Smartphone đầu tiên dùng chip Intel chính thức "lên kệ"

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012
Smartphone đầu tiên dùng chip Intel chính thức "lên kệ"
 
Chiếc smartphone đầu tiên sử dụng bộ vi xử lý của Intel vừa được bán ra thị trường, đồng thời, Intel cũng trình làng "gia đình" vi xử lý Core thế hệ thứ ba với tham vọng giữ vững vị thế bá chủ của mình trong lĩnh vực PC trước các đối thủ di động.
 >> Smartphone đầu tiên dùng chip Intel ra mắt vào ngày 23/4
Hôm nay (23/4), Xolo X900 đã được nhà sản xuất ít tiếng tăm Lava phát hành tại Ấn Độ với mức giá khoảng 423 USD. Xolo X900 được xem là nỗ lực của Intel nhằm đột phá vào lĩnh vực điện thoại di động vốn đang được thống trị bởi dòng sản phẩm chip dựa trên các thiết kế của đối thủ ARM (Anh).

Tại một sự kiện diễn ra tại San Francisco (Mỹ) vào ngày hôm qua (22/4), Intel đã ra mắt một dòng sản phẩm mới của bộ vi xử lý Core có tên là Ivy Bridge. Được chế tạo bằng cách sử dụng quy trình sản xuất 22nm mới, Intel khẳng định chip Ivy Bridge sẽ qua mặt các tiền bối của nó. Theo đó, loại chip này tiêu thụ năng lượng ít hơn 50%, nhanh hơn 37% so với chip 32nm hiện tại của Intel. Đặc biệt, Ivy Bridge cải tiến 5 - 15% hiệu suất CPU so với Sandy Bridge.

Lava Xolo X900, chiếc điện thoại thông minh đầu tiên sử dụng bộ vi xử lý của Intel đã chính thức được bán ra thị trường

Những thế mạnh của Ivy Bridge có thể giúp Intel chống lại sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất điện thoại di động dựa trên cấu trúc ARM, vốn đang nhăm nhe đặt chân vào thị trường máy tính cá nhân (PC) khi Microsoft phát hành nền tảng Windows 8 trong năm nay, đây cũng là phiên bản tương thích ARM đầu tiên của hệ điều hành này.

Đồng thời Intel cũng đã phát động một chiến dịch quảng cáo lớn nhất của hãng trong suốt một thập kỷ qua để quảng bá cho khái niệm Ultrabook, dòng máy tính xách tay siêu mỏng và siêu nhẹ, đồng thời nhằm đến việc cung ứng chip cho máy tính bảng, một lĩnh vực khác mà ARM cũng đang thống trị.

Rob Enderle, chuyên gia phân tích công nghệ tại Enderle Group cho biết "Utrabook và máy tính bảng là nơi mà những người ủng hộ Intel và ARM thực sự phải chiến đấu để giành lấy lãnh thổ cho mình. Bất cứ ai giành chiến thắng ở thị trường trung gian này sẽ có nhiều cơ hội đi sâu vào lĩnh vực máy tính cá nhân (PC) hoặc điện thoại".

Intel vốn có truyền thống cung cấp các loại chip nhanh hơn nhưng sản phẩm chip của hãng này lại không thể đọ lại với khả năng tiêu thụ điện năng thấp, tiết kiệm pin của vi xử lý ARM. Một khi Intel cải thiện được yếu điểm mà các sản phẩm chip của mình mắc phải, công ty sẽ có một vị trí tốt hơn để cạnh tranh, theo Sumit Dhanda, nhà phân tích bán dẫn của ISI Group khẳng định. "Nếu bạn nhìn vào lộ trình của Intel trong vòng hai năm tới, bạn sẽ thấy họ đang thực sự thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghệ sản xuất nhanh hơn bất cứ ai khác. Vào khoảng cuối năm 2013, đầu năm 2014, Intel sẽ áp dụng quy trình sản xuất 14nm cho điện thoại thông minh và sẽ tiến sát đến vị thế dẫn đầu".

Trong khi đó, đối thủ ARM của Intel thường dựa vào các xưởng đúc châu Á để sản xuất chip của họ còn Qualcomm hồi tuần trước, đã lên tiếng thừa nhận công ty đang gặp phải khó khăn lớn khi không thể nhận đủ số lượng chip 23nm từ các nhà cung ứng của mình.

Mặc dù Lava, một hãng sản xuất ít tiếng tăm hơn đã ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên dùng chip Intel nhưng những tên tuổi lớn hơn cũng sẽ phát hành các mẫu điện thoại trang bị chip Intel cũng mới được công bố bao gồm Motorola và Lenovo.

Trong quá khứ, Lava đã từng sản xuất loại chip riêng của mình dựa trên cấu trúc ARM dưới thương hiệu XScale và đặc biệt, loại chip này cũng đã được sử dụng cho một số điện thoại BlackBerry. Tuy nhiên, Lava đã bán bộ phận kinh doanh này của mình cho nhà sản xuất chip Marvell vào năm 2006.

Việc ra mắt "gia đình" chip Ivy Bridge sẽ đẩy nhanh bước tiến của Intel trong quý hiện tại. Tuy nhiên, hồi tuần trước, các chuyên gia phân tích tại Canaccord Genuity đã dự báo rằng sự phục hồi của máy tính cá nhân có thể bị ngừng lại trong quý 3 khi người tiêu dùng ngừng mua hàng trong dịp tựu trường để chờ sự xuất hiện của Windows 8.

Võ Hiền
Theo Financial Times/CN
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn