Khi chiếc tàu Cảnh sát biển (CSB) 6006 xé màn đêm lao vút vào ra Biển Đông trực chỉ vỹ tuyến 16, kinh tuyến 111, tôi gần như thức trắng đợi tiếng kẻng báo thức. Thật đơn giản, kẻng vang lên là lúc bình minh rọi chiếu xuống mạn tàu, chiếu xuống bầu trời trong veo như ngọc, Hoàng Sa... 1. “Ra Hoàng Sa!” - mới chỉ nghe đến thế cũng đủ để tối cuống cuồng phi thẳng ra cảng số 1 hải quân vùng 3 (Đà Nẵng) khi Thượng tá Lý Ngọc Minh – Phó tham mưu trưởng Cảnh sát biển vùng 2 thông báo: 17h chiều chủ nhật ngày 24/10/2010 tàu đi Hoảng Sa đón 9 ngư dân Lý Sơn. Cơ hội thật không dễ có.
< Phút gặp gỡ giữa Hoàng Sa trùng phùng. Ảnh: Tuổi trẻ.Tàu rời phao số không, khi màn đêm ập xuống. Biển đen như mực, những ánh đèn lập lòe của ghe cá gần bờ bắt đầu mờ dần. Tôi không thể ngủ được bởi nghĩ đến ngày mai, nghĩ đến cảnh được tận mắt thấy biển trời Hoàng Sa, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc mà cha ông đã gìn giữ bao đời. Đứng trên boong, hít mạnh từng cơn gió lạnh tê người căng tràn lồng ngực. Một bóng trắng lặng lẽ ra boong đứng bên tôi, chậm rãi châm thuốc mời. Đó là chuẩn úy Vũ Huy Nam, 21 tuổi.
Nam bảo: Đây là lần đầu tiên được ra Hoàng Sa. hồi hộp và xúc động ngủ không được anh ạ. Hóa ra, cũng như tôi. Cậu chuẩn úy trẻ măng mới vào nghề cảnh sát biển được 3 năm nhưng đã kịp đi khắp các vùng biển miền Nam. Cậu cũng kịp bổ sung vào hành trang nghề nghiệp, hành trang cuộc đời của mình bằng những lần đặt chân lên Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo và Trường Sa. Giữa tôi và Nam ngoài việc mừng vui là bởi đồng hương, cả hai còn bắt tay nhau thật chặt, bởi việc giống nhau trên hành trình đặt chân lên các đảo, và chưa một lần được tới Hoàng Sa.
Rít một hơi thuốc dài, Nam tâm sự: “Mấy ngày trước, em cũng mới đi nhiệm vụ trên tàu này, cũng đi tìm các ngư dân bị mất tích. Lần này dù mệt nhưng em nằng nặc xin đi. Làm sao có thể bỏ lỡ cơ hội này hả anh. Biển đêm lồng lộng, tất thảy đều cảm thấy bé nhỏ trước khối không gian đặc quánh, đen kịt. Chuẩn úy Nam chân thành: “Mơ ước của em là lính hải quân, mà phải là hải quân đi các đảo xa, như Trường Sa chẳng hạn. Nhưng bây giờ là chiến sĩ cảnh sát biển cũng đủ thỏa chí tang bồng”.
Nam dẫn tôi về phòng, mân mê những lá thư chưa một lần gửi. Chàng chuẩn úy trẻ bẽn lẽn: “Đời lính biển cứ mải mê theo những chuyến tàu ra khơi, mong có một người yêu để thỉnh thoảng thư từ điện đóm mà không có anh ạ. Viết thư kết bạn theo địa chỉ trên báo mà thấy ngại quá, không dám gửi”. Đã 4h sáng, tiếng rì rào của sóng lại dẫn tôi và Nam ra boong.
Trên đài chỉ huy, kíp lái tàu vẫn đang căng mắt nhìn đại dương thăm thẳm. Thuyền trưởng tàu CSB 6006 Quản Ngọc Dũng không ngừng dõi theo màn hình rađa, cất giọng: Anh em ai cũng háo hức truơc chuyến đi này. Một vài người đã ra Hoàng Sa, đa số đi lần đầu, nhưng tâm trạng chung là hồi hộp. Thuyền trưởng Dũng tâm sự rằng, khi tàu lướt sóng, ở đâu biển cũng có một màu xanh, ở đâu cũng sóng vỗ, gió rít trùng khơi. Nhưng mỗi lần vào vùng biển Hoàng Sa, anh lại tràn trề cảm xúc.
2. Trắng đêm với kíp lái tàu, được các anh chỉ bảo tận tình về chuyến hải trình đặc biệt ra Hoàng Sa, và thật tuyệt vời khi cùng đón ánh bình minh Hoàng Sa bên cốc cà phê sữa thơm phức. Nếu ánh đèn chiếu xuống biển đêm khiến Hoàng Sa lung linh như dát bạc thì ánh bình minh chắc chắn là vàng ròng. Cả tàu thức dậy đón ngày mới, một ngày vô cùng ý nghĩa, bởi ở quê nhà, người thân của ngư dân ngóng chờ và hàng triệu trái tim Việt cùng dõi theo bước đi của tàu CBS 6006.
“Tôi cũng không hiểu vì sao và cảm xúc đó khó gọi thành tên. Nhưng nói chung lạ lắm. Có lẽ Hoàng Sa quá đỗi thiêng liêng” – Thuyền trưởng Quản Ngọc Dũng.< Lão ngư Nguyễn Đảng. Ảnh: Tuổi trẻ.10h sáng, từ xa xa, chấm trắng càng lúc càng hiện rõ, thuyền trưởng Quản Ngọc Dũng trao ống nhóm cho tôi, xúc động: “Kia rồi, anh nhìn đi!”. Tàu ngư dân chính Trung Quốc đang kéo tàu ngư dân của mình. Khoảng cách hơn 1 hải lý, nhưng qua ống nhóm, thấy rõ mồn một 9 ngư dân đang ngồi trên tàu. Con tàu ngư chính Zhong Gouly Zheng 46013 không lớn như trong suy nghĩ của tôi. Công việc bàn giao ngư dân nhanh chóng hoàn tất. Thuyền trưởng tàu ngư chính Vương Chí Phú cam kết các ngư dân được bàn giao trong tình trạng khỏe mạnh, đã được ăn uống đầy đủ, đối xử tốt. Tôi gắng nán lại trên boong chỉ huy tàu ngư chính một vài phút, và thật ngạc nhiên khi người phóng viên Trung Quốc ngỏ ý muốn chụp chung một tấm hình. Anh ta nói đại ý rất vui bởi lần đầu tiên được gặp phóng viên Việt Nam ở Hoàng Sa và muốn có một tấm ảnh ký niệm.
Tàu QNg 66478 tháo dây khỏi tàu ngư chính, quay đầu trở về nhà, kết thúc 44 ngày phiêu bạt ở Hoàng Sa, kết thúc những ngày đói lạnh giữa biển, đối mặt với muôn vàn hiểm nguy. Lão ngư Nguyễn Đảng tóc bạc phơ, ánh mắt thẫn thờ: Không thể tin được chuyện xảy ra. 55 năm tung hoành trên biển Đông, với tất thảy ngư trường, sương gió trùng khơi giờ đã quyện vào mái tóc bạc trắng, màu da đồng hun của ngư phủ.
55 năm, chưa một ngày ông Đảng có ý nghĩ từ bỏ ngư trường Hoàng Sa. Bởi với ông và hàng vạn ngư phủ khác, vùng biển thiêng này quá đỗi thân thương, dù trong lòng nó sôi sục, chất chứa bao hiểm nguy khó lường. Tại đúng tọa độ mà Thượng tá Lý Ngọc Minh chỉ cho tôi trên boong chỉ huy (tức 16 độ 30/ Bắc – 111 độ 05/ Đông), vị trí này cách đảo Trụ Cẩu khoảng 35 hải lý. Có nghĩa, chỉ dẫn thêm một chút nữa thôi, chúng tôi sẽ được đặt chân lên đảo. Nghe có vẻ giản đơn, nhưng khoảng cách đó chưa dễ vượt qua. Chính ngọ, Hoàng Sa nắng gắt, trời không gợn mây, nhưng sóng biển đã cuồn cuộn như sắp có bão...
Sói biển Mai Phụng Lưu kể rằng, với anh, đi vòng quanh Hoàng Sa là chuyện thường ngày. Cũng bởi thế, trong mấy năm liền, anh bị bắt đến 4 lần khiến cả nhà tán gia bại sản. “Đất trời Hoàng Sa ngấm vào máu rồi, không đi không được” – câu nói này khiến sói biển tâm sự với tôi đúng ngày đảo Lý Sơn thả hoa đăng, khao lề thế lính Hoàng Sa.
3. Tôi mang hơi thở nóng hổi từ biển trời Hoàng Sa về Đà Nẵng, vào căn phòng của vị Chủ tịch Hoàng Sa Đặng Công Ngữ.
Tôi hỏi ông Ngữ rằng, làm một vị Chủ tịch huyện không dân, anh có buồn không? Ông Ngữ bật lại ngay: “Hiểu như thế là không được. Sao Hoàng Sa lại không dân? Những ngư dân can trường hằng ngày bám biển Hoàng Sa, họ là người Hoàng Sa đấy. Từ xưa đã có dân Việt ở Hoàng Sa, nay và mai sau vẫn mãi mãi như vậy”.
Ông Nguyễn Văn Cúc – một người từng công tác ở Hoàng Sa vào năm 1973 trong đội quan trắc khí tượng thủy văn (Nha khí tượng Sài Gòn cũ) tâm sự: Tôi là người Đà Nẵng lớn lên bên biển nên từng làn gió đại dương thấm đẫm trong tâm hồn tôi. Cơ duyên cho tôi sống trọn ở Hoàng Sa trọn 1 năm. Tôi là một trong những người cuối cùng rời Hoàng Sa vào tháng 12/1973, để rồi một tháng sau, đau đớn nghe tin, Hoàng Sa đã bị chiếm.
Ông Đặng CôngNgữ cho tôi xem cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa với lời dặn: Chưa công bố, em chỉ xem thế cho biết thôi, lúc nào anh công bố rồi hẵng hay. Vâng! Tôi không dám trái lời anh, chỉ xin mượn một lời ngỏ của anh, thay cho lời kết bút ký này: “Hoàng Sa vẫn hằn trong từng người đã đặt chân lên Hoàng Sa làm nhiệm vụ giữ đảo”.
Theo Nam Cường/Báo Tiền Phong Xuân Tân Mão
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn