Nói đến Nha Trang, người ta nghĩ ngay đến tiếng sóng biển rì rầm hoặc cái tĩnh lặng của núi rừng gần đó. Nhưng nhiều du khách đến Nha Trang để nghe tiếng vọng ngàn năm từ khúc nhạc của đá...Khu du lịch Tiếng Đá của ông Mà Dá A ở miền núi Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa). Du khách đến đây sẽ được thưởng thức những cung bậc của đàn đá được chế tác từ vài ngàn năm trước.
Từ Nha Trang, du khách đi thị trấn Khánh Vĩnh ở hướng Tây rồi đi thêm khoảng 14 cây số nữa là đến xã Giang Ly (hay còn gọi là Yang Ly). Hỏi đến khu du lịch Tiếng Đá (hay khu du lịch Mà Dá A) thì ai cũng biết. Khu du lịch này cách thành phố biển chừng khoảng 40 cây số. Ông Mà Dá A thường được gọi tắt là Mà Dá. Ông là người T’ring, sở hữu một cái đàn đá cổ và giới thiệu nó đến với mọi người. Điều đặc biệt của khu du lịch Tiếng Đá là du khách không phải mua vé vào cổng.
Đến đây du khách có thể vui chơi thoải mái. Muốn tìm hiểu về đàn đá thì cứ hỏi ông Mà Dá. Có người gởi lại ông một ít tiền thay lời cảm ơn. Nếu không ai trả “thù lao” cũng không sao, ông chẳng “để bụng”. Khu du lịch này trở thành điểm đến của nhiều du khách, đặc biệt khách nước ngoài truyền tai nhau đến đây nườm nượp...
Mọi thứ ở Tiếng Đá được giữ nguyên hiện trạng của thiên nhiên. Nhà ông Mà Dá bên một dòng suối nhỏ, được lấy đá núi chắn ngang tạo thêm nét duyên và uyển chuyển cho dòng chảy chứ không dùng bê tông. Trên mảnh đất rừng của gia đình, ông Mà Dá tự tay cất những cái chòi lá xinh xắn để khách ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Gia đình ông lại rất quan tâm đến bảo vệ môi trường. Kẹo cao su, rác được nhặt lên gom vào thùng. Cây rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì thế, khu du lịch của Mà Dá giống như mô hình núi rừng Tây Nguyên thu nhỏ.
Du khách đến đây vô cùng thích thú khi chiêm ngưỡng bộ đàn đá có đến vài ngàn năm tuổi. Bộ đàn đá được sắp xếp đúng với những cung bậc. Khi gõ vào, tiếng đá trầm đục vọng vào núi rừng vang xa. Vùng đất Khánh Vĩnh, Khánh Sơn của tỉnh Khánh Hòa được phát hiện nhiều bộ đàn đá nổi tiếng. Có bộ tuổi thọ lên đến 5.000 năm. Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ còn phát hiện đàn đá được chế tác tại chỗ nên khu vực này được xem là chiếc nôi của đàn đá. Được biết thời xa xưa, người bản địa dùng đàn đá để xua đuổi thú rừng. Đàn đá hiện nay tuy là một nhạc cụ cổ xưa nhưng rất phù hợp với thời hiện đại. Nhiều chuyên gia về âm nhạc trên thế giới không khỏi ngỡ ngàng trước âm thanh quyến rũ phát ra từ đàn đá. Những khối đá chẳng biết được người xưa lựa chọn như thế nào nhưng khi “gọt” lại thành những miếng không theo bất cứ hình dạng nào nhưng gõ lên tạo nên những âm vực khác nhau làm say lòng người.
Khác với không gian náo nhiệt, đầy nắng gió của phố biển, khu du lịch Tiếng Đá này mát lạnh quanh năm bởi rừng cây và những dòng nước mát lành chảy quanh năm. Khu du lịch này nằm trong vùng lõi ở địa phận giáp ranh giữa Lâm Đồng và Khánh Hòa. Một bên là cao nguyên Lang Biang cao vút, một bên là biển cả mênh mông. Nơi đây, vẫn còn nhiều ngôi nhà sàn. Người dân bản địa sống chan hòa với thiên nhiên, giữ được nét văn hóa vốn có. Du khách đến đây cũng là chuyến đi nghỉ dưỡng thực sự và thêm kiến thức về một loại nhạc cụ độc đáo. Ông Mà Dá làm du lịch không chỉ để kiếm tiền mà còn nhằm giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến với du khách và thế giới. Du khách nước ngoài khi đến đây tìm hiểu đều nhiệt liệt tán thưởng. Tính chân chất, nhiệt thành của ông chủ Mà Dá làm khách hài lòng. Đó cũng là lý do chính níu chân nhiều du khách khi đến với thành phố biển, ghé thăm Tiếng Đá để thưởng thức tiếng vọng của ngàn năm.
Bên ché rượu cần, trong tiếng chiêng, tiếng đá, du khách đê mê hòa cùng điệu nhảy cùng những cô gái, chàng trai bản địa. Nghe đàn đá trong khung cảnh khu du lịch Mà Dá, du khách như thấu hiểu hơn tấm lòng của người đàn ông T’ring muốn lưu giữ và bảo tồn âm vang của tiếng vọng ngàn năm...
Kết hợp chuyến thăm khu du lịch Tiếng Đá của Mà Dá, du khách có thể thiết kế một tour “du lịch xanh”. Gần khu du lịch này có thác Yang Bay nổi tiếng thơ mộng được ví như mái tóc của nàng con gái Raglai. Huyện Diên Khánh giáp với miền núi Khánh Vĩnh có thành cổ và những ngôi nhà thờ rêu phong với kiến trúc cổ điển rất tinh xảo... Khám phá mỗi điểm đến sẽ bồi bổ thêm kiến thức về văn hóa-lịch sử-con người của vùng đất này.
Theo Báo Cần Thơ
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn