Cuộc sống cơ cực trên bãi rác lớn nhất châu Phi - Dandora, Kenya

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012
 

Với một số đứa trẻ ở gần bãi rác Dandora, Kenya, thức ăn thừa tại đây là thực phẩm duy nhất trong ngày. Vì vậy, nhà trường không có lý do gì để trừng phạt chúng khi bỏ học để ra bãi rác kiếm sống. 

Cách thủ đô Nairobi chưa đầy 5km, bãi rác Dandora là nơi kiếm kế sinh nhai cho nhiều người dân ở Kenya. Dandora là một trong những bãi rác lớn nhất ở Châu Phi. Mỗi ngày, có hàng nghìn người đến đây nhặt rác kiếm sống. Người đàn ông trong ảnh mất 3 giờ để chất đầy túi rác cuối cùng trong ngày với hy vọng bán được đống phế liệu này, phần lớn là cao su, với giá 0,5 USD.
 
Người dân lục lọi rác rưởi, nhét phiếu liệu vào những bao tải lớn để bán kiếm lời. Kim loại, cao su, hộp sữa, nhựa và đồ điện tử là những thứ được săn lùng nhiều nhất. Dandora mở cửa năm 1975. Theo luật môi trường quốc tế, bãi rác này phải bị đóng cửa 15 năm trước. Hội đồng thành phố Nairobi cho biết đang có kế hoạch di dời bãi rác này đến một địa điểm khác.
 
Hiện có khoảng 6.000 lao động làm việc cho các công ty tái chế tại bãi rác. Họ "quần quật" trên khu vực có diện tích 12 ha với mùi hôi thối nồng nặc. Sau khi chất đầy rác, người ta mang chúng đến điểm tập kết và bán cho người mua. Nếu may mắn, một người nhặt rác có thể kiếm được 2,50 USD một ngày.
 
Julius Macharia (27 tuổi) có biệt danh "Con hổ", là một trong những người gác cổng ở bãi rác Dandora. Xe tải phải trả tiền cho nhóm của Macharia để vào bãi rác. Tại đây, người đàn ông này hướng dẫn tài xế đến điểm quy định. Dù chính quyền Nairobi thông báo bãi rác quá tải từ năm 2001 nhưng mỗi ngày vẫn có khoảng 2.000 tấn rác đổ dồn về đây.
 
"Con hổ" lo lắng cho những người sống dựa vào Dandora, nếu chính phủ đóng cửa bãi rác này. Trong 40 năm, nhiều gia đình chỉ sống dựa vào bãi rác này. "Chúng tôi như những con chim và lợn trong thành phố này. Họ không thừa nhận chúng tôi là con người. Họ không quan tâm điều gì sẽ xảy đến với chúng tôi. Nếu họ chuyển bãi rác này đi, chúng tôi sẽ chẳng còn gì", người đàn ông này chia sẻ.
 
Những người nhặt rác nói rằng, họ không thể chịu nổi với khói cay từ việc đốt rác ở Dandora. Một nghiên cứu năm 2007 của cơ quan môi trường LHQ cho thấy, các mẫu đất tại đây chứa hàm lượng chì cao có thể gây chết người cho cộng đồng dân cư xung quanh bãi rác. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, 154 trong 328 đứa trẻ quanh khu vực Dandora được kiểm tra bị các vấn đề về hô hấp và có lượng chì trong máu vượt xa mức cho phép.
 
Thỉnh thoảng, có những chuyến xe tải chở thực phẩm thừa đến Dandora. Chưa kịp đổ ra, hàng chục người đã vây quay để lấy hết số thức ăn này.
 
Những người đàn ông khỏe mạnh nhất sẽ chiếm ưu thế trong việc tranh giành số thực phẩm, trong khi những người khác chờ đến lượt hoặc đợi bạn bè quẳng từ trên xe xuống. Phụ nữ luôn tránh tranh chấp và chờ ở vòng ngoài.
 
Một người đàn ông tìm được hộp sữa chua và uống ngay. Dù bị hỏng, sữa chua vẫn là một trong những thực phẩm được ưa chuộng nhất tại bãi rác.
 
Chuyến đi tới bãi rác là một công việc hàng ngày với 1/4 trong số 850 học sinh ở trường St John, gần Dandora.
 
 Rahab Ruguru (42 tuổi) là mẹ của 6 đứa con. Người phụ nữ này sống ở khu vực ngoài bãi rác Dandora. Cô phải nhặt rác kiếm tiền để trả học phí, mua sách vở và đồng phục. Cô khẳng định, nếu bãi rác này bị chuyển đi, cô cũng phải rời đi hoặc không thể tồn tại vì bãi rác là kế sinh nhai duy nhất với gia đình cô.
Theo Zing BÌNH AN
Theo Infonet.vn
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn