Du phượt chào xuân - Thế hệ @ và phượt tết

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012
Tết Nguyên đán năm nay là dịp lý tưởng với nhiều dân đi do rơi vào hai kỳ nghỉ cuối tuần liên tiếp, tạo nhiều cơ hội cho những hành trình “du phượt” - du lịch kiểu “phượt” - ngày xuân.

Du lịch tết là một xu hướng không còn mới trong cuộc sống hiện đại, nhưng với những người trẻ và đam mê chinh phục, luôn khát khao được đặt chân đến những miền đất xa xôi và khác biệt, những chuyến “du phượt” vẫn luôn mang nhiều cảm xúc mới mẻ, thú vị.

Một kỳ nghỉ dài, rong ruổi đón xuân với bạn đồng hành, lang thang khắp nẻo đường đất nước, cả “phượt vượt khoảnh cách” sẽ giúp dân đi “bụi” có những trải nghiệm thú vị và hạnh phúc theo cách của riêng mình.

Xuất hành trong nước đầu năm

Nhiều nhóm bạn trẻ lên chương trình du xuân và tìm kiếm bạn đồng hành qua các diễn đàn mạng chọn ngày khởi hành vào mồng 2 - mồng 3 tết, kéo dài đến mồng 7 tết cho nhiều cung đường khác nhau. Dân đi phía Bắc theo lệ thường lại hối hả “khai xuân” ở miền núi phía Bắc, những địa danh ấn tượng với thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ và đời sống văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nếu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã trở thành một điểm đến kinh điển đầu năm bởi sự hấp dẫn đến gắn bó, thì lộ trình rong ruổi Tây Bắc ngẫu hứng và chinh phục mốc cực tây Tổ quốc A Pa Chải cũng đang là lựa chọn của khá nhiều người. Một nhóm các tình nguyện viên của diễn đàn Phuot.com và Ttvnol.com đang hối hả chuẩn bị cho ngày trở lại Đồng Văn như một cách “tri ân” miền đất mến yêu ấy bằng một chương trình triển lãm và tặng ảnh cho bà con với tên gọi “Thương nhớ Đồng Văn” vào dịp năm mới.

Bên cạnh các điểm đến tràn ngập sắc xuân bởi hoa đào, hoa mận và các lễ hội mừng năm mới gầu tào, say sán ở Bắc Hà, Si Ma Cai, Sa Pa, Ý Tý (Lào Cai), dân phượt cũng tranh thủ kỳ nghỉ dài để chinh phục những cung đường ấp ủ như “thông đường” Trạm Tấu - Bắc Yên, khám phá Mường La - Ngọc Chiến.

Không nhiều điểm đến thú vị bằng miền Bắc, nhưng dân đi miền Trung và miền Nam cũng rộn ràng với nhiều kế hoạch. “Một vòng cao nguyên đất đỏ” (Tây nguyên), đón xuân trên cổng trời Tây Giang (Quảng Nam) hay du xuân miền Tây - ngắm hoa, chụp hình... là những hành trình nổi bật, thu hút sự chú ý của nhiều người. Có bạn còn quyết định đi “một vòng tây Nghệ An” trên con đường dọc biên giới Lào - Việt để đón xuân trên chính mảnh đất quê mình.

“Phượt” vượt khoảng cách

Không dừng lại ở những cung đường trong nước, dân đi bắt đầu tìm kiếm những hành trình mới lạ “xuyên biên giới”. Một trong những lựa chọn số 1 của dân “du phượt” năm nay là Lào và Campuchia. Với điều kiện xuất nhập cảnh và giao thông thuận lợi, thậm chí có thể đưa xe máy từ VN qua Lào, Campuchia rong ruổi, đã tạo nhiều điều kiện cho dân phượt lên kế hoạch khám phá và chinh phục. Cũng như các cung đường trong nước, lịch trình du xuân ba nước Đông Dương được nhiều bạn chọn khởi hành từ mồng 3 tết đến hết tuần.

“Phượt xuyên năm”, đón giao thừa ở nước ngoài cũng đang trở thành một xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Thông thường lịch trình du xuân “xuyên giao thừa” cũng là cung du xuân xuyên biên giới. Năm nay, tranh thủ các đợt bán vé rẻ của các hãng hàng không, nhiều bạn đã lên kế hoạch đón tết ở Ấn Độ, Ai Cập... từ giữa năm và cho đến thời điểm này mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất.

“Du phượt” là... lang thang

Nhìn vào chương trình chuẩn bị du xuân của nhiều nhóm đồng hành trên mạng, có thể thấy tinh thần “tự lập” khá cao, hầu hết chủ động chuẩn bị lều trại, túi ngủ, đồ ăn, phương tiện di chuyển để sẵn sàng “du phượt là lang thang”. Với đặc tính phóng khoáng, lúc nào cũng muốn trải nghiệm những điều khác biệt, dân đi “bụi” sẵn sàng đối mặt với khó khăn do nhiều hành trình rất ngẫu hứng.

Xe máy hiện vẫn là phương tiện cơ động, tối ưu hàng đầu với nhiều dân phượt; phù hợp với sở thích lang thang, ngắm hoa, chụp ảnh, khám phá những vùng đất còn hoang sơ và in đậm bản sắc dân tộc, chia sẻ đời sống tình cảm với người dân bản địa...

Thế hệ @ và phượt tết

Năm cũ khép lại, đất trời chuyển mình đón một năm mới. Đó cũng là thời điểm những người trẻ, những công dân thế hệ @ xách va li, lên đường du lịch. Bởi thế chỉ cần dành ít thời gian lướt qua một số diễn đàn, hẳn bạn sẽ choáng ngợp trước sự rầm rộ “ra đi”, tìm nơi đến của rất nhiều người mỗi khi giáp Tết.

rong triết lý của những người rời bỏ không khí của những ngày Tết cổ truyền, đi là để khám phá , thể hiện mình nên họ vẫn thường tụ tập, tìm đến nhau qua các website, cùng lên kế hoạch đi “phượt” cho những ngày Tết.

“Phượt” đến hết Tết!

Tết là khoảng thời gian quý giá trong năm mà ai cũng muốn được về với gia đình, nhưng với một số bộ phận giới trẻ ngày nay  thì…có quan trọng gì cơ chứ. Kỳ nghỉ Tết là khoảng thời gian được nhiều người mong chờ nhất trong năm, những kế hoạch cho chuyến du lịch bụi cũng được vạch sẵn từ hàng tháng trước đó.

Chẳng cần thông qua bất cứ một tour du lịch nào, giới trẻ vẫn thích tự họp nhóm, tìm đến nhau qua các diễn đàn, mời gọi, rủ rê bạn đồng hành cho những chuyến “đi bụi” trong những ngày Tết cổ truyền. Gặp Minh Tuấn, hiện đang là Admin của một diễn đàn chuyên thông tin về các chuyến du lịch bụi, nhìn chàng trai tuy mới hơn 20 tuổi, nhưng khuôn mặt đã rắn rỏi và từng trải với những chuyến “phượt” vào Nam ra Bắc và có hơn 5 năm kinh nghiệm…không ăn Tết với gia đình.

Trước đây, khi còn là sinh viên, lần đầu tiên nghe rủ rê của đứa bạn thân, chàng xách xe phóng thẳng một mạch về quê bạn…đón Tết. Lần đầu tiên đi “phượt”, về đến nhà vẫn còn nhớ bị cả gia đình mắng cho một  trận, nhưng vẫn không thể nào quên được cái cảm giác vi vu ngoài đường, đến những vùng quê dự những lễ hội đặc sắc.

Chính vì thế, anh chàng đã lập lên diễn đàn chuyên dành cho những người…thích đi bụi ngày Tết, tập hợp những bạn cùng sở thích và…lên đường. Khá hào hứng khi kể về những chuyến đi như vậy, Tuấn chia sẻ: “Thực ra cái hồn của ngày Tết Việt Nam không chỉ được thể hiện qua việc sinh hoạt, cư xử với tục lệ chúc Tết.

Mình thích trong những ngày này, khám phá những nền văn hóa của tất cả những vùng miền trên khắp đất nước. Mỗi tỉnh thành, làng quê đều có cái hay, nét văn hóa riêng của nó, không khí của những phiên chợ cuối năm với sự hối hả, ồn ào không phải chỗ nào cũng giống nhau, chỉ có đi “phượt” như này mới cảm nhận được. Trước khi quay trở lại với cuộc sống cùng với công việc hàng ngày, thời gian này, bọn mình thường đi và trải nghiệm những điều mới mẻ, cùng khám phá những khung cảnh thiên nhiên lúc giao mùa, nét văn hóa đặc sắc khắp vùng miền trong những ngày Tết.

Cứ đi mới có thể hiểu hơn những lễ hội, phong tục mà trước nay chỉ biết qua…google, cảm nhận những giá trị tinh thần của ông cha để lại trong đó. Bởi thế, đi như vậy cũng chẳng cần một đích đến cụ thể, địa điểm thì có thể có hoặc…không, đơn giản chỉ cần thỏa chí lang thang là đủ!”.

Đối với giới trẻ thời @ luôn bận rộn với cả tỷ thứ việc trong năm, thời gian là một thứ xa xỉ, không có gì sướng bằng những ngày Tết “trốn” đi “xả hơi”. Làm gì cũng phải có “hội”, chơi bời phải có…chỗ, muốn có những khoảng thời gian vui vẻ của những ngày nghỉ Tết, những người sành sỏi và có kinh nghiệm luôn cất công tìm những địa điểm vui chơi giải trí và lên lịch sẵn, khi mọi việc đã “hòm hòm” là xách va li…vút thôi. Thấy tôi tò mò, cậu của Tuấn cười: “Tết! Thời gian này có gì vui đâu? Ở nhà làm gì cho…ngu người, loanh quanh cũng chỉ đi thăm, chúc Tết nhà mấy người họ hàng với bạn bè là…hết việc. Tụ tập nhau lại, cũng tổ chức những tour đi chơi có phải sướng hơn không? Đi chơi như vậy vừa là một cách “đốt” thời gian, cũng là một cách thư giãn xả stress tốt nhất trước khi trở về với công việc”.

Trở về với truyền thống

Trong tâm thức của người Việt, ngày Tết Nguyên Đán trước hết là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà, vậy nên mới có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả những người xa xứ cách hàng ngàn kilômét, vẫn mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết. Bởi thế,  “Về quê ăn Tết”, nghe thì rất đơn giản nhưng đó không phải là khái niệm thông thường đi hay về, đây là cuộc hành hương về nơi cội nguồn, mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

Nhưng giờ đây, Tết đã khác xưa nhiều lắm, nhiều phong tục xưa cũ đã không còn, các bạn trẻ theo chủ nghĩa “xê dịch”, thích đi lang thang đón Tết ở những tỉnh miền núi phía Bắc, một bãi biển đẹp ở miền Trung hay du lịch ra nước ngoài. Trong khi đó cũng không ít những người bỏ những dự định “phượt” đón năm mới cùng đám bạn, mong muốn được về nhà chuẩn bị cho mình một cái Tết đầm ấm của gia đình, song cũng không kém phần thú vị và ý nghĩa.

Ngẫm nghĩ lại những lần đi “phượt” đón Tết xa nhà, Tuấn kể: “Đi xa cũng có những kỷ niệm thú vị thật đấy, nhưng khi đến giao thừa, nhiều khi ngồi nhớ lại những kỷ niệm xa xưa về ngày Tết, thỉnh thoảng cũng thấy nhơ nhớ không khí Tết xa xưa. Ngay từ bé, tôi đã ý thức được ngày Tết luôn là ngày cúng tổ tiên, tri ân đến những người nuôi dạy, đồng thời cũng là ngày sum họp của gia đình hàng năm. Những ngày này, cả gia đình cùng đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, canh nồi bánh chưng đêm 30 và đợi đón giao thừa…cứ như một thước phim đẹp đang quay chậm lại những ngày xa xưa ấy. Nhưng giờ đây nó đã thuộc về…quá khứ, không còn gần gũi với thực tế của cuộc sống hối hả, sôi động ngày nay”.

Thực tế là vậy, những công dân thời @ này đang dần mất đi những hiểu biết, cảm nhận những giá trị thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền. Nhưng cũng không thiếu những người trẻ đang khao khát được “nếm” những hương vị truyền thống của ngày Tết, họ vẫn thích được ngồi canh nồi bánh chưng cả đêm, náo nức rủ nhau đi phiên chợ cuối năm, được cúng giao thừa và hái lộc đầu năm…Về việc lưu giữ những hương vị Tết cổ truyền trong đời sống hiện nay, một cô bạn của Tuấn cho biết: “Những tưởng, chuyện gói bánh chưng ngày Tết trong xã hội hiện đại và chuyện giới trẻ dần quay lại với tập tục này chỉ còn là câu chuyện trong quá khứ.

Thế nhưng, xu hướng gói bánh chưng đang trở lại trong đời sống nhiều gia đình, với mong muốn của những bậc phụ huynh: Cho con mình được hưởng không khí Tết cổ truyền trọn vẹn nhất! Cái không khí đón Tết đến với cả gia đình thì không bút mực nào tả được, nhà mình cũng vậy, giờ đã thành lệ, hàng năm cứ vào đêm những ngày giáp Tết, cả gia đình sẽ quây quần bên nồi bánh trưng, thay nhau đun củi, thay nước, cùng hít thở mùi khói cay xè đến chảy cả nước mắt. Cả gia đình sẽ quây quần bên nhau những ngày này, tận hưởng những giây phút thiêng liêng của những đêm cuối năm”.

Xu hướng “bỏ rơi” những ngày Tết cổ truyền trong giới trẻ, đi “phượt” dịp tết không có nghĩa là họ đang quay lưng lại với cọi nguồn và văn hóa truyền thống. Cuộc sống ngày nay luôn bận rộn, tất bật với cơm áo gạo tiền, đôi lúc giới trẻ đơn giản chỉ muốn đi thư giãn trong những ngày này, tham dự vào những lễ hội thôn quê, tìm hiểu về cuộc sống, công việc của ông bà mình ngày xưa, của thế hệ đi trước qua những gì đã được đọc, được biết trên mạng. Cũng theo thời gian, giá trị truyền thống không hề bị mai một mà chỉ có đôi chút thay đổi cho phù hợp với thời đại đang sống mà thôi!

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo TTO, Congluan, internet
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn