Những sai lầm lớn nhất của các đối thủ định cạnh tranh với iPad

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012
Từ HP, Motorola cho đến RIM, tất cả các OEM lớn trên thế giới đều đã cho ra mắt tablet của riêng mình. Có một sự thật là cho đến thời điểm này, vẫn chưa có bất cứ một tablet nào có thể làm Apple phải để tâm chứ đừng nói là cạnh tranh với iPad. Có nhiều lý do khiến các đối thủ thất bại trước Apple. Ngoài sự xuất sắc của Apple, các đối thủ còn gặp chung một số sai lầm lớn dẫn đến sự thất bại thảm hại trước iPad.
Không thể hiện được định vị rõ ràng, khác biệt
iPad là tablet đầu tiên trên thị trường và thực sự, nó cũng như bao sản phẩm khác của Apple – luôn rất xuất sắc và đáp ứng hầu như hoàn hảo nhu cầu của người dùng. Thật khó để tìm ra một điểm thích đáng để “chê” iPad. Nhắc đến tablet, thời gian đầu, người ta hầu như chỉ biết đến iPad.
Các OEM tất nhiên không thể không nhìn thấy cái lợi khổng lồ của thị trường này. Họ nhảy vào thị trường sản xuất tablet. Trước sức ép về thời gian, sự thúc giục của các cổ đông… đa số các công ty đã quá vội vàng, thiếu cân nhắc tính toán kỹ lưỡng trước khi “ra tay”. Kết quả của thời gian nghiên cứu ngắn, mù mờ là họ cho ra mắt những chiếc tablet “hao hao” với sản phẩm của Apple từ thiết kế, tính năng cho đến mục đích sử dụng và giá cả. Lấy ví dụ như TouchPad của HP hay Xoom, đại khái thì hình dáng cũng giống iPad (hình chữ nhật 4 cạnh bo tròn), sử dụng các ứng dụng di động, chủ yếu dùng cho mục đích giải trí… và giá thì gần như hoặc thậm chí cao hơn iPad.

Trừ những người cực ghét iOS, có lý do nào để học chọn TouchPad hay Xoom hay bất cứ tablet tương tự nào khác để thay thế iPad không? Câu trả lời có lẽ là không. Các hãng chắc chắn sẽ tiếp tục thất bại nếu chọn con đường cạnh tranh với iPad mà sử dụng định vị giống hệt Apple như thế này. Là vì,
Apple có quá nhiều lợi thế
Tại sao các hãng không thể cạnh tranh với Apple iPad trực tiếp như vậy. Bởi đơn giản Apple có quá nhiều lợi thế:
Thứ nhất, thương hiệu. Không một thương hiệu công nghệ nào cho đến thời điểm này có thể cạnh tranh với Apple. Dường như logo quả táo trở thành “license to print money”, đảm bảo chất lượng, doanh số… Số lượng và độ trung thành của khách hàng với thương hiệu quả táo là khổng lồ, bất khả cạnh tranh.
Thứ hai, khả năng và tính hiệu quả trong việc sản xuất. Với lợi thế số máy bán được lớn, chi phí của Apple trên mỗi đầu máy sẽ nhỏ hơn các đối thủ (xem thêm tại đây). Chưa kể những lợi thế lớn của Apple trong việc đàm phán mua nguyên liệu, gia công… Dưới bàn tay tài tình của Tim Cook, quy trình sản xuất của Apple đã đạt đến độ hoàn hảo và chắc chắn không có một ai có thể sản xuất một chiếc tablet tốt như iPad mà giá thành thấp hơn đủ để cạnh tranh.
Thứ ba, hệ thống phân phối. Hệ thống Apple Store lớn nhất thế giới, quan hệ với các hãng bán lẻ, quan hệ tốt với các nhà mạng và đặc biệt là hệ thống phân phối cá thể (các cửa hàng xách tay, các cửa hàng phân phối không chính thức…) giúp cho iPad có một kênh phân phối cực rộng, không một ai có khả năng thiết lập một kênh phân phối lớn thế để cạnh tranh với Apple.
Cuối cùng, Apple nắm một lợi thế mà không ai khác có được: nắm trong tay cả hệ điều hành, quy trình sản xuất, phần cứng và hệ sinh thái của HĐH. Điều này tạo điều kiện cho họ cho ra mắt sản phẩm tốt, hoàn hảo và cho người dùng trải nghiệm tốt nhất.
Đặt sai ưu tiên
Triết lý làm sản phẩm của Steve đến thời điểm này vẫn chứng minh nó là đúng nhất. Người dùng đa phần không cần một sản phẩm có quá nhiều tính năng, quá nhiều tùy chỉnh… họ cần một sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu cơ bản và dễ dùng.
Nhưng Android lại đặt những ưu tiên khác lên cao hơn và các nhà sản xuất khác cũng vậy. Như RIM chẳng hạn, Playbook của họ quá sa đà vào câu chuyện bảo mật dẫn đến việc khiến người dùng mệt mỏi. Ai thích thú gì với việc bạn phải sử dụng smartphone đồng thời để dùng được hết các tính năng quan trọng của chiếc tablet?
Chia rẽ
Hãy nhớ về các cuộc lật đổ. Nokia và Symbian lật đổ được Windows Mobile đơn giản là vì các nhà sản xuất khi đó thống nhất được với nhau. Câu chuyện cũng vậy thời Android điện thoại. Hay xa hơn và hơi khác một chút là cái cách mà Windows thành công. Lịch sử đã chứng minh mãnh hổ nan địch quần hổ.
Nhưng, câu chuyện của Android đặc biệt là tablet không như vậy. Mỗi nhà sản xuất có một mục đich của riêng mình, mỗi nhà sản xuất lại có một ưu tiên và còn lâu mới có chuyện họ ngồi lại với nhau. Hãy nhìn cái cách Amazon hay Samsung dù dùng Android nhưng lại cho ra market của riêng mình là đủ rõ. Điều này kéo đến câu chuyện phân mảnh khủng khiếp, một nhát dao chí mạng cho Android.
Kết
Có lẽ, các CEO của Nokia, Samsung, RIM thừa giỏi để nhận ra điều này. Có điều trong vị trí của họ, trước quá nhiều áp lực, đặc biệt từ các ông chủ và sự khủng khiếp của Apple, không có lựa chọn khác cho họ.
Trong kỳ tới, chúng ta sẽ bàn tới lối thoát cho những công ty trên.
Theo Genk
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn