Thế giới năm 2010 - nhiều triển vọng nhưng cũng lắm lo âu
(Dân trí) - Năm 2010 được chờ đợi là năm mang đến nhiều thay đổi cho thế giới, nhưng cũng được dự báo là có nhiều nỗi buồn. Hãy cùng hình dung thế giới trong năm 2010 qua những phác họa dưới đây.
Kinh tế khởi sắc, nhưng tiềm ẩn nguy cơ: Thế giới vẫn còn dư âm về một cuộc khủng hoảng kinh hoàng đe dọa đốn gục các nền kinh tế dù là vững chãi nhất thế giới trên đường nó đi qua ngay từ hồi đầu năm nay. Tỷ lệ người nghèo gia tăng đột biến. Hàng chục triệu người lao động mất việc làm. Các nhà phân tích nhận định tin tốt lành của năm 2010 là thế giới sẽ thoát khỏi cuộc suy thoái, nhưng sau suy thoái là viễn cảnh kém vui.
Thực tế là các nền kinh tế thế giới, với gánh nặng nợ nần và nạn thất nghiệp cao, đứng trước một thời kỳ trì trệ kéo dài và khó khăn. Các chính phủ sẽ đương đầu với những quyết định khó khăn về việc làm thế nào để bắt đầu rút nhanh khỏi sự hỗ trợ lớn mà họ dành cho hệ thống tài chính để giữ cho nó hoạt động. Nhận định về tình hình nợ ngân sách các nước, giới chuyên gia kinh tế Pháp cho rằng thế giới sẽ phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn. Đó là thâm hụt ngân sách lên đến mức kỷ lục vào năm 2010 và những khó khăn trong việc thanh toán nợ công vào các năm tiếp theo.
Kinh tế thế giới sẽ thoát khỏi suy thoái
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã phát đi tín hiệu rõ ràng là sẽ duy trì giá dầu thô trong năm 2010 ở mức 70-80 USD/thùng nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Liên Hợp Quốc trước đó dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại từ năm tới và có thể đạt mức tăng GDP 2,4% trong năm 2010. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo rằng nguy cơ suy thoái kép vẫn có khả năng xảy ra nếu các quốc gia thực hiện các chính sách sai lầm.
Năm của các thị trường đang nổi: Ấn Độ, Trung Quốc cùng các nước khổng lồ đang nổi lên khác sẽ khẳng định được sự hiện diện của họ trong G-20, nhóm hiện được coi là câu lạc bộ đưa ra các quyết định toàn cầu. Năm 2010, Ấn Độ sẽ đánh dấu một giai đoạn quá độ lịch sử: Ngành công nghiệp chế tạo cuối cùng sẽ vượt qua nông nghiệp. Trung Quốc- nước được biết sẽ là trung tâm giải quyết mọi vấn đề toàn cầu trong năm tới, từ kinh tế cho đến thay đổi khí hậu và ngoại giao hạt nhân, không chỉ một lần nữa lại là nước chủ nhà đăng cai các sự kiện lớn - là Thượng Hải với cuộc triển lãm quốc tế EXPO 2010 dự định thu hút 70 triệu người và chủ nhà của thế vận hội châu Á tổ chức ở Quảng Châu, mà họ còn tiến tới mốc quan trọng - sẽ vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hàng chục triệu người sẽ tham dự cuộc triển lãm quốc tế EXPO 2010 ở Thượng Hải
Mặc dù còn nhiều nguy cơ ở phía trước, nhưng giới quan sát cho rằng hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ dường như có khả năng "định nghĩa" những thập kỷ sắp tới, sau Thế kỷ Mỹ và Thế kỷ Anh trước đây. Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt hơn 8,0% trong năm 2009, trong lúc nền kinh tế của các nước phương Tây rơi vào suy thoái. Ấn Độ cũng đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 7,0%. Cách đây 1 năm, các quốc gia công nghiệp phát triển (G8) đã lãnh đạo cả thế giới, trong đó phải kể đến vai trò của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ngày nay, trọng tâm của thế giới dường như lại nghiêng sang châu Á và năm 2010 sẽ càng có nhiều cơ sở để chứng minh điều này.
Chính sách ngoại giao mới của Mỹ phát huy tác dụng: Cùng với sự ra đi của Bush hồi đầu năm 2009 và Barack Obama lên thay thế, hình ảnh của Mỹ trên thế giới đã được thay đổi. Thế giới dường như không còn tồn tại khái niệm của "trục ma quỉ" hay các quốc gia bị đối xử khinh miệt. Trong năm 2010, rất có thể cuộc đối thoại hạt nhân với Iran sẽ gặt hái được thành công nhất định. Bên cạnh đó, lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba từ suốt hơn nửa thế kỷ qua cũng có thể được tháo gỡ hoặc ít ra cũng được nới lỏng. Bế tắc Triều Tiên cũng được dự báo là có cơ tháo gỡ, căn cứ vào những tín hiệu dương được phát đi từ cuối năm nay.
Quan hệ Mỹ và châu Á đầy hứa hẹn, khởi đầu bằng việc Mỹ ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN
Năm 2010 cũng được dự đoán là đầy hứa hẹn cho quan hệ giữa Mỹ và châu Á. Với việc ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN, sau đó là sự kiện Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự một hội nghị thượng đỉnh của ASEAN vào tháng 11/2009, Mỹ rõ ràng đang quan tâm nghiêm túc tới khu vực này. Ở châu Á có Nhật Bản, Hàn Quốc – những đồng minh quan trọng của Mỹ. Mỹ mới đây cũng tuyên bố sẽ tham gia vào thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (là một nhóm các nước gồm Singapore, Chile, New Zealand, Brunei và có khả năng thu nhận cả Australia, Peru và Việt Nam) mà theo thời gian có thể trở thành một cơ sở cho sự hội nhập kinh tế xuyên khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quan hệ Mỹ-Trung đã có sự khởi đầu tốt đẹp. Quan hệ của Mỹ với Ấn Độ chắc chắn sẽ phát triển sâu sắc hơn, khi mà cả hai bên đều đang cần nhau.
Những tiến bộ đáng ngạc nhiên: Dự báo này đặc biệt dành cho lĩnh vực khoa học, đặc biệt là lĩnh vực khoa học không gian và sức mạnh của kỹ thuật. Từ năm 2010, Nga sẽ bắt đầu các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực chế tạo động cơ hạt nhân cho tàu vũ trụ. Đó là tuyên bố của người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos trong những ngày cuối cùng của năm 2009. Theo quan chức này, các động cơ hạt nhân cho tàu vũ trụ là lĩnh vực đầy hứa hẹn. “Chúng ta cần chế tạo những động cơ như vậy để thực hiện các chuyến bay lên Sao Hỏa và các hành tinh khác. Nga sẽ bắt đầu các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này từ năm 2010", quan chức Nga nói. Theo Tuần báo kinh tế Business Week của Mỹ, năm 2010 sẽ là mốc đánh dấu thế giới sẽ có rất nhiều thay đổi, nhất là về khoa học-công nghệ. Những “đột phá” quan trọng về nghiên cứu, ứng dụng khoa học–công nghệ được dự báo sẽ làm thay đổi cả thế giới trong 10 năm tới sẽ gồm: Nhà máy thủy điện hoạt động trên đại dương (các tuabin sẽ được thiết kế để khai thác sức mạnh của biển cả, hoạt động dựa vào nguồn năng lượng từ các luồng hải lưu); Công nghệ in ấn 3 chiều (3D) đang trở nên hữu dụng hơn khi tự nó sẽ khơi nguồn một loạt sáng tạo và ứng dụng, vượt ra ngoài những vật mẫu và các mô hình đầu tiên; Các loại nhiên liệu sinh học thế hệ tiếp theo từ các nguồn phù hợp hơn (tránh được ảnh hưởng đầu tiên mà các loại nhiên liệu sinh học gây ra là sự tăng mạnh giá lương thực trên toàn cầu); Công nghệ nano và điều trị bệnh ung thư bằng dược phẩm công nghệ Nano (chuyển trực tiếp tới các tế bào nhiều hơn hóa trị liệu hay các phương thức điều trị khác, có nghĩa là các bác sỹ có thể giảm liều lượng, hạn chế tổi thiểu các tác dụng phụ). Nỗi buồn phiền của thế giới:Đó là mối đe dọa hạt nhân, vấn đề khủng bố, nguy cơ bùng phát điểm nóng chiến tranh mới, tình trạng thiếu lương thực, thay đổi thời tiết, tình trạng ô nhiễm môi trường. Năm 2010 sẽ là năm quan trọng của các nỗ lực cấm phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Mỹ, Nga để xem liệu hai cường quốc hạt nhân hàng đầu này có thể đạt được thỏa thuận nhằm cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân hay không. Tháng 5/2010, tại Viena (Áo), 189 nước thành viên của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) sẽ nhóm họp để đánh giá lại tình trạng của hiệp ước này. NPT bắt đầu có hiệu lực trong năm 1970, nhưng kể từ năm này, ba quốc gia chưa bao giờ ký NPT là Ấn Độ, Israel và Pakisan đã có được khả năng vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Triều Tiên bị cho là vi phạm cam kết với NPT. Việc Iran bị nghi ngờ có chương trình vũ khí hạt nhân bí mật lúc này đang làm dấy lên lo ngại mới rằng cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu đang lung lay. Trong khi đó, liên tiếp hứng chịu các trận không kích ở Pakistan, mạng lưới khủng bố al-Qeada đang mất dần sức mạnh và khả năng tài chính, nhưng các cuộc tấn công của các tổ chức Hồi giáo lại không vì thế mà ngừng gia tăng. Sau một năm bạo lực bùng phát và quyền kiểm soát của chính phủ ở Afghanistan và Pakistan - nơi Taliban và Al-Qaeda ẩn náu, bị suy yếu, chiến lược của Mỹ nhằm chấm dứt cuộc chiến chống al-Qaeda báo hiệu một năm mới 2010 đầy hiểm họa.
Nguy hiểm hơn, giới chuyên gia còn cảnh báo khả năng chiến tranh có thể bùng nổ tại Trung Đông vào năm 2010, khi các nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestin đang bế tắc một cách nguy hiểm. Năm 2010 có thể là năm đạt được nền hòa bình nếu những nỗ lực của Israel và Mỹ nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình Israel-Palestin bị đình trệ suốt một năm qua thu được kết quả, nhưng cũng có thể là năm bùng nổ chiến sự nếu Nga, châu Âu và Liên Hợp Quốc không đẩy mạnh vai trò của mình.
Nguy cơ một cuộc chiến tranh bùng phát ở Trung Đông
Cùng thời điểm cuối năm 2009, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Liên minh Interaction, tập hợp các tổ chức cứu trợ và phát triển trên thế giới, đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực vào năm 2010 do dự trữ lương thực toàn cầu đang ở mức thấp, giá ngũ cốc tăng (17%) và nguy cơ một số nước sản xuất lúa gạo phải nhập khẩu gạo. Các nhân tố đẩy giá lương thực lên cao vẫn tồn tại và ngày càng nghiêm trọng, trong khi giá mặt hàng này đang gắn chặt hơn với giá nhiên liệu. Trong hai năm qua, số người thiếu đói đã tăng từ 846 triệu người lên 1 tỷ người. Những mối nguy hiểm đối với con người chưa dừng lại đó. Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên Hợp Quốc (WMO) cho biết hiện tượng El Nino xảy ra ở khu vực nhiệt đới của Thái Bình dương bắt đầu từ tháng 6/2009 có thể kéo dài đến tận tháng 5/2010. Tổ chức này cảnh báo hiện tượng nhiệt độ bề mặt ấm lên ở khu vực Đông và trung tâm Thái Bình Dương sẽ tác động đến mùa mưa và bão lốc, gây hạn hán ở một số nơi và lũ lụt ở nhiều nơi khác.
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn