Thám hiểm rừng ma

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011
Đến được "rừng ma" của người Hrê phải băng qua 30 km với những cung đường tử thần, hàng trăm khúc cua, đèo dốc chênh vênh và đối mặt với hàng đàn vắt đen trũi. Đó là nơi an nghỉ của người H'rê.

Rừng ma thuộc ở xã An Toàn của huyện An Lão. Khi nghe chúng tôi có ý định thám hiểm, ông Đinh Văn Dét, chủ tịch hội cựu chiến binh lắc đầu: “Không được đâu. Tục lệ ông cha quy định rồi, người sống không được vào chỗ người chết. Khi nào có đưa ma mới được vào thôi”.

Nhờ sự can thiệp của một người có vai vế, ông Dét mới nhận lời đưa chúng tôi vào rừng ma. “Người làng không vào rừng ma vì kiêng cử dịch bệnh, vì sợ thần linh phạt, sợ bọn vắt hút máu nữa đấy”, ông lý giải.

Giáp mặt đội quân hút máu

Trước khi băng mình vào cánh rừng tăm tối, um tùm trước mặt, ông Dét khuyên chúng tôi đội mũ, lấy dây cột chặt hai ống quần, mặc áo tay dài và cũng cột chặt hai ống tay. “Vào rừng ma, vắt nhiều lắm. Bọn này đánh hơi người rất tinh”.

Cảm giác hoang vu, rùng rợn, lạnh lẽo theo chân chúng tôi trên từng bước đi. Càng vào sâu trong rừng, cành lá chằng chịt đến độ có người phải la lên vì tay chân bị vướng chặt. Trên những cành cây, từng đàn vắt đen trũi, con nào con nấy dài cỡ đốt ngón tay người lớn ngóc đầu đánh hơi rồi búng lia lịa. Ông Dét thúc mọi người bước mau. “Ở đây có vắt  đất và vắt lá. Vắt đất là những con nãy giờ mình gặp. Vắt lá kinh hơn, lớn gấp ba vắt đất. Nó sống ở trên cây, chuyên phóng bám vào đầu người hút máu”.

Dù đã nai nịt và cẩn thận né tránh nhưng chúng tôi đều không tránh được chuyện “gửi máu cho rừng”. Qua được vùng rừng âm u ấy, khoảng trời xanh hiện ra cùng với khoảng chục ngôi nhà ma. Ông Dét châm một điếu thuốc rồi chích vào đầu từng con vắt còn bám trên người. “Chích như vầy nó sẽ tự động nhả ra. Nếu giựt ngang thì máu chảy lâu ngừng lắm”.

Yên nghỉ giữa đại ngàn

Nơi an nghỉ của người chết khá thoáng đãng, nằm bên con suối, bao bọc bởi những tán cây cổ thụ. Người Hrê gọi mỗi phần mộ là ning năng (nhà ma). “Ngày trước, muốn làm đất chôn cất cho người chết, làng phải làm lễ lớn lắm, phải giết nhiều trâu, ủ nhiều rượu, mời nhiều thầy cúng về làm lễ. Chỗ người chết ngủ phải cách xa làng, nơi ngày cũng như đêm, ánh sáng mặt trời không thể lọt qua những kẽ lá”, ông Dét nói.

Người Hrê có những ký hiệu riêng trên mộ để nhìn vào đấy có thể biết người chết là trẻ em hay người lớn, nghèo hay giàu, nam hay nữ, thậm chí, cả lý do chết. Tùy nhà nghèo - giàu mà khi làm đám ma, gia chủ giết heo, trâu, bò, gà đãi làng. Lúc làm thịt con vật, người H’rê lấy máu con vật vẽ những hình ảnh tượng trưng.

Khoảng hai thập kỷ trước, người Hrê ở An Toàn vẫn duy trì tục chôn treo. “Trước tiên chặt một cây rừng rồi khoét lỗ để người chết vào. Tiếp đó lấy dây mây luồn dưới áo ma, vắt qua cành cao rồi kéo lên. Phía dưới thì đào một cái lỗ. Khi nào sợi dây mục dứt, cái hòm rớt xuống lỗ, người nhà mới làm ning năng cho người chết”, ông Dét nói. Nhưng chỉ người giàu và trẻ mới sinh mới được chôn treo. “Người giàu có nhiều của cải, họ khác người nghèo nên được ở trên. Con nít mới sinh đã chết là con của thần linh cũng được chôn như vậy!”, ông Dét giải thích.

Nghi thức tang ma của người Hrê còn có tục chia của và chia thức ăn cho người chết. Khi làm lễ treo áo ma, người ta giết heo, trâu và cắt thịt, gan, tim, phổi, lưỡi… mỗi thứ một đốt nhỏ rồi xỏ dây treo lộ thiên cho hồn ma về ăn. “Chôn treo và chia thức ăn như vậy rất mất vệ sinh vì xác phân hủy bốc mùi hôi thối kinh khủng. Sau nhiều năm được tuyên truyền, đồng bào nay đã xóa bỏ những hủ tục này”, một cán bộ văn hóa nói thêm.

Trở về từ cửa ma

Chuẩn bị rời rừng ma khi trời cao có dấu hiệu kéo mây đen, chúng tôi được đưa về bằng con đường khác vì không đủ can đảm quay ngược con đường cũ nơi đội quân hút máu đang chực chờ. Đoàn men theo lối nhỏ dẫn xuống con suối Jeé-Pa-râu, nơi mà ngày ngày người làng vẫn ra đây săn cá chiên - loài cá có ruột đắng vốn là đặc sản hiếm hoi chỉ hiện hữu ở núi rừng An Lão. Đường đi cũng khá nguy hiểm vì lối hẹp, dốc xuống trơn trượt.

Đặt chân xuống lòng suối, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Đang quan sát khung cảnh rừng già lúc chiều tà, chúng tôi phát hiện có 2 cánh cửa được đan bằng dây mây, lá rừng màu trắng. Nằm nép sau một cây cổ thụ, sau đôi song cửa ấy có một lối mòn nhỏ dẫn ngược lên đỉnh núi.
“Cửa ma đấy”, ông Đét nói: “Ai qua cổng này cũng được 2 người ở hai bên tay cầm đuốc quơ ngang đầu đuổi tà ma. Trước khi đoàn người đưa tang đi qua cổng này, gia chủ lấy lá ráy (lá môn ngứa) trải xuống đất rồi lấy một chiếc vĩ được đan từ dây lát đặt lên. Tiếp đó để đồ cúng gồm vôi ăn trầu, trái câu và một con gà trắng cúng Giàng. Cúng xong mới được đưa người chết vào rừng ma”.

Khi chúng tôi hỏi vì sao không đưa người chết theo lối món ở làng mà phải đưa xuống suối rồi ngược lên lại? Ông Dét nói: “Những người chết do thú dữ vồ, do tự tử, do sét đánh, do té núi, chết trôi được liệt vào dạng chết bất thường. Do về với đất không như người bình thường nên muốn an nghỉ tại rừng ma, người chết và những người đưa tiễn phải đi qua cửa ngõ dành riêng. Luật tục ông cha bà mẹ xưa quy định rồi, ai chết bất thường đều phải đi qua cái cổng này. Làm như vậy con ma mới không về hại dân làng được”.

Theo Baodatviet
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn