Người dùng iOS trung thành với ứng dụng hơn người dùng Android

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012
Từ khi Apple công bố iPhone năm 2007 đến nay đã có rất nhiều các nhà phát triển cùng chung tay với họ tạo dựng nên một hệ sinh thái với hàng trăm ngàn ứng dụng khác nhau, từ game đến các phần mềm chia sẻ hình ảnh và cả ứng dụng quản lý, chẩn đoán sức khỏe. Tính đến tháng 6/2012, App Store đã đạt 30 tỷ lượt tải ứng dụng, với 650.000 thư viện ứng dụng có sẵn. Bên cạnh đó, Google Play Store với khoảng 500.000 ứng dụng cũng đã có hơn 15 tỷ lượt tải về.


Nói đến ứng dụng di động, người ta thường nhắc đến 2 kho ứng dụng của 2 gã khổng lồ là Apple với App Store và Google với Play Store (Market). Theo một nghiên cứu gần đây thì người dùng iOS trung thành với các phần mềm của họ hơn người dùng trên Android.

Có thể dễ dàng nhận ra các bên phát triển ứng dụng đã liên tục nỗ lực quảng bá cho ứng dụng của mình nhằm thu hút người dùng để gia tăng lượt tải về. Tuy nhiên, chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá sự thành công của một ứng dụng chính là tỉ lệ quay lại (theo nhận định của Raj Aggarwal, giám đốc điều hành của Localytics, một công ty chuyên phân tích về các ứng dụng di động ở Cambridge, Mỹ). Đối với nhiều nhà phát triển, miễn phí ứng dụng của mình chỉ là một chiêu bài nhằm thu hút lượt tải về, lợi ích thu được chính là việc khuyến khích người dùng giao dịch bên trong ứng dụng (in-app purchase) hoặc xem quảng cáo (dễ thấy nhất là các tựa game của Rovio và EA trên Android). “Tần suất quay lại ứng dụng càng cao, số giao dịch trong ứng dụng sẽ càng nhiều”, Ông Aggarwal nói.
Tỉ lệ quay lại: tần suất người dùng mở lại một ứng dụng nào đó đã cài trong máy. Mốc chuẩn ở đây là từ 11 lần trở lên trong thời gian 9 tháng.
Localytics đã làm một phân tích về thói quen của người dùng trên hơn 60 triệu thiết bị di động, kể cả smartphone và máy tính bảng, với danh sách hơn 10.000 ứng dụng bao gồm 2 nội dung chính: mức độ thay đổi về tỷ lệ quay lại trong năm 2011 so với năm 2010 và mức độ trung thành (dựa trên tỷ lệ quay lại) của người dùng giữa 2 nền tảng iOS và Android.
Kết quả nghiên cứu của Localytics đối với nội dung thứ nhất cho thấy, trong năm 2011, có khoảng 31% số người được khảo sát đã mở ứng dụng của họ nhiều hơn 11 lần trong suốt 9 tháng, tỷ lệ này cao hơn 26% của năm 2011. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá thấp khi có đến 69% còn lại chỉ sử dụng những ứng dụng đó dưới 10 lần, thậm chí có đến hơn ¼ (26%) số người chỉ mở ra có một lần duy nhất sau khi cài đặt. Chắc là họ tải phần mềm đó vì tò mò là chính (miễn phí mà) và xóa ngay sau khi thử vì thấy không cần thiết.
Đối với nội dung thứ 2, khi so sánh 2 nền tảng phổ biến nhất hiện này là iOS và Android đã cho thấy, người dùng iPhone và iPad có mức trung thành gấp rưỡi người dùng Android. Khoảng 35% người dùng iOS mở ứng dụng 11 lần hoặc hơn, trong khi với Android chỉ là 23%. Aggarwal cho rằng sự khác biệt có thể do các nhà phát triển viết ứng dụng cho iOS trước, rồi sau đó mới chuyển sang Android, dễ khiến cho người dùng có suy nghĩ ứng dụng bên iOS ổn định và nhanh hơn, cũng như tâm lý “ứng dụng luôn có trên iOS trước tiên”.
Trong khi ngành công nghiệp in ấn đang trên đà bị suy thoái (bởi các ứng dụng đọc tin tức trên thiết bị di động) thì phân tích của Localytics cũng cho thấy có vài tín hiệu khả quan ở lĩnh vực này. Các ứng dụng đọc tin tức như The New Yorks Time và The Wall Street Journal có tỷ lệ quay lại cao nhất, với hơn 44% người dùng. Các trò chơi (như Angry Birds), giải trí (như Netfix) và thông tin thể thao (như ESPN ScoreCenter) đều có tỷ lệ quay lại từ 33% đến 36%. Nhưng những phần mềm về đời sống, kể cả ứng dụng thương mại điện tử và lên lịch hẹn lại có tỷ lệ quay lại thấp nhất, chỉ khoảng 15% người dùng mở ứng dụng trên 11 lần và khoảng 30% chỉ mở ra có một lần.
Theo Tinh Tế
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn