Đi tìm dấu chân các vị thần bất tử (Tiếp theo)

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012
Chuyện có thật không? Chẳng lẽ cả nhà mà chỉ còn có mỗi chiếc khố? Tại sao Chử Đồng Tử lại nhường cha khi mình cần hơn để sống...

Kỳ 3: Chí hiếu động thiên

< Đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại Khoái Châu, Hưng Yên.

Giáp Tết âm lịch, những vườn cải trổ hoa vàng rực cả dải đất ven sông Hồng. Trên những con đường làng, con trẻ vẫn ríu rít đánh khăng, đánh đáo. Phía xa xa là những bãi cát nặng phù sa trải dài cong cong uốn mình thanh tĩnh mà không heo hút.

Không phải mơ mà đó là không gian đậm chất văn hóa miền Bắc châu thổ sông Hồng thuộc xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên. Mấy ngàn năm trước, ở đấy có một người con chí hiếu khóc thương tiễn cha bằng tấm khố cuối cùng.

"Cái khố" và ngôi nhà ông lái đò

Chúng tôi ngược dòng sông Hồng tìm về đền Đa Hòa, xã Bình Minh, là quê cũng là nơi thờ đệ tam tứ bất tử: Chử Đồng Tử. Người lái đò dùng chân đạp nhẹ mái chèo, thuyền xuôi gió chạy băng băng. Ông tên Minh, hơn 70 tuổi nhà ở Tiên Lữ, mấy đời bám nghề sông nước. Ông kể đau lòng nhất là đứa con nghiện ngập bất hiếu, chết trẻ bỏ lại vợ chồng ông từ năm 2009. Khuôn mặt ông nhăn nheo, đôi mắt u buồn khi nghe nói lại chuyện Chử Đồng Tử xa xưa . "Trước năm 2009, tôi với vợ bám sông để sống. Vợ chồng có mỗi một đứa con nên có bao nhiêu tiền, đều mua cho nó những thứ thích nhất, chỉ mong nó được khá hơn mình. Ngôi nhà chật hẹp nên hai vợ chồng ở luôn dưới thuyền nhường nhà cho con ở. Chỉ bữa ăn hai vợ chồng mới đưa cơm lên bờ cho con. Nào ngờ...".

Con ông Minh, từ nhỏ đã được chiều chuộng lại ở một mình, mới lớn đã quen thói tụ tập bạn bè rồi đâm hư hỏng hút chích. Ngôi nhà ông Minh bị con trai bán lấy tiền để bù khú lúc nào không hay, rồi hết tiền bỏ đi biệt xứ. "Chẳng dám mong con mình có hiếu như thánh nhân nhưng chỉ cần nó nên người như con nhà khác. Tôi không tiếc ngôi nhà mà tiếc con. Hiếu hay không cũng do cách giáo dục của mình" - ông Minh nói mắt rưng rưng ân hận. Thì ra, khi gợi mở câu chuyện hiếu của Chử Đồng Tử, ông mới mạnh dạn bày tỏ tâm can vốn đã thành ẩn ức đau buồn.

Thuyền cập bến trước cửa đền Đa Hòa, ngoảnh mặt ra một bến rộng mang tên Chử Đồng Tử và một gác lâu nhìn thẳng ra sông. Cái linh thiêng của làng quê yên ả như hội tụ. Cụ Hoàng Văn Quyết, 75 tuổi, thủ từ đền Đa Hòa, người nhỏ thỏ lặng lẽ thắp nhang trước bàn thờ "đệ tam tứ bất tử" lầm rầm khấn vái. Trong khói hương trầm nghi ngút, cụ Quyết lặng lẽ kể sự tích Chử Đồng Tử cho một nhóm SV Học viện Phòng cháy chữa cháy từ Hà Nội về. "Đó là thời vua Hùng Vương thứ mươi tám. Nhà họ Chử ở làng Chử Xá, vợ mất sớm, chỉ có hai cha con sống với nhau. Người con là Chử Đồng Tử, cha là Chử Cù Vân. Đã nghèo lại nghèo hơn khi nhà họ Chử không may gặp hỏa hoạn, cả hai cha con chỉ có một chiếc khố. Người cha chết dặn con giữ lại cái khố mà mặc nhưng người con không nỡ để cha táng trần nên mặc khố cho cha rồi mới táng. Từ đó chấp nhận ban ngày ở nhà, ban đêm đi lội nước kiếm cá để sống...".

Trong suốt câu chuyện, cụ Quyết phải dừng lại tới bốn lần để giải thích những câu hỏi chen ngang. "Chuyện có thật không? Chẳng lẽ cả nhà mà chỉ còn có mỗi chiếc khố? Tại sao Chử Đồng Tử lại nhường cha khi mình cần hơn để sống...". Cụ Quyết chẳng giận vì bị ngắt giữa chừng mà tường tận giảng giải: "Không ai xác định được câu chuyện từ hàng ngàn năm trước. Cũng không ai chứng minh được nó có thật hay không, cha con ngài (Chử Đồng Tử) nghèo như thế nào? Nhưng câu chuyện được lưu truyền từ xưa có mất đâu. Bởi vì chứa đựng trong đó là cái hiếu của con, cái tình của cha. Thử hỏi có ai thương nhau như cha con họ Chử"?

Chữ "hiếu" không phân kẻ giàu - nghèo

Là người gắn bó cả đời người với đền thờ Chử Đồng Tử và làng Chử Xá xưa (nay là xã Bình Minh) nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Văn Kính nói không đơn giản mà khi phục hồi đền thờ Chử Đồng Tử, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (1862 -1905), án sát bốn tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên triều nhà Nguyễn đã đề bốn chữ "Chí hiếu động thiên" lên trung đường của ngôi đền. Theo ông Kính, quan án sát Chu Mạnh Trinh là người tự tay thiết kế và vận nhân tài, vật lực của nhân dân tám thôn tổng Mễ (xã Bình Minh ngày nay) cùng thập phương công đức để xây dựng, tôn tạo năm 1894 trên nền một ngôi đền cổ. "Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cũng là người cho rằng Chử Đồng Tử không đơn giản được phong thánh mà lại là thánh bất tử nữa. Đã là thánh thì phải khác phàm nhân hoặc phàm nhân không thể theo kịp mới là thánh. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cho rằng chỉ cần chữ "hiếu" là đủ phong thánh cho ngài rồi", ông Kính nói.

Ông Kính cũng giải thích bốn chữ "Chí hiếu động thiên" mà người đời sau phong tặng cho đức thánh Chử Đồng Tử: "Chí hiếu" là cái hiếu đến tận cùng, tận lực với hiếu. Ở đây, người con đã dành những thứ cuối cùng là chiếc khố - một vật tối thiểu của xã hội người Việt cổ khi ra ngoài để chôn cất cha. Thà mình lõa lồ còn hơn để cha trần truồng khi táng cha. Lòng hiếu thảo của người con đã thấu trời xanh (động thiên) khiến cả người và trời khâm phục.

Cũng theo ông Kính, không phải ngẫu nhiên mà hàng ngàn đời nay ở làng Chử Xá  dòng họ nào cũng có nhiều người con hiếu thảo. "Từ họ Hoàng, họ Phạm, họ Chu (những dòng họ lớn) đến những họ nhỏ như họ Nguyễn, họ Trần đời đều nổi tiếng là người hiếu đễ trong vùng dù giàu hay nghèo" - ông Kính nói. Còn theo cụ Hoàng Văn Quyết, hàng năm cụ và Ban quản lý đền Đa Hòa đón hàng trăm đoàn khách toàn là học sinh và sinh viên do các nhà trường khắp cả nước đưa đến giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.

Trung tuần tháng 2 âm lịch, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở đền Đa Hòa diễn ra trong nắng sớm. Bên kia sông, nắng đổ nghiêng trên những bãi cát trắng chạy dài, những đám lau sậy um tùm của bãi Tự Nhiên (xã Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội).

Kỳ 4: Mối tình "thiên định" và thương nhân đầu tiên của người Việt

< Bãi Tự Nhiên ngày nay là nơi chụp ảnh của nhiều đôi vợ chồng sắp cưới.

Anh Hoàng Văn Phúc và chị Nguyễn Ngọc Linh (nhà phố Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội) đang "chỉnh trang" tạo dáng cho những bức ảnh cưới của mình. "Lý do chọn bãi Tự Nhiên hoang sơ này để chụp ảnh cưới là muốn có một gia đình hạnh phúc như người xưa", Anh Phúc chia sẻ.

Tình yêu "thiên định"

Hàng ngàn năm trước bãi Tự Nhiên là nơi gặp gỡ của một thiên tình sử có một không hai: Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung (con vua Hùng Vương thứ 18, có tài liệu cho rằng là đời thứ ba). Trong cái hoang sơ của thuở hồng hoang, hai con người: một là công chúa sang giàu, quyền thế - một nghèo khó, bấn cùng bắt đầu một mối lương duyên chồng vợ mà đến hàng ngàn đời sau như anh Phúc, chị Linh vẫn còn ngưỡng vọng. "Không biết cảnh xưa nhưng bãi Tự nhiên cách đây ba mươi năm đến giờ không có gì khác. Vẫn là lau sậy um tùm xen lẫn cát trắng tự nhiên. Chỉ có điều lạ là gần đây có rất nhiều đôi vợ chồng sắp cưới đến chụp ảnh, thậm chí đem theo cả hương hoa đến cầu duyên an định", bác Tống Văn Khuê, một lão nông xã Tự Nhiên, cho biết.

Bác Khuê nói vì đạo hiếu mà phong thánh cho ngài (Chử Đồng Tử) là đúng nhưng không đủ. Bởi theo bác Khuê: "Tình yêu của Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, dù là truyền thuyết hay có thật thì trên đời cũng chỉ có một. Đó là tình yêu không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo. Nói cách khác là tình yêu vượt qua tất cả mọi ngáng trở như "thiên định "rồi". Ông Nguyễn Nguyên Anh, một nhà nghiên cứu văn hóa của Hưng Yên, cũng cho rằng: "Cuộc hôn nhân tình cờ giữa hai con người thuộc hai đẳng cấp chênh lệch nhau vời vợi vừa trần tục vừa thiêng liêng. Trong bối cảnh xã hội phong kiến có sự phân biệt gay gắt về đẳng cấp, nó là hiện thân của khát vọng, ước mơ về hôn nhân tự do, bất chấp sang hèn của nhân dân lao động Việt Nam".

Khi bác Khuê kể lại câu chuyện Chử Đồng Tử gặp gỡ và lấy Tiên Dung thì bên kia sông nơi đền Đa Hòa, quang cảnh yên tĩnh nơi đây bỗng khác lạ hẳn. Lễ rước nước để tái hiện mối tình Chử Đồng Tử và Tiên Dung bước vào ngày chính hội (11.2 âm lịch). Những cặp trai gái hóa trang thành Chử Đồng Tử và Tiên Dung được chia thành những cặp đôi tham gia lễ rước  hớn hở và chờ đợi. Theo những người già ở xã Bình Minh (Khoái Châu, Hưng Yên) lễ rước ngoài việc "cầu mát" (mưa thuận gió hòa) cho mùa màng tươi tốt còn là một dịp để lớp trẻ hiểu hơn về mối tình Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung.

Thương nhân đầu tiên của người Việt

< Lễ rước nước tưởng nhớ mối tình thiên cổ.

Theo ông Phạm Văn Kính, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Chử Đồng Tử có thêm một cái nhất là thương nhân đầu tiên của người Việt. "Trong tất cả các thư tịch cổ còn lưu lại đến bây giờ thì việc buôn bán của người Việt cổ chỉ diễn ra từ sau khởi nghĩa Lý Nam Đế (thế kỷ thứ VI sau công nguyên - NV) nhưng trong truyện Chử Đồng Tử lưu truyền thì rõ ràng Chử Đồng Tử là người thương nhân đầu tiên của người Việt cổ". Để minh chứng, ông Kính trích dẫn:" Sau khi cưới, Tiên Dung bèn cùng chồng mở chợ Hà Thám, đổi chác với dân gian. Lâu dần mở mang thành chợ lớn, gọi là chợ Hà Thám, có phố xá khách buôn nước ngoài lui tới giao thương ngày càng phồn thịnh...".

Một tài liệu khác để chứng minh việc người Việt thời Hùng Vương đã tiến hành việc buôn bán cũng phù hợp với việc Chử Đồng Tử là thương nhân đầu tiên, Trịnh Minh Hiên và Đồng Thị Hồng Hoàn - tác giả tài liệu "Thành Lê Nê, tháp ASOKA ở đâu?" viết: "Tiên Dung - công chúa vua Hùng 18 và Chử Đồng Tử gặp một đại thương gia dùng thuyền đi buôn và nói: "Quý nhân bỏ một dật vàng ra ngoài biển mua vật quí, sang năm có thể thành mười dật".

Nhà nghiên cứu Phật giáo Nguyễn Lang cũng đã chứng minh việc giao thương của người Việt cổ cùng thời với Chử Đồng Tử trong cuốn "Việt Nam Phật giáo sử luận". Ông Nguyễn Lang còn nhận định: "Để có hàng cung cấp cho Trung Đông và các nước vùng Địa Trung Hải, đế quốc La Mã, các thương gia Ấn Độ đã dong thuyền về Viễn Đông. Những thương thuyền theo gió mùa Tây Nam đi về Đông Nam Á tới bờ biển Mã Lai, Phù Nam và Giao Chỉ...". "Điều này hoàn toàn trùng khớp với tình tiết Tiên Dung và Chử Đồng Tử mở chợ buôn bán với người nước ngoài. Mặt khác, phố Hiến của Hưng Yên, quê hương của Chử Đồng Tử sau này đã trở thành một thương cảng sầm uất nhất nhì miền Bắc", ông Kính nói. Hai tác giả Đồng Thị Hồng Hoàn và Trịnh Minh Hiên còn cho rằng: Từ việc giao thương mà, Chử Đồng Tử đã đã có duyên gặp với sư Phật Quang kết thành anh em, bỏ nghề đi buôn cùng vợ học phép tu tiên trở thành Phật tử đầu tiên của đạo Phật. Vị thánh thứ ba của "Tứ bất tử" trong tâm linh người Việt trở thành người khai sáng cho Phật giáo Việt Nam.

Không như nhiều người nghĩ, Luy Lâu (Bắc Ninh ngày nay) là nơi khai sinh ra Phật giáo Việt Nam. Những nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo và văn hóa Việt Nam vẫn còn đang tranh cãi về địa danh này. Có học giả nhận định nơi đó là thành Nê Lê (hay Lê Nê) ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Người khác lại nhận định đó là chùa Địa Ngục trên đỉnh Tam Đảo, Vĩnh Phúc. "Bởi con đường Phật giáo ít hay nhiều liên quan trực tiếp nhưng rất quan trọng đến Chử Đồng Tử, người Phật tử đầu tiên của Việt Nam".
Ông Phạm Văn Kính, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.

Đi tìm dấu chân các vị thần bất tử (P1)

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo Datviet, internet
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn