Ford Mustang V6 Premium: Phấn khích cùng ngựa hoang thuần khiết

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012



Ra đời vào mùa xuân năm 1964 và trải qua gần 60 năm phát triển, Ford Mustang gần như đã trở thành một biểu tượng của sức mạnh và lịch sử lâu đời cho một dòng xe hai cửa vốn không phải hãng xe nào cũng có thể làm được. Trải qua năm thế hệ, Ford Mustang luôn được xếp vào hạng xe “hai cửa cơ bắp” vốn được dùng để ám chỉ những mẫu xe thể thao sử dụng động cơ có dung tích và momen xoắn lớn. Điều đó quả là không sai khi mà chàng lực sĩ mà phóng viên Autopro nhắc đến trong bài viết được trang bị động cơ 3.0L V6, có dung tích xy lanh cụ thể là 4.009cc cùng tỉ số nén 9.7:1 đạt công suất cực đại 210 mã lực tại vòng tua 5.300 vòng/phút và nhanh chóng đạt momen xoắn lớn nhất là 325Nm ngay từ vòng tua máy 3.500 vòng/phút. Đây là một trong hai mẫu xe Ford Mustang được nhập khẩu về Việt Nam thuộc model 2008 và là phiên bản Premium trong 11 phiên bản của gia đình Mustang có giá bán tại nước ngoài cho cấu hình tiêu chuẩn khoảng 25.800 USD.


Tuy nhiên từ model 2011 trở đi, phiên bản V6 Premium chỉ được trang bị động cơ 3.7L nhưng lại có công suất cực đại lớn hơn ở mức 305 mã lực cùng momen xoắn lớn nhất ở mức 380 Nm. Điều đó chứng tỏ cho chúng ta thấy được không phải động cơ nào có dung tích xy-lanh lớn đều mạng lại hiệu suất cao. Ngoài ra khối động cơ mới còn đi kèm với hộp số tự động 6 cấp thay cho hộp số tự động 5 cấp như ở phiên bản Ford Mustang 2008.


Suốt 60 năm qua, ngoại hình của Ford Mustang được cho là vẫn giữ được doanh số bán hàng ổn định và phát triển qua 5 thế hệ, đây có lẽ là điều mà rất ít mẫu xe nào có thể làm được. Có chiều dài tổng thể 4.778mm, chiều rộng 18.77mm và chiều cao 1.412mm. Chiều dài cơ sở ở mức 2.720mm. Ít ai biết rằng cái tên Mustang bắt nguồn từ tên gọi một giống ngựa hoang và ở thế hệ Mustang thứ năm, bắt đầu từ năm 2004 cho đến nay mẫu mã này ký hiệu dưới tên mã S-197 và được phát triển dưới sự chỉ đạo của kỹ sư trưởng Tăng Thái Hậu (là người Mỹ, gốc Việt) và nhà thiết kế ngoại thất Sid Ramnarace. Được đặt với cái tên “tương lai đến từ quá khứ” nên mẫu xe này sở hữu ngoại hình với nhiều đường nét mang hơi thở của thập niên 60.


Phần đầu xe với nắp ca-pô trải dài cùng đường gân nổi lên chính giữa là điểm tăng vẻ sức mạnh cho chiếc xe, cụm đèn pha tròn phía trước kết hợp với lưới tản nhiệt dạng tổ ông thể hiện sự lì lợm và bền bỉ của chiếc xe ngay từ bên ngoài. Phần mui xe vuốt lên rồi nhanh chóng hạ xuống tìm điểm kết thúc ngay tại điểm cuối của đuôi xe vốn là đặc trưng của những dòng xe hai cửa thập niên 60. Phần đuôi xe vuông vắn cùng cụm đèn hậu cũng rất đơn giản tông màu đỏ. Xe được trang bị vành la-zăng 5 chấu, hợp kim nhôm đúc cùng bộ lốp có kích thước P215/60 R17.


Để tương đồng so với ngoại hình bên ngoài, các kỹ sư đã thiết kế đã tạo cho nội thất của chiếc xe một không gian mang đậm chất hoài cổ chủ yếu là những đường nét vuông góc, không có những chi tiết rườm rà. Thể hiện sự đơn giản nhưng trang bị đầy đủ những thiết bị cơ bản của một chiếc ô tô như hệ thống điều hòa không khí hai chiều cùng hệ thống giải trí với dàn loa đến từ nhãn hiệu Shaker 500. Vô-lăng ba chấu thể thao cùng bảng đồng hồ trung tâm hiển thị với đồng hồ đo tốc độ và đồng hồ đo vòng tua máy với kiểu số thanh và cao. Những tấm kim loại ốp ở bảng tap-lô trước cùng bốn cửa gió điều hòa mang nhiều ý tưởng từ cánh quạt máy bay mang nhiều vẻ cứng cáp và tạo nên điểm nhấn cổ điển bên trong chiếc xe.


Cảm giác thoải mái và dễ dàng tìm thấy vị trí ngồi lái hợp lý nhưng một không gian để chân gò bó cho hàng ghế sau là những cảm nhận ban đầu. Ngay khi khởi động, sau cảm giác rùng mình của khối động cơ V6 3.0L bạn sẽ nhanh chóng có cảm giác hồi hộp và đôi chút lo lắng khi chuẩn bị cầm cương chú ngựa ngoang 210 mã lực cùng sức kéo 325 Nm này. Sở hữu trọng lượng lên tới gần 1,9 tấn cùng hệ thống treo độc lập MacPherson khiến Ford Mustang có khả năng linh hoạt khi di chuyển trong phố đi kèm với cảm giác đầm xe, nhẹ nhàng khi đi qua ổ gà. Nắp ca-pô dài là điều khiến bạn cũng sẽ mất vài phút điều khiển để làm quen với cảm giác lái của Ford Mustang. Vô-lăng nhẹ và tạo sự thoải mái khi di chuyển ở tốc độ thấp là điểm cộng cho mẫu xe này.


Nhưng hầu hết những người ngồi sau vô-lăng của Ford Mustang đều không muốn điều khiển chúng như những chiếc xe thông thường. Tại điều kiện phi tiêu chuẩn ở Việt Nam, chiếc xe mất 7,5s để có thể tăng tốc từ 0-100 km/h. Nhà sản xuất đã rất khéo léo khi không chỉ làm tốt nhiệm vụ cách âm mà vẫn có thể cho người lái cảm giác hưng phấn từ âm thanh của động cơ vọng vào cabin khá trầm khi bạn đẩy vòng tua máy lên cao. Còn nếu bạn muốn vui đùa, Ford Mustang cũng luôn sẵn sàng đón tiếp ngay khi bạn muôn. Chỉ cần đạp chân ga sát ván, động cơ lập tức hoạt động ở dải vòng tua 3.500-5.000 vòng/phút, ngay lập tức hệ thống dẫn động cầu sau bị phân bổ momen xoắn lớn sẽ làm cho lốp xe ma sát ngay tại chỗ tạo nên những tiếng két chói tai. Bạn cũng có thể di chuyển ở tốc độ khoảng 50 km/h sau đó đánh lái gấp và nhồi thêm ga, đuôi xe của bạn lúc này sẽ bị văng và chỉ cần nhả lái théo hướng ngược lại và phân phối chân ga tốt bạn cũng có thể hoàn thành 1 đoạn drift.


Ở tốc độ 60 km/h, Ford Mustang thể hiện những cú đánh lái khá ngọt và gọn nhờ trang bị hệ thống lái điện tử. Tuy nhiên khi chạy ở tốc độ cao và đi qua những đoạn đường có nhiều ổ gà lại tạo cho lái xe cảm giác xóc khá khó chịu. Điểm trừ của mẫu xe này duy nhất có lẽ là do khả năng giảm số chậm tạo cảm giác khó chịu dẫn đến một số trường hợp động cơ gây cảm giác yếu cho người lái. Được trang bị đĩa phanh trước có đường kính 293mm và đĩa phanh sau 300mm cùng hệ thống chống bó cứng phanh ABS giúp Ford Mustang an toàn ở những trường hợp phanh gấp khiến chiếc xe đi theo đúng hướng người lái lựa chọn.

Theo nguồn

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn