Du khách bị… “chặt chém” tơi bời!

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011
Nhiều khách du lịch đến Nha Trang, nếu không có “thổ địa” chỉ dẫn, dễ thành con mồi ngon của những tay cò: cò ăn uống, cò mua sắm, cò nhà nghỉ… Khi nhận ra mình bị “sập bẫy” thì đã quá muộn!
Tình trạng này vô hình trung đã tác động không nhỏ đến thương hiệu “Nha Trang - Khánh Hòa văn minh và thân thiện” mà địa phương đang nỗ lực xây dựng trong suốt những năm qua…

Kỳ 1: Nghệ thuật “chặt chém”!

Những ngày giữa Hè, từ chập tối đến 1 - 2 giờ khuya, nhiều quán nhậu hải sản trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang) vẫn tấp nập xe taxi và đông nghịt khách. Du khách đến thành phố biển ngoài việc nghỉ dưỡng còn tìm đến các hàng quán để thưởng thức đặc sản của Nha Trang. Thế nhưng, họ không thể ngờ rằng, mình đang tự nguyện “đưa cổ” cho những hàng quán này…“chém” đẹp.
.
Sự nhiệt tình đáng ngờ

Trong vai là những du khách vừa “chân ướt, chân ráo” đến thành phố biển, 21 giờ khuya một ngày giữa tuần, từ sảnh một khách sạn ở đường Phạm Văn Đồng thuộc phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang, chúng tôi gọi một chiếc taxi của hãng M.L. Vừa lên xe, chúng tôi ngỏ ý muốn đi ăn hải sản ở Nha Trang. Ngay lập tức, tài xế gợi ý: Nếu nhậu hải sản thì ở Nha Trang chỉ có quán M.Đ. (đường Phạm Văn Đồng, Nha Trang). Sau khi nghe chúng tôi nói, trên đường này có quán C.H cũng nổi tiếng, vừa ngon vừa rẻ, vừa đúng lúc xe chạy qua quán này, anh tài xế phán: “Đây, quán đó đây (quán C.H), quán này toàn hàng đông lạnh thôi. Qua M.Đ, nhà nó có ghe đi biển nên có đồ tươi, địa bàn nó lại rộng, chế biến còn ngon nữa…”. Nghe “quảng cáo” hấp dẫn, chúng tôi xiêu lòng, quyết định đến quán M.Đ ăn hải sản.

< Vào giờ cao điểm, quán M.Đ luôn có hàng chục chiếc taxi đưa khách du lịch tới ăn nhậu.

Đã hơn 21 giờ khuya mà quán này vẫn đông nghịt khách. Ngoài cửa, hàng chục chiếc taxi tấp bên lề đường để đưa đón khách. Tại quán nhậu này, trên bàn không hề có thực đơn, bảng báo giá. Hỏi nhân viên, anh này trả lời: “Anh đến chọn trực tiếp hải sản ở khu vực bếp, ở đó sẽ có người báo giá trực tiếp”. Tiếp cận khu vực trưng hàng hải sản của quán M.Đ luôn có một người phụ nữ báo giá cho du khách. Khi hỏi đến giá các loại hải sản, chúng tôi nhận thấy, đối với món ốc hương, giá bèo cũng là 350 nghìn đồng/kg, mực (đã chết) 280 nghìn đồng/kg… Giá món nào cũng cao, mà theo như một người bạn đi cùng, gần gấp đôi so với một số quán khác. Nhưng lỡ vào rồi, không lẽ lại đi ra, vì thế chúng tôi quyết định chọn lấy một món ăn khá bèo là mực lá nướng.

Trong khi chờ đợi món nhậu, chúng tôi đã làm quen với một thực khách ở bàn bên cạnh. Ngày 26-7, ông Nguyễn Khương (40 tuổi), cùng vợ, 2 con và hai người khác từ tỉnh Sóc Trăng đi máy bay đến Cam Ranh rồi tiếp tục đi taxi đến Nha Trang và lưu trú ở một khách sạn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Là một người thành đạt trong lĩnh vực xây dựng, hàng năm, cứ vào dịp Hè, ông Khương lại cùng gia đình đến Nha Trang nghỉ dưỡng. Ông Khương chia sẻ: “Cảnh Nha Trang đẹp, nhưng đồ ăn thì giá cao quá”. Với 6 suất ăn, ông Khương nhẩm tính đã “ngốn” mất trên 1,5 triệu đồng, chưa kể thức uống. Ông Khương nói, đồ ăn ở đây khá ngon nhưng lại cao hơn ở quê ông từ 30 - 40%. Ông Nguyễn Khương cho biết thêm, ông cùng gia đình đến quán M.Đ là vì được taxi của hãng M.L đưa đến.

Vừa ăn chúng tôi vừa nghĩ: tại sao trong thành phố có rất nhiều quán nhậu hải sản nhưng cánh taxi có vẻ lại “kết” mỗi quán M.Đ? Sự “nhiệt tình” đáng ngờ của cánh taxi khiến chúng tôi nghi ngờ và quyết định phải tìm ra sự thật.

< Đã 22 giờ khuya, nhưng quán nhậu C.K trên đường Phạm Văn Đồng vẫn đông nghẹt khách.


Đến "nghệ thuật móc túi"

Tại khu vực đường Phạm Văn Đồng có đến trên dưới 30 nhà hàng, quán nhậu hải sản. Theo như quảng cáo thì tất cả đều là các hàng quán hải sản tươi sống. Mất khá nhiều thời gian tiếp cận với nhiều quán, chúng tôi cũng đã tìm ra câu trả lời. Q. - một nhân viên chạy bàn của quán C.K, đường Phạm Văn Đồng đến từ Đại học Nha Trang tiết lộ: “Bà ấy (chủ quán C.K) chi tiền cho taxi nên quán mới đông khách như vậy anh ạ. Mỗi chuyến taxi đưa khách đến, sau khi “ổn định” chỗ ngồi nhậu, cánh taxi sẽ được bà chủ chi tiền. Mỗi “đầu người” là 50 nghìn đồng, nếu taxi chở đến nhiều khách hơn thì số tiền so với “đầu khách” có thể giảm xuống”. Việc chi tiền cho cánh tài xế taxi cũng đã được bà A. thừa nhận. Bà A. gợi ý, nếu chúng tôi đi cùng đoàn đến nhậu ở quán C.K thì nên đi theo xe của đoàn và giá cả cũng sẽ “mềm” hơn. Ngoài ra, người dẫn đoàn khách đến quán này ăn nhậu cũng sẽ được chi tới 15% tổng hóa đơn thanh toán.

Việc chi đến vài chục nghìn đồng trên một “đầu khách” cho cánh taxi đã khiến một số hàng quán luôn đông nghịt khách, còn các hàng quán không chi cho cánh taxi thì luôn ế ẩm. Chính điều này đã tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh và đẩy giá thực phẩm, đặc biêt là hàng hải sản lên đến “tận mây xanh”, khiến các thực khách chỉ biết bấm bụng kêu trời. Q. cho rằng: Khách đi taxi đến quán C.K luôn bị “chém” đẹp. Đặc biệt là những khách VIP. Ví dụ, họ yêu cầu làm một con tôm hùm, bình thường thì bán giá 1,4 triệu đồng/kg (là quán đã có lãi khoảng 200 nghìn đồng), nhưng hiện nay bà chủ quán C.K đã “đẩy” giá lên đến 1,7 triệu đồng/kg.

Ngoài ra, nhiều hàng tôm, cua, ghẹ sống cũng đôi khi bị nhà bếp tráo hàng. Khách chọn từ những con tôm, cua, ghẹ tươi sống, “bơi” trong bể nhưng khi nhà hàng mang lên bàn nhậu lại là một sản phẩm hoàn toàn khác. Bên cạnh đó, việc cân, đong, đo, đếm của các hàng quán này thực sự “có vấn đề”.

< Tuy có nhiều món ăn ngon, địa bàn đẹp, nhưng đến 18 giờ một ngày giữa tuần, quán nhậu hải sản O.X trên đường Phạm Văn Đồng vẫn đìu hiu.

Bà D. một chủ quán cho chúng tôi biết: “Có lần quán M.Đ vì hết hàng nên chạy sang quán tôi “mượn” một con tôm hùm nặng 1,2kg để bán cho thực khách. Ngày hôm sau, khi tôi sang lấy thì họ trả một con tôm hùm và đưa lên cân để xác định trọng lượng sao cho tương xứng. Họ cân bằng cân của họ con tôm hùm này nặng đến 1,5kg nhưng chủ quán M.Đ vẫn vui vẻ và nói: “Em cứ mang về đi”. Mang con tôm hùm về quán, bà D. cân lại thì thấy con tôm này chỉ có 1,2kg!

Quán nào cũng có bảo kê?

Khác với quán M.Đ mở cửa đón khách từ buổi trưa, quán C.K chỉ mở cửa vào buổi chiều tối đến 1 - 2 giờ sáng ngày hôm sau nhưng mỗi ngày có doanh thu đến vài chục triệu đồng. Q. cho chúng tôi biết: “Bà ấy (bà A. chủ quán C.K) cho em biết, trong hai ngày giữa tuần vừa qua, bà có doanh thu trên 140 triệu đồng. Còn quán M.Đ thì doanh thu cao hơn nhiều”. Để quán hoạt động được bình thường, quán C.K có một người tên H. đứng ra “bảo kê”.

Hè năm nay, theo gót bà H. là một đám đàn em có “số má” vào làm việc cho quán C.K. Tuy nhiên, kể từ có đám đàn em của H. xuất hiện khiến nhân viên của quán này bị o ép và mất đi một phần thu nhập vì không có “tiền bo” của khách VIP. “Ngày trước bọn em làm ăn thoải mái lắm, nhưng nay hễ có khách giống VIP là chúng nó (đàn em của bà H.) nhận chạy bàn trước”. Được bà H. “bảo kê”, cánh đàn em của bà H. ngày càng “lộng hành”, Q. thổ lộ vẻ bực tức. Không chịu được cảnh bị chèn ép, cuối tuần qua, Q. tập hợp anh em lại và đánh nhau với cánh đàn em bảo kê của bà H. một trận tơi tả!

< Chỉ với 6 người ăn, trong đó có 2 trẻ nhỏ, nhưng ông Nguyễn Khương ở Sóc Trăng đã phải móc túi hơn 1,5 triệu đồng. 

Đó là chuyện “hậu trường” của các quán nhậu. Đằng sau sự ăn nên làm ra của một số quán hải sản có những điều mà du khách không thể biết được. Kiểu sống “cộng sinh” giữa chủ quán và cánh tài xế taxi, xe ôm, xích lô… đã khiến nhiều du khách bất đắc dĩ trở thành “con mồi” để các quán này tha hồ “chặt chém”! Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu “Nha Trang - điểm đến văn minh, thân thiện” khi nhiều du khách… một đi không trở lại! Chúng tôi được biết, du khách còn bị “chặt chém” khi đi mua đồ lưu niệm, các món đặc sản và một số dịch vụ khác…

Theo ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh: Nếu các hàng quán bán hàng không đúng giá niêm yết thì cơ quan chức năng có thể can thiệp và xử phạt. Nhưng thực tế việc thực hiện là rất khó, vì vậy, khi thanh toán hóa đơn, nếu khách hàng nhận thấy bị đẩy giá lên quá cao có thể báo cho cơ quan chức năng để có các biện pháp xử lý. Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh có phối hợp với một số ban ngành để kiểm tra 500 cân ở chợ Đầm, chợ Xóm Mới và chợ Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) nhưng đối với các nhà hàng thì chưa làm được.

Về trường hợp các nhà hàng, quán ăn chi tiền cho taxi, theo ông Nguyễn Minh Sô, Chi cục không can thiệp được vì “hiện nay cái gì người ta cũng chi “hoa hồng””, rất khó giải quyết!

(Còn tiếp)

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo báo Khánh Hoà

Những chiêu chặt chém du khách có một không hai
Để không bị “chặt, chém” khi hành hương
Lễ hội chùa Hương: Đấu thầu càng nóng, "chặt chém ...
Hãy học cách làm du lịch của Campuchia
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn