Nhà Yoga số một Việt Nam Nguyễn Thế Trường: Bệnh nhân hen, võ sư và nhà khoa học

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012
Thông thạo 5 ngoại ngữ. Có 6 bằng đại học. Là tác giả, soạn giả, dịch giả của 35 đầu sách. Năm 23 tuổi, tham gia soạn thảo bộ tu thư nổi tiếng tồn tại suốt 30 năm trong nền giáo dục nước nhà. Ở tuổi 72, vẫn vác nhẹ nhàng bao tải gạo nặng 70 - 80kg.

Mỗi buổi sáng, dù nắng hay mưa, dù mùa hè nóng nực hay mùa đông buốt giá, vẫn tắm nước lạnh và cởi trần ngồi thiền hàng giờ đồng hồ. Khi luyện tập, những múi cơ bắp vẫn vồng lên tròn xoe như quả bưởi. Và đặc biệt, vẫn đều đặn tập những động tác rất khó như trồng cây chuối hàng giờ hay uốn mình như diễn viên xiếc. Đó là đôi nét phác thảo chân dung nhà Yoga số một Việt Nam Nguyễn Thế Trường.

 
Nhà Yoga số 1 Việt Nam - Nguyễn Thế Trường

Những động tác kỳ bí

Vào một ngày cuối năm 1970, tại NXB Ngoại văn, nữ phóng viên Mari của tờ Unita (Italia) trong chuyến công tác tại ViệtNam có xin đăng ký nói chuyện và biểu diễn Yoga. Ngày đó, Yoga đối với Việt Nam còn là điều gì đó xa lạ và bí ẩn nên người đến dự rất đông. Sau khi nhà báo Mari nói chuyện và biểu diễn minh hoạ, một người đàn ông nhỏ nhắn, trắng trẻo xin được biểu diễn thử.
Thấy anh chẳng có vẻ gì là con nhà võ nên ban tổ chức có phần lưỡng lự nhưng không nỡ từ chối. Thế nhưng khi chứng kiến anh biểu diễn thì không khỏi ngỡ ngàng. Những động tác khó được anh thực hiện một cách nhẹ nhàng, chính xác, uyển chuyển “như một chiếc lá rơi”. Những động tác như vừa trồng chuối, vừa dồn phủ tạng lên lồng ngực đến độ nhìn từ phía bụng thấy rõ từng đốt sống lưng cho đến đồn khí làm các cơ lưng, bắp chân, bắp tay và cơ lồng ngực căng tròn như quả bóng đã khiến cả hội trường ồ lên kinh ngạc.
Nhưng sự ngạc nhiên được đẩy đến cao độ khi anh thực hiện các động tác thư giãn đã hạ nhịp tim xuống còn dưới 30 lần/phút. Cái cơ thể đầy sức mạnh khi nãy giờ đây lặng lẽ và mềm mại, hơi thở chỉ thoáng qua như làn gió mỏng. Cả hội trường lặng phắc vì đây là lần đầu tiên, họ được chứng kiến một nhà Yoga bằng xương bằng thịt với những động tác kỳ bí đến thế. Đặc biệt hơn, đó lại là người Việt Nam.
Nữ nhà báo Mari, người vừa tu nghiệp Yoga tại Ấn Độ về thì thảng thốt kêu lên: “Tuyệt vời, thật tuyệt vời. Anh là bậc thầy của tôi!”. Sau buổi biểu diễn ngày ấy, ở Hà Nội bắt đầu xuất hiện nhiều giai thoại về một nhà Yoga người Việt kỳ bí đến hoang đường.

Là khách của nhiều vị lãnh đạo cao cấp
Những thông tin nửa thực, nửa huyền ảo ấy đến tai tướng Vương Thừa Vũ. Vị tướng tài danh của Quân đội nhân dân Việt nam đã mời Nguyễn Thế Trường đến biểu diễn tại Viện khoa học kỹ thuật quân sự với thành phần chủ yếu là bộ đội binh chủng đặc công. Màn trình làng là cuộc biểu diễn võ nghệ. Năm sáu đôi tay rắn như sắt của các võ sỹ đặc công thi nhau đấm vào anh nhưng lạ thay anh vẫn đứng vững như không thể lay đổ. Tướng Vũ thốt lên: “Thế chứ, có thế chứ. Cậu thật tuyệt vời”.
Nhờ sự quen biết tướng Vũ mà sau này, nhiều tướng lĩnh Việt Nam đã biết đến ông như Tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Phạm Hồng Sơn... Rồi các cán bộ cao cấp cũng mời ông hướng dẫn tập Yoga. Đặc biệt, ông còn tham gia chữa bệnh cho một vị lãnh đạo cao nhất của một nước láng giềng. Sau này khi về nước, vị lãnh đạo đã nhiều lần mời ông sang hướng dẫn cách luyện Yoga cho bạn.


Cùng xem video biểu diễn của thầy Nguyễn Thế Trường

Đã từng định quyên sinh

Thế nhưng ít ai biết Nguyễn Thế Trường (sinh năm 1934 tại Bắc Ninh) vốn là một bệnh nhân hen mãn tính. Theo lời ông kể, thủơ nhỏ, Nguyễn Thế Trường là đứa trẻ ốm yếu, có “hộ khẩu thường trú” tại các trạm xá, bệnh viện. Bệnh hen mãn tính của ông nặng đến mức, chỉ cần ăn phải hạt ớt cay hay ngửi thấy mùi ẩm mốc là cơn hen lại kéo lên cơn. Mỗi lần như thế, bất kế nửa đêm hay gà gáy, gia đình lại phải đưa ông đến bệnh viện.

Bố mẹ ông chạy chữa đủ đường. Ai mách gì thì theo nấy, nhưng tất cả đều vô hiệu. Bệnh hen đeo đuổi ông như hình với bóng. Nhất là giai đoạn chiến tranh, do kinh tế khó khăn, lo nghĩ căng thẳng, công việc vất vả nên bệnh cứ nặng dần. Ao ước lớn nhất của chàng thanh niên Nguyễn Thế Trường lúc đó không phải là nhà cao, cửa rộng hay danh vọng mà anh chỉ ước được thở... bình thường.
Những ngày ốm đau, anh mới thấm thía câu nói của cổ nhân: “Trong ba nỗi bất hạnh lớn nhất ở đời thì một là tật bệnh, hai là tuổi già và ba là con hư”. Có vị bác sĩ đã nói thẳng với anh: “Bệnh của anh không chữa được đâu. Khi nào anh lên cơn thì tôi cắt cơn cho anh thôi”. Khi đó, anh đã từng định quyên sinh. 
Trong những ngày vật lộn với bệnh tật, Nguyễn Thế Trường chợt nhớ đến cuốn sách dạy Yoga mà các bạn Trung Quốc đã tặng khi anh sang đó tu nghiệp. Đó là một cuốn sách mỏng khoảng 60 trang, viết bằng chữ Hán cổ có hình minh họa. Anh lục ra đọc kỹ và nảy ý định tập Yoga để tự chữa bệnh cho mình.
Từ buổi đó, lặng lẽ, kiên trì, ông tập dần các động tác, tư thế: nến, cá, kìm, rắn, chấu, cung... từ dễ đến khó. Phương pháp chữa là kết hợp giữa luyện tập Yoga và dùng các loại thuốc théophiline, éphédrine... Cứ mỗi khi cảm thấy gần lên cơn là Nguyễn Thế Trường lại uống thuốc và tập. Liều lượng tập tăng lên và liều lượng thuốc giảm dần. Các lần lên cơn cũng thưa dần. Nhờ kiên trì tập luyện Yoga, bệnh hen của Nguyễn Thế Trường giảm dần rồi cắt hẳn.

Tham gia soạn thảo bộ tu thư nổi tiếng
Ở tuổi 70, Nguyễn Thế Trường vẫn khoẻ mạnh như một chàng trai 30 tuổi. Ông vẫn có thể dùng một tay xách bao xi măng rồi bước đi băng băng hay trồng cây chuối hàng giờ. Vẫn rèn luyện cơ thể bằng cách dồn hết phủ tạng lên phía ngực, đến mức nhìn từ phía bụng thấy rõ từng đốt xương sống. Thế nhưng ít ai biết rằng ông đồng thời là một nhà khoa học đích thực.
Năm 23 tuổi, ông đã vinh dự cùng với các nhà khoa học lừng danh khi đó như các cụ Hoàng Ngọc Phách, Ngô Tất Tố, Vũ Đình Liên do giáo sư Hoàng Tuỵ làm tổ trưởng, soạn bộ tu thư nổi tiếng trong nền giáo dục nước nhà.
Thông thạo 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và đọc thông, viết thạo 3 ngoại ngữ là tiếng Lào, Inđi và tiếng Phạn cổ, ông còn là tác giả, dịch giả và tác giả biên soạn của 35 cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực.

Cách đây 10 năm, ông đã được Nhà nước Campuchia tặng thưởng huân chương vì đã cùng với một số đồng nghiệp nước bạn soạn bộ từ điển đồ sộ về tâm lý giáo dục đối chiếu 4 ngữ: Việt, Pháp, Nga, Khơme. Năm 2004, ông cho xuất bản cuốn sách được coi là cẩm nang cho bạn trẻ bước vào thế kỉ XXI:Hành trang thời đại kinh tế tri thức.
Năm 2006, nhà khoa học Nguyễn Thế Trường dự định biên soạn một cuốn sách về các danh nhân thế giới và một cuốn về kinh tế toàn cầu.

Dân trí - Bùi Hoàng Hạnh Vân
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn