Sông Ba - Ngõ giao thương, con đường văn hóa

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011
Cho đến tận ngày hôm nay, sông Ba vẫn được xem là mạch sống của vùng đất Phú Yên. Sông Ba là một trong những hệ thống sông lớn nhất của tỉnh Phú Yên. 

Sông Ba phát nguyên từ dãy núi Ngọc Rô (cao 1.500 mét) trên cao nguyên Kontum, chảy qua các tỉnh Kontum, Gia Lai rồi vào địa phận Phú Yên. Sông có nhiều tên gọi khác nhau qua các địa bàn của tỉnh. Phần thượng lưu chảy qua địa bàn các huyện Sơn Hoà, Sông Hinh, Phú Hoà, Tây Hoà có tên là sông Ba hay Ea Ba, Krông Pa. Phần hạ lưu từ Đồng Cam đổ ra biển ở phía Nam thành phố Tuy Hoà thì có tên là sông Đà Rằng.

Câu thơ không còn mới nhưng cũng chưa cũ đó đã phản ánh một cách chính xác tuyệt vời về vị thế "địa văn hoá" của Sông Ba - một trong những con sông lớn nhất ở miền Trung và là con sông duy nhất ở Nam Trung bộ vượt qua được dãy Trường Sơn, thông lên tận Tây Nguyên. Cũng với vị thế địa lý đó, Sông Ba đã đóng một vai trò quan trọng, đó chính là con đường giao lưu thương mại, giao thoa văn hoá của các tộc người trong tiến trình lịch sử.

Mặc dù những ghi chép về vùng đồng bằng Tuy Hoà từ thế kỷ XV trở về trước còn lại rất ít trong các nguồn sử liệu cổ, nhưng những dấu tích về khảo cổ học lại cho thấy rằng, đây là vùng đất rất phát triển dưới thời vương quốc Chăm Pa. Dọc hai bên bờ sông Đà Rằng có các di tích bia Chợ Dinh, Tháp Nhạn, Thành Hồ, Núi Bà. Đi về phía Tây xa hơn một chút có các di tích ở Sơn Giang, Củng Sơn, Krong Pa...

Di tích bia Chợ Dinh nằm dưới chân Núi Nhạn có niên đại từ thế kỷ IV. Nội dung bia nói về việc thờ cúng thần Siva - một trong những vị thần quan trọng của Ấn Độ giáo. Cho đến nay, đây là một trong những tấm bia cổ nhất nói về việc thờ thần Siva được tìm thấy ở khu vực miền Trung.

Tại di tích Thành Hồ, người ta lại tìm thấy rất nhiều đầu ngói ống trang trí mặt hề có niên đại từ thế kỷ II. Những đầu ngói này đã được các nhà nghiên cứu khẳng định là ảnh hưởng của văn hoá Hán. Trong khi đó, tại di tích Hồ Sơn đã phát hiện nhiều tấm đất nung khắc các dòng văn tự cổ có niên đại từ thế kỷ VII. Những tấm đất nung này được xác định là những lời cầu nguyện của các tu sỹ, tín đồ, thương gia dâng cúng vào các đền tháp.

Những phát hiện khảo cổ học trên cho thấy, vùng đồng bằng Tuy Hoà nói riêng và vùng hạ lưu sông Ba nói chung đã chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ và Trung Quốc từ rất sớm. Quá trình ảnh hưởng đó khởi nguồn được từ các hoạt động giao thương.

Với người Chăm, sông Ba đã là con đường giao thương chính theo chiều Đông - Tây. Theo dòng sông này, một mặt họ thu mua lâm, thổ sản từ miền núi để trao đổi với thế giới bên ngoài, mặt khác đưa các đặc sản từ biển lên miền núi. Các nghiên cứu mới nhất về thương mại ở khu vực Nam Trung bộ dưới thời Vương quốc Chăm Pa cho thấy rằng, trong số các mặt hàng từ miền núi đi về miền xuôi thì trầm hương là mặt hàng quan trọng và có giá trị nhất. Vùng đất Phú Yên, Khánh Hoà từng được mệnh danh là xứ trầm hương và cũng không phải ngẫu nhiên mà cho đến tận hôm nay, thỉnh thoảng vẫn còn tìm thấy một lượng lớn trầm hương ở các vùng rừng núi phía Tây Phú Yên.

Đối với các sản vật từ dưới xuôi trao đổi lên miền núi, muối được xem là mặt hàng chiến lược. Nhiều bằng chứng đã cho thấy, đi theo thung lũng sông Ba và các con sông khác, muối không những được chuyên chở lên Tây Nguyên, mà còn đi đến tận bờ Đông sông Mekong. Các con đường giao thương đi về phía Tây vẫn được các nhà nghiên cứu gọi là "Con đường muối". Hiện nay ở Phú Yên, vẫn còn nhiều nơi làm muối hoặc các địa danh liên quan đến nghề làm muối như Tuyết Diêm, Lệ Uyên -Trung Trinh, Diêm Điền, Đèo Nại... Có thể các cơ sở làm muối hiện nay đã có từ thời Vương quốc Chăm Pa.

Mặc dù có vị trí địa lý quan trọng, nhưng các hoạt động giao thương ở khu vực sông Ba không phải là ngoại lệ mà nó là một trong những mẫu hình về giao lưu thương mại dọc theo các con sông theo chiều Đông - Tây ở khu vực miền Trung. Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá trên cơ sở đối sánh, tham chiếu mẫu hình các quốc gia cổ ở Nam Á và Đông Nam Á cũng đã cho rằng, Vương quốc Chăm Pa trong quá khứ là một tập hợp gồm nhiều tiểu quốc khác nhau. Mô hình của mỗi tiểu quốc thường lấy một con sông lớn làm trục quy chiếu đi từ cửa biển lên đến thượng nguồn gồm có hải cảng - kinh thành - thánh địa.

Theo mô hình trên, tại khu vực sông Ba/Đà Rằng, hải cảng có thể nằm ở khu vực núi Nhạn, kinh thành chính là Thành Hồ, còn thánh địa được xác định là di tích Núi Bà. Trong đó, Thành Hồ ngoài vai trò là trung tâm hành chính còn là tiền đồn thông lên châu Thượng Nguyên (Tây Nguyên) dưới thời Vương quốc Chăm Pa. Chính vì thế, trong thời gian gần đây, giới khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích mới về kiến trúc Chăm Pa ở phía Tây thành Hồ, trong đó có nhiều di tích nằm ở đầu nguồn sông Ba thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai. Các cứ liệu lịch sử đó cũng cho ta một cảm nhận rằng, các mối quan hệ trên sông Ba trong quá khứ về cơ bản diễn ra theo công thức văn hoá từ dưới đi lên, hàng hoá từ trên đi xuống.

Người Việt khi vào miền Trung sinh sống đã có sự giao thoa văn hoá, tín ngưỡng với cư dân bản địa mà tiểu biểu nhất phải kể đến việc thờ cúng Thiên Y Ana. Về lĩnh vực kinh tế, người Việt đã tiếp thu các cơ sở cũng như kinh nghiệm buôn bán của người Chăm. Thương mại dựa theo trục các con sông theo chiều Đông - Tây vẫn được khai thác một cách triệt để và đã đóng vai trò thiết yếu và trở thành một mô hình kinh tế dưới thời các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này.

Tại đầu nguồn các con sông, nhà Nguyễn đã đặt các trạm giao dịch và thu mua lâm thổ sản, các trạm đó gọi là nguồn. Ở sông Ba có nguồn Thạch Thành, vị trí đó nay thuộc thôn Liên Thạch xã Hoà Phú, huyện Tây Hoà. Sách Đại Nam Nhất thống chí viết: "Ở xã Thạch Thành phía tây huyện Tuy Hòa có trường giao dịch và thủ sở ở đây, nước từ sông Ba chảy qua phía Nam huyện lị đổ ra trấn Đà Diễn". Thạch Thành là vùng bán sơn địa tiếp giáp giữa đồng bằng Tuy Hòa và vùng núi. Hiện nay dấu tích về một thời giao thương vẫn còn. Một số người cao tuổi cho biết, đến đầu thế kỷ XX, vẫn thấy người Thượng cưỡi voi xuống Thạch Thành để trao đổi hàng hoá. Cũng như người Chăm trước đây, người Việt trong quá trình hoạt động buôn bán đã định cư, xen cư với người bản địa, từ đó có những mối quan hệ thân thiết vượt lên cả mối qua hệ kinh tế thông thường. Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên.

Cho đến tận hôm nay, sông Ba vẫn được xem là mạch sống của vùng đất Phú Yên. Sông Ba cũng sẽ là dòng chảy nối quá khứ với hiện tại và cả tương lai.

Theo VovNews, Saigontoserco
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn