Thăm “Ngôi nhà điên” Đà Lạt

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011
Đà Lạt, ngoài những danh lam thắng cảnh nổi tiếng và con người hiền hòa thì ngôi nhà quái dị tọa lạc tại số 3 Huỳnh Thúc Kháng thật sự thu hút, chinh phục mọi du khách đặt chân đến nơi này.

Biệt thự Hằng Nga hay còn gọi là Crazy house (Ngôi nhà điên), một công trình kiến trúc đặc biệt tại thành phố Đà Lạt vừa được People’s Daily bình chọn là một trong 10 ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới. Đây là một trong những quần thể kiến trúc đặc biệt và lạ mắt, được xây dựng từ năm 1990 trên khuôn viên rộng gần 1.900m² thể hiện nội dung: trong lòng các gốc cây và các phiến đá bị cưa cụt con người vẫn có thể tạo ra những gian phòng ấm cúng, tiện nghi, thậm chí cả những tòa lâu đài huyền bí và hấp dẫn.

Cửa vào ngôi nhà Công trình này ban đầu có tên là biệt thự Hằng Nga, sau đổi thành Crazy house, Ngôi nhà mạng nhện hay Ngôi nhà kỳ dị vì tên gọi cũ bị một số nơi khác sử dụng theo. Crazy house đã gây tranh cãi trong giới kiến trúc và các cơ quan chính quyền cũng như sự chú ý đặc biệt của du khách trong suốt 18 năm qua.

Nó không theo trường phái kiến trúc nào, hoàn toàn tự do như chính chủ nhân của nó. Trông ngôi nhà như những gốc cây, hang động giữa rừng già nhưng bên trong lại có những căn phòng đủ tiện nghi như một khách sạn hạng sang. Ngôi nhà hấp dẫn du khách bởi những ô cửa lồi, lõm, những góc cạnh, đường cong uốn lượn, những hình thù kỳ lạ…
Kiến trúc độc đáo. Phá cách với lối kiến trúc theo trường phái thể hiện cá tính, ngôi nhà trông tựa như những gốc cây hoặc một phần cơ thể của những con thú hoang dã. Những ô cửa sổ lồi lõm xếp đặt có vẻ thiếu “ngăn nắp” nhưng nhìn kỹ thì như những con mắt của thú rừng.

Từ trên cao, du khách có thể ngắm nhìn khu vườn trong biệt thự qua một tấm mạng nhện khổng lồ bằng sắt ở ngay lối vào. Bước tiếp qua những bậc thang xoắn quấn quanh gốc cây, du khách được chiêm ngưỡng và khám phá những căn phòng ấm cúng với hình thù đặc trưng của thiên nhiên như hốc cây, thân tre, quả bầu, cọp, gấu, đại bàng, kangaroo, chim trĩ…
Cầu thang Các căn phòng được thiết kế gọn trong hai thân cây cổ thụ (bằng bê tông), tạo cảm giác như đang lạc vào khu rừng kỳ lạ và bí hiểm. Đêm về, nếu ngủ trong các căn phòng này, nhìn thẳng lên trần nhà có thể thỏa thích ngắm nhìn trăng sao… Một du khách nước ngoài đã ghi vào sổ lưu niệm rằng đây là tòa lâu đài độc đáo, khác thường và hoang tưởng nhất Việt Nam, nếu không nói là của vùng Đông Nam Á.

Kiến trúc căn phòng lạ mắt. Tiến sĩ - kiến trúc sư Đặng Việt Nga, chủ nhân ngôi nhà, chia sẻ thiên nhiên đang bị tàn phá từng ngày, bằng tiếng nói của kiến trúc, chị muốn kéo con người trở về với thiên nhiên, gần gũi và yêu mến nó chứ không phải hủy diệt… Biệt thự Hằng Nga cũng thể hiện sự sáng tạo, phong cách sống và làm việc của chị. Đó là ở mỗi con người đều có lòng khát khao hướng đến độc lập và tự do.
Bên ngoài. Kiến trúc sư Đặng Việt Nga tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Matxcơva (1959-1965), từ 1969 đến 1972 tiếp tục học và lấy bằng tiến sĩ tại Nga. Bà sống và làm việc tại Đà Lạt từ năm 1983 đến nay. Bà cho biết rất yêu Đà Lạt.

Chính phong cảnh đẹp, không khí trong lành, con người hiền hòa và sự yên tĩnh nơi đây đã ảnh hướng lớn đến quyết định thực hiện ngôi nhà. Bà muốn ở lại đây đến cuối đời và thực hiện ước mơ của mình bằng sự đam mê trong sáng tạo nghệ thuật kiến trúc.

Cầu thang phá cách Năm nay đã ngoài tuổi 70, nhưng bà Việt Nga vẫn tâm huyết để theo đuổi những ý tưởng “lập dị” của mình. Bà đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục dở dang như: nhà rông Tây Nguyên với nhiều màu sắc sặc sỡ dựa theo mô-típ trang phục của phụ nữ các dân tộc, hệ thống cầu thang dây leo, phòng triển lãm tranh, ảnh, kiến trúc của các nghệ sĩ Lâm Đồng bên trong dãy núi.

Bà mong ước mở rộng diện tích quần thể kiến trúc này lên 9.000m², biến nơi đây thành khu bảo tồn thiên nhiên thực thụ, xen lẫn những công trình kiến trúc đặc trưng của núi rừng Đà Lạt. Để thực hiện được ý tưởng này, bà cho biết cần một số vốn khoảng 100 tỷ đồng. Yêu thiên nhiên và đam mê sáng tạo nghệ thuật kiến trúc, sống với tâm huyết và ước mơ cho đời bằng chính sự nổ lực không mệt mỏi và tài năng của mình, tiến sĩ – kiến trúc sư Đặng Việt Nga luôn tìm ra một lối đi riêng cho mình, dám nghĩ dám làm, cống hiến và góp phần tô đẹp thêm cho cao nguyên Đà Lạt.

Theo Vinabooking
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn