Quần đảo Bà Lụa - Kiên Giang T10.2010 (P1)
Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011
Tháng 7 vừa rồi, mình trở lại Kiên Giang với nhiều dự định, ngoài việc thăm lại Hà Tiên - nơi để lại rất nhiều kỷ niệm trong chuyến thực tập khi còn là sinh viên, mình cũng muốn làm 1 chuyến khám phá quần đảo Bà Lụa, thông tin mà mình tình cờ đọc được trên mạng...
Tìm trên Phuot.com, thì chỉ có 1 bài viết về Hòn Heo trong quần đảo Bà Lụa ... Chưa biết bắt đầu từ đâu, thì may mắn gặp được 1 người anh làm du lịch ở Kiên Giang, thế là xách ba lô lên đường. Nhưng xui xẻo thế nào, trong 3 ngày mình đến thì biển động do ảnh hưởng bão, tàu không xuất bến được nên đành nằm ở khách sạn nghỉ dưỡng & thuê xe máy lòng vòng từ Chùa Hang đến Hà Tiên ....
Không cầm lòng, mình đã thu thập thêm thông tin về quần đảo Bà Lụa & cùng rủ rê các anh chị đồng nghiệp đến đây vào đầu tháng 10 vừa qua...
Đây là 1 bài báo hiếm hoi về quần đảo Bà Lụa khi mình tìm thông tin:
" Thử làm “Robinson” tại quần đảo Bà Lụa - Kiên Giang.
Lâu nay, nói đến du lịch người ta nghĩ ngay đến những thắng cảnh nổi tiếng hay những nơi đô thị sầm uất sang trọng, những tour du lịch mang tính dã ngoại, thăm thú những nơi hoang sơ… Tại Kiên Giang có một tour du lịch khá đặc biệt, đó là thử làm “Robinson” tại quần đảo Bà Lụa thuộc xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Quần đảo Bà Lụa trước kia có tên là quần đảo Bình Trị. Theo lời những người lớn tuổi tại địa phương, thời Pháp thuộc, vùng Hà Tiên có rất nhiều người Pháp đến đây để làm kinh tế. Họ có ảnh hưởng rất lớn với chính quyền thuộc địa. Ở đây có người Pháp đến khai thác vùng này, nhưng mọi giấy tờ đều đứng chủ quyền do vợ là Bà Lụa đứng tên. Bà Lụa là một phụ nữ người Việt gốc Hoa rất đẹp cư trú tại Hà Tiên . Do đó, quần đảo này mang tên Bà Lụa.
Quần đảo Bà Lụa có khoảng 43 hòn đảo lớn nhỏ được nhiều du khách ví như “vịnh Hạ Long của phương Nam”. Những hòn đảo này đều có địa danh do người địa phương đặt tùy theo hình thể, sự kiện và sự vật thấy đầu tiên như: Hòn Heo (ngoài), Hòn Dê, Hòn Ngang, Hòn Đước, Hòn Đụn, Ba Hòn Lò, Hòn Nhum Ông, Hòn Nhum Bà, Hòn Rễ Lớn, Hòn Rễ Nhỏ, Hòn Dừa, Hòn Ba Dồ, Hòn Thơm, Hòn Đá Bạc, Hòn Bờ Đập, Hòn Ông Tiều, Hòn Kiều Ngựa, Ba Hòn Đầm, Hòn Đá Lửa, Hòn Con Nghê, Hòn Chướng, Hòn Một, Hòn Móng Tay, Hòn Vông, Hòn Khô, Hòn Sơn Tế, Hòn Sơ Rơ, Hòn Lô Cốt...
Có một số hòn ghép 2 hoặc 3 hòn mang chung một tên gọi, điển hình như Hòn Giếng, Hòn Đước và Hòn Dương tên ghép là Ba Hòn Đầm. Được biết, tàu Pháp thường ghé vào cho vợ sĩ quan Pháp tắm biển, nên thành địa danh Ba Hòn Đầm. Nơi đây cảnh sắc hữu tình, hoang sơ, trời, biển, núi đồi như hòa quyện vào nhau.
< Nhóm mình thuê xe riêng, khởi hành từ tối thứ 6, sáng sớm thứ 7 đến gần ngã ba Hòn, ăn sáng tại quán cơm tấm bên đường, ngon & chỉ có 15k cho dĩa cơm hấp dẫn thế này.
Tour du lịch thử làm “Robinson” chọn Ba Hòn Đầm làm điểm thực hiện. Tham gia tour với nhóm từ 6 - 10 người vào hai ngày cuối tuần là lý tưởng nhất. Trang thiết bị mang theo bao gồm lều bạt để cắm trại qua đêm trên bờ biển.
Tại bến tàu du lịch Chùa Hang (khu du lịch Hòn Phụ Tử), du khách mua vé để đi Ba Hòn Đầm. Trước khi lên tàu hãy kiểm lại hành trang xem đã có đủ nước uống và đồ dùng cho một đêm cắm trại tại đảo hay chưa. Hành trình trên biển khoảng 1 giờ 30 phút. Ngồi trên tàu cảm giác bồng bềnh trên biển khơi lộng gió, vừa ngắm cảnh thiên nhiên vừa ôm đàn ca hát, hay lai rai một ít rượu, bia thì càng hấp dẫn. Theo hải trình của con tàu, những hòn đảo nối tiếp nhau hiện lên trong tầm mắt với đủ hình thù, trong đó một số hòn chưa có tên và du khách có thể tùy ý đặt tên theo trí tưởng tượng của mình.
Tàu cặp bến tại Hòn Giếng. Nơi đây chỉ có duy nhất một gia đình đã sống hơn 40 năm qua. Trước kia vùng đảo này có nhiều gia đình, nhưng vì chiến tranh chạy giặc hết chỉ còn một gia đình bám trụ. Thu nhập chính của họ nhờ vào đánh bắt hải sản. Gần 20 năm trước, gia đình này nuôi cá bống mú bằng bè trên biển, thu nhập khá. Ngoài ra, họ còn trồng rừng phòng hộ, trồng các loại cây ăn trái như: dừa, xoài, thanh trà, mít...
Nước ngọt thì ở đây có nước giếng khoan, điện thì chạy máy phát điện nhưng chủ yếu để thắp sáng và xem tivi, còn quạt máy hoàn toàn không cần vì bốn bề gió lộng quanh năm.
Tới nơi du khách tha hồ tắm biển, rồi tự tay bắt nhum, ốc cờ, ốc vú nàng, cà xịu, ốc voi, ốc vá, hàu sữa... lên luộc hay nướng để chuẩn bị cho đêm lửa trại. Nhum là động vật biển, có gai đen tua tủa xung quanh, bạn phải dùng vợt để vớt. Vớt xong, bạn sẽ sàng mạnh trong nước biển để gai nhum gãy hết. Lúc này, du khách sẽ vắt chanh ăn sống, hoặc nướng lên đều rất thơm ngon, nhum rất nhiều đạm.
Cà xịu là loài nhuyễn thể vỏ rất mỏng, điểm đặc biệt là có một phần cơ thể hình que dài thò ra ngoài cắm sâu xuống cát biển, người dân địa phương nói vui cái que đó dùng để làm “ngoại giao”. Nhổ cà xịu lên, không cần rửa gì hết, cứ để nguyên như vậy ngâm nước mắm ngon cho thấm, sau đó trộn với rau răm, lá quế ăn vừa giòn, vừa thơm, hương vị mằn mặn, ngòn ngọt khiến cho du khách sẽ nhớ mãi. Ngoài ra, ở đây còn các loại cá, cua, ghẹ, tôm... cũng được gia đình trên đảo này cung cấp khá đầy đủ, giá cả thì chắc chắn rẻ hơn ở đất liền rất nhiều mà hải sản lại rất tươi ngon.
Những món ăn ở đây du khách đều có thể tự chế biến, có như vậy mới cảm nhận hết cái thú vị của một chuyến du lịch đến một nơi còn rất hoang sơ. Mỗi người một việc, kẻ nướng nhum, ốc, cua... người lo lấy nước, người lo trải bạt ra bờ biển chuẩn bị cho buổi tiệc ngoài trời thịnh soạn. Du khách vui chơi cho thỏa thích rồi nhập tiệc vào lúc lên đèn. Ăn sáng, tổ chức vui chơi dưới ánh lửa trại sẽ rất ấm cúng.
Bãi biển với toàn sỏi lớn nhỏ, màu sắc khác nhau. Du khách có thể lang thang hàng giờ để tìm những hòn sỏi hình dáng lạ mắt, màu sắc phong phú mang về làm kỷ niệm. Chiều về, lúc thủy triều xuống thấp, du khách có thể đi bộ từ hòn này qua hòn kia thăm và tìm hiểu đời sống của 7 gia đình khác ở Hòn Đước và Hòn Dương. Bãi biển gần bờ là sỏi, ra xa một tí sẽ tới cát mịn, hoàn toàn không có bùn nên rất sạch. Khi con nước cao nhất cũng chỉ ngang lưng quần, nên việc đi bộ vượt biển của người dân địa phương ở đây là chuyện thường ngày. Nhìn cuộc sống nơi đây chắc chắn du khách không khỏi ao ước có một ngày mình trở thành “chúa đảo”. Sống một cuộc đời giản dị, không hẳn tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng rất riêng tư và bình yên, thanh thản giữa thiên nhiên trong lành.
Việc nghỉ đêm, đã có chủ nhà sắp xếp, tất nhiên là “ngủ bụi” nhưng sẽ rất vui. Bên bờ biển còn có rất nhiều võng mắc sẵn để du khách ngả lưng ngắm mặt trời dần buông xuống, hay thả hồn theo những làn gió biển mang hương vị mằn mặn mà rất trong lành.... "
Với bao nhiêu đó thông tin, tụi này không ngần ngại khởi hành. Đến ngã ba Hòn, rẽ phải là đi Hà Tiên. Chúng tôi rẽ trái đi tiếp đến cuối đường là đến chùa Hang, do còn sớm nên không phải mua vé cổng. Tranh thủ nghỉ ngơi chút, rồi cùng tay xách nách mang hành lý ra cầu tàu ngay bãi biển phía sau chùa Hang, nơi nhìn ra Hòn Phụ Tử. Bạn cũng có thể nghỉ ngơi, ăn sáng tại các hàng quán ngay khu vực trước chùa Hang, tuy nhiên giá cả sẽ cao hơn & thức ăn thì không ngon như các quán bên ngoài (quán phục vụ cho khách du lịch).
Khi xuống bến tàu thì bạn chỉ cần gửi lại 1 danh sách đoàn, có lẻ để họ mua bảo hiểm & đăng ký lưu trú.
< Mình thấy thông dụng đi các tuyến trong quần đảo Bà Lụa là 2 loại tàu: trọng tải 24 khách & 34 khách.
Tàu 24 khách thì thế này đây.
< Nhóm mình thì đi loại tàu lớn hơn, nên ngoài phần boong phía sau, có cả phần phía bên trong, và nhất là chỗ khoang lái, có thể nằm dài được 4 người, rất thoải mái...
< 7h45, thuyền bắt đầu xuất phát. Hòn Phụ Tử.
< Phía xa bên tay phải, Hòn Trẹm resort - nơi mình đã trú bão trong tháng 7. Phòng ốc, dịch vụ, cảnh quan khá tốt, nhưng bãi biển thì ngay kè đá, tắm biển không thuận lợi lắm...
Vicgiang86
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn