Những thanh tre đan lại thành hình dạ dày người. Những vỏ bào bút chì màu đỏ, xanh da trời và màu cam gắn kết với nhau trên một tấm vải, tạo thành hình cặp tóc truyền thống của phụ nữ. Những mẩu báo, hình vẽ được sắp xếp trên tấm vải nền đã tạo nên bức tranh về lịch sử cận hiện đại của Campuchia. Đó là một số mẫu sản phẩm thủ công Campuchia được trưng bày ở một trong những hội chợ triển lãm nghệ thuật quốc tế lớn nhất tại Hong Kong.
Erin Gleeson, người phụ trách bảo tàng Phnom Penh cho biết: “Triển lãm có chủ đề Quá khứ đến hiện tại và tất cả các tác phẩm có mặt trong triển lãm lần này của 14 nghệ sỹ ở các thể loại khác nhau: video, ảnh, nghệ thuật cắt dán, bào gỗ, giấy, tre và hội họa theo chủ đề từ việc phản ánh chế độ diệt chủng Khmer đỏ đến thời kỳ hiện đại, đặc biệt bức vẽ con rắn Naga với kích cỡ lớn trên giấy gập (theo văn hóa Campuchia thì đó là biểu tượng sự sinh thành con người theo truyền thuyết) và một tác phẩm cắt dán thế kỷ XX thể hiện sự thay đổi qua sáu thời kỳ khác nhau”.
Nhìn lại lịch sử, Campuchia đã mất gần 1/4 dân số hoặc ít nhất là 1,7 triệu người, trong đó có khoảng 90% nghệ sỹ - trong thời kỳ diệt chủng Khmer đỏ vào những năm 1970 của thế kỷ trước. Cuộc diệt chủng và các cuộc chiến tranh kế tiếp, mới chỉ kết thúc vào thập kỷ trước, kìm hãm sự phát triển nghệ thuật của một trong những nước nghèo nhất thế giới và hiện tại đang có một số lượng nhỏ nhưng ngày càng phát triển cộng đồng nghệ sỹ: chỉ có khoảng 50 họa sỹ trong khoảng 14 triệu người dân. Bà Gleeson hồi tưởng lại thời điểm năm 2002 khi bà đến Campuchia trong một chương trình giao lưu để dạy về lịch sử mỹ thuật nhưng ở đây không có bất cứ quyển sách mỹ thuật nào. Thiếu mất nền tảng, thiếu dụng cụ, không có lấy một cửa hàng bán đồ mỹ thuật.... các họa sỹ sáng tạo ra các tác phẩm mỹ thuật chất lượng cao và bền bằng cách pha trộn các nguyên liệu với nhau nhưng ở một khía cạnh nào đó, họ không biết gì về các kỹ thuật hiện thời. Thêm vào đó là điều kiện thời tiết khắc nghiệt: mùa nóng, bụi bặm, gió mùa và mưa, tất cả yếu tố bất lợi đó đều chống lại sự sáng tạo mỹ thuật tại Campuchia.
Tuy nhiên, triển lãm mỹ thuật lần này đã cho thấy sự nhìn nhận khác về cuộc sống đang ngày càng đổi thay. Một số tác phẩm mỹ thuật được trưng bày nói về Campuchia ngày nay, như bức họa được vẽ bằng axit acrilic Ba ngọn đèn xanh của Leang Seckon, miêu tả những đứa trẻ mặc đồng phục băng qua một con đường với một đèn vàng, một đèn đỏ và ba đèn xanh, đi cùng với một đàn bò và đàn gà. Bức tranh đó thể hiện sự thay đổi của một đất nước mà gần đây mới có đèn giao thông, với những con vật, người và đèn giao thông hòa vào nhau trên đường phố chính của thủ đô.
Sopheap Pich, một người Mỹ gốc Campuchia, sử dụng tre và mây, những nguyên liệu thường được sử dụng trong các trang trại và làng nghề truyền thống của Campuchia để làm nên tác phẩm mang tên Vòng quay 2 (Cycle 2), là sự kết hợp dạ dày của một đứa trẻ với một người già, thể hiện ý tưởng về cuộc sống làng quê truyền thống, về sự phụ thuộc vào nhau, tương hỗ nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy nó được tạo ra bằng tay, không hoàn hảo nhưng đó là một nỗ lực lớn.
Chan Dany, một họa sỹ 25 tuổi, tốt nghiệp từ một trong ba trường mỹ thuật của Campuchia tạo ra các sản phẩm có kết cấu giống như thảm thêu, sử dụng những mẩu bào của bút chì với màu sắc khác nhau. Các tác phẩm này được trưng bày trong triển lãm các sản phẩm trang trí kiến trúc Campuchia, như các tác phẩm chạm khắc cửa ra vào và cánh cửa chớp, theo kiểu dáng Khmer cổ và bắt nguồn từ tự nhiên. Anh thổ lộ: “Khi tôi bắt đầu đến với mỹ thuật, giáo viên đã giới thiệu nhiều phương pháp để tạo ra tác phẩm, nhưng khó khăn nhất vẫn là việc tìm ra một ý tưởng mới. Sau đó, tôi quan sát xung quanh để xem các bạn cùng lớp làm như thế nào và bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng những nguyên liệu mà họ không dùng để có thể tạo ra các tác phẩm mang phong cách riêng”.
Bà Tilly giám đốc phòng triển lãm nhận xét: các họa sỹ trẻ thường “thể hiện những điều mới lạ hơn” trong khi tác phẩm của các họa sỹ thế hệ trước thường “mang nặng tính nghệ thuật hơn”.
Một vài tác phẩm khác trưng bày tại triển lãm khơi gợi lại thời kỳ Khmer đỏ bao gồm một bức họa của Vann Nath, một trong bảy người sống sót dưới sự tra tấn độc ác kiểu S-21. Tác phẩm của ông có tên Cầu nguyện cho hòa bình mô tả những người phụ nữ đồng loạt quàng khăn tang truyền thống của Campuchia cầu nguyện dưới trời giông bão. Một tác phẩm khác, Lính gác tù của Leang, nói về cuộc sống của Duch, nguyên giáo viên chạy khỏi S-21 và đến phiên tòa ngày thứ ba, trước khi phiên tòa của Liên hiệp quốc xử các thành viên của Khmer đỏ về tội vi phạm nhân quyền.
Sopheap bắt đầu thành lập nhóm để đẩy mạnh mỹ thuật hiện đại Campuchia và thành lập hai Học viện Mỹ thuật khác ngoài Trường Mỹ thuật Hoàng gia. Bà Tilly cho biết: nhân tố tạo ra sự khác biệt giữa các họa sỹ đương đại của Campuchia không giống họa sỹ các nước khác là không có sự ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài, giống như nghệ thuật Trung Quốc 30 năm trước đây. Bà nói thêm: Campuchia vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi chính mình, các họa sỹ dường như không phổ biến tác phẩm nghệ thuật tới công chúng, vì vậy sự phát triển đang theo tốc độ chậm hơn và mới được một thời gian ngắn.
Triển lãm này sẽ còn được tiếp tục ở một phòng tranh khác của Hong Kong và kéo dài đến 25.4.
Hoàng Dung (Người đại biểu nhân dân Online)
Nguồn: http://deziart.com
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn