Phượt Xuân

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011
Mang lại trải nghiệm mới mẻ với một chi phí tiết kiệm đáng kể so với đi du lịch theo tour, du lịch bụi hay “phượt” (tự tổ chức du lịch, không phụ thuộc vào tour) đã trở thành cái thú chơi quan trọng trong cuộc sống của rất nhiều người.

Không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp, giới tính hay thâm niên trong nghề phượt, những kẻ phượt gặp nhau ở tình yêu với những cung đường, sở thích tự tìm tòi khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống và ở chính bản thân mình. Để rồi sau mỗi chuyến đi, nỗi đam mê phượt lại càng lớn trong họ. Mùa Xuân, mùa du lịch, cũng là mùa phượt bùng lên mạnh mẽ.
Sau một chuyến đi du lịch theo tour Hà Nội - Pattaya (Thái Lan) đầu năm 2006, C.S - một chuyên viên truyền thông trẻ ở một trường đại học lớn ở Hà Nội - rút ra kết luận là lần sau cô nàng nên tự làm tour đi du lịch cho mình...

“Đường đi ở tại chân, thông tin có đầy rẫy chỉ sau một cú nhấp chuột, mạng di động đã phủ sóng khắp nơi, chẳng phải nộp phí dịch vụ để đi những tour không-thiết-kế-cho-mình, vậy tại sao không du lịch bụi” - Nàng bảo thế.

Vậy là mỗi khi thu xếp được thời gian trong lịch trình làm việc và học hành bận rộn, nàng lại lên đường. Tùy thời gian cho phép, C.S chọn đi từ những cung đường gần như Mộc Châu (Sơn La), Đà Bắc (Hòa Bình) hay xa hơn là Apachải (Điện Biên), Huế - Đà Nẵng - Hội An, Phú Quốc…

“Thích nhất là được bám càng các xế đi phượt bằng xe máy, còn nếu không gặp đội thì mình phải đi bằng phương tiện khác như ôtô, máy bay giá rẻ” - C.S cho hay. Chuyến đi dài ngày bằng xe máy rẻ nhất mà nàng từng tham gia là hành trình từ Bắc xuống Nam Lào, với gần 2.700km quãng đường chạy xe máy mà tổng cộng chỉ tốn phí dưới 5.000.000 đồng/người.

Bắt đầu phượt từ năm thứ 3 đại học, V.H - cán bộ trẻ của Khoa Quốc tế (ĐHQGHN) - đã đi trekking (đi bộ) hoặc phượt tới hầu hết những cực đầu của tổ quốc như Lũng Cú (Hà Giang), Apachải (Điện Biên), Bờ Y (Tây Nguyên), chinh phục đỉnh cao Phan Si Păng (Lào Cai) và du lịch bụi tới nhiều thắng cảnh ở Trung Quốc như Đại Lý - Lệ Giang - Shangrila - Đức Khâm (Vân Nam), Trương Gia Giới (Hồ Nam)...

“Mình phượt để được ngắm cảnh đẹp và văn hóa phong tục đặc sắc và cũng để thử độ dẻo dai của mình trong điều kiệt thời tiết khắc nghiệt như chênh lệch áp suất cao, không khí loãng, độ cao lớn, có tuyết rơi, nhằm… chuẩn bị cho những chuyến đi xa hơn, khó hơn nữa như Tây Tạng” - V.H nói. “Trung bình cứ khoảng 3-4 tháng mình lại phượt một chuyến”.

Có thâm niên gần 10 năm trong nghề phượt, H.K - một freelance trong nghề IT ưa thích thử sức trên những cung đường khó như Bình Liêu (Quảng Ninh), Đà Bắc - Sơn La, Đường tre suối Muống (Mường Lát, Thanh Hóa), Xín Mần - Bắc Hà (Hà Giang), Tà Sí Láng (Trạm Tấu, Yên Bái)…

Trước mỗi chuyến đi qua cung đường khó như vậy, xe cộ của các xế phải được “tút” lại cẩn thận, và thường phải mang theo đồ nghề sửa xe, bơm, vá tối thiểu để có thể chữa xe tạm thời trong trường hợp không gặp hàng sửa dọc đường. Những con đường được chọn đi offroad (phượt, theo thuật ngữ của phượt tử) thường là đường cấp xóm, xã, không có tên trên bản đồ, khó đi hoặc là… cực khó đi nên ít người qua lại.

Thông thường phượt tử phải trekking hoặc nếu chọn phượt bằng xe máy thì cần có kỹ năng điều khiển xe rất khéo. Tuy nhiên, “nếu đi được trên những con đường này, phong cảnh kỳ thú dọc đường, sự lên “trình” trong kỹ thuật xử lý tình huống lái và sửa xe lại là một phần thưởng xứng đáng cho những phượt tử” - A.K chia sẻ.

Mỗi chuyến đi đối với các kẻ phượt đều là những trải nghiệm đáng quý. “Còn gì thích thú và tự hào hơn việc khai phá được những cung đường mới hoặc chinh phục được những khó khăn trên đường phượt?” - A.K nói. - “Khả năng lập kế hoạch và điều phối thực hiện kế hoạch ấy trong điều kiện thực tế trong từng chuyến phượt của tụi mình được rèn luyện đáng kể, bởi hai điều bất biến của phượt là hành trình không thể thay đổi, và điều kiện thời tiết là thứ ta bắt buộc phải vượt qua”.

Ném mình vào những điều kiện khó khăn của những chuyến đi, những phượt tử trở nên hiểu biết, nhiều kinh nghiệm và kỹ năng sống hơn. “Nhờ phượt, mình biết thêm từ những điều nhỏ nhặt như phải tự bảo vệ cho bản thân trước sương muối và gió lạnh trên đường dài như thế nào, giữ vệ sinh ra sao nếu như thiếu nước..., cho đến việc “to tát” hơn như sử dụng ngôn ngữ tay chân với cảnh sát giao thông khi vi phạm luật giao thông ở nước bạn vì thiếu hiểu biết! - C.S tự trào - Cái đẹp và sự đa dạng văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên và con người làm mình yêu đời trở lại, stress và mệt mỏi trong công việc như tan biến đâu mất”.

Phượt cũng là con đường kết nối những tấm lòng. Cảm động và thấm thía hơn cuộc sống khó khăn của những người dân ở những nơi đã đi qua, nhiều nhóm phượt thường kết hợp những chương trình giúp đỡ trẻ em và người dân ở những vùng thiếu thốn. Nhóm của Vĩnh Hằng thường góp sách, tiền và công sức xây dựng các thư viện như thư viện xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - cực Tây của tổ quốc, xây dựng Quỹ Mắt sáng để mổ mắt cho những người nghèo bị đục thủy tinh thể… Và thông qua việc tổ chức tình nguyện dạy chữ cho trẻ em vùng cao, nhiều nhóm phượt tử khác đã góp phần gieo con chữ theo cung đường phượt.

Vả chăng, chỉ bởi những điều ấy thôi đã đủ để lý giải vì sao phượt đang cuốn hút ngày càng nhiều (nhưng không chỉ có) bạn trẻ? Lớp người phượt ở lứa tuổi U50 vẫn nặng nợ với những nắng, gió, những con người và nền văn hóa nơi xa? Những tâm hồn hoang hoải hay những vợ chồng nhà phượt đều có thể tìm thấy mình trong những chuyến phượt gần xa...

Theo Laodong
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn