Tác giả Lê Hảo - Thứ Ba, 22 / 3 / 2011 19:27
Nhập viện trong trạng thái gần như bại liệt hoàn toàn nhưng chỉ sau nửa ngày điều trị tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Hoàng Ngọc Long, 73 tuổi (Trần Khát Trân - Hà Nội) đã gần như hồi phục bình thường, bản thân người bệnh cũng khó tin với sự hồi phục kinh ngạc này. Ông Long cho biết, cơn đột quỵ xảy ra khi ông đang nằm nghỉ sau bữa trưa, đột nhiên ông thấy hơi khó chịu ở cổ, muốn đưa tay lên nới rộng cổ áo nhưng tay trái đã hoàn toàn mất cảm giác, ngay lập tức nước dãi cũng chảy ra mà không thể nuốt được. Ông muốn cất tiếng kêu cứu nhưng đã mất khả năng phát âm. Người nhà phát hiện ra ông có những biểu hiện bất thường và đưa đến Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Sau hơn một giờ từ khi có các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân đã hầu như liệt hoàn toàn, nhận thức lơ mơ, bệnh nhân được đặt trong tình trạng cấp cứu đặc biệt.
ThS. Mai Duy Tôn - đơn vị điều trị đột quỵ của khoa cho biết, đây là một trường hợp nhồi máu vùng thái dương phải do một cục máu đông chạy từ tim do rung nhĩ làm tắc mạch. Rất may là bệnh nhân được đưa đến trong thời gian dưới 3 giờ, vì thế biện pháp tốt nhất lúc này là chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc tiêu sợi huyết alteplase cùng các biện pháp điều trị thuốc đặc hiệu khác. Chỉ sau 3 giờ điều trị, trên phim chụp CT, cục máu đông gây tắc mạch đã không còn, vùng não bị nhồi máu đã được tái tưới máu kịp thời tích cực, bệnh nhân đã bắt đầu hồi phục được các chức năng. Ngay ngày hôm sau, người bệnh đã đi lại, ăn uống bình thường.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn - Trưởng phòng C4 Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, nguyên nhân phổ biến nhất của đột quỵ thuyên tắc mạch não do tim là rối loạn nhịp tim (rung nhĩ, hội chứng nút xoang bệnh lý), bệnh động mạch vành (nhồi máu cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ), bệnh thấp tim (hẹp van hai lá có hoặc không có rung nhĩ kèm theo), bệnh cơ tim giãn, van tim nhân tạo, u nhày nhĩ trái, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn... Các bệnh lý này hình thành những cục huyết khối, theo tuần hoàn, các cục huyết khối có thể làm tắc hoàn toàn một nhánh động mạch làm cho việc cung cấp máu cho các tổ chức phía xa bị đình trệ và gây ra các hậu quả trên lâm sàng.
Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ hàng năm khoảng 5%. Tuy nhiên, nguy cơ này thay đổi tuỳ theo sự hiện diện của một số yếu tố nguy cơ khác như lớn tuổi, tăng huyết áp, chức năng thất trái giảm, tiền sử đã bị thuyên tắc mạch do tim và đái tháo đường.
Theo PGS. Nguyễn Quang Tuấn, khi có nghi ngờ nhồi máu não do thuyên tắc mạch, cần kiểm tra hệ thống tim mạch một cách cẩn thận, kể cả những bệnh nhân trẻ và những người có bệnh sử tim mạch, các nhồi máu nhiều ổ hoặc nhồi máu xuất huyết hoặc các cơn động kinh khi khởi phát.
ThS. Mai Duy Tôn cho biết, các trường hợp đột quỵ do nhồi máu não đạt kết quả điều trị cao nếu được xử trí đúng trong thời gian dưới 3 giờ kể từ khi có những biểu hiện đầu tiên. Đây được gọi là “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ. Tất cả bệnh nhân nhồi máu não được cứu sống bằng điều trị thuốc tiêu sợi huyết, sau khi ra viện sẽ được hướng dẫn chế độ tập luyện, tái khám định kỳ và điều trị dự phòng để phòng tránh tái phát, đặc biệt là cần kiểm soát những nguyên nhân gây nhồi máu não như bệnh tim, xơ vữa động mạch.
Đáng tiếc là hiện nay nhận thức về đột quỵ trong cộng đồng còn nhiều hạn chế, người dân vẫn quan niệm là “trúng gió” và tự xử trí ở nhà bằng những biện pháp truyền miệng như cạo gió bằng dầu cao, giác hơi, thậm chí là hiện nay tại nhiều địa phương còn truyền miệng biện pháp lấy cây kim chích máu 10 đầu ngón tay bệnh nhân... làm mất thời gian quý giá của người bệnh. Mặc khác, các biện pháp điều trị các cục máu đông chưa được áp dụng ở các bệnh viện tuyến tỉnh, hiện tại cả miền Bắc cũng chỉ có ở Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Do đó, những bệnh nhân ở xa cũng khó có điều kiện tiếp cận với biện pháp điều trị này. Theo ThS. Tôn, cần có phải có các cơ sở chuyên sâu về hồi sức và đột quỵ để tiến hành điều trị cho bệnh nhân, phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên khoa cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cũng như phải có một nhóm các bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo chuyên sâu về đột quỵ để thực hiện dây chuyền chẩn đoán và dùng thuốc tiêu sợi huyết tốt.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ do nhồi máu não- Bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được; - Bệnh nhân đột ngột méo miệng, lệch miệng sang một bên; - Bệnh nhân đột ngột yếu, liệt, tê bì một nửa bên của người (tay, chân, mặt); - Bệnh nhân đột ngột đau đầu dữ dội; - Bệnh nhân đột ngột hôn mê, rối loạn ý thức. Cần làm gì trước một bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ?- Đặt bệnh nhân nằm đầu cao khoảng 30 - 45 độ, nghiêng đầu sang một bên nếu bệnh nhân có rối loạn ý thức hoặc hôn mê; - Lau sạch đờm dãi ở miệng. Không được cho bệnh nhân uống bất kì thuốc hay các loại nước gì vì nếu bệnh nhân hôn mê, rối loạn nuốt, khi dùng các thức này có thể gây sặc vào phổi. - Nhanh chóng gọi cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến một trung tâm y tế chuyên về đột quỵ càng sớm càng tốt. Bởi vì hiện nay, hầu hết bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện sớm trong vòng 3 giờ đầu, thậm chí trong vòng 4,5 giờ đầu có thể sẽ được điều trị rất tốt bằng các thuốc làm tan cục máu đông. Sắp có thuốc điều trị tiêu sợi huyết trong thời gian đột quỵ 8 giờ, đây sẽ là cơ hội cho bệnh nhân đột quỵ được cứu sống nhiều hơn kể cả người ở xa, xử trí muộn. |
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn