Thời điểm này về Sa Huỳnh, Đức Phổ (Quảng Ngãi), du khách sẽ có dịp thưởng thức món nhum chả trứng hoặc thịt heo luộc cuốn bánh tráng chấm mắm nhum - món mắm dân Quảng Ngãi từng đem tiến vua.Theo những cư dân Sa Huỳnh, nhum có nhiều loài như nhum đen, nhum bắn và nhum sò. Trong các loài này, nhum đen sống khá nhiều ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi và nhiều nhất là vùng ghềnh đá xã Phổ Thạnh, Phổ Châu, Đức Phổ.
Nhum có hình thù giống quả chôm chôm hình dẹt, nếu không cẩn thận khi bắt gai nhum sẽ đâm vào tay gây đau nhức. Nhum bám vào ghềnh đá ở độ sâu chừng bốn sải nước và ăn rong rêu. Có thể tìm thấy chúng quanh năm, nhưng cư dân địa phương chỉ khai thác nhum vào mùa sinh sản, tức từ tháng 2 đến hết tháng 5 âm lịch, bởi mùa này nhum có nhiều trứng và “cơm” dày hơn. Khi trời lập thu, những cơn mưa chiều trút xuống biển thì dừng lại hẳn.
.
Nghề săn nhum rất đơn giản với một thúng chai, một kính lặn và một que sắt. Sau khi bơi thúng ra vùng ghềnh sạn, thợ săn nhum hít một hơi dài rồi lặn xuống những ghềnh đá, dùng que sắt khều nhum ra khỏi kẽ rồi nhẹ nhàng bắt chúng cho vào bao. Do cách săn bắt thủ công nên một ngày lặn bắt cật lực, lượng nhum bắt được đem về chế biến cũng chỉ chừng một lít mắm.
Nhum bắt được dùng dao bổ đôi rồi lấy mảnh tre cật cào múi nhum, trứng nhum cho vào tô. Nếu làm món chả trứng nhum thì bỏ thêm quả trứng, ít tiêu đem đánh nhuyễn rồi bắt xoong lên tráng, xong cho vào đĩa phủ thêm ít rau thơm. Nếu nấu cháo chỉ cần lấy trứng nhum, múi nhum đánh nhuyễn bỏ thêm một ít hành, tiêu. Khi cháo chín thì đổ nhum vào chờ sôi lại là dùng.
Du khách đến Sa Huỳnh bơi trong nước biển xanh biếc, đi dạo dọc bãi cát, đến khi đói bụng làm bát cháo nhum để mồ hôi xuất ra là thấy nhẹ người. Món chả trứng nhum hay cháo nhum đều thích hợp với người già và trẻ em bởi dễ tiêu, mát và giàu dinh dưỡng. Tuy vậy món mắm nhum mới là “đệ nhất” mắm, là món khoái khẩu. Dưới triều Nguyễn, mắm nhum là một trong những sản vật tiến vua hằng năm.
Đại Nam nhất thống chí - quyển 8 (tỉnh Quảng Ngãi) mục thổ sản, chép: "Mắm nhum - sản vật ở các đảo ngoài biển, khoảng đời Minh Mạng đặt "hộ" mắm nhum 5 người, mỗi năm phải nộp 12 cân mắm..." Nghĩa Sâm (sâm miền núi Quảng Ngãi nay đã tuyệt giống) và mắm nhum là hai thổ sản ở Quảng Ngãi triều đình đặt "hộ" và bắt buộc phải cống bằng vật, không được dùng tiền để thay. Vì lẽ này, mắm nhum còn được gọi là "mắm tiền" hay "mắm tiến".
Nhum đem về bổ đôi, dùng mảnh tre cào ra tô, bỏ muối Sa Huỳnh - loại muối có vị mặn dìu dịu chứ không mặn gắt - vào đem khuấy nhẹ rồi đổ vào hũ sành để chừng năm ngày sau cho mắm “chín” là có thể dùng được.
Mắm nhum màu gạch sền sệt, ngửi có mùi rong rêu. Thực khách lấy bánh tráng cuốn rau và thịt heo ba chỉ rồi chấm mắm nhum để vị rong rêu mằn mặn tan nơi đầu lưỡi và “đưa cay” với món rượu dầm hải sâm, rượu dầm cá ngựa vốn có nhiều ở xứ này thì không còn gì bằng.
Trong mùa nhum sinh sản, quanh những khách sạn, hàng quán ở Sa Huỳnh, món mắm nhum được bày bán khá nhiều với giá 200.000-250.000 đồng/lít. Du khách có thể mua về để trong tủ lạnh dùng mỗi ngày.
By
EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo Tuoitre, Quangngai, ảnh internet
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn