Hàng nghìn con cá lấp lánh đủ màu sắc tung tăng bơi lội trong dòng suối nước trong vắt, giữa rừng cây nguyên sinh. Suối cá thần ở làng Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá đã có từ hàng trăm năm nay. Chuyện xưa kể rằng: vào một năm nọ, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán quanh năm, mùa màng thất bát, dân chúng trong vùng đói khổ. Có hai vợ chồng trong bản hiếm muộn đi làm đồng về vô tình nhặt được một quả trứng kỳ lạ. Người vợ đem quả trứng thả xuống suối Ngọc, nhưng lạ thay, cứ hế nhấc tay lên lại thấy quả trứng đang nằm trên tay mình.
Hai vợ chồng bèn đem quả trứng lạ đặt vào ổ gà đang ấp. Ít lâu sau quả trứng nở ra một con rắn. Sợ quá, người chồng đem rắn ra suối Ngọc thả, nhưng cứ đến rối rắn lại trở về nhà. Không sao đuổi rắn đi được, hai vợ chồng đành để con rắn ở lại sinh sống với họ.
Lạ thay, từ đó đồng ruộng của làng lại đủ nước cày cấy, mùa màng tươi tốt, đời sống mọi người ấm no. Dân làng cho rằng chàng rắn là vị thần đã cứu làng bản nên hết lòng tôn kính. Một hôm, trời nổi cơn giông bão, sấm chớp đùng đùng. Sau cơn giông, dân làng thấy xác chàng rắn nằm bên chân núi Trường Sinh, đầu quay về làng Ngọc.
Thương tiếc chàng rắn, dân làng chôn cất chàng bên chân núi, lập đền thờ gọi là đền Ngọc. Trong một buổi tế lễ, dân làng được thần báo mộng rằng chàng rắn chết do quyết chiến với thuỷ quái để bảo vệ dân làng. Từ đó chàng rắn được phong thần, gọi là Tứ Phủ Long Vương. Và cũng từ ấy, ở suối Ngọc bên chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần hàng nghìn con luôn quây quần chầu trước đền Ngọc để hầu hạ chàng rắn.
Những người già trong làng nói rằng đàn cá được sinh ra trong những hang động bí ẩn, cá thần là vật linh thiêng, không ai dám bắt và ăn thịt cá. Do vậy đàn cá thần được bảo tồn cho tới ngày nay với số lượng rất lớn. Vào mùa nước cạn, mặt nước lấp xấp trong vắt, có thể nhìn rõ đàn cá thần, mỗi con to bằng bắp chân người lớn tung tăng bơi lội. Mỗi khi bơi, cá phát sáng nhiều màu lấp lánh trông rất đẹp mắt.
Đàn cá hàng ngàn con sinh sống trong một con suối chỉ dài chừng 150m, nhưng nước suối quanh năm trong vắt, không bao giờ cạn, cũng không hề bị ô nhiễm hay bụi bẩn. Dân làng mỗi khi ra suối đều không quên thả rau, gạo cho cá ăn. Vì thế nên đàn cá rất dạn dĩ và gần người, cá thường nhảy lên khỏi mặt nước để nô đùa với người.
Người dân làng Ngọc kể rằng đàn cá thần có những con nặng tới 30kg, chỉ những ngày nước lớn mới chui ra khỏi hang. Người dân trong vùng không ai dám bắt cá vì có những câu chuyện về người ăn cá suối Ngọc đã bị thần linh bắt chết. Chỉ vào những ngày tế lễ Tứ Phủ Long Vương, dân làng xin thần cho được thả xúc, con cá nào tự chui vào xúc để dâng mình cho thần thì làng mới dám mang về làm thịt cúng thần linh.
Theo các nhà khoa học, đàn cá ở suối cá thần Cẩm Lương gồm nhiều loại cá: cá dốc thuộc bộ cá chép, là loài cá hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam, cá chài, cá mai. Các loài các này có hình thù rất lạ, màu sắc phong phú.
Hàng năm, suối cá thần thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch cả trong nước và quốc tế. Du khách đến với Cẩm Lương không chỉ để tận mắt chiêm ngưỡng suối cá kì bí và đàn cá lạ mà còn để hưởng không khí trong lành, mát rượi của rừng nguyên sinh và tham quan những nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Mường nơi đây như dệt thổ cẩm, múa Pồn Pông...
Mách bạn:
Để đến suối cá thần, bạn có thể đi theo đường Hồ Chí Minh: từ Hà Nội đến ngã ba Xuân Mai, rẽ trái vào Miếu Môn, qua rừng Cúc Phương, tới ngã ba Cẩm Thuỷ, từ đó sẽ có biển chỉ dẫn vào suối cá thần. Đây là đường dễ đi nhất, đường đẹp và cắt qua rừng Cúc Phương, ít xe cộ, phong cảnh lại rất quyến rũ, thích hợp cho những “phượt thủ” mê “săn ảnh”.
Theo Vzone
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn