Kiến trúc nhà Dài - nhà RôngTruyền thuyết kể rằng, tổ tiên của người Ê Đê là ở vùng biển, nên trong tâm thức hay văn hóa, sinh hoạt của người Ê Đê cũng có ảnh hưởng ít nhiều. Người Ê Đê chọn hướng Bắc - Nam để làm cổng chính cho nhà Dài của mình. Vách nhà hẹp dần từ trên xuống, giống như lòng con thuyền cũng thu hẹp dưới đáy...
Thường nhà Dài Ê Đê có hai cầu thang, một là cầu thang Cái - dành riêng cho phụ nữ và khách quý lên xuống. Đỉnh của cầu thang được đẽo giống như mũi con thuyền, phía dưới có một vầng trăng khuyết và bộ ngực phụ nữ tượng trưng cho chế độ mẫu hệ. Cầu thang Đực thường nhỏ hơn rất nhiều và được đặt cách xa phía bên trái (cũng có nhà được thiết kế có nhiều cầu thang Đực) dành cho những người đàn ông trong gia đình lên xuống. Thường bậc của 2 loại cầu thang trên có số lẻ: 3, 5, 7 (người Ê Đê thích nhất con số 7).
Điều thú vị là nếu bạn muốn biết gia đình nào có bao nhiêu con gái, hãy nhìn vào cửa sổ. Nhà nào có bao nhiêu cửa sổ thì có bấy nhiêu con gái, cửa sổ nào đóng kín nghĩa là cô gái ấy chưa bắt chồng, còn cửa sổ nào mở rộng có nghĩa là cô gái ấy đã bắt chồng.
Lễ hiến trâuTrong những dịp trang trọng như mừng chiến thắng, khánh thành nhà Rông, lễ cầu an, lễ xóa điềm gở cho buôn làng, hay hội hè, tết nhất... không thể thiếu lễ đâm trâu - một nghi thức thể hiện lòng tin với các vị thần; đặc biệt là Yàng (Trời). Lễ đâm trâu (hay còn gọi là lễ ăn trâu) thường kéo dài trong khoảng 2 - 3 ngày tại sân trước nhà Rông.
Con Trâu (vật hiến thần) được cột vào gốc nêu bằng dây rừng mềm và dẻo. Ngày đầu tiên của lễ đâm trâu bắt đầu bằng màn nhảy múa, đánh trống, khua chiêng của đồng bào xung quanh cây nêu. Chờ tới khi dân làng tề tựu đông đủ, già làng (có nơi mời thầy cúng) đến đứng gần cột Gingga cất giọng trang nghiêm, cầu khẩn các vị Thần linh về chứng giám tấm lòng thành và nhận lễ vật làng dâng tặng.
Khi tiếng cầu khẩn vừa dứt cũng là lúc âm thanh của cồng, chiêng nổi lên vang động với điệu cổ Juar. Hai trai làng cởi trần đóng khố, tay cầm gươm và tấm khiêng từ phía nhà Rông tiến tới gần cây nêu. Trong tư thế vờn nhau, 2 dũng sĩ cố tìm ra những điểm yếu của đối phương. Bất chợt xuất hiện một nhân vật thứ ba cũng với trang phục dũng sĩ nhưng dáng vẻ oai phong mạnh mẽ hơn nhiều, tay cầm cây mác dài vờn con trâu. Bị khiêu khích, trâu bắt đầu lồng lên trong tiếng reo hò vang động của lũ làng vây chung quanh. Hai dũng sĩ diễn lại cuộc đọ sức với mức độ mỗi lúc một căng thẳng.
Cuối cùng, một trong hai đối thủ đuối sức đành buông gươm và khiên, cúi xuống chịu bại trận. Người thắng trận hiên ngang bước đi trong tiếng ca vang của những người xung quanh. Tiếp theo là điệu múa của các cô gái núi rừng Tây Nguyên và đêm lửa hồng bập bùng.
Bí ẩn si ở buôn ĐônKhắp Buôn Đôn (Đắk Lắk), đâu cũng có những cây si xanh um và mát rượi, giống cây sống dẻo dai và mặc nắng to, mưa lớn, mặc gió bão hay những trận lũ quét ầm ầm từ thượng nguồn sông Sêrêpốk đổ về.
Giờ đến du lịch buôn Đôn, không chỉ được ngắm tận mắt, sờ tận tay và nghe tận tai câu chuyện về tàng si hiếm thấy, bạn còn được đi dạo trên chiếc cầu treo luồn ngoằn ngoèo giữa đám rễ si dài hàng trăm mét kéo hút tầm mắt. Đi giữa “tấm mạng nhện khổng lồ” ấy trong tiếng suối róc rách, bạn còn được nghe tiếng chim K'tia hót láy và đung đưa theo nhịp của chiếc cầu để sang ngắm đảo Ea Nô. Mát và trong vắt, dòng nước từ thượng nguồn đổ về đều bị chùm rễ chia thành những dòng nước nhỏ trôi tiếp về phía xa xa...
Truyền thuyết kể rằng: “Ngày xưa, xưa lắm, có một cô gái Ê Đê bên này sông Sêrêpốk yêu một chàng trai M'Nông bên kia sông. Nhà cô giàu có lắm, bắp đầy nhà, trâu đầy chuồng, ché rượu đầy vách... nên không chấp nhận chàng trai vì nhà chàng nghèo. Để được sống bên nhau suốt đời, cô gái trốn nhà cùng chàng trai. Cha mẹ cô gái sai người đuổi theo và bắt được, nhốt cô vào buồng. Tìm đủ cách nhưng không cứu được cô gái, chàng trai ngồi buồn bã rồi chết ngay bên dòng sông. Một thời gian sau, nơi ấy mọc lên một cây si nhỏ.
Nhận được tin, cô gái xót thương, khóc lóc nhiều ngày nên đổ bệnh rồi cũng hồn lìa khỏi xác bay đi tìm chàng trai. Bỗng một ngày, phía bờ sông bên này cũng mọc lên một cây si nhỏ. Cứ thế, theo từng con trăng, hai cây si lan ra mép nước, vươn ra bờ bên kia để mọc, cuối cùng là chúng mọc đan xen nhau như 10 ngón tay thon nhỏ của cô gái được sự che chở từ 10 ngón tay gân guốc và ấm áp của chàng trai... Lâu dần, lũ làng Ê Đê và M'Nông cũng coi đó như một biểu tượng vĩnh cửu trong tình yêu của con trai, con gái buôn mình...”
Giờ đây, khi đi trên chiếc cầu treo ấy (được làm cách đây 6 năm bằng tre, nứa, lồ ô, dài trên 500m, bắc qua một trong 7 nhánh sông Sêrêpốk), đôi khi người ta vẫn cảm được hay chợt nghe thấy tiếng thì thầm, than vãn của đôi trai gái yêu nhau nhưng bạc mệnh thuở nào...
Hội voi Đắk LắkMỗi khi bước vào hội, voi phải được cúng trước cổng trại mỗi buôn để Yàng (Trời) đuổi con ma đi và mang thêm nhiều sức mạnh tới cho voi và các quản tượng. Ba ché rượu cần ngon nhất, gà, heo con thui (chia ba phần), rượu trộn huyết heo, cơm trăng, gạo sống là những thực phẩm dùng cho các thầy cúng, già làng thực hiện lễ cúng trong tiếng cồng chiêng vang dội. Sau lễ cúng, các nài voi uống rượu cần, ăn thịt heo và đổ rượu lên đầu voi, khi ấy mới chính thức công nhận cho voi vào hội.
Hay là các nghi thức cúng bếp lửa, cầu nữ thần Mặt trời theo phong tục của người M'Nông, lấy lửa theo cách cổ xưa từ đá và từ tre, nứa. Đan xen trong đó là nghi lễ Gọi Yàng (Drông Yang) trong tiếng chiêng Aráp cổ truyền: “Hỡi thần lửa, thần mặt trời! Hãy ban cho buôn làng ngọn lửa, cho con trai khỏe mạnh, con gái duyên dáng, cho trẻ con tiếng cười... ơi Yàng”.
Bên cạnh đó là diễn tấu các loại chiêng Cưng Knah, Ky pah, Cung Bor, Goong pêh, Tưng Kok, đàn đá, múa nến,... Kết thúc lễ hội lửa, trong tay mọi người ai cũng được trao một cây nến lửa và cùng chung vui bên ché rượu cần, múa xoay quanh cột lễ, đống lửa khổng lồ. Đặc biệt, các nhạc cụ gọi là chiêng như trên đều làm bằng tre nứa, có tiếng kêu khi như tiếng đàn T'rưng gọi Tiên lúa về mừng mùa mới, khi lại róc rách như tiếng suối chảy, lúc như tiếng gió thổi trên ngàn, tiếng giã gạo,...
Theo Vietnamtourism
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn