Đi tìm dấu chân các vị thần bất tử

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012
Kỳ 1: Thương trần thế, thần tiên xuất hiện.

"Tứ bất tử" - tên gọi chung của bốn vị thần bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam: Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa. Bao đời nay, những truyền thuyết, huyền thoại về bốn vị thần bất tử này hiển nhiên vẫn còn sống mãi trong tâm thức người Việt.

Đó chỉ một vế đối trong câu đối trọn vẹn mà người dân các vùng Thanh Ba (Phú Thọ), Sơn Tây, Ba Vì (Hà Nội) vẫn truyền miệng ngàn năm nay về sự tích Đức Thánh Tản Viên - Sơn Tinh - Nguyễn Tuấn. Đức Thánh Tản cũng là vị thần tối cao của Tứ bất tử mà theo thứ tự dân gian sắp xếp theo tên gọi: Thượng đẳng tối linh thần hay Thượng thượng Phúc đẳng thần.

"Nhưng quan trọng hơn là vế đối thứ hai: Cứu lầm than, đức Thánh trổ tài. Bởi ngài xuất hiện nhưng không mang tài năng ra giúp nước, giúp dân trong lúc nguy nan thì chẳng phải là vô ích sao?", cụ Nguyễn Hữu Bích, 81 tuổi, một người sùng Nho giáo, nhà ở chân núi Ba Vì, chậm chạp ngả cây gậy chống, dựa lưng vào tấm đá giữa đường lên núi Ba Vì giải thích trong lúc nghỉ chân.

Trong rất nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu lịch sử, "Tứ bất tử" là bốn vị thần đứng đầu trong 27 vị thần trong văn hóa tâm linh Việt Nam. Mặc dù có nhiều tranh cãi về việc có tới lục bất tử (ngoài Tản Viên thần, Thánh Gióng, Chử Đồng Từ và Liễu Hạnh công chúa còn có thêm Trần Hưng Đạo, Nguyễn Minh Không) nhưng đa số đều đồng ý với quan điểm của dân gian với 4 vị thần tối cao bất tử như trên.

Nhân thần một cõi

Cụ Bích nói dù đã già nhưng tháng nào cũng phải lên núi một vài bận trừ khi ốm đau hay xương nhức mà toàn đi một mình, một gậy. Cụ Bích bảo: "Thong thả mà đi. Bây giờ sương mù vẫn quấn chân người thì là đầu giờ Thìn (hơn 7h sáng), cùng lắm trước Ngọ (11h trưa) thế nào cũng đến đền đức Thánh. Đi đến đây mà không vãn cảnh đường, cứ ào ào thì coi như không đi".


< Đền thờ Tản Viên Sơn Thần.

Phải len lỏi trong những đống gạch đá ngổn ngang dọc lối lên đỉnh Ba Vì mà hàng chục đơn vị thi công đang cố gắng trùng tu, tái tạo khu di tích đến thờ Đức Thánh Tản khiến cụ Bích cứ khoảng 30 phút phải nghỉ một lần. Mỗi lần nghỉ ấy, cụ Bích lại kể mạch lạc những gì mình biết về thần: "Đức Thánh Tản Viên có nhiều tên gọi lắm nhưng người ta vẫn nói ngài chính là Sơn Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh mà trẻ con vẫn học. Tên thật mà dân gian truyền tụng là Nguyễn Tuấn, một thanh niên tuấn tú có nhiều tài lạ và đức độ được chọn làm con rể vua Hùng Vương thứ 18. Vợ của ngài là Mị Nương tên thật là Ngọc Nga công chúa".

Theo GS sử học Lê Văn Lan, thần Sơn Tinh hay thần Tản Viên vốn được coi một cách mặc định là "vị thần đệ nhất" trong "Tứ bất tử": "Sơn Tinh là thần núi. Thần Tản viên là vị thần của núi Ba Vì. Cứ như nghiên cứu bây giờ, Đức Thánh Tản Viên vừa là vị thần tự nhiên, có công lãnh đạo người dân nước Việt từ xa xưa làm thủy lợi chống thủy tai. Nhưng cũng có công đức là một vị nhân thần nữa. Trong lịch sử, Nguyễn Tuấn - nguyên mẫu của thần Tản Viên Sơn Tinh còn là một vị tướng của vua Hùng đã giúp vua Hùng bảo vệ sự nghiệp nhà Hùng vào thời chuyển giao sự nghiệp đất nước từ Văn Lang sang Âu Lạc lúc bấy giờ. Do đó đây là vị thần đệ nhất trong "Tứ bất tử" trong tâm linh người Việt. Một người thật hóa thân thành thần hoặc có thể nghĩ khác: Thần hóa thân thành người thật".

Linh thiêng ngàn đời

Đúng như lời cụ Bích nói, đầu ngọ (11g trưa) cụ đã trải bộ dốc 1.227m cùng hơn 1.300 bậc đá leo đên đỉnh đền Thượng trên núi Ba Vì. Cúi mình làm lễ trước bàn thờ Đức Thánh Tản rồi cụ Bích hướng tầm mắt ra cả một vùng rộng lớn để nhìn thấy cả thủ đô phía trước. Theo lý giải của cụ Bích, không phải ngẫu nhiên mà Đức Thánh Tản chọn Ba Vì làm nơi ẩn cư sau khi nhường ngôi báu cho An Dương Vương và người dân cũng lập đền thờ Đức Thánh Tản ở đỉnh núi.

Bằng kiến thức của một nhà nho kiêm một kĩ sư mỏ - địa chất, cụ Bích cho rằng sự linh thiêng ở đây phải được hiểu theo nghĩa "tín tâm" chứ không phải "mê tín dị đoan": "Ba Vì là đất thiêng. Nếu tính độ cao thì đây là điểm cao nhất của cả Hà Nội khi sát nhập. Phong thủy phương Đông cho rằng nơi nào núi cao, sông sâu là địa linh nhân kiệt, linh thiêng ngàn đời. Khoa học hiện đại cũng tương đồng bởi các dãy núi cao được hình thành từ những cơn địa chấn mạnh hàng triệu năm để lại trong đó những luồng kim loại quý có từ trường mạnh có lợi cho việc hình thành trí thông minh của con người".

Theo GS sử học Lê Văn Lan, sự tích núi Ba Vì vốn có từ thời Hùng Vương giải thích cho việc Sơn Tinh nâng núi lên ba đợt thủy tai do Thủy Tinh dâng lên báo thù. Nhưng núi có hình dáng một cái cây xòe ra nên cũng có cái tên là Tản Viên và được coi là nơi linh thiêng số một của nước Việt. Trong suốt lịch sử phong kiến, nhiều vị vua đã lên tận đỉnh Ba Vì làm lễ cầu an. Nhiều nhà sử học hiện nay cũng cho rằng địa thế của dãy núi Ba Vì là "tiền thủy - hậu thạch", trước mặt nơi hội tụ của ba dòng: sông Hồng, sông Đà, sông Thao và dựa lưng vào núi Tản Viên. Nước sông Đà chảy từ bên trái sang bên phải "Trường lưu thủy", tất cả đều chảy về biển lớn, nhìn toàn cảnh hình thế tay ngai, mạch đất linh thiêng. Sự linh thiêng của Ba Vì giờ đây còn có thêm ngôi đền thờ Bác Hồ nằm ở độ cao 1.269m. Ngôi đền được khởi công và hoàn thành ngay trong năm 1999. Để bảo vệ ngôi đền thờ Bác, đơn vị Kiểm lâm rừng quốc gia Ba Vì được giao thêm nhiệm vụ ngày đêm túc trực trông coi, hương khói trong đền và tiếp đón khách hành hương về thăm viếng.

Kỳ 2: Thánh Gióng có thật?

Người mẹ có vẻ đẹp thánh thần, 16 tuổi gương mặt hồng hào, mắt như ánh trăng, trên đầu lúc nào cũng tỏa ánh hào quang lấp lánh. Người mới sinh ra đã thông minh, đĩnh ngộ, lớn lên càng khôi ngô, anh dũng. Cả hai mẹ con đều có gốc tích rõ ràng chứ không mập mờ huyền thoại.

Đó là những phát hiện lịch sử mới đây về mẹ con Thánh Gióng, khác hẳn những gì miêu tả mẹ con Thánh Gióng ban đầu như trong truyền thuyết.

Trăm ao hồ để lại

Trưa chang chang nắng, những khách bộ hành bước vội trên triền đê Phù Đổng để rẽ vào con đường làng rợp bóng tre. Một không gian văn hóa đậm chất làng quê hiện lên giữa Hà Nội phồn hoa khiến nhiều du khách thích thú. Đây là lần thứ hai cô Maia, sinh viên văn hóa của Nga, đến đền Gióng. "Việt Nam có rất nhiều truyền thuyết về thần thánh. Không biết là hư hay thực nhưng đều đó khiến tôi thích thú khi đến Việt Nam. Điều đặc biệt là thần thánh Việt Nam rất... yêu nước", Maia tâm sự. Lần này đến Việt Nam, Maia và hai người bạn tìm thêm dẫn chứng cho đề tài "Sự thật lịch sử mang tính huyền thoại trong văn học Việt Nam". Câu chuyện Thánh Gióng mà Maia và những người bạn được các cụ già Phù Đổng kể lại ngay dưới gốc đa đền Gióng.

Câu chuyện về Thánh Gióng vừa dứt, Maia hỏi: "Những gót ngựa Thánh Gióng khi bay về trời tạo thành hàng trăm ao hồ như thơ của ông Điềm (bài thơ "Đất nước"của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - PV) mà bây giờ vẫn còn có đúng không?". Cả làng Phù Đổng giờ chỉ còn chiếc ao cạnh đền Gióng và vài cái ao khác vì quá trình đô thị hóa. "Nhưng trước kia từ đây lên đến tận núi Sóc của huyện Sóc Sơn, những cái ao san sát theo hình chữ "chi" kiểu chân ngựa chạy là có thật. Đến tận năm 1972, khi Hà Nội chịu đợt ném bom B-52 của Mỹ vẫn còn", cụ Mẫn, một trong những người cao tuổi nhất làng Phù Đổng, khẳng định.

Đền Gióng ngự trên một khu đất đẹp, tương truyền được xây dựng trên chính nền ngôi nhà cũ nơi Gióng sinh ra. Trước đây, nơi này chỉ là một thảo am nhưng vua Lý Thái Tổ khi dời đô ra Thăng Long đã cho xây  một ngôi đền khang trang. Trước đền có thủy đình nằm trong hồ bán nguyệt, được xây dựng từ thời Lý.

Đi tìm sự thật

TS Hán học Cung Khắc Lược và TS Lương Văn Kế đã công bố những phát hiện mới về nguồn gốc đệ nhị tứ bất tử cũng từ một ngôi đền thờ khác: Đền Bộ Đầu (còn có tên gọi khác à đền Quan Thánh) ở xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội. Cả hai ông khẳng định: Thánh Gióng có thật chứ không phải truyền thuyết hư cấu. Mọi chuyện bắt đầu khi TS Cung Khắc Lược và TS Lương Văn Kế nghiên cứu bức tượng Đổng Sóc Thiên Vương cao 6m ở hậu cung ngôi đền. Đây có lẽ là pho tượng cổ lớn nhất trong di sản văn hóa dân tộc còn lại cho đến ngày nay.

Theo tài liệu mà ông Lược và ông Kế công bố, bản thần phả gốc của ngôi đền này được tìm thấy trong Viện nghiên cứu Hán Nôm, ngoài bìa có đóng dấu bầu dục của Viễn Đông Bác cổ thời Pháp thuộc. Thần phả do Hàn Lâm viện, Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn bằng Hán văn vào năm thứ nhất niên hiệu Hồng phúc, triều Lê Anh Tông (1572). Nội dung bản thần phả thờ đức Đổng Sóc Thiên Vương có nhiều điểm khác với những gì dân gian biết về Thánh Gióng. Mẹ của Thánh Gióng trong tư liệu không có hình dáng là một bà già nghèo khổ không con mà là một cô gái 16 tuổi có nhan sắc thánh thần. Khi cô tròn 16 tuổi, gương mặt hồng tươi, mắt tựa ánh trăng rằm hồ thu, nhan sắc tuyệt vời, nghiễm nhiên thành một trang giai nhân tuyệt thế. Cô gái sau đó là vợ của đại quan lang họ Đổng tên Gia vùng Đại Mạn Châu danh giá.

Nhưng chỉ một năm sau Đổng Gia mất. Bà vào tu tại chùa Hoàng Nham và được "thiên thụ" mà có thai. Sau 3 năm 4 tháng sinh ra một bọc hình như đóa sen hồng còn phong nhụy, lúc nào cũng thoang thoảng hương và có những dải mây cầu vồng quấn quýt, 7 tháng sau bông sen chưa nở. Sen chỉ nở thành hài nhi khi vua Hùng đưa về cung ngày đêm chăm sóc. Hài nhi sau này uy phong, cầm quân tiêu diệt giặc Ân, rồi sau đó lại giúp dân trồng trọt và trị thủy. Theo TS Lương Văn Kế, người gắn bó hàng chục năm với đền Quan Thánh thì "sự tồn tại của dòng họ Đổng đã quá rõ ràng, vấn đề là làm thế nào để chắp nối được liên tục phả hệ của dòng họ này mà thôi. Không chỉ thế, TS Cung Khắc Lược còn tiết lộ những nghiên cứu từ thần phả họ Đổng rằng "Thánh Gióng còn là một người con một mực hiếu thuận. Khi ông đã về trời, nhận được tin mẹ mình đang bị thuồng luồng ăn thịt, ông đã giáng thế cứu mẹ mình".

Tuy nhiên, trước đây cố GS Trần Quốc Vượng cũng đã công bố tài liệu lưu trữ trong viện Hán Nôm mà ông đã thẩm định về nguồn gốc Thánh Gióng. Theo đó, Thánh Gióng lại có nguồn gốc vua Hùng có tên thật là Đàm Gia. Đàm Gia, con của một cung phi triều Kinh Dương Vương Vua Hùng Huy Vương. Thần phả do Hàn lân Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm 1527 và truyền thuyết dân gian kể rằng, vào đời thứ 6, triều Kinh Dương Vương Vua Hùng Huy Vương trị vì, thuở ấy nhân dân no đủ, bốn biển thanh bình. Khi giặc Ân phạm vào bờ cõi, Đàm Gia được lệnh đem binh diệt giặc lập công lớn được phong là Đàm Gia Đại Vương. Khi Đàm Gia mất biến thành ánh ào quang rơi xuống giếng nơi mẹ mình nhân lúc tắm mà mang thai.

Ngôi thứ của "Tứ bất tử"

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Văn Kính cho rằng việc chia ngôi thứ trong "Tứ bất tử" hoàn toàn theo tâm lý dân gian nhưng cực kì logic. "Khi con người mới sinh ra việc đầu tiên là thích ứng với thiên nhiên, chế ngự thiên nhiên để tồn tại nên Sơn Tinh - vị thần có công dạy dân, giúp dân chống lũ lụt thiên tai đứng đầu tứ bất tử. Khi xã hội có giai cấp, hình thành quốc gia, thì việc trung quân, ái quốc được đề cao và lẽ sống cơ bản nên Thánh Gióng -  người đánh giặc Ân được xếp vào vị trí thứ hai. Trong các đạo của con người, đạo hiếu là cơ bản nhất vì thế con người chí hiếu như Chử Đồng Tử được xếp vị trí thứ ba. Liễu Hạnh công chúa là người cuối cùng và cũng là nữ duy nhất trong tứ bất tử với nhiều huyền thoại và tái sinh nhiều lần".

Còn tiếp
Đi tìm dấu chân các vị thần bất tử (P2)

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo Datviet, internet
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn