Các thác nước lớn ở Việt Nam

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010
3/4 diện tích lãnh thổ Việt Nam là rừng núi, chính điều này đã làm nên những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa núi rừng bao la. Hãy cùng tìm hiểu và khám phá các thác nước lớn ở Việt Nam cùng Lenduong.

1.Thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc là một thác nước nằm trên biên giới Việt Nam và Trung Quốc; phần thác phụ và nửa phía Nam của thác chính thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía Bắc của thác chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây.
Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia (sau thác Iguazu giữa Brazil- Argentina, thác Victoria nằm giữa Zambia- Zimbabwe; và thác Niagra giữa Canada và Mỹ).

Thác Bản Giốc được chia thành hai phần, phần ở phía Nam gọi là thác cao. Đây là thác phụ vì lượng nước không lớn. Thác thấp là thác chính nằm ở phía Bắc.
Từ độ cao trên 30m những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi.

Giữa thác có một mô đất rộng phủ đầy cây, xẻ dòng sông thành ba luồng nước như ba dải lụa trắng. Vào những ngày nắng, làn hơi nước bắn ra từ thác tạo thành cầu vồng. Dưới chân thác là mặt sông rộng, với bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng.
Cách thác khoảng hơn 5km có động Ngườm Ngao, dài 3 km. Ðộng Ngườm Ngao ở ngay bên cạnh thác, dài khoảng 3km được đánh giá là một trong những hang động đẹp của Việt Nam.

Thác Bản Giốc đã đi vào nghệ thuật tạo hình với những tác phẩm hội hoạ và nhiếp ảnh đặc sắc. Cùng với núi, sông và các hang động kỳ thú ở xung quanh, thác Bản Giốc không chỉ là một điểm du lịch hấp dẫn mà còn là một nguồn thủy điện lớn trong tương lai.

2. Thác Prenn

Thác Prenn nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10km, cạnh quốc lộ 20 - dưới chân đèo Prenn, ngay cửa ngõ vào thành phố hoa – Đà Lạt. Đây là một trong những thác nước đẹp và quyến rũ bậc nhất Nam Tây Nguyên.

Thác Prenn nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10km, cạnh quốc lộ 20 - dưới chân đèo Prenn, ngay cửa ngõ vào thành phố hoa – Đà Lạt. Đây là một trong những thác nước đẹp và quyến rũ bậc nhất Nam Tây Nguyên.
Thác mang một vẻ êm dịu, duyên dáng như một màn nước đổ nhè nhẹ từ độ cao 10 m xuống một hồ nước nhỏ, xung quanh đầy hoa lá và một đồi thông vi vu.

Cái tên Prenn gợi nhớ đến một thời xa xăm vào khoảng thế kỷ XV – XVII, khi vùng núi rừng nơi đây còn là ranh giới chiến trường của các cuộc chiến tranh xâm lăng và bảo vệ lãnh thổ. Prenn gốc tiếng Chăm có nghĩa là "vùng xâm chiếm", còn các tộc dân bản địa như Lat, Chil, Sré lại gọi kẻ xâm lăng là "người Prenn".

Theo truyền thuyết mà các già làng kể lại thì thác có tên gọi trên là xuất phát từ tiếng K’Ho đầu tiên có tên gọi Prềnh – có nghĩa là Cà đắng, sau người dân đọc trại thành Prenn. Bằng chứng là ngày nay, ở khu vực thượng nguồn của thác, dọc hai bên bờ suối vẫn còn rất nhiều cây Cà đắng mọc hoang. Loại cà này có trái nhỏ và tròn như cà pháo nhưng vỏ xanh và có điểm nhiều chấm trắng, khi chín có màu vàng. Ngày xưa người dân tộc đem chế biến và ăn có vị đắng rất ngon.

Để vào thác, du khách phải qua một chiếc cầu ngắn bắc ngang dòng suối đã được kè chắn bằng bêtông nhằm tránh bị xói lở. Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý.

Du khách có thể men theo các con đường dẫn đến vườn thú, vườn lan hay thư thả dạo gót hoa viên ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc, những căn chòi xinh xinh trên ngọn cây hoặc đung đưa cùng cầu treo bắc ngang dòng suối nhỏ. Ở một góc độ khác, vườn đá Thái Dương với sự sắp xếp đầy ngẫu hứng tạo được một bất ngờ thú vị. Đặc biệt với hệ thống cáp treo, du khách có thể ngang qua dòng thác trong cảm giác phiêu bồng, tưởng như đang đi vào cõi thần tiên...

3. Thác Gia Long

Thác Gia Long là một thác nước trên sông Serepôk thuộc địa phận huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk. Theo quốc lộ 14 từ TP HCM đi qua Bình Dương - Bình Phước, thác Gia Long cách Buôn Ma Thuột hơn 30 km.

Thác Gia Long là một thác nước đẹp trong hệ thống thác trên sông Serepốk do cảnh quan ở đây rất hùng vĩ và hoang sơ. Thác cao khoảng 30m, rộng khoảng 100m, bằng với chiều rộng của sông tạo nên vẻ uy nghi, hùng tráng. Quanh thác là rừng xanh ôm vào lòng hồ tắm tiên rộng khoảng 100m2 êm ả làn nước trong xanh chảy ra từ trong núi. Ở thác Gia Long có một đường hầm nhân tạo thông giữa các con đường xung quanh, có những mố cầu treo được người Pháp xây dựng từ những năm 30, những kè đá chắn lũ đẹp nhất Việt Nam cũng được xây cùng thời điểm.

Những người dân địa phương sống lâu năm ở đây kể rằng thác có tên Gia Long chính là bắt nguồn từ việc vua Gia Long đã từng đến đây để nghỉ ngơi và cho xẻ núi làm một con đường rất đẹp lên thác. Cảnh vật nơi đây hội tụ đủ hồ và thác, khung cảnh thơ mộng, tiếng chim ríu rít gọi nhau trên những cành cây.


Đêm ở thác trăng dát bạc lung linh kỳ ảo, ngồi bên ché rượu cần dậy men rừng quyện với cơm lam dẻo thơm và thịt heo rừng nướng thơm nức, lắng nghe ngọn thác hát vang vọng bài ca đại ngàn, tưởng không còn lạc thú nào hơn.
Thác Gia Long, ngọn thác mang trong mình những dấu tích của một thời vua chúa, bây giờ là khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Những ngày nghỉ, ngày lễ tết, người dân trong vùng cũng như du khách từ khắp nơi đến đây rất đông. Dạo chơi trên những con đường quanh co bên thác, thăm thú chỗ này chỗ kia, ngồi nghỉ ngơi dưới bóng cây rừng mát rượi để lòng mình đắm trong tiếng thác ầm ào…

4. Thác Đray Sáp

Thác Đray Sáp là một thác nước trên dòng sông Serepôk. Thác Đray Sáp còn có tên gọi nữa là thác Chồng; cách đó không xa là thác Đray Nu (hay thác Vợ) thuộc địa phận tỉnh Đăk Lăk. Thác Đray Sáp thuộc xã Nam Hà, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông, và cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 30 km về hướng Nam.
Theo tiếng Êđê, Dray Sap có nghĩa là "thác khói" (dray: thác, sap: Khói), bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là là như màu sương khói.

Đray Sáp là một hệ thống gồm ba thác ngoạn mục. Dòng sông Serepôk từ thượng nguồn đổ xuống tới đây lại chia làm ba tầng. Trước đây du khách thường chỉ đến thác đầu tiên sau khi xuống được các bậc cấp đá. Vào mùa mưa nước đổ dữ dội, bụi nước bắn tung lên lan rộng cả một vùng đến ngàn mét vuông. Ngoài Đray Sáp, còn có hai thác nữa nằm bên kia dòng đổ của thác chính. Khi qua khỏi cầu giăng du khách sẽ đến một vùng đất cao thoáng đãng. Đây là một ốc đảo nằm giữa hai dòng thác của hệ thống Đray Sáp. Đó là thác Đray Nu, cao chừng 12 m, gồm hai dòng nước đổ giữa cảnh quan hùng vĩ và thơ mộng giữa chốn đại ngàn.

Thác Dray Sáp là một thắng cảnh đẹp nhờ sự kết hợp giữa hai dòng sông Krông Nô và Krông A Na mà người Ê Đê và người M'Nông gọi là sông Chồng, sông Vợ gặp nhau mà thành. Tình yêu của họ mạnh mẽ như dòng thác, đẹp đẽ như sắc cầu vồng ẩn hiện trong làn sương khói nước. Dray Sáp như một bức thành nước khổng lồ, hùng tráng giữa một vùng hoa nước long lanh.

Theo Lenduong - ảnh internet
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn