Hình dáng đảo ngọc Phú Quốc được ví như con cá quẫy đuôi, lội về phía bắc, miệng cá há rộng. Cái miệng đó chính là mũi Gành Dầu, nơi rừng nguyên sinh bị dừng lại trước bãi cát trắng phau và gành đá kỳ vĩ để mở ra mênh mông trời biển…Đến Phú Quốc, du khách có thể thuê xe gắn máy tại khách sạn với giá không quá đắt. Khởi hành từ khu trung tâm sầm uất, hướng về phía bắc, băng qua vùng Cửa Dương, Cửa Cạn... Khi rong ruổi theo đường đất đỏ, bạn sẽ thấy hai bên là những xóm làng bình dị, hiền hòa, cây cối bạt ngàn, xanh tốt. Đi được khoảng chừng 20km, bạn bỗng thấy con đường như “lọt thỏm” vào vùng cây lá rậm rạp. Đó là khi bạn đã đến ngay cửa rừng nguyên sinh Phú Quốc.
Rừng quốc gia Phú Quốc có diện tích 31.422 ha, trải rộng từ bắc đến trung đảo. Nơi này ước tính có đến hơn 530 loài thực vật bậc cao, 365 loài chim, 150 loài động vật gồm 12 chi, 69 họ, thuộc loại quý hiếm có tên trong sách đỏ, nhất là sói rừng và khỉ mặt trắng.
Để xe bên ngoài và tiếp tục đi bộ vào trong, bạn sẽ bắt gặp không ít điều kỳ thú đang chờ đón. Những cụm lan rừng đong đưa trên cao, từng chùm dương xỉ xanh tốt treo lơ lửng nơi chạc cây. Có nhiều cây gỗ quý, gốc rộng cỡ vài người ôm, như: vên vên, cẩm lai, kiền kiền, bời lời, dầu song nàng, dầu cát, săng sót, cam, thị, cầy, dẻ, da, bứa... Nhiều thứ gỗ có thể bạn chỉ mới nghe tên đâu đó, bây giờ đang rất tươi xanh, sống động ngay trước mắt bạn. Những gờ mấu dầu dãi, là dấu thời gian đo đếm tuổi đời cây.
Đi sâu hơn nữa vào bên trong, bạn có thể bắt gặp những hàng tai nấm khum tròn đựng nắng, đong mưa. Ở đây có nhiều loại nấm quý như nấm linh chi hay đặc sản nấm tràm, nấm hương, nấm mối… Thảm thực vật khổng lồ tươi tốt là nơi sinh sống của nhiều loài côn trùng, sinh vật ký sinh. Chúng hồn nhiên phơi bày trước mắt bạn những vòng đời ngắn ngủi của những kiếp mối, ong, chuồn chuồn hay muôn sắc bươm bướm... Rừng Phú Quốc trùng điệp, kỳ vĩ, tập trung các hệ sinh thái rừng cả nước: rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng nham, rừng cỏ tranh, rừng thứ sinh và rừng nguyên sinh. Cây xanh vây phủ, không khí mát mẻ, trong lành bao trùm sẽ khiến bạn lâng lâng, sảng khoái.
Từ cửa rừng nguyên sinh, nếu đi tiếp theo hướng đông bắc, bạn sẽ đến bãi Thơm, còn đi theo hướng tây bắc, bạn sẽ đến với bãi biển Gành Dầu thuộc xã cùng tên. Bãi biển uốn cong mềm mại như hình vành trăng lưỡi liềm dài hơn nửa cây số, được bao bọc bởi hai vồ núi nhô ra như đôi cánh hải âu. Cát trắng mịn màng, sóng xanh êm trải vỗ về, nước trong vắt nhìn thấu đáy. Cảng biển sầm uất, tàu đánh cá giăng hàng sắp lớp, nằm nghỉ ngơi sau chuyến đánh bắt xa bờ. Đặc sản biển Gành Dầu rất tươi ngon và giá khá rẻ, sau khi tham quan, tắm biển, vui chơi thoải mái, bạn có thể hỏi mua tôm, cá, mực của ngư dân và nhờ họ chế biến theo ý thích.
Hỏi thuê một chiếc ghe máy của ngư dân địa phương, bạn có thể làm một chuyến tham quan “bỏ túi” vòng theo vịnh biển, hướng về phía mũi Gành Dầu. Nhìn từ biển khơi vào bờ, bạn mới thấy hết vẻ bao la, hùng vĩ của vùng đất mũi - nơi nối biển với rừng. Từng mảng rừng xanh rì với những cây cổ thụ vút cao ăn lan ra tới tận mép đá, mép nước. Cuối mũi Gành Dầu có một rạn đá trải rộng kỳ thú. Gành Đá kích thích trí tưởng tượng phong phú, những tảng đá khuyết mòn, lồi lõm, bào ngang, cắt dọc, ăn sâu, khoét rỗng, biến ảo muôn hình vạn trạng.
Đứng từ mũi Gành Dầu, bạn có thể trông thấy hòn Nần hay Kaoh Ses và núi Tà Lơn của nước bạn Campuchia. Thấp thoáng xa về phía tây là hòn Bần, trông như một hòn non bộ xinh xắn nổi lên giữa biển khơi.
Từ Gành Dầu trở ngược khoảng hai cây số, bạn có thể ghé thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực. Chính tại nơi đây, vị anh hùng nổi tiếng với câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” đã quyết chiến trận cuối cùng.
Vẻ hồn hậu, giản dị, gần gũi của người dân địa phương cũng là thứ đặc sản quyến luyến du khách, khiến bạn thấy thương, thấy nhớ khi trở lại đất liền.
Theo Phunu online
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn