Làng quạt Chàng Sơn

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012
Nhắc đến nghề làm quạt giấy truyền thống, người ta thường nhắc đến làng Kẻ Vác hay còn gọi là làng Canh Hoạch, thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nhưng còn một làng nghề cũng chuyên làm quạt giấy nổi tiếng không kém, đó là làng quạt Chàng Sơn.

< Nghề làm quạt ở Chàng Sơn.

Làng Chàng Sơn vốn là một làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất nhì của tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Dân Chàng Sơn cũng nổi tiếng là dân “bách nghệ” và nghề làm quạt cũng chỉ là một trong những nghề rất nổi tiếng của làng.

Nghề làm quạt của người Chàng Sơn đã có hàng trăm năm nay. Ngay từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Người Pháp đã từng nhiều lần mang quạt Chàng Sơn vượt đại dương xa xôi sang Paris triển lãm. Sử sách còn ghi chép rằng, người làm quạt giỏi của làng được phong chức Bá Hộ (phẩm hàm cấp cho hào lí hoặc người giàu có thời phong kiến).

Người Chàng Sơn thường tranh thủ làm quạt vào những lúc nông nhàn. Trước Tết âm lịch là mọi thứ đã được mua về sẵn để tiện khi nào rảnh rỗi thì đem ra làm. Nghề làm quạt tuy không quá gian nan, vất vả nhưng lại đòi hỏi sự cầu kì, tỉ mỉ đến thành kiểu cách vô cùng.

Để có được một chiếc quạt nan như ý, người nghệ nhân phải bỏ rất nhiều công sức để chọn lựa từng ống tre làm nan quạt, từng sợi mây để làm viền và từng thếp giấy để làm cánh quạt. Tre phải dẻo, già có độ tuổi từ ba năm trở lên, không mối mọt thì nan quạt mới bền, đẹp. Tre cắt thành ống, cạo tinh xanh, lấy dao tách cật ra, gắn sơn ta vào giữa hai thanh tre. Sau đó, các thanh tre được bó chặt lại vài tháng, đến khi khô sơn mới vót thành nan quạt. Sợi mây phải óng, mượt, dài để khi đan không phải nối nhiều đoạn lại với nhau.

Giấy quạt là loại giấy dó, giấy điệp mua tận Đông Hồ (Bắc Ninh) đem về. Khi vào giấy cho nan quạt phải khéo léo, tỉ mỉ, sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều, tiện cho công việc vẽ tranh.

Khi vẽ, điều khó nhất của người họa sỹ là căn chuẩn nếp gấp giữa các nan quạt. Phải tính toán kỹ lưỡng sao cho khi hoàn thành, gấp quạt lại không ảnh hưởng đến tranh, các nếp gấp nằm vào đúng khoảng không, không được cắt người hay cắt vật. Nếu trường hợp bắt buộc phải cắt, thì cái tài của người vẽ chính là tạo mối liên kết sao cho người xem không biết vật đó bị cắt nếu không tận tay sờ vào quạt. Khi các công đoạn làm quạt hoàn thiện, người họa sỹ sẽ phủ lên đó một lớp sơn bóng để giữ cho quạt sáng đẹp, bền lâu.

Không chỉ có giá trị nghệ thuật cao mà mỗi chiếc quạt Chàng Sơn còn mang trong mình một ý nghĩa triết lí lịch sử lâu bền. Quạt có thể là vật làm duyên trên tay của các cô thiếu nữ, các đức ông trong những dịp đặc biệt, hay những bức tranh nghệ thuật độc đáo treo trên tường để trang trí.

Cho dù là treo tường hay cầm tay thì từ chiếc quạt vẫn toát lên một vẻ đẹp mềm mại, quyến rũ từ những họa tiết, hình ảnh giữa chiếc quạt. Chiếc quạt càng ấn tượng hơn bởi chất liệu the tơ óng ánh màu hoàng tộc, các vân sáng lung linh tự nhiên hòa quyện với các họa tiết được trạm trổ phía trên. Mỗi hình vẽ trên quạt là tượng trưng cho những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước và cả những tích truyện cổ, tích sử về các vị anh hùng dân tộc… Có thể nói, quạt Chàng Sơn là sự hội tụ mọi tinh hoa của đất trời và con người Việt Nam.

Chàng Sơn hôm nay đã khác xưa nhiều lắm. Người người làm quạt, nhà nhà làm quạt. Những chiếc quạt Chàng Sơn đã vượt đại dương xuất khẩu sang cả Nhật và Hàn Quốc với mẫu mã, chủng loại, kiểu dáng đa dạng. Không chỉ làm ra những chiếc quạt giấy, quạt nan mà nay người Chàng Sơn còn sản xuất quạt the, quạt lụa các cỡ, riêng quạt tranh có kích cỡ đến hàng mét. Quạt lụa chủ yếu bán cho các đoàn nghệ thuật, lễ hội, các công ty du lịch, các du khách quốc tế.

Quạt tranh cao cấp hơn dùng để trang trí tường đem đến một không gian đậm chất cổ kính, dân giã. Tên tuổi của những nghệ nhân như Dương Văn Mơ, Nguyễn Đức Lân, Nguyễn Lân Tuyết, Dương Văn Đoàn… không ai là không biết đến. Đặc biệt là nghệ nhân Dương Văn Mơ, người đã làm nên chiếc quạt lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam, dài 9m, cao 4,5m, vẽ tranh chợ quê Hà Nội theo mẫu tranh phố Hàng Trống trưng bày tại Lễ hội phố hoa Tết và Festival làng nghề truyền thống tổ chức tại Huế tháng 6/2009.

Nghề làm quạt không chỉ đem lại thu nhập cao cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống một làng nghề lâu đời và góp phần quảng bá văn hóa Việt với bạn bè trong nước và quốc tế.

Đất nước nay đã thay da đổi thịt, đời sống con người ngày càng được nâng cao, dù không thiếu những phương tiện làm mát hiện đại như điều hòa, quạt điện, quạt đá, nhưng quạt truyền thống vẫn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó vừa là sự khẳng định sức sống của một làng nghề truyền thống lâu đời, lại vừa mang một nét đẹp văn hóa đậm chất nông thôn xưa. Hình ảnh những cụ già ngồi phe phẩy chiếc quạt giấy hay quạt nan dưới bóng cây râm mát cạnh quán nước hay đầu hồi nhà gợi cho ta liên tưởng đến một làng quê thanh bình, yên ả, thấy lòng mát rượi bởi có chiếc quạt thân quen./.

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo Nghìn năm Thăng Long/Vietnam+, internet
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn