Phố cổ Long Sơn

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011
Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ có những bãi biển đẹp mê hồn mà còn sở hữu một địa danh nổi tiếng và độc đáo không kém, đó chính là phố cổ Long Sơn, xã đảo Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Nơi đây, ngoài dãy nhà gỗ có niên đại hơn 100 năm tuổi còn có những đồ vật giá trị như bộ ghế bát tiên của vua Thành Thái hay nét văn hóa riêng gắn với phố cổ như đạo Ông Trần.

Khu phố cổ Long Sơn được ông Lê Văn Mưu ở vùng Bảy Núi (An Giang) xây dựng từ năm 1910 đến năm 1928, gồm sáu dãy phố rộng tới 2ha với hàng trăm nóc nhà sát nhau được quy hoạch chi tiết và khoa học như nhà Thánh, lầu Trời, lầu Tiên, lầu Phật, khu nhà hậu…, thu hút hàng trăm người dân thời bấy giờ tới sinh sống, ngụ cư.

Sinh thời, ông Mưu từng tham gia kháng chiến chống Pháp xâm lược cùng Quản cơ Trần Văn Thành ở quê nhà nhưng thất bại nên phải xuôi thuyền vượt biển tới vùng đảo Long Sơn lánh nạn.

Một cảm giác hết sức ngỡ ngàng khi tôi được một người dân sinh ra và lớn lên ở phố cổ đưa đi tham quan. Hầu như tất cả các nhà ở đây đều được làm bằng gỗ, chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo. Trong đó, có những đồ vật thuộc loại quý hiếm có một không hai như bộ tủ thờ bằng gỗ lim cán xà cừ gồm 33 cái hay bộ ghế bát tiên của vua Thành Thái lưu lạc trong dân gian có chạm khắc hình đầu rồng. Kế đó là những sập, giường, bình gốm, lư hương… có niên đại hàng trăm năm vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Ngoài ra, khu phố cổ còn có 88 đôi liễn, 94 câu đối hoành phi, nhằm giáo huấn con cháu đời sau.

Nét độc đáo nữa theo ông Lê Minh Thông, cán bộ xã Long Sơn, gần như toàn bộ nhân dân trong xã đều theo đạo Ông Trần. Đây là loại đạo có xuất xứ từ vùng Bảy Núi, quê hương ông Lê Văn Mưu. Mọi người ở đây quen gọi đạo Ông Trần vì lúc sinh thời, khi đi lao động, ông Mưu thường cởi trần, đi chân đất. Những người theo đạo này thường thờ cúng cha mẹ, sống tốt đời đẹp đạo, chăm chỉ lao động, giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau. Thực chất đạo Ông Trần chỉ mong con người sống tốt đẹp với nhau.

Hơn nữa, những người sống trong phố cổ vẫn giữ được nhiều nét văn hóa, tập tục như cách đây hàng trăm năm, đó là mặc đồ nâu sồng kiểu bà ba, đi chân đất, vấn khăn… Hàng ngày, theo đúng thời gian quy định, con cháu vẫn mang cơm nước tới cho ông Trần.

Được Nhà nước chính thức công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 3/8/1991, hiện nay, khu phố cổ này đang là điểm đến của hàng ngàn du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngày vía ông Lớn (20/2) và ngày Cửu trùng (9/9 âm lịch) hàng năm luôn được tổ chức trọng thể, thu hút hàng ngàn người từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ đến tham gia. Đó là truyền thống tốt đẹp của khu phố cổ còn lưu giữ tới ngày nay.

Phải mất hơn một giờ đồng hồ tôi mới có thể tham quan hết các khu nhà trong phố cổ. Cảm giác ngưỡng mộ những gì mà tiền nhân đã xây dựng và lưu giữ khiến tôi xao xuyến. Nếu ai đến Vũng Tàu, không nên bỏ qua khu phố cổ độc đáo, tuyệt vời này.

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo Kinhte Nongthon, ảnh internet
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn