Những mặt hàng thiết yếu phục vụ ngày Tết cổ truyền trên bờ có, thì ở chợ nổi cũng không thiếu thứ gì. Giáp Tết, chợ nổi miền Tây càng tấp nập. Những hàng hóa thiết yếu trong ngày Tết, như: dưa hấu, bánh mức, hoa kiểng… góp trên những ghe xuồng ở chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang), mang sắc xuân rất đặc trưng miền Tây.Bức tranh hoa xuân khổng lồChợ nổi Cái Răng khoảng 15 tháng Chạp đã tấp nập ghe xuồng lên xuống hàng, người bán người mua nhộn nhịp. Từ 23 - 29 tháng Chạp là những ngày “xôm tụ” nhất của chợ nổi ngày Tết. Bởi lúc này là cao điểm mua sắm đồ đạc ngày Tết của người dân miệt sông nước. Mỗi ngày, chợ đón hàng ngàn lượt tàu bè từ khắp nơi đến mua bán đủ các loại: hoa cúc, vạn thọ, mai vàng, dưa hấu, bánh kẹo…
Chợ nổi Cái Răng họp trên sông Cần Thơ kéo dài gần nửa cây số, đứng từ cầu Cái Răng nhìn xuống, chợ như một bức tranh hoa xuân khổng lồ. Anh Nguyễn Ngọc Hùng, chủ ghe bán dưa hấu dong ghe đến Trà Vinh lấy hàng rồi đem về đây bán. Chỉ trong buổi sáng, ghe dưa hấu 1 tấn của anh Hùng đã bán gần hết. Vừa gọi điện thoại đặt mua dưa, vừa lui ghe ra, anh Hùng cho biết, phải chạy sang Trà Vinh lấy hàng liền, về bán cho kịp Tết.
Những ngày này, tấp nập ghe tàu lớn về chợ nổi Cái Răng thu gom các mặt hàng nông sản đưa đi TP HCM và các tỉnh lân cận tiêu thụ. Các ghe tàu này cũng mang những mặt hàng: quần áo may sẵn, vải vóc, bánh kẹo,… bán cho người dân miệt sông nước. Chợ nổi ngày xuân còn tăng nhiều hơn những ghe tàu cung cấp các dịch vụ ăn uống, cà phê… cho khách thương hồ.
Đi chợ nổi Cái Răng những ngày Tết, chỉ cần nhìn “cây bẹo hàng” (một cây sào cắm trên mũi nghe treo sản phẩm mình muốn bán), là có thể cập xuồng đúng thuyền hàng cần mua. Trên bờ có hàng gì thì chợ nổi ngày Tết cũng có chừng ấy, không thiếu thứ chi. Theo Ban quản lý chợ nổi Cái Răng, Tết năm nay, hàng hóa phong phú hơn mọi năm, giá cả cũng không tăng nhiều so với ngày thường. Nhanh tay chọn và ướm thử mấy bộ đồ mới cho mấy đứa con, chị Hạnh, nhà ở xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ), nói: “Năm nay trúng mùa, nên mua cho mỗi đứa con 2 bộ đồ mới ăn Tết (mỗi bộ 100.000 đồng), rồi mới qua ghe khác mua một ít “đồ khô” lai rai ba ngày Tết”.
Tết sớm trên sôngCũng giống chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Ngã Bảy tấp nập người mua kẻ bán, làm cho không khí Tết tràn ngập một khúc sông. Ghe xuồng ghé vào chợ nổi không chỉ mua hàng rồi đem đi nơi khác, mà còn bán những sản phẩm của họ đem tới chợ. Anh Tám Hùng, chủ ghe ở Sóc Trăng, cho biết, hơn 10 ngày nay, anh về chợ nổi Ngã Bảy mua các loại trái cây chở về bỏ mối ở Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Theo anh Tám Hùng: Nhiều mặt hàng nông sản như khóm, mít… năm nay có giá rẻ, đem về bán cũng kiếm được kha khá tiền lãi. Chị Nguyễn Thị Xuân Lan, chủ vựa trái cây cho hay, ngày thường phải nắng lên mới họp chợ, còn những ngày này, tờ mờ sáng, chợ đã nhóm họp. Ghe tàu đông ken đặc, phải chạy thật chậm vì sợ va chạm. Ông Ngô Văn Khởi, Phó trưởng Phòng kinh tế thị xã Ngã Bảy nhận định, năm nay nhà vườn ở địa phương trúng mùa, nên sẽ ăn tết lớn.
Chợ nổi Ngã Bảy cùng với chợ nổi Cái Răng, Phong Điền đã trở thành một trục tam giác chợ nổi có một không hai ở miền Tây, không chỉ phục vụ giao thương, buôn bán mà thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tham quan.
Theo Datviet
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn