thưa, cả đoàn lầm lũi đi trong cái nắng như thiêu như đốt, mồ hôi lúc nào cũng chảy ròng ròng nên mất nước rất nhanh. Lúc này đoàn phân thành 3 nhóm, mà trong đó có một nhóm bác Thangdong có ví von là nhóm Mộng Năng (nặng mông) khóa đuôi. Vì rất nhanh mệt nên chúng tôi leo theo kiểu "nghỉ tiếp sức", nghĩa là nhóm trước sau khi đi được khoảng 200m thì ngồi nghỉ chờ nhóm sau đến, khi nhóm sau đến điểm nghỉ của nhóm trước thì nhóm trước lại tiếp tục di chuyển và nhóm sau lại nghỉ ngơi, cái này hai mẹ con nhà chị Du Giang gọi là "khuyến mãi". Tranh thủ những bóng râm ít ỏi của cánh rừng nghèo nàn khô hạn đoàn lại dừng chân nghỉ ngơi.

Quý tử chị Du Giang là thành viên nhỏ nhất của chuyến đi này, lần đầu tiên trong đời theo mẹ lên rừng, cu cậu hăm hở cứ tưởng đây là chuyến nghỉ mát, và rồi khi đã lỡ leo lưng cọp, cu cậu cũng leo cũng trèo, cũng bò, cũng lè lưỡi thở như các cô các chú. Có lẽ đây sẽ là chuyến đi để đời của cu cậu và cũng sẽ là đề tài hot để cu cậu vào trướng "dựt le" với bạn học về kỳ tích của mình.
Trong chuyến leo Hòn Nhọn Quantd được chúng tôi phong tặng danh hiệu là con "trâu đất" vì hắn leo núi vác cái balo gần chục ký cộng thêm bao gạo 5kg mà bác porter từ chối mà hắn đi nhởn nhơ như đi dạo, nhưng chuyến này hắn cũng phải đầu hàng trước khí hậu kinh hồn của vùng này, mặc dù hai ngọn núi cách nhau chưa đầy 50km. (người ngồi phía xa gục đầu trên balo là hắn)

< Thế nhưng mặc cho cái khắc nghiệt của thiên nhiên, mặc cho nhưng khó khăn phía trước, hình ảnh quen thuộc của thủ lĩnh BM vai Balo (hàng hiệu), vác cây Guitar thùng (hàng đểu) vẫn hiên ngang tiến lên phía trước vươt qua bao dốc cao, vực sâu ...
< Và có những lúc mẹ thiên nhiên như bà mẹ chồng khó tính, khắc nghiệt dường như đã hạ gục người phụ nữ can trường này.
< Nhưng không!!! Chị đã hiên ngang đứng lên, đạp lau sậy, xuyên qua bụi rậm bỏ lại sau lưng những chông gai để tiếp tục tiến lên phía trước.
Cung đường xuất phát từ hồ Thái An là một lựa chọn hợp lý, những bước đi đầu tiên thoai thoải, đều đều dẫn đến khu vực hồ với khung cảnh xanh mát dễ chịu. Ở vị trí này không thể nhìn thấy đỉnh chúa Anh, nhưng những dãy đồi thấp tạo ra sự lạc quan "giả tạo", một thứ ảo giác đánh lừa nhóm.
< Đường xuống dốc, dẫn đến hồ Thái An, khởi đầu quá dễ dàng - Gối chưa run, chân chưa chồn, hiên ngang gương súng...
< Con đường đá lổn nhổn nhưng rộng rãi khi qua khu vực lòng hồ lập tức hẹp lại, lối mòn hiện ra, đây mới thực sự là những bước vào núi Chúa đầu tiên với kiểu rừng cây bụi, rậm rạp...
Dốc cao dần, rừng trở nên thưa hơn và cây thân gỗ nhiều hơn. Một điều đáng ngạc nhiên là rừng khô hạn Ninh Thuận nói chung và khu vực Núi Chúa nói riêng là nơi có đa dạng sinh học vào bật nhất nhì cả nước. Trên những đỉnh dốc hay đồi nhỏ, cây rừng mọc thành nhóm với tư thế cong vặn như bonsai, những nhóm cây bụi khô khốc cành đầy gai nhọn.
< Vết thăm gỗ mun (phần lõi đen) của đồng bào Raglei!?

Đây cũng là một nhóm gỗ qúy số lượng suy giảm nhiều vì bị khai thác làm đồ thủ công mỹ nghệ. Ngày trước đi xe đò qua khu vực từ căn cứ 4 trở ra Phan Rang, người dân thường rao bán đũa mun. Chúng ta phải ăn bằng đũa tre thôi!
< Một tổ ong đất ven đường đi, mật ong đất thường có vị chua. Ngâm rượu nguyên tổ ong đất là một phương thuốc theo y học dân gian chữa...đủ thứ bệnh!

Còn tiếp...

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5

Theo forum Phuot.com
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn