Đã có những hy sinh, khó nói hết bằng lời”: Không chỉ là mưa rừng, gió núi, rừng thiêng, nước độc, bệnh tật, hiểm nguy… Còn có cả nước mắt và máu đổ xuống cho con đường chiến lược của Tổ quốc ngày một vươn dài...
Những người ngã xuống
Con đường gần Đồn biên phòng 711 Suối Cát, tỉnh Gia Lai bây giờ, có một cái am thờ bằng gỗ rừng nhỏ, chênh vênh bên vực sâu hun hút. Giữa rừng già, không mua được nhang nên bộ đội thường thắp… thuốc lá, đặt lương khô lên đó. Nơi dốc đá này, hai đồng đội của họ, hai người lính trẻ măng, đều chưa lập gia đình: Thiếu úy Bùi Tiến Dũng, sinh năm 1983, quê ở Thanh Hóa và công nhân viên Hồ Việt Đức, sinh năm 1982, quê Quảng Bình đã ngã xuống, trước kỳ nghỉ lễ 30-4-2010.
Cả hai là đều là thợ kỹ thuật nổ mìn của một đơn vị Công binh Quân khu 5. Đại úy Nguyễn Văn Điệp, Chỉ huy đơn vị nhớ lại: "Đoạn đường chúng tôi làm dính toàn đá tảng, có 9km đường thì 3km đá, đi qua cả một đồi đá. Giải pháp duy nhất là phải khoan đá nổ mìn mở đường. Dũng và Đức là hai thợ giỏi, thường xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn này”.
Hôm ấy đã xế trưa, chừng 12 giờ kém mà họ vẫn chưa chịu về, cố nổ phá thêm một đoạn đường. Mìn đã đặt, cờ cảnh giới đã cắm, mọi người vào vị trí an toàn rồi điểm hỏa thì sự cố xảy ra. Mìn không nổ.
- Để tụi tui lên kiểm tra xem sao! – tiếng Đức hét to với 2 người cảnh giới.
Cả hai nhanh chóng chạy lên thì bỗng "ầm”, một tiếng nổ vang lên. Anh em chạy lại thì thấy Dũng nằm đó, người đen sạm khói thuốc. Anh đã hy sinh tại chỗ. Tìm mãi mới thấy Đức bị văng ra cách 15m, vẫn còn thoi thóp thở. Anh Điệp nghe điện rụng rời, vội cho chiếc xe tốt nhất lao ra, đưa Đức đi cấp cứu. Nhưng thật đau lòng, đường rừng gập ghềnh, ra tới Bệnh viện 705 Sê San có 70km mà phải tới 2 giờ chiều mới chạy tới nơi. Bác sĩ lắc đầu: "Không kịp nữa rồi”.
Tròn một năm trôi qua, anh em mỗi ngày đi làm vẫn châm thuốc, đặt lương khô, mì ăn liền – những món ăn thường nhật của thợ mở đường lên am thờ. Đồi đá đã thông, nhưng đồng đội vẫn day dứt chờ ngày Dũng và Đức được công nhận là liệt sĩ. Thủ tục sao mà quá chậm?
Đoàn cán bộ Ban Quản lý dự án 47 viếng 2 liệt sĩ thuộc Sư đoàn 470 hy sinh tại đoạn đường ở Chư Mo Ray huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Quang Thái
Mùa hè năm 2010, tạm biệt người vợ trẻ ở Thanh Chương, Nghệ An sau kỳ nghỉ phép, Thiếu úy Nguyễn Đình Việt, Trung đoàn Công binh hải quân 83 lên đường vào Đắc Nông dò mìn. Người vợ trẻ dặn dò: "Anh đi nhớ giữ gìn sức khỏe, kẻo rừng thiêng nước độc”. "Ôi dào! Đời lính công binh thì chỗ nào mà chả rừng thiêng nước độc, anh mình đồng da sắt rồi” – Việt cười trấn an vợ. Sáng ấy, anh và cậu Long đang dò ở một vạt rừng thì máy dò phát tín hiệu liên tục.
Hai anh em bình tĩnh tìm cách xử lý. Gì chứ mìn, bom, đạn, Việt cũng đã chạm trán đủ loại rồi. Vậy mà, "ầm”, một tiếng nổ vang lên. Anh em chạy lại thì Việt và Long đã hy sinh vì một quả mìn nhảy nguy hiểm. Chỉ huy đơn vị về quê Việt, mới hay gia cảnh anh còn quá khó khăn. Vợ anh là giáo viên mầm non hợp đồng, thu nhập mỗi tháng chỉ hơn một triệu đồng.
Hèn gì đồng lương thiếu uý quân nhân chuyên nghiệp ít ỏi, được bao nhiêu anh đều chuyển thẳng về quê. Chỉ huy đã đề nghị địa phương giúp người vợ trẻ sớm được vào biên chế. Nhưng cho đến bây giờ, địa phương vẫn trả lời: "Đợi! Khi nào anh ấy chính thức được công nhận là liệt sĩ, chúng tôi mới có căn cứ để giải quyết”…
5 năm trôi qua, đã có 8 liệt sĩ hy sinh khi mở đường tuần tra biên giới. Họ đều còn rất trẻ, tuổi đời trên dưới 30, phần lớn đã có vợ con và gia cảnh kinh tế đều còn rất khó khăn. Như hai liệt sĩ Nguyễn Văn Diện quê Quảng Bình và Nguyễn Chí Cường quê Thanh Hóa của Sư đoàn 470 (Binh đoàn 12), trước ngày hy sinh, tháng nào các anh cũng đăng ký làm thêm ca, thêm giờ, mong có thêm ít tiền gửi về cho vợ con đón Tết Tân Mão. Họ ngã xuống, để lại một khoảng trống quá lớn cho mái ấm nhỏ bé vốn đã chông chênh…
Trong một lần họp sơ kết về 5 năm xây dựng con đường, Thượng tướng Phan Trung Kiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã lưu ý khi con đường hoàn thành, cần xây bia tưởng niệm hoặc đền thờ, miếu thờ những người đã ngã xuống vì con đường phên giậu Tổ quốc!
"Khoảng trống” phía sau người mở đường
Anh, một kỹ sư dày dạn từng được mệnh danh là "sói biển” Trường Sa. Năm nào anh cũng nằm ngoài biển, đảo với anh em hàng tháng, chỉ huy thi công các công trình. Lên đến phó giám đốc công ty và cầu vai đã nhiều "sao, hạt”, anh vẫn cứ lên rừng, xuống biển, lọ mọ như một đội trưởng công trình. Lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cống hiến nên ai cũng quý anh.
Lúc đơn vị được giao mở đường tuần tra biên giới, cấp ủy họp bàn tính mãi, chưa tìm được ai tin cậy hơn, lại gọi cho anh từ Trường Sa lên Tây Nguyên. Anh về, mặt còn đen sạm nắng gió Trường Sa lại tiếp tục "tráng men” cái nắng Trường Sơn rừng rực, chẳng hề kêu ca nửa lời.
Từ năm 2009, một mình anh chỉ huy 5 công trình, cả trên rừng và dưới biển. Tuyến đường anh chỉ huy đã hoàn thành sớm nhất, đẹp nhất, được chọn đón Đại tướng Phùng Quang Thanh và đoàn đại biểu Quốc hội vào tham quan.
Có điều lạ, hai năm rồi anh không một lần đi tranh thủ. Không ai biết anh có một nỗi đau thầm kín trong lòng ngoài đồng chí giám đốc của anh. Lâu lâu mới gặp nhau, nhưng giám đốc đã tinh ý nhận ra trong mắt anh một nỗi buồn man mác.
Hỏi hoài anh không chịu nói. Dọa, đưa ra chi bộ, anh mới chịu "khai”: Mấy năm rồi, biền biệt đi xa, người vợ trẻ ở nhà đã bỏ anh theo người khác, lại còn rắp tâm cùng người tình chiếm luôn cả ngôi nhà mà cả đời bộ đội chắt chiu anh vừa mới dựng lên được vài năm…
Đại tá Lê Quang Hiệp, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 47, người "nằm vùng” theo dõi toàn tuyến Tây Nguyên hơn 3 năm qua cho chúng tôi hay: Theo anh tìm hiểu, hiện trên toàn tuyến đường, đã có tới gần 10 trường hợp cán bộ, sĩ quan gia đình rạn vỡ. Có thể có nhiều lý do khác nhau, nhưng có một phần quan trọng vì điều kiện công tác quá vất vả, xa xôi cách trở, những người lính chưa làm tròn phận sự người chồng, người cha.
Dọc dài những cung đường đang mở, đã có những người vợ bộ đội khăn gói lên chốn rừng xanh núi đỏ thăm chồng. Như chuyện chị Phạm Thị Mai, vợ anh Trương Quang Thiều, Giám đốc Xí nghiệp thi công cơ giới của Công ty ACC lặn lội từ Hà Nội vào Dục Nông (Kon Tum) thăm chồng thật cảm động. Ba mươi sáu năm quân ngũ của anh, từ thuở binh nhì đến giờ, năm nào cũng ngủ núi nằm rừng hay lăn lộn ngoài hải đảo.
Năm 2003, anh chuyển công tác từ Lữ đoàn 28 về Công ty ACC, cứ tưởng nhàn nhã hơn thì năm 2007, anh lại rời Hà Nội, vào Kon Tum làm đường tuần tra biên giới. Từ đó, anh đi biền biệt, hai năm chỉ về nhà đúng… hai lần. Lần đầu, anh nói tranh thủ mùa mưa, ngớt việc, về thăm chị được 20 ngày.
Lần thứ hai, Tết 2009, về chiều 29 thì sáng mồng 5 anh đã gói ghém ba lô để lên đường cho kịp ra quân đầu năm. Nhiều lần anh báo tin ra Hà Nội họp, vậy mà họp xong lại đi ngay, cũng chẳng kịp về nhà. Số máy di động của anh, chị gọi hầu như lúc nào cũng "ò í e”. Chị ức lắm. Một thoáng nghi ngờ. Một thoáng hờn giận…
Tháng 7-2009, chị xin nghỉ phép, tranh thủ vào thăm anh. Xe tới thị trấn phố núi thì chiều đã muộn. Gọi là bến xe, nhưng chỉ lèo tèo vài căn nhà nhỏ, cũng chẳng có xe ôm. Chị hoảng hốt mở điện thoại thì sóng chỉ hiện lên một vạch yếu ớt. Gọi cho anh, lại "ò í e”. Theo hợp đồng, anh sẽ từ công trường ra thị trấn đón chị. Vậy mà bây giờ…
Phải đến nửa giờ sau mới có một sĩ quan trẻ đi chiếc xe Min-xcơ cũ kỹ, lấm lem bụi đỏ ba-zan chạy tới hớt hải: "Chị thông cảm, anh Thiều phải vào bản "dân vận”. Anh nhờ em ra đón chị!”. Dọc đường đi, cậu ấy cho hay, đơn vị đang làm đường thì vướng rẫy sắn của dân, anh Thiều phải vào gặp cả thôn, mời cả cha đạo Tin lành A Sun, rất có uy tín với dân đến để nhờ ông nói bà con giúp đỡ. Mọi việc xong rồi, nhưng bà con đang giữ anh ở lại ăn bữa tối, không thể từ chối.
Những ngày ở lại công trường, chị mới hiểu hết cuộc sống của các anh. Doanh trại đóng trong rừng sâu, cách chợ 50km, xa làng bản. Mùa mưa, phải điệp khúc cơm cá khô cả tháng trời. Anh em cán bộ, công nhân tuổi đời đều từ 25 đến ngoài 40, hầu hết đã có gia đình và 100% từ ngoài Bắc vào. Tính bình quân, mỗi năm anh em chỉ về nhà 20 ngày, còn lại bám công trường, chạy đua với thời gian. Mùa mưa, các anh cũng không nghỉ, lo đúc cống, làm đá, vận chuyển cát.
Đêm trong rừng sâu dài và buồn thăm thẳm, gợi cho con người ta rất nhiều suy nghĩ. Nghe tiếng đài "đọc truyện đêm khuya” từ những cái ra-đi-ô yếu điện cứ khọt khẹt, chập chờn câu được câu chăng, càng gợi buồn man mác. Có đêm, chị ngạc nhiên thấy 5-6 anh em không ngủ được, lại vùng dậy xách cuốc, xẻng, báo cáo anh Thiều xin được… đi làm thêm vì họ bảo: "Tiếc từng ngày nắng”. Có anh em tự nguyện làm tới 12-14 giờ mỗi ngày. Nghe những bước chân âm thầm trong đêm miền sơn cước, nước mắt chị lại ứa ra…
Xe đi trong chiều muộn Tây Nguyên chợt đến đoạn đường đầy ổ gà, ổ voi nhồi xóc, khiến tôi liên tưởng đến câu thơ của Phạm Tiến Duật: "Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim”. Tôi hiểu, để con đường không ngừng vươn xa, không chỉ có mồ hôi đổ xuống mà còn có cả máu và nước mắt; không chỉ có những khúc quân hành hùng tráng mà còn có những nốt trầm day dứt từ những cảnh đời rất riêng của người lính mở đường…
By
EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo Giaoduc.net
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn