Nói đến phong cách người dân bình thường ở thành phố Hồ Chí Minh, ta nên dựa vào cơ sở:• Đã gọi là phong cách, ít ra phong cách ấy cũng xuất phát từ hơn nửa thế kỷ, hoặc hơn nữa, không thể nhìn vào hiện tượng vài mươi năm rồi mất hẳn. Và trong tương lai, phong cách xưa vẫn còn tồn tại, phát triển, khó thay đổi về cốt lõi.
• Phong cách của người Sài Gòn so với cả nước không có gì khác lạ. Ở đâu trên nước Việt Nam mà người dân không hiếu khách, trọng nghĩa khinh tài, lanh lẹ, cần cù, nhưng ở Sài Gòn, phong cách ấy thể hiển đậm nét, ở vài khía cạnh nào đó.
Phong cách nào phải do trời đất ban cho, nhưng thành hình do hoàn cảnh bắt buộc con người phải thích ứng, hội nhập, bằng không thì dễ bị đào thải. Thích ứng để tồn tại, vươn lên. Hoàn cảnh do sinh hoạt kinh tế, với quy luật riêng. Ai cũng biết, đó là văn minh biển (Sài Gòn là hải cảng, ngay từ khi mở nước 300 năm trước), để giao lưu với các nước Đông Nam Á, sau đó là các nước phương Tây.
Sài Gòn cũng là nơi nhộn nhịp với văn minh sông nước về phía đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, Sài Gòn còn là không cảng quốc tế quan trọng. Mà khi đã là vùng cảng, thì luôn luôn có nhiều dịch vụ cần thiết, để thu mua hàng hóa, phân phối hàng hóa… đời sống tương đối ddễ dàng hơn so với nông dân vùng xa, vùng sâu. Thành phố cảng phải có hạ tầng cơ sở cần thiết như nhà ở, đường xá, cống rãnh, bệnh viện, trường học, ăn uống, giải trí …
Một yếu tố quan trọng phải được nhắc đến, đó là trên đường mở nước, từ những làng mạc khép kín với lũy tre, làng xóm lần hồi mở rộng ra, chỉ còn ranh giới mơ hồ về quản lý hành chính. Người đã bỏ làng quê không bị ràng buộc chặt chẽ về luân lý phong kiến, thể diện gia tộc. Với phố cổ Hội An thời Chúa Nguyễn, mặc nhiên vua chúa phải ban hành cho phía Nam một qui chế dễ dãi. Quá khứ người tù đày, thường phạm bắt buộc phải đi khẩn hoang vẫn còn trong tiềm thức. Đi xa quê hương, nhưng vẫn gắn bó với sông Mã, sông Hồng, non sông liền một dải, chung một lịch sử, một văn hóa, cụ thể là về phong tục vẫn giữ cốt lõi, qua những lễ hội, văn hóa, văn học …
Người Sài Gòn cũng ưa nghe tin tức, hay còn gọi là tìm lượng thông tin, bởi vậy báo chí là là món ăn cần thiết. Họ đọc báo để tìm hiểu tình hình chung, đặc biệt là tin tức liên quan đến công việc làm ăn hàng ngày của mình. Thiếu lượng thông tin, hóa ra lạc hậu, thất bại trong việc làm ăn, vì tình hình luôn biến động từng giờ, từng phút. Và cũng vì ngành này liên quan đến ngành khác, người ta phải đọc báo để kiểm tra cho đầy đủ. Ngồi quán cà phê đọc báo, chờ bạn bè, ai không đọc báo thì lắng nghe người đã đọc tóm lược giùm. Ta không lấy làm lạ khi thấy báo bán chạy, nhất là báo Sài Gòn giải phóng, cần thiết để hiểu đường lối cho mọi công dân. Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh bán chạy lạ thường, hợp với khẩu vị của nhiều giới: tin xác thực, đọc lên thấy vui. Lại còn biết được thủ đoạn gian manh để đề phòng. Đọc báo để giải trí, xem quảng cáo xe cộ, nhà đất… ngồi không cũng vô ích.
Giao thiệp với bạn bè, tìm bạn mới, trao đổi nhau số điện thoại, danh thiếp. Ăn uống lặt vặt, ai trả tiền cũng được, người tuy khác ngành nghề nhưng biết đâu sẽ giúp đỡ mình chuyện gì đó. Làm quen với anh phu xích lô, cũng là một dịp huống gì với một thương gia. Người đang thất nghiệp cũng có thể giúp đỡ ta khi có dịp.
Làm dịch vụ mua bán lớn nhỏ cần sự sòng phẳng. Làm ăn vui vẻ, bất chấp đối tác của mình có quá khứ như thế nào, miễn là giữ chữ tín. Ai gặp khó khăn, có thể thất tín, nhưng phải khiêm tốn xin lỗi.
Giận hờn để làm lành, với một tiệc nhỏ rồi bỏ qua, nhưng theo luật giang hồ là “bất quá tam”, nghĩa là đến lần thứ ba thì không khoan dung được.
Hào hiệp, nghĩ rằng người đến Sài Gòn đa số là kẻ sa cơ thất thế, vì vậy mà giúp đỡ tận tình, nhưng đừng hiểu lầm đó là ngây thơ, khờ khạo. Là vùng ít thiên tai, bão lụt nên dễ sống. Có nhiều dịch vụ linh tinh, nhờ thế người nghèo có thể sống được, thậm chí, nếu chịu khó thì cũng có thể khá lên được sau vài tháng. “Tiến thì về nội, thôi thì về ngoại”, còn hậu phương thì khá vững, đó là bà con, họ hàng bên vợ, là bạn bè chí cốt ở đồng bằng hoặc miền Đông.
Đàn bà ở Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung khá linh hoạt, giỏi làm kinh tế, nhất là trong nghề tiểu thương, tảo tần nuôi chồng con, hiếu đễ với cha mẹ. Ngoài ra còn có thói quen cho vay tiền bạc góp, làm ăn nhờ tiền vay này, “làm bữa nào xào bữa ấy”. Ta thấy suốt ngày, thậm chí đến 8 giờ khuya vẫn còn có người đi chợ mua rau cải, gạo cá.
Ham thích du lịch, nhất là đi chùa chiền, miếu mạo theo sự đồn đại của bạn bè. Tư tưởng đa thần, cái gì cũng theo, cũng tin, để cầu mong phước đức kinh tế thị trường quả là sự rủi may, cho nên giàu thì không dám khinh lờn thần thánh, nghèo thì khấn vái để được gặp may mắn.
Nét tích cực nhất của người Sài Gòn là làm điều từ thiện, theo cảm tính, dễ thương người. Luôn giúp người khuyết tật, nạn nhân bão lụt, thiên tai, theo quan niệm “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.
Hiện nay, những phong cách trên của người Sài Gòn vẫn còn thể hiện khá rõ. Mặc dầu lúc giao thời với kinh tế thị trường, một số người trẻ tuổi có những biểu hiện nông nổi, nhưng quá 50 tuổi, ai cũng trở về nguồn với kỷ niệm, với tâm linh.
Nguồn Internet
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn