Ký sự - Trên đỉnh Ngọc Linh - Kỳ 2

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011
Giàu lên nhờ sâm, chàng trai Xê Đăng 32 tuổi ấy đào ao thả cá giữa lưng chừng trời và đang tính mua ô tô riêng. Một 'tay chơi' có tiếng của núi rừng Trà Linh.



Đào ao cá ở độ cao 2.000m

Gặp Hồ Văn Hình (thôn 3, xã Trà Linh) giữa núi rừng Ngọc Linh khi anh đang đi tìm lá cây về cho cá. Hình có nước da trắng, mũi cao. Bộ râu quai nón ấn tượng, đôi mắt xanh.
Hình sinh ra và lớn lên giữa núi rừng. Đến lớp 8 thì nghỉ học theo ba mẹ lên núi trồng sâm. Như bao người con Xê Đăng khác, Hình lập gia đình sớm và tách hộ ở riêng. 32 tuổi Hình đã có 5 đứa con, con gái đầu lòng năm nay đã tròn tuổi 16, trắng trẻo như bố.
.
Phải tỉ tê trò chuyện, Hình mới tiết lộ: “Hiện tại gia đình có gần 3.000 gốc sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi, 1.000 gốc sâm 7-8 năm tuổi”. Với giá thu mua như hiện nay, sâm loại 1 trên 50 triệu đồng/kg, Hình là tỷ phú của núi rừng Ngọc Linh. Hàng năm, Hình lại mở rộng diện tích sâm của mình từ 400-500 gốc.

Hồ Văn Hình còn là người đầu tiên của Ngọc Linh nghĩ đến chuyện đào ao, xây ao, thả cá giữa lưng chừng trời. Cuộc sống của người dân Trà Linh chủ yếu tự cung tự cấp, hàng hóa, cá tôm từ xuôi lên đây đắt đỏ gấp 2-3 lần.

< Tay chơi Hồ Văn Hình.

Vào những ngày mưa gió, đường sá cách trở, người dân các nóc cao ở Trà Linh hầu như bị cô lập hoàn toàn. Để chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho gia đình và dân làng, đầu năm 2009 Hình đào ao nuôi cá. Một quyết định táo bạo. Giữa lưng chừng núi, chủ yếu nước khe suối chảy về, việc giữ nước là hết sức khó. Trong khi xi măng, cát sỏi để xây hồ không có.
Một bao xi măng lên đây mất 250.000 đồng tiền công gùi cõng, một kilôgam cát mất hơn 1.500 đồng. Riêng tiền vật liệu Hình phải đầu tư hơn 140 triệu đồng chưa kể tiền công cho thợ.

Sau hơn 3 tháng, hai ao cá của Hình hoàn thành trong sự ngạc nhiên của mọi người. Chàng trai Xê Đăng lại lặn lội xuống huyện mua giống cá, tìm người tư vấn cách nuôi và chăm sóc cá. Hai ao cá của Hình trở thành bể nước lớn vừa tích nước cho dân làng vào mùa khô hạn, vừa là nguồn thức ăn dự trữ quý giá.

Hình đang tính lập trang trại nuôi heo, gà. “Sang năm mình sẽ làm trang trại nuôi heo, nuôi gà để phục vụ dân làng. Thịt cá dưới xuôi lên đến đây đắt đỏ mà đâu còn ngon nữa. Tội gì mình không làm, vừa có thu nhập vừa giúp đỡ dân làng”.

Làm được, chơi được

Ngôi nhà của Hồ Văn Hình gọn gàng ngăn nắp, đầy đủ tiện nghi. Trong nhà có 5 cái tivi trong đó có 3 chiếc màn hình phẳng đời mới, 3 cái tủ lạnh, một đàn Organ lớn, chưa kể đầu đĩa, đầu kỹ thuật số các loại, chăn màn, giường chiếu ngăn nắp.

< Những gốc thông cổ thụ trên núi Ngọc Linh.

Hỏi sao mua nhiều ti vi thế. Hình cười: “5 cái cho 5 đứa con, mỗi đứa một cái khỏi giành nhau”. Ngỏ ý muốn mở tủ lạnh xem có gì không, Hình lắc đầu: “Không được đâu”. Hỏi bên trong có gì mà bí mật thế, Hình cười, không nói. Có lẽ bên trong toàn sâm quý. Đưa máy ảnh lên chụp cảnh ngôi nhà, Hình cũng không cho chụp vì: “Sợ trộm biết. Chụp ngoài ao cá đủ rồi”. Sau này mới biết, tình trạng mất cắp sâm quý diễn ra liên tục ở Trà Linh khiến người dân cảnh giác với khách lạ.

“Năm 2009, xây hồ cá xong, mình bán 5kg sâm dẫn cả nhà với ông bà nội ngoại ra Thủ đô chơi một tuần, đưa cả nhà vào thăm lăng Bác. Mình ước mơ thăm lăng Bác từ lâu rồi mà”, Hình kể. “Thằng Hình đi về mang ảnh cho dân làng xem, kể chuyện vào lăng Bác Hồ cho dân làng nghe ai cũng ưng lắm. Nó là đứa đầu tiên ở đây được ra thủ đô, được vào thăm lăng Bác đó”, già làng Hồ Văn Lài cho biết.
Chuyến đi đó, cả gia đình Hình tiêu tốn hơn 60 triệu đồng chưa kể tiền vé máy bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội. Hình trở thành người đầu tiên của Trà Linh đi máy bay.

Hình mang bình rượu chứa đầy sâm mời khách, rồi vào nhà lấy mấy lon bia Heineken. “Mình uống bia thôi. Mỗi ngày 10 lon. Khi nào đau ốm mới mang sâm ra dùng”. Hình bảo, đường nam Quảng Nam làm xong, anh sẽ xuống tỉnh đi học lái, mua ô tô riêng để chở con, chở học sinh của thôn xuống huyện học chữ.

Bỗng điện thoại reo. Hình rút điện thoại ra nghe. Chiếc Nokia E72 sáng loáng. Dân làng đang rủ nhau đi canh sâm. “Thôi mình phải lên núi canh đây. Trộm sâm dữ lắm. Trộm từ dưới xuôi lên có, từ bên Kon Tum qua cũng có. Mình chủ quan một tý là mất tiền tỷ như chơi”. Hình vác dao, cùng ba lô đầy gạo, thịt cá hộp lên núi. Từ nhà Hình lên vườn sâm phải mất 4 tiếng đồng hồ đi bộ. Để bảo vệ Sâm, dân làng chia nhau đi canh, một đợt kéo dài từ 5-7 ngày.

Ông Hồ Vũ Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết: “Ở Trà Linh những tỷ phú giàu nhờ sâm không thiếu. Nhưng người trẻ dám nghĩ dám làm và dám chơi thì chỉ có Hình”.

“Ông Tây, bà Tây” giữa núi rừng

< Bà Tây Hô Thị Yên mũi dài, trắng trẻo.

“Trên này có nhiều nhà cha mẹ con cái giống Tây. Ai cũng cao to trắng trẻo lắm”, phóng viên Hoàng Thọ nói. Là người gắn bó với xã Trà Linh từ lâu nên anh Thọ khá rành rẽ. Ở Trà Linh có những rừng thông cổ thụ. Đó là rừng thông do người Pháp trồng từ những năm còn đô hộ nước ta.

Lên thôn 3, vòng qua thôn 4 chúng tôi bắt gặp những rừng thông nguyên sơ. Già làng Hồ Lăng (80 tuổi) cho biết: “Tôi nghe bố mẹ kể lại, trước đây người Pháp lên đây thăm dò, định vị, đo đạc, rồi đóng quân. Rừng thông do người Pháp trồng”. Những cây thông cổ thụ giờ đây tạo nên cảnh trí đẹp nên thơ giữa núi rừng Ngọc Linh. Và như lẽ thường tình, những đứa con Xê Đăng lai Pháp ra đời. Con cháu họ giờ sống rải rác khắp Trà Linh.

Tay chơi Hồ Văn Hình ở nóc Tăk Lan, cũng mang một phần dòng máu Pháp. “Hôm mình ra Thủ đô, có mấy người bán hàng tưởng là Tây nên chạy theo nói tiếng Tây chào mời”, Hình cho biết. Cả 5 đứa con của Hình cũng trắng trẻo và khôi ngô, giống bố. Dù cả Hình và vợ là Hồ Thị Vân đều sinh ra và lớn lên ở Trà Linh.

Theo chỉ dẫn của dân làng tôi tìm đến gia đình già làng Hồ Văn Lôi (73 tuổi) người “giống Tây” nhất nóc Tăk Lan. Già Lôi khỏe mạnh, giọng nói hào sảng, da trắng, mũi dài, mắt xanh, mái tóc vẫn vàng một cách tự nhiên: “13 người con của tôi toàn bộ tóc xoăn, da trắng, mũi cao, con trai có râu quai nón, cao to”.
Sáu người con gái của già Lôi đẹp nổi tiếng cả xã bởi nước da trắng ngần, cao ráo, mắt xanh, sống mũi cao. Già Lôi khoe: “Con Thế (con gái thứ 3) xinh gái nhất thôn. Có anh kỹ sư lên đây lắp điện mê nó, rồi xin cưới nó về dưới Tam Kỳ. Nó giờ sướng thân rồi, không phải khổ như các chị em nó. Mỗi năm một lần hai vợ chồng mới về thăm bố mẹ, dân làng”.

Bên ly rượu nồng già Lôi kể lại rằng: Bà ngoại của già là Y Xoan người sống ở xã Trà Tập, nơi có căn cứ của quân đội Pháp đóng. Bà Y Xoan có tình cảm với một người lính Pháp, có với nhau một người con gái đặt tên là Y Giáp. Sau khi sinh hạ, Y Xoan lên Trà Linh lấy chồng và có thêm một người con nữa.

Y Giáp, cao, trắng trẻo, mũi cao mắt xanh. Y Giáp có chồng và sinh ra 3 người con, trong đó già Lôi giống mẹ nhất. Y Giáp đã mất, nhưng nhắc đến tên bà người dân thôn 3 Trà Linh đều biết, bởi dung nhan khác thường.

Những người cháu của già Lôi giờ cũng vậy, đều có nét giống ông và bố mẹ chúng. Hồ Thị Thu đứa con gái út của già Lôi năm nay học lớp 10 trường dân tộc bán trú Nam Trà My kể rằng: “Ngày em xuống nhập học, thầy cô trong trường không tin em là người dân tộc Xê Đăng. Em nói mãi thầy cô mới tin và cho em nội trú”. Lý do vì Thu trắng trẻo, mũi cao, tóc vàng khác hoàn toàn với học sinh Xê Đăng, Ca Dong của trường.

Chúng tôi tình cờ gặp Hồ Thị Yên, con gái của Hồ Văn Dũng cõng hai đứa con song sinh đi chơi. Yên năm nay mới 21 tuổi, lấy chồng năm lên 18. Yên là một trong số bà Tây của thôn Tăk Lan. Vòng qua thôn 4 Trà Linh chúng tôi bắt gặp những chàng trai, cô gái cao to vạm vỡ, mũi dài, tóc vàng, xinh đẹp giữa núi rừng.

Hỏi già Lôi, già Long, hỏi Hình, Yên có muốn biết gốc gác của mình. Tất thảy đều lắc đầu. Già Lôi bảo: “Gốc gác thuộc về quá khứ, lịch sử. Trong tôi, con cháu có dòng máu người Pháp nhưng tôi luôn tự hào mình là người con Xê Đăng được núi rừng nuôi lớn lên”.

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo báo Tienphong
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn